Thực tiễn công tác thẩm định VBQPPL ở địa phương

10/07/2008
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Hoạt động thẩm định văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) của các cơ quan tư pháp có ý nghĩa và vai trò rất quan trọng trong công tác xây dựng và ban hành VBQPPL ở địa phương. Tuy nhiên, thực tế thời gian qua cho thấy, quy trình này đã và đang gặp vướng mắc ở nhiều khâu. Vừa qua, Viện Khoa học pháp lý- Bộ Tư pháp và Sở Tư pháp Lào Cai đã phối hợp tổ chức hội thảo khoa học về thực tiễn công tác thẩm định VBQPPL của các cơ quan tư pháp địa phương. Tại hội thảo, thực tiễn công tác thẩm định VBQPPL đã được tập trung phân tích nhằm đưa ra giải pháp hoá giải những khó khăn...

Bài 1 :  CHẤT LƯỢNG DỰ THẢO VĂN BẢN – ĐÁNG LO! 

Bài tham luận của Ts Lê Hồng Sơn – Cục trưởng Cục Kiểm tra VBQPPL, Bộ Tư pháp đã “châm ngòi” cho các ý kiến bày tỏ lo ngại của cơ quan tư pháp địa phương về chất lượng VBQPPL đã ban hành cũng như chất lượng dự thảo VBQPPL cần thẩm định...

            Theo thống kê của Ts Lê Hồng Sơn, phần lớn văn bản do HĐND và UBND cấp tỉnh đã được ban hành đúng thẩm quyền, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế – xã hội từng địa phương. Tuy nhiên, số lượng văn bản có dấu hiệu sai trái cũng không nhỏ. Theo số liệu thống kê năm 2005, các văn bản của chính quyền cấp tỉnh được kiểm tra là 129.989 văn bản, trong đó số văn bản trái pháp luật là 2.826 văn bản. Các văn bản trái pháp luật thuộc tất cả các lĩnh vực và thường sai một trong năm nội dung: căn cứ ban hành văn bản; thẩm quyền ban hành văn bản; tính hợp hiến, hợp pháp của văn bản; thể thức, kỹ thuật trình bày; thủ tục xây dựng, ban hành, đăng công báo công bố văn bản.

            Những dẫn chứng cụ thể đã được ông Sơn đã đưa ra như, từ nửa đầu năm 2005 trở về trước, văn bản được soạn thảo, ban hành sai thể thức, kỹ thuật là khá phổ biến, chiếm khoảng 70 đến 80% văn bản được ban hành của mỗi tỉnh, cá biệt có nơi chiếm tới trên 80%. Các sai phạm về thể thức thường thấy là: văn bản được ban hành sai số, ký hiệu; sai văn phong, kỹ thuật trình bày văn bản; sai chính tả, ngữ pháp; thiếu tên cơ quan cần gửi văn bản trong phần nơi nhận… Thậm chí,  có trường hợp văn bản là chỉ thị của UBND tỉnh, đã được cơ quan soạn thảo xây dựng thành một khổ liền, không có ngắt đoạn. Các lỗi sai về văn phong trình bày trong nội dung văn bản được thể hiện hết sức “phong phú”, tuy nhiên thường thấy trong trường hợp cơ quan soạn thảo, ban hành văn bản đã sử dụng ngôn ngữ đời thường để quy định thời điểm có hiệu lực của văn bản. Chẳng hạn, “quy định này có hiệu lực kể từ khi quyết định ban hành quy định này có hiệu lực”, hoặc “quyết định này có hiệu lực kể từ vụ hè thu” ...

