Xây dựng Luật Đăng ký bất động sản nhằm cải cách hệ thống cơ quan đăng ký bất động sản và tạo bước đột phá về cấp Giấy chứng nhận

10/06/2008
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Cải cách hệ thống cơ quan đăng ký bất động sản và tạo bước đột phá về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất là nội dung được nhiều đại biểu tập trung đóng góp ý kiến tại cuộc họp giới thiệu và góp ý dự thảo Luật Đăng ký bất động sản do Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, Bộ Tư pháp tổ chức vào ngày 28/5/2008.

Theo ông Ngô Trọng Khang - Giám đốc Văn phòng đăng ký nhà và đất thành phố Hà Nội, thì mô hình cơ quan quản lý và đăng ký bất động sản ở nước ta hiện nay chưa rõ ràng và chưa tập trung vào một đầu mối, quy trình cấp Giấy chứng nhận chưa thực sự nhanh chóng, thuận tiện và hợp lý. Vì vậy, Luật Đăng ký bất động sản với vị trí là luật chung, điều chỉnh thống nhất lĩnh vực đăng ký bất động sản cần phải có những quy định mang tính cải cách nhằm khắc phục những bất cập, vướng mắc hiện nay. Theo đó, nên xây dựng mô hình cơ quan quản lý và đăng ký tập trung, thống nhất đối với mọi loại bất động sản; xây dựng hệ thống các Văn phòng đăng ký bất động sản để thực hiện thẩm quyền đăng ký theo địa hạt và giao quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất cho Văn phòng này.
Liên quan đến việc cấp Giấy chứng nhận, ông Ngô Trọng Khang cung cấp thêm một số thông tin: hiện một số quốc gia như Canada, Nhật Bản và một số nước không thực hiện việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký bất động sản, mà thông tin về bất động sản được lưu giữ tại cơ quan đăng ký và cung cấp dưới dạng bản sao khi người dân có yêu cầu. Từ đó, ông cho rằng dự án Luật Đăng ký bất động sản cần tham khảo để vận dụng những kinh nghiệm này, nhằm tạo một bước cải cách về thủ tục, giảm các chi phí cho việc cấp giấy, đồng thời ngăn ngừa việc làm giả, mất mát, hư hỏng Giấy chứng nhận khi giao cho người dân nắm giữ.
Đại diện cho Hiệp hội Ngân hàng, Bà Dương Thu Hương - Tổng Thư ký Hiệp hội bày tỏ quan điểm đồng tình với mục tiêu cải cách hành chính mãnh mẽ được thể hiện trong Dự luật. Đồng thời cho rằng, việc xây dựng cơ quan đăng ký phải đáp ứng được yêu cầu về cải cách hành chính, giảm đầu mối cơ quan, giảm phiền hà và tạo thuận lợi cho người dân khi thực hiện đăng ký. Để làm được điều này cần phải xác định được cơ chế phối hợp giữa cơ quan đăng ký và các cơ quan khác có liên quan như thuế, công chứng... Theo đó, cần lựa chọn một trong 2 phương án sau đây:
Thứ nhất, giấy tờ và các công đoạn của công việc được các cơ quan tự liên thông với nhau, người dân chỉ phải đến “một cửa” để nộp hồ sơ và nhận kết quả đăng ký. Ngoài ra, cần tính đến cơ chế uỷ quyền cho cơ quan đăng ký trong một số công việc thuộc thẩm quyền của cơ quan khác ví dụ như, ủy quyền thu thuế...
Thứ hai, tại cơ quan đăng ký có đại diện của các cơ quan có liên quan đến quy trình đăng ký, như công chứng, thuế, đo đạc bản đồ, kiểm tra cấp giấy... để giải quyết các công đoạn liên quan đến quy trình đăng ký.
Ngoài những nội dung trên, có một số nội dung khác được các đại biểu quan tâm góp ý, như:
- Về đối tượng đăng ký, đa số đại biểu cho rằng nên áp dụng cơ chế đăng ký bắt buộc đối với tất cả các trường hợp quy định tại dự thảo, nhằm công khai, minh bạch tình trạng pháp lý của bất động sản, ngăn ngừa những rủi ro trong giao dịch về bất động sản. Đồng thời, qua đó Nhà nước cơ chế để quản lý bất động sản một cách đầy đủ, kiểm soát các giao dịch về bất động sản trong thị trường bất động sản.
- Về hiệu lực của việc đăng ký, đa số ý kiến cho rằng, việc đăng ký chỉ làm phát sinh hiệu lực đối kháng đối với bên thứ ba, mà không phải là điều kiện để giao dịch có hiệu lực.
- Về cơ quan quản lý, đa số các đại biểu tán thành với quan điểm thống nhất chức năng quản lý đăng ký bất động sản vào một đầu mối, cụ thể là giao cho Bộ Tài Nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về đăng ký bất động sản trong phạm vi cả nước.
- Về thời hạn thực hiện việc đăng ký: đa số ý kiến đồng ý với thời hạn thực hiện việc đăng ký quy định tại dự thảo. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng thời hạn này cần được cân nhắc phù hợp với đặc trưng vùng, miền, ví dụ đối với các tỉnh, thành phố lớn do khối lượng hồ sơ phải giải quyết rất nhiều, hay với các vùng sâu, vùng xa do việc đi lại khó khăn nên cần quy định thời hạn cho phù hợp.
- Về mối quan hệ giữa Luật Đăng ký bất động sản với Luật khác, có nhiều ý kiến cho rằng Dự thảo phải làm rõ mối quan hệ giữa Luật này với các Luật khác có liên quan, như Luật Đăng ký giao dịch bảo đảm, Luật Đất đai..., nhằm tránh sự trùng lắp, mâu thuận hoặc khó khăn cho việc thực thi trong thực tế.
Như vậy, những ý kiến góp ý chủ yếu đều xoay quanh mục tiêu cải cách mạnh mẽ hệ thống cơ quan đăng ký, cơ quan quản lý bất động sản và cải cách thủ tục cấp Giấy chứng nhận. Và, như một ý kiến phát biểu: đây là thời điểm thích hợp nhất để chúng ta thể hiện những tư tưởng cải cách vào dự án Luật Đăng ký bất động sản./.
 
 Thu Thuỷ - Cục Đăng ký
 

Xem thêm »