Chính phủ đã ban hành Nghị định số 84/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 về kinh doanh xăng dầu trong đó quy định cụ thể điều kiện cấp giấy phép kinh doanh xuất, nhập khẩu xăng dầu, điều kiện sản xuất xăng dầu, kinh doanh phân phối xăng dầu và đặc biệt là quy định về giá bán lẻ xăng dầu.
Về giá bán xăng dầu, phải đảm bảo nguyên tắc theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước, Nghị định nêu rõ, trường hợp các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở giảm trong phạm vi 12% so với giá bán lẻ hiện hành, Thời gian tối thiểu giữa 2 lần tăng giá xăng dầu liên tiếp hoặc thời gian tối đa giữa 2 lần giảm giá liên tiếp là 10 ngày và trường hợp các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở tăng trong mức 7% so với giá bán lẻ hiện hành thì được quyền tăng giá bán lẻ tương ứng.
Trường hợp các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở giảm trên 12% so với giá bán lẻ hiện hành, sau khi cơ quan có thẩm quyền áp dụng các giải pháp điều tiết về tài chính theo quy định của pháp luật (thuế nhập khẩu, quỹ bình ổn giá…), thương nhân đầu mối tiếp tục giảm giá bán lẻ của mình, không hạn chế khoảng thời gian giữa 2 lần giảm và số lần giảm giá.
Trường hợp các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở tăng trong mức 7% so với giá bán lẻ hiện hành thì được quyền tăng giá bán lẻ tương ứng.
Trường hợp các yếu tố cấu thành làm cho giá cơ sở tăng vượt 7% đến 12% so với giá bán lẻ hiện hành thì thương nhân đầu mối được quyền tăng giá với mức tăng của trường hợp 7% nói trên, cộng thêm 60% của mức giá cơ sở tăng từ 7% đến 12%, 40% còn lại sử dụng Quỹ Bình ổn giá để bù đắp theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Trường hợp các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở tăng trên 12% so với giá bán lẻ hiện hành hoặc việc tăng giá ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, Nhà nước công bố áp dụng các biện pháp bình ổn giá thông qua điều hành thuế, Quỹ Bình ổn giá và theo quy định của pháp luật hiện hành.
Kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực đến năm 2025, thương nhân kinh doanh xuất, nhập khẩu xăng dầu phải đảm bảo ổn định mức dự trữ lưu thông xăng dầu tối thiểu bằng 30 ngày cung ứng cả về cơ cấu, chủng loại, theo kế hoạch tiêu thụ được xác định hàng năm của thương nhân.
Đối với các cửa hàng bán lẻ xăng dầu, để được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu, phải đáp ứng 3 điều kiện: địa điểm cửa hàng phù hợp với quy hoạch được phê duyệt; được xây dựng và có trang thiết bị đúng quy định hiện hành; cán bộ quản lý, nhân viên trực tiếp kinh doanh phải được đào tạo nghiệp vụ về kỹ thuật an toàn phòng cháy, chữa cháy và bảo vệ môi trường theo quy định hiện hành.
Các thương nhân kinh doanh xăng dầu đã được cấp giấy phép kinh doanh xuất, nhập khẩu xăng dầu hoặc giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu trước ngày Nghị định này có hiệu lực thì không phải làm lại thủ tục cấp 2 loại giấy phép trên.
Các cơ sở kinh doanh xăng dầu khi được đầu tư mới phải phù hợp với quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định tại Nghị định này. Các cơ sở kinh doanh xăng dầu hiện có chưa phù hợp với quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt phải có lộ trình nâng cấp, di dời bảo đảm phù hợp quy hoạch.
Theo Nghị định giá cơ sở để hình thành giá bán lẻ xăng dầu bao gồm các yếu tố và được xác định = [giá CIF + Thuế nhập khẩu + Thuế tiêu thụ đặc biệt] x Tỷ giá ngoại tệ + Chi phí kinh doanh định mức + Quỹ Bình ổn giá + Lợi nhuận định mức trước thuế + Thuế giá trị gia tăng + Phí xăng dầu + Các loại thuế, phí và các khoảng trích nộp khác theo quy định hiện hành; được tính bình quân của số ngày dữ trữ lưu thông quy định tại Nghị định này (30 ngày).
Giá CIF là giá xăng dầu thế giới + Phí bảo hiểm + cước vận tải về đến cảng Việt Nam.
Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 12 năm 2009 và thay thế Nghị định số 55/2007/NĐ-CP ngày 6/4/2007 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu và Quyết định số 04/2009/QĐ-TTg ngày 04/01/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc trích Quỹ Bình ổn giá xăng dầu./.
Minh Đức