Việc giám sát thực hiện viện trợ phi chính phủ nước ngoài (PCPNN) phải được thực hiện thường xuyên và định kỳ cập nhật toàn bộ các thông tin liên quan đến tình hình thực hiện. Đó là một trong những nội dung của Quy chế về quản lý và sử dụng viện trợ phi chính phủ nước ngoài được Chính phủ ban hành kèm theo Nghị định số 93/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009.
So với quy định cũ Quyết định số 64/2001/QĐ-TTg ngày 26/4/2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế về quản lý và sử dụng viện trợ phi chính phủ nước ngoài (Quyết định số 64/2001/QĐ-TTg), Nghị định mới đã chỉ ra những nguyên tắc cơ bản trong hoạt động này như Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về viện trợ PCPNN, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan đầu mối quản lý các khoản viện trợ PCPNN. Trong trường hợp các quy định hoặc điều kiện viện trợ của Bên tài trợ khác với quy định của pháp luật Việt Nam thì phải tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam.
Theo đó, các phương thức cung cấp viện trợ PCPNN gồm viện trợ thông qua các chương trình, dự án và viện trợ phi dự án (bao gồm cả cứu trợ khẩn cấp). Các đối tượng được tiếp nhận viện trợ là các tổ chức thành lập theo pháp luật Việt Nam, có chức năng, nhiệm vụ và hoạt động phù hợp với mục tiêu và nội dung của các khoản viện trợ PCPNN tiếp nhận. Viện trợ PCPNN được sử dụng hỗ trợ thực hiện các mục tiêu ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội và nhân đạo của Việt Nam trong từng thời kỳ, chủ yếu bao gồm: phát triển nông nghiệp và nông thôn kết hợp xóa đói giảm nghèo; phát triển hạ tầng cơ sở xã hội (y tế, giáo dục và đào tạo, lao động, việc làm, dân số); bảo vệ môi trường và quản lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên, phòng chống, giảm nhẹ hậu quả thiên tai, dịch bệnh; tăng cường năng lực thể chế, quản lý, kỹ thuật và phát triển nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ, nâng cao nâng lực nghiên cứu và triển khai; các hoạt động nhân đạo.... Với Quy chế này, các khoản viện trợ PCPNN (ngoại trừ cứu trợ khẩn cấp) chỉ được triển khai thực hiện sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt và được cơ quan chủ quản thông báo chính thức bằng văn bản cho Bên tài trợ. Không tiếp nhận những hàng hóa thuộc danh mục các mặt hàng cấm nhập khẩu theo quy định của Chính phủ; trong trường hợp cần thiết, việc tiếp nhận phải do Thủ tướng Chính phủ quyết định. Ngoài việc thỏa thuận tiếp nhận các hàng hóa chưa sử dụng, mới 100%, cơ quan chủ quản chỉ thỏa thuận tiếp nhận hàng hóa đã qua sử dụng nếu có văn bản xác nhận của Bên tài trợ là hàng hóa đó còn hơn 80% so với giá trị sử dụng mới. Hàng hóa thuộc các khoản viện trợ phải được tổ chức bán đấu giá theo quy định hiện hành về bán đấu giá tài sản.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2010 và thay thế Quyết định số 64/2001/QĐ-TTg./.
Minh Đức