Văn bản ban hành sai nội dung chiếm khoảng 6 đến 7% VBQPPL được ban hành, cá biệt, có tỉnh số văn bản sai nội dung lên tới 10%. Nghiên cứu các nội dung sai trái của các văn bản đã kiểm tra cho thấy, có nhiều mức độ trái pháp luật khác nhau và chủ yếu sai nhiều về viện dẫn căn cứ pháp lý ban hành văn bản, quy định ngày có hiệu lực của văn bản. Tuy nhiên, theo Ts Lê Hồng Sơn, điều đáng quan tâm là số văn bản sai về thẩm quyền ban hành (vượt quá thẩm quyền nội dung hoặc không đúng thẩm quyền nội dung của cơ quan ban hành văn bản), nội dung văn bản không phù hợp với văn bản quy phạm pháp luật cơ quan nhà nước cấp trên. Các văn bản này chiếm khoảng 5% tổng số văn bản được phát hiện có dấu hiệu sai trái về nội dung và tập trung vào một số lĩnh vực như: biên chế, công chức, công vụ, phí, lệ phí, đất đai, lao động, xử lý vi phạm hành chính trong các lĩnh vực giao thông và quản lý, bảo vệ rừng …Cá biệt, có trường hợp UBND tỉnh ban hành văn bản tự quy định phạm vi biên giới(!)

Chia sẻ với mối lo ngại của người đứng đầu Cục Kiểm tra VBQPPL, bà Nguyễn Thị Lan – Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai, nguyên Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Lào Cai cho biết, dù rằng trong những năm gần đây các cơ quan chủ trì soạn thảo của tỉnh đã quan tâm đến chất lượng soạn thảo văn bản, tuy nhiên có thể đánh giá rằng hầu hết chất lượng các dự thảo VBQPPL do các cơ quan chuyên môn được UBND tỉnh giao soạn thảo hầu hết chưa cao, chưa đảm bảo yêu cầu về thể thức, kỹ thuật trình bày, ngôn ngữ; thiếu tính điều chỉnh toàn diện các vấn đề được đề cập, không đưa ra được qui định cụ thể để giải quyết các vướng mắc trong thực tiễn. Nhiều dự thảo văn bản sao chép lại nội dung của Thông tư, Nghị định hoặc soạn thảo không mang tính trách nhiệm cao... gây khó khăn cho cơ quan thẩm định văn bản.

Theo đại diện Sở Tư pháp Yên Bái, sở dĩ chất lượng soạn thảo văn bản đáng lo như vậy vì trong quá trình xây dựng và gửi thẩm định các dự thảo văn bản, việc nhận biết, phân biệt giữa VBQPPL với văn bản áp dụng pháp luật, văn bản cá biệt của cán bộ, chuyên viên được giao nhiệm vụ tham mưu soạn thảo dự thảo VBQPPL còn hạn chế, nhầm lẫn. Nên dẫn đến tình trạng HĐND, UBND tỉnh còn ban hành nhiều văn bản có nội dung cá biệt dưới hình thức VBQPPL. Việc gửi các dự thảo văn bản không phải VBQPPL để thẩm định và các dự thảo văn bản là VBQPPL lại không được xây dựng đúng quy trình pháp luật quy định  vẫn còn xẩy ra...

Năm 2006, 2007 Sở Tư pháp Tuyên Quang đã tiến hành kiểm tra VBQPPL ở các huyện, thị xã. Qua kiểm tra phát hiện 172/295 văn bản có nội dung không phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành (chiếm tỷ lệ 50,74%). Theo đánh giá của đại diện Sở Tư pháp Tuyên Quang,  bên cạnh sự yếu kém của khâu thẩm định, thì chất lượng văn bản dự thảo không đảm bảo (như không đưa ra được qui định cụ thể để giải quyết các vướng mắc trong thực tiễn, chưa đảm bảo yêu cầu về thể thức, kỹ thuật trình bày, ngôn ngữ; thiếu tính điều chỉnh toàn diện các vấn đề được đề cập...) cũng chính là nguyên nhân khiến cho tỷ lệ VBQPPL sai trái cao như vậy.

 

Theo Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp, chất lượng chưa cao của một số dự án, dự thảo gửi thẩm định có ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng của hoạt động thẩm định Thực tế thẩm định của Bộ Tư pháp cho thấy, một số dự thảo văn bản gửi đến thẩm định với nội dung quá sơ sài (có những dự thảo Nghị định chỉ vẻn vẹn khoảng trên 10 điều khoản, nội dung rất chung chung). Đây là một nguyên nhân cũng cần tính đến khi đánh giá công tác thẩm định một cách khách quan, thấu đáo.

Bài 2 :  CÁN BỘ THẨM ĐỊNH - CHẤT LƯỢNG CHƯA TỚI! 

