Tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất: Chậm – vì sao?

20/06/2008
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Hôm qua, 19/6 tại Hà Nội Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị tổng kết việc triển khai công tác đăng ký bất động sản. Một trong những nội dung được quan tâm nhiều nhất là việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và công trình xây dựng hiện nay đều rất chậm. Vì sao có tình trạng này? Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên – môi trường, đến

Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên – môi trường, đến hết 2004, tỷ lệ cấp giấy chứng nhận (GCN) rất hạn chế. Cao nhất là đất sản xuất nông nghiệp cấp được trên 12 triệu giấy, chiếm 75% diện tích cần cấp, và thấp nhất là đất chuyên dùng chỉ cấp được gần 39 ngàn giấy, đạt trên 15%. Sau khi Luật Đất đai 2003 có hiệu lực, công tác cấp GCN quyền sử dụng đất đã được đẩy mạnh hơn nhưng tỷ lệ cũng rất khiêm tốn. Đến nay 13 tỉnh cấp GCN đạt trên 90%, 14 tỉnh đạt từ 80 đến 90%, 10 tỉnh đạt từ 70 – 80%; 27 tỉnh còn lại đạt dưới 70%. Với từng loại đất tỷ lệ này cũng đạt khác nhau, nhưng đáng lưu ý nhất là đất ở tại đô thị có đến 20 tỉnh đạt dưới 50% và đất lâm nghiệp có 31 tỉnh đạt dưới tỷ lệ này.

Tiến độ cấp GCN quyền sở hữu nhà, công trình xây dựng (thống kê của 46 địa phương) theo Báo cáo của Bộ Xây dựng tính đến ngày 27/5/2008 đã cấp tổng số trên 830 ngàn giấy (qua các thời kỳ khác nhau). Theo thống kê, trong số 46 địa phương thì có đến 13 địa phương chưa thực hiện việc cấp giấy.

Đánh giá về tiến độ cấp GCN quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở, công trình xây dựng, cả hai Bộ Tài nguyên – môi trường và Bộ Xây dựng đều thừa nhận là còn chậm. Đối với hoạt động cấp GCN quyền sử dụng đất nguyên nhân chủ yếu là việc vận dụng các quy định của Luật Đất đai chưa phù hợp, vẫn còn tình trạng gây phiền hà cho người dân khi làm thủ tục cấp GCN, việc cấp GCN chưa được thực hiện đồng bộ với việc lập hồ sơ địa chính, các biến động về đất đai cũng chưa được chỉnh lý kịp thời. Đối với việc cấp GCN quyền sở hữu nhà, công trình xây dựng còn có nguyên nhân khác là do hồ sơ phân tán, chưa tập trung và chưa có hệ thống dữ liệu trên mạng, đội ngũ cán bộ thực hiện việc cấp giấy còn mỏng…

Cơ quan quản lý nêu khó khăn, người dân bấy lâu cũng kêu ca không ít về những phiền toái trong thủ tục cấp GCN, rồi các loại “giấy hồng, giấy đỏ” thay đổi đến chóng mặt. Để đăng ký cho một thửa đất có cả tài sản trên đất người dân phải gõ cửa nhiều cơ quan khác nhau. Phân tích vấn đề này ông Đỗ Đức Đôi, Tổng cục quản lý đất đai cho rằng: tới đây chỉ nên có một hệ thống đăng ký, nhiều hệ thống như hiện nay là lãng phí, là khó khăn cho cả nhà nước và nhân dân. Cần phải tiến tới cấp GCN điện tử (thay vì thủ công như hiện nay) để tránh phiền hà, sách nhiễu. Hiện nay Đồng Nai và Nam Định là hai địa phương đã thực hiện thành công mô hình này.

Cùng ý kiến với ông Đôi, đại diện đến từ Bộ Xây dựng đề xuất: cần phải thống nhất một loại giấy nhưng trên cơ sở vẫn giữ nguyên giá trị của các loại giấy đã cấp. Để tiện cho việc theo dõi các biến động của bất động sản, thuận tiện cho người dân trong việc tìm hiểu, tra cứu thông tin thì phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan có liên quan, cần có cơ chế chia sẻ thông tin và đặc biệt là khẩn trương xây dựng và hoàn thiện hệ thống dữ liệu điện tử.

Bà Nguyễn Thuý Hiền, Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, Bộ Tư pháp cho biết: để khắc phục những yếu kém trong việc cấp GCN nói riêng và công tác đăng ký bất động sản nói chung, một trong những giải pháp cơ bản là hoàn thiện pháp luật về đăng ký bất động sản, trong đó tập trung xây dựng và ban hành Luật đăng ký bất động sản (do Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo – PV). Trên cơ sở đánh giá thực tiễn công tác này, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục có những điều chỉnh để trình Chính phủ Dự án Luật nói trên. Theo Dự thảo Luật này, có rất nhiều thay đổi so với pháp luật về đăng ký bất động sản hiện hành, ví dụ như đăng ký bất động sản theo địa hạt, Văn phòng đăng ký bất động sản sẽ cấp GCN thay vì UBND tỉnh, huyện như hiện nay…

Bình An

Xem thêm »