Thực tiễn của Hoa Kỳ về xác định thiệt hại trong vụ kiện chống phá giá

19/08/2008
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Tổ chức thương mại thế giới quy định một sản phẩm bị coi là bán phá giá nếu như giá xuất khẩu của sản phẩm được xuất khẩu từ một nước này sang một nước khác thấp hơn mức giá có thể so sánh được của sản phẩm tương tự được tiêu dùng tại nước xuất khẩu theo các điều kiện thương mại thông thường, việc bán phá giá phải bị xử phạt nếu gây ra hoặc đe doạ gây ra thiệt hại đáng kể cho một ngành sản xuất nội địa và khi đó một bên ký kết có quyền áp dụng thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm được bán phá giá đó. Tuy nhiên, để có thể thực hiện một vụ kiện chống bán phá giá thì bên ký kết phải xác định được thiệt hại cho nền công nghiệp nội địa do việc bán phá giá gây ra.

Theo pháp luật của Hoa Kỳ, cơ quan có thẩm quyền thực hiện việc phân tích thiệt hại là Uỷ ban thương mại quốc tế Hoa Kỳ, cơ quan này sẽ tiến hành việc xác định có hay không có các bằng chứng chứng minh một ngành công nghiệp tại Hoa Kỳ sản xuất sản phẩm tương tự bị thiệt hại đáng kể hoặc bị đe doạ gây thiệt hại đáng kể vì các sản phẩm nhập khẩu đang bị điều tra từ quốc gia khác. Để xác định sản phẩm tương tự được bán trong nước cần phải xem xét đến nhiều yếu tố và trước tiên Uỷ ban thương mại quốc tế Hoa Kỳ phải giải quyết được hai vấn đề là sản phẩm nào bị điều tra và các nhà sản xuất Hoa Kỳ có liên quan là ai.

          Khi xác định sản phẩm tương tự, Uỷ ban thương mại quốc tế Hoa Kỳ   xem xét rất nhiều yếu tố như công dụng của sản phẩm có thể hoán đổi được cho nhau; đặc điểm lý tính bên ngoài của sản phẩm; quá trình sản xuất chung; kênh phân phối tương tự; giá cả có thể so sánh được và ý định sử dụng của khách hàng. Các yếu tố này phải được xem xét đồng thời, không một yếu tố riêng lẽ nào mang tính quyết định (các sản phẩm được coi là tương tự như thép cuộn nóng so với thép cuộn nguội, tôm đông lạnh và tôm tươi…). Sau khi xác định sản phẩm tương tự, Uỷ ban thương mại quốc tế Hoa Kỳ tiến hành điều tra nhà sản xuất nội địa của sản phẩm đó là ai (không bao gồm các bên liên kết nước ngoài, trừ khi các bên này thể hiện các ảnh hưởng bất lợi trong các hoạt động nội địa của họ). Uỷ ban thương mại quốc tế Hoa Kỳ sẽ tiến hành xác minh các thiệt hại, sau đó sẽ xem xét đến hậu quả mà thiệt hại mang lại, các yếu tố pháp định về ảnh hưởng khối lượng, giá cả và tác động bất lợi sẽ được lần lượt xem xét.

          Yếu tố chính khi xem xét sự ảnh hưởng bất lợi đến khối lượng là mức độ tăng kim ngạch nhập khẩu, để xác định khối lượng nhập khẩu người ta thường căn cứ vào khối lượng hoặc giá trị, mức độ tiêu thụ và sản xuất nội địa, tuy nhiên trên thực tế thì Uỷ ban thương mại quốc tế Hoa Kỳ tập trung nhiều vào thị phần nhập khẩu, hàng nhập khẩu được tính theo một phần trăm tỉ lệ tiêu thụ nội địa. Đối với ảnh hưởng bất lợi đến giá cả thì theo quy định yếu tố chính để xem xét là giá nội địa có giảm hay không, tuy nhiên pháp luật Hoa Kỳ chưa có quy định cụ thể về biên độ giá giảm cần thiết, Uỷ ban thương mại quốc tế Hoa Kỳ sẽ xem xét các trường hợp bán dưới giá, kéo giá giảm hay kìm giữ giá. Trên thực tế thì chủ yếu xác định việc bán dưới giá trên cơ sở thu thập giá cả bình quân hàng quý đối với sản phẩm được chọn xác định giá.

          Xem xét tác động bất lợi tức là xác định thiệt hại về vật chất, Uỷ ban thương mại quốc tế Hoa Kỳ sẽ thu thập các số liệu về: số lượng đầu ra, doanh thu, thị phần, lợi nhuận, năng suất, sử dụng khả năng sản xuất, giá cả, dòng tiền, lao động, lương, mức độ tăng trưởng, huy động vốn, nỗ lực trong nghiên cứu và phát triển. Việc phân tích thiệt hại vật chất sẽ được tiến hành trong bất cứ chu kỳ kinh doanh nào của ngành công nghiệp và trong bất kỳ điều kiện cạnh tranh nào, đồng thời đánh giá tác động bất lợi cũng được tiến hành một cách tổng thể trong toàn bộ ngành công nghiệp mà không phải chỉ riêng một công ty nào đó. Thực tế, Uỷ ban thương mại quốc tế Hoa Kỳ thường xem xét các ảnh hưởng bất lợi về khối lượng, giá cả và quan tâm tới lợi nhuận, nếu một ngành công nghiệp kinh doanh có lợi nhuận thì khó có thể thấy tác động bất lợi. Mô hình cổ điển để xác định thiệt hại là:

Ø     Mất thị phần;

Ø     Giá giảm;

Ø     Thua lỗ.

Theo quy định phải chỉ ra được mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại và việc nhập khẩu hàng hoá không công bằng, tức là phải xác định được thiệt hại của nền công nghiệp nội địa là do việc nhập khẩu hàng hoá không công bằng mang lại (trong trường hợp này không đòi hỏi hàng hoá nhập khẩu là nguyên nhân duy nhất mà chỉ cần nó là một trong những nguyên nhân quan trọng gây ra thiệt hại).

Trần Thị Tuý

Xem thêm »