Trong các điều kiện đảm bảo cho hoạt động thẩm định, có thể nói điều kiện cán bộ có ý nghĩa quyết định chất lượng của văn bản thẩm định...Tuy nhiên, đây cũng là vấn đề nan giải không chỉ với các cơ quan tư pháp địa phương, mà ngay cả với cơ quan tư pháp cấp  trung ương là Bộ Tư pháp

Thẩm định văn bản quy phạm pháp luật là một hoạt động mang tính chuyên môn cao, đòi hỏi cán bộ phải nắm chắc nghiệp vụ thẩm định, có kinh nghiệm bề dầy trong lĩnh vực hoạt động chuyên môn, nắm bắt đầy đủ hệ thống pháp luật hiện hành của trung ương và địa phương, cũng như am hiểu chủ trương chính sách của Đảng, các văn bản pháp luật quốc tế vì Việt Nam đã gia nhập WTO. Tuy nhiên, đối với các địa phương, dường như đây là một yêu cầu quá cao đối với đội ngũ cán bộ làm công tác thẩm định VBQPPL.

Bà Phan Thị Nguyệt, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Lào Cai cho biết, Sở luôn nhận được rất nhiều yêu cầu thẩm định văn bản, trong khi đó cán bộ thẩm định của Sở lại quá ít, mới tuyển dụng. Có đến 2/3 số chuyên viên hiện nay của Phòng văn bản pháp qui đang trong thời gian công chức dự bị, chưa hết thời gian tập sự, trình độ chuyên môn chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Tương tự Lào Cai, tại Yên Bái, Tuyên Quang, đội ngũ cán bộ tư pháp của các Phòng Tư pháp cấp huyện vì mới được tái thành lập trong thời gian chưa lâu, nên chưa thể đảm bảo cho công tác xây dựng, thẩm định dự thảo văn bản. Bên cạnh đó chuyên viên làm công tác xây dựng và kiểm tra VBQPPL ở Sở Tư pháp thì hầu hết còn trẻ, kinh nghiệm công tác còn mỏng, đang trong thời gian hoàn thiện về trình độ chuyên môn. Do đó, thời gian đầu tư cho công tác không nhiều, không cập nhật được các thông tin, chính sách, văn bản pháp luật phục vụ cho công tác chuyên môn, dẫn đến ảnh hưởng không nhỏ tới công tác tư pháp nói chung và công tác xây dựng, thẩm định dự thảo văn bản nói riêng.

Là cơ quan tư pháp cấp trung ương, nhưng Bộ Tư pháp cũng thường xuyên phải đối mặt với  sự khó khăn ở khâu chất lượng cán bộ thẩm định VBQPPL. Các đơn vị thường xuyên chủ trì thẩm định như Vụ Pháp luật dân sự, kinh tế, Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính, Vụ Pháp luật quốc tế luôn ở trong tình trạng quá tải về công việc do thiếu cán bộ thẩm định. Chất lượng cán bộ không đồng đều cũng là một vấn đề đáng lo ngại đối với công tác thẩm định. Hiện nay, ở một số đơn vị thẩm định, số lượng chuyên viên có kinh nghiệm thẩm định lâu năm, chuyên viên chính chiếm tỷ lệ quá ít (Vụ Pháp luật dân sự kinh tế có 7 chuyên viên chính/27 chuyên viên, Vụ Pháp luật quốc tế có 07 chuyên viên chính /23 chuyên viên). Thực tế đã chứng minh rằng cùng một dự án, dự thảo văn bản, nếu giao cho hai chuyên viên có trình độ khác nhau xử lý thì kết quả sẽ hoàn toàn khác nhau. Không thể phủ nhận là cán bộ trẻ có sự nhiệt tình, có nền tảng đào tạo cơ bản, tuy nhiên, bề dày kinh nghiệm thẩm định chưa có, kỹ năng thẩm định chưa sâu, nên nhiều khi không thể phát hiện được hết vấn đề, đặc biệt khi thẩm định tính khả thi của dự thảo văn bản.

