Nguồn bổ nhiệm Trợ giúp viên pháp lý: Có nên cho “nợ” tiêu chuẩn?

17/07/2008
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Theo Đề án Quy hoạch mạng lưới Trung tâm TGPL nhà nước và Chi nhánh của Trung tâm giai đoạn 2008 – 2010, định hướng đến năm 2015 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 792/QĐ-TTg, tới năm 2010 phấn đấu mỗi lĩnh vực TGPL, mỗi Trung tâm và mỗi Chi nhánh có ít nhất một Trợ giúp viên pháp lý chuyên trách. Đó là chưa kể con số này sẽ phải tăng gấp đôi, gấp ba vào năm 2015.

Có thể nói, đây là một vấn đề khá nan giải khi mà nguồn bổ nhiệm Trợ giúp viên pháp lý đang rất thiếu. Bên lề Hội nghị sơ kết công tác TGPL 6 tháng đầu năm 2008 vào hôm qua – 16/7, Thứ trưởng Đinh Trung Tụng và lãnh đạo Cục TGPL đã trao đổi vấn đề trên với phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam.

Phóng viên: Vừa qua Bộ đã tổ chức một số khoá bồi dưỡng nghiệp vụ TGPL? Như vậy có giải toả phần nào nhu cầu về nguồn bổ nhiệm không, thưa Cục trưởng?

Cục trưởng Tạ Thị Minh Lý: Quy định của Luật TGPL có khoảng 8 lĩnh vực TGPL và hiện có khoảng 124 Chi nhánh, riêng số Chi nhánh vào năm 2010 theo Đề án Quy hoạch sẽ bằng 1/3 tổng số các đơn vị hành chính cấp huyện thì số Trợ giúp viên pháp lý cần được bổ nhiệm lên tới hàng nghìn. Thời gian qua, với chức năng là đơn vị tham mưu cho Bộ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác TGPL, Cục đã tổ chức được một số khoá bồi dưỡng nghiệp vụ, nhưng chưa thấm vào đâu so với nhu cầu thực tế.

Thứ trưởng Đinh Trung Tụng: Qua các khoá bồi dưỡng nghiệp vụ TGPL, Bộ đã cấp chứng chỉ cho 218 người. Tuy nhiên, các địa phương lại mới bổ nhiệm và cấp thẻ Trợ giúp viên pháp lý cho 127 người. Có thể thấy rằng, tỷ lệ này là quá thấp. Cũng cần nói rõ, Bộ chỉ quản lý nhà nước về chức danh Trợ giúp viên pháp lý, còn thẩm quyền tổ chức cán bộ thuộc về chính quyền địa phương. Và nếu cứ tốc độ phát triển hiện nay, chúng ta khó đáp ứng được yêu cầu của Đề án Quy hoạch.

PV: Theo như báo cáo công tác TGPL 6 tháng đầu năm 2008 của Cục, số vụ việc trợ giúp đang giảm đi so với cùng kỳ năm ngoái. Liệu có phải là hậu quả kéo theo của việc thiếu nguồn bổ nhiệm Trợ giúp viên pháp lý?

Cục trưởng Tạ Thị Minh Lý: Rõ ràng đó chỉ là một mặt của vấn đề thôi. Kết quả chung giảm, song một số địa phương không hề giảm. Nếu những vụ việc ấy do cộng tác viên thực hiện thì không sao. Nhưng, nếu do chuyên viên thực hiện là chúng ta đang vi phạm Luật vì Luật quy định chỉ có Trợ giúp viên pháp lý được đăng ký tham gia TGPL. Lãnh đạo Cục đang nghiên cứu và có thể sẽ tổ chức một hội thảo hoặc toạ đàm liên quan để cùng nhìn nhận cho đúng bản chất của vấn đề.

PV: Vậy, giải pháp nào sẽ là khả thi trong tình hình hiện nay?

Cục trưởng Tạ Thị Minh Lý: Thực ra cũng có nhiều đề xuất khác nhau. Chẳng hạn, theo một số ý kiến, có thể cho phép đào tạo quá độ đối với những người có 10 năm công tác pháp luật hoặc có 5 năm làm việc tại các Trung tâm và Chi nhánh của Trung tâm. Có ý kiến cho rằng, trong điều kiện thiếu nguồn bổ nhiệm nên cho “nợ” chứng chỉ hành nghề luật sư. Ngược lại, không ít người phản đối và kiến nghị phải thực hiện đúng luật định, tức là chấp nhận trong một khoảng thời gian nào đó, số vụ việc trợ giúp không được nhiều như mong muốn. Cá nhân tôi nhấn mạnh, một Trợ giúp viên pháp lý phải thực sự giỏi, bảo vệ được quyền lợi hợp pháp của đối tượng TGPL bởi Luật quy định trợ giúp sai cũng phải bồi thường. Trợ giúp viên pháp lý mà không bảo đảm các tiêu chuẩn sẽ vô cùng nguy hiểm, thậm chí các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ không muốn phối hợp với các tổ chức thực hiện TGPL nữa. Tuy nhiên, khó khăn không thể giải quyết ngày một ngày hai được khi mà địa phương giờ đây đã khoán hành chính, không có ngân sách dành riêng cho đào tạo

Thứ trưởng Đinh Trung Tụng: Về vấn đề này, lãnh đạo Bộ sẽ có văn bản gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ đề nghị cử cán bộ đi đào tạo và đảm bảo sự ổn định trong công việc sau đào tạo. Ngoài ra, lãnh đạo Bộ có thể đề nghị Học viện Tư pháp miễn giảm học phí khoá đào tạo luật sư 6 tháng cho một số địa phương. Quan điểm là không thể cho “nợ” tiêu chuẩn được vì sẽ không được trả “nợ”. Tương tự, Bộ đã từng cho “nợ” đối với chức danh Chấp hành viên mà có nhiều Chấp hành viên được tái bổ nhiệm vẫn tiếp tục “nợ” tiêu chuẩn.

Hoàng Thư

Xem thêm »