Đa số cán bộ thẩm định của Bộ Tư pháp chỉ được trang bị kiến thức pháp lý chuyên môn thuần tuý mà thiếu các kiến thức chuyên ngành khác, trong khi thẩm định là một công việc phức tạp, đòi hỏi cán bộ phải có các kiến thức tương đối tổng hợp (Chỉ tính riêng trong năm 2007, tổng số văn bản mà Bộ Tư pháp phải thẩm định đã lên tới 315 văn bản bao gồm 34 lĩnh vực pháp luật khác nhau). Đây là một hạn chế không nhỏ  đối với cán bộ thẩm định. Bên cạnh đó, ý thức trách nhiệm của một số cán bộ làm công tác thẩm định chưa cao. Vẫn còn một số ít những người làm công tác thẩm định nhận thức về hoạt động thẩm định  rất đơn giản, không thực sự hiểu rõ vai trò, vị trí của công tác thẩm định, dẫn đến việc hoặc có thái độ coi thường, chưa tổ chức công việc này xứng tầm của nó; hoặc thiếu trách nhiệm, dành không nhiều thời gian đầu tư nghiên cứu hồ sơ, phát biểu thẩm định nhiều khi mang tính chủ quan cá nhân...

 

Bà Đặng Thị Thoa- Trưởng Phòng Văn bản pháp quy – Sở Tư pháp Lào Cai :

Cùng với đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng, số lượng văn bản cần thẩm định năm sau tăng hơn năm trước, công tác thẩm định văn bản đang gây áp lực, trở ngại tâm lý cho những người trực tiếp thực hiện. Bên cạnh đó, trách nhiệm mà những người làm công tác thẩm định dự thảo VBQPPL đối với chất lượng của VBQPPL sau khi đã được cơ quan có thẩm quyền ban hành cũng không nhỏ. Trong khi đó, lại không có quy định cụ thể về điều kiện, tiêu chuẩn của công chức được tuyển dụng bố trí vào bộ phận làm công tác thẩm định. Đây chính là những nguyên nhân khiến không ‘‘giữ chân’’ được cán bộ làm công tác lâu dài, không thu hút được cán bộ tình nguyện làm công tác này. Những người công tác tại bộ phận thẩm định văn bản luôn tìm kiếm cơ hội thuận lợi xin chuyển sang bộ phận khác, cơ quan khác ít chịu áp lực hơn. Khi đó, cơ quan tư pháp lại tuyển dụng nhân sự mới. Khi tuyển mới đa số là sinh viên mới ra trường về số lượng biên chế là đủ nhưng hiệu quả công việc không cao 

Bài 3 :  SỰ PHỐI HỢP  GIỮA CƠ QUAN THẨM ĐỊNH VÀ CƠ QUAN SOẠN THẢO - “CỰC CHẲNG ĐÔ? 

Trên thực tế khi xây dựng một dự thảo VBQPPL, không phải các dự thảo khi gửi thẩm định đều đạt yêu cầu,và được cơ quan tư pháp thẩm định nhất trí với nội dung dự thảo. Có lẽ, cũng vì vậy nên nhiều lúc mối quan hệ, phối hợp giữa hai cơ quan này đã trở thành việc “cực chẳng đã”...

Thực tế cho thấy, cơ chế phối hợp giữa cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan thẩm định tại các địa phương trong quá trình tổ chức thẩm định đang gặp phải một số tồn tại như: việc tuân thủ các quy định của pháp luật về việc có đại diện  của cơ quan thẩm định tham gia vào quá trình soạn thảo chưa  được các cơ quan chủ trì soạn thảo và  ngay cả cơ quan thẩm định thực hiện một cách nghiêm túc; cơ quan chủ trì soạn thảo không chấp hành đúng quy định về  thời hạn và thủ tục gửi hồ sơ thẩm định, khiến cơ quan thẩm định rơi vào tình thế bị động, thiếu thời gian vật chất để tổ chức công tác thẩm định;  trong một số ít  trường hợp, cơ quan chủ trì soạn thảo không gửi hồ sơ thẩm định cho cơ quan thẩm định; việc tiếp thu ý kiến thẩm định  của cơ quan thẩm định còn khá nhiều hạn chế...

Theo bà Nguyễn Thị Lan – Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai, nguyên Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Lào Cai, theo quy định của pháp luật, cơ quan chủ trì soạn thảo phải gửi hồ sơ thẩm định cho Sở Tư pháp trước 15 ngày, hồ sơ thẩm định gồm 4 loại tài liệu: Công văn yêu cầu thẩm định;Tờ trình và dự thảo; Bản tổng hợp ý kiến về dự thảo;Các tài liệu có liên quan. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, về mặt thời gian gửi dự thảo cơ quan chủ trì soạn thảo ở tỉnh Lào Cai thường không thực hiện đúng quy định, khi lãnh đạo UBND đôn đốc thì mới triển khai thực hiện, do đó khi gửi sang Sở Tư pháp thẩm định thì hầu hết các cơ quan này đều yêu cầu lấy ngay vì đã gần hết thời gian thẩm định. Hồ sơ gửi thẩm định thì cơ quan chủ trì soạn thảo thường chỉ gửi 02 loại tài liệu gồm công văn yêu cầu thẩm định và dự thảo văn bản. Thậm chí, cơ quan chủ trì soạn thảo còn thường nhầm lẫn giữa công văn yêu cầu thẩm định và tờ trình. Trong khi đó, nội dung của tờ trình rất quan trọng chứa đựng rất nhiều thông tin giúp cho cơ quan thẩm định biết được sự cần thiết ban hành văn bản, quá trình xây dựng dự thảo, nội dung chính của dự thảo, những vấn đề cần xin ý kiến chỉ đạo và những vấn đề còn có ý kiến khác nhau.

Mặt khác, theo quy định Điều 40 Luật Ban hành VBQPPL của HĐND, UBND thì “Đại diện cơ quan soạn thảo trình bày dự thảo Quyết định, Chỉ thị; đại diện cơ quan tư pháp trình bày báo cáo thẩm định” tại những phiên họp của HĐND, UBND. Nhưng thực tế, dự thảo văn bản khi được đưa ra phiên họp ngoài những nội dung đã được cơ quan soạn thảo chỉnh lý trên cơ sở báo cáo thẩm định của Sở Tư pháp, còn bổ sung thêm nội dung khác mới hoàn toàn chưa hề được thẩm định. Mà dự thảo văn bản trình ra phiên họp lại không được gửi trước cho Sở Tư pháp, do đó đại diện Sở Tư pháp không thể phát biểu chính xác kết quả việc đối chiếu thẩm định các nội dung mới bổ sung ngay tại phiên họp do thiếu thông tin pháp luật.

Việc tiếp thu ý kiến thẩm định của cơ quan được giao soạn thảo dự thảo văn bản cũng rất hạn chế. Vì Luật Ban hành VBQPPL của HĐND, UBND không quy định việc tiếp thu ý kiến thẩm định là bắt buộc nên trong trường hợp bất đồng quan điểm giữa cơ quan thẩm định và cơ quan soạn thảo, thì cơ quan soạn thảo vẫn giữ nguyên các quy định trình HĐND, UBND ban hành.

Tại Yên Bái, trong quá trình thẩm định các dự thảo VBQPPL, ý kiến thẩm định của cơ quan tư pháp địa phương nhiều khi không được cơ quan soạn thảo văn bản và cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản chấp nhận, nhất là đối với việc cơ quan tư pháp chưa nhất trí thẩm định một số dự thảo văn bản chỉ căn cứ vào thẩm quyền, vào văn bản chỉ đạo của Đảng, mà không có căn cứ luật nội dung; hoặc một số quy định trong dự thảo văn bản vượt quá thẩm quyền…Về vấn đề này, Luật Ban hành VBQPPL của HĐND, UBND cũng không quy định về giá trị pháp lý của văn bản thẩm định, chỉ quy định một cách chung chung tại Điều 24 và Điều 38 của Luật là: dự thảo Nghị quyết của HĐND, dự thảo Quyết định, Chỉ thị của UBND tỉnh phải được cơ quan Tt pháp cùng cấp thẩm định trước khi trình UBND. Do đó văn bản chưa thẩm định (bác thẩm định ) của cơ quan tư pháp không được cơ quan soạn thảo văn bản và cơ quan có thẩm quyền chấp nhận. Một số dự thảo văn bản sau khi cơ quan tư pháp có ý kiến chưa  thẩm định vẫn được ban hành...

Trên 30% tổng số hồ sơ thẩm định yêu cầu thẩm định gửi đến Bộ Tư pháp phải bổ sung

Ở Bộ Tư pháp, việc nhận được hồ sơ thẩm định quá chậm từ các cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản là tình trạng khá phổ biến hiện nay. Một số cơ quan chủ trì soạn thảo gửi công văn yêu cầu thẩm định sang cho Bộ Tư Pháp trong một khoảng thời gian khá gấp (cá biệt có những trường hợp gửi dự thảo để thẩm định trước phiên họp Chính phủ chỉ 1-2 ngày), dẫn đến tình trạng cơ quan thẩm định thường xuyên  phải “chạy đua” về thời gian thẩm định, gây ra những lúng túng, khó khăn không nhỏ trong việc tổ chức hoạt động thẩm định. Thực trạng này ảnh hưởng đến tiến độ và cả chất lượng thẩm định văn bản do không đủ thời gian vật chất để thẩm định kỹ càng.

 Bên cạnh đó, việc cơ quan chủ trì soạn thảo cung cấp hồ sơ không đầy đủ cho cơ quan thẩm định là tình trạng xảy ra khá thường xuyên (theo thống kê của Văn phòng Bộ, khoảng trên 30% tổng số hồ sơ thẩm định được gửi đến Bộ Tư pháp phải bổ sung). Đặc biệt, đối với việc thẩm định dự thảo điều ước quốc tế thì việc tuân thủ thời hạn và thủ tục gửi hồ sơ thẩm định càng thiếu nghiêm túc và chặt chẽ. Trong một số ít  trường hợp, cơ quan chủ trì soạn thảo không gửi hồ sơ đề nghị  thẩm định cho Bộ Tư pháp, mà gửi thẳng dự án, dự thảo văn bản lên Văn phòng Chính phủ. Khi Văn phòng Chính phủ kiểm tra, thấy chưa có ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp đã gửi Công văn đề nghị và chuyển hồ sơ để Bộ Tư pháp thẩm định theo quy trình.   

Bộ Tư pháp cũng chưa bao giờ nhận được văn bản giải trình của  quan chủ trì soạn thảo sau khi có ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp mặc dù pháp luật quy định đây là trách nhiệm của cơ quan chủ trì. 

Bài 4 :  ĐỂ VĂN BẢN “SỐNG” ĐƯỢC, CẦN LÀM GÌ?

“Nóng ruột” trước thực trạng của công tác thẩm định VBQPPL, gần như 100% đơn vị, cá nhân dự buổi hội thảo khoa học về thực tiễn công tác thẩm định VBQPPL của các cơ quan tư pháp địa phương đã tham gia hiến kế để hoá giải những tồn tại...

Ông Phan Đăng Toàn - Phó Trưởng Phòng chuyên viên tổng hợp – Văn phòng UBND tỉnh Lào Cai:

Sự phối hợp giữa cơ quan tư pháp và cơ quan chủ trì soạn thảo có thể tăng cường dưới hình thức như: Cơ quan tư pháp cử chuyên viên để tư vấn về trình tự, kỹ thuật soạn thảo văn bản cho cơ quan chủ trì soạn thảo. Đồng thời qua đó để tìm hiểu, nắm chắc những nội dung, những vấn đề có tính chất chuyên ngành của cơ quan chủ trì nhằm hiểu rõ hơn về những vấn đề mà dự thảo quy định. Đối với cơ quan soạn thảo văn bản: cung cấp đầy đủ thông tin theo hồ sơ thẩm định, (tài liệu, bản tổng hợp ý kiến tham gia, bản thuyết trình) và kèm theo bản tiếp thu ý kiến thẩm định khi gửi hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền ban hành.   

Bà Nguyễn Thị Lan – Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai:

Vì tính đặc thù của công tác thẩm định VBQPPL cho nên cán bộ làm công tác thẩm định phải được thủ trưởng cơ quan tạo điều kiện tham dự các cuộc họp của HĐND, các cuộc họp giao ban tháng, quý của UBND, các hội nghị tổng kết luật ở địa phương, được ưu tiên cung cấp tài liệu đầy đủ, trang bị những phương tiện thuận lợi để tra cứu, nắm bắt các thông tin giúp cán bộ làm công tác thẩm định nắm vững diễn biến của việc sửa đổi, bổ sung, hệ thống hoá, đánh giá những mặt tồn tại, hạn chế, sai sót đối của văn bản, cũng như dự đoán được tính khả thi của văn bản.

Bà Phan Thị Nguyệt – Phó Giám đốc Sở Tư pháp Lào Cai:

 Công tác đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác thẩm định của Sở Tư pháp, cộng tác viên kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, cán bộ pháp chế ngành của địa phương cần được thực hiện hằng năm, có các chuyên đề tập huấn phù hợp, vì các quy định pháp luật thường xuyên được sửa đổi, bổ sung, ban hành mới.Bộ Tư pháp cũng cần quan tâm hơn nữa đến tổ chức triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học ứng dụng, tổ chức các hội thảo, toạ đàm khoa học về công tác này. Trong nội dung chương trình đào tạo cử nhân luật của các trường đại học nên bố trí các chuyên đề kỹ năng như “kỹ thuật xây dựng văn bản”, “kỹ năng thẩm định văn bản QPPL” để tạo nguồn cán bộ thực hiện công tác xây dựng pháp luật nói chung, cán bộ thẩm định văn bản QPPL, cán bộ pháp chế ngành nói riêng.

Đại diện Sở Tư pháp Yên Bái:  

Để đảm bảo cho công tác thẩm định dự thảo văn bản quy phạm pháp luật phát huy tác dụng trong hoạt động lập pháp tại địa phương, cơ quan lập pháp cần hoàn thiện hệ thống pháp luật điều chỉnh trong lĩnh vực văn bản địa phương mà cụ thể là sửa đổi, bổ sung Luật Ban hành VBQPPL của HĐND, UBND như:Cần có điều khoản quy định cụ thể về giá trị pháp lý của văn bản thẩm định để nâng cao trách nhiệm pháp lý của cơ quan thẩm định dự thảo văn bản cũng như cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản và cơ quan soạn thảo văn bản; Sửa đổi, bổ sung Điều 27 và 38 Luật Ban hành VBQPPL của HĐND, UBND theo hướng bổ sung “Trình tự, thủ tục soạn thảo, xây dựng dự thảo nghị quyết (quyết định, chỉ thị)”,vì  ngoài sự cần thiết ban hành văn bản; tính hợp hiến, hợp pháp của văn bản; ngôn ngữ, kỹ thuật soạn thảo văn bản thì  trình tự, thủ tục soạn thảo, xây dựng dự thảo nghị quyết (quyết định, chỉ thị) cũng là một yếu tố quan trọng cần đưa vào phạm vi thẩm định dự thảo văn bản; Bổ sung thêm quy định trong trường hợp nào không thẩm định dự thảo VBQPPL để cơ quan tư pháp địa phương có cơ sở không thẩm định đối với những dự thảo VBQPPL không đủ điều kiện để thẩm định, đồng thời quy định cụ thể về hậu quả pháp lý của việc vẫn ban hành văn bản sau khi cơ quan thẩm định đã bác thẩm định...

Viện Khoa học pháp  lý – Bộ Tư pháp:

Để phát huy được cơ chế thẩm định bằng phương thức Hội đồng thẩm định, đảm bảo tính khách quan của Hội đồng, cần có những quy định hợp lý hơn về  thành phần Hội đồng và tiêu chí lựa chọn thành viên Hội đồng. Tuân thủ nghiêm túc các quy định về thành phần Hội đồng thẩm định (chủ tịch Hội đồng phải có vai trò khách quan và không phải là  thành viên BST; 1/3 số thành viên là người của Bộ Tư pháp nhưng không có đại diện của đơn vị chủ trì soạn thảo….).Thành viên hội đồng thẩm định dự án luật, pháp lệnh cũng sẽ đồng thời là thành viên hội đồng thẩm định dự thảo văn bản hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh đó. Dự kiến sớm thành viên Hội đồng thẩm định để họ tham gia các hoạt động của Ban soạn thảo (nếu cần); Bộ Tư pháp cần có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan khác để họ cử người tham gia vào Hội đồng đúng tiêu chí được lựa chọn 

Xuân Hoa

Xem thêm »