Dự thảo Luật Đăng ký giao dịch bảo đảm - Những điểm mới so với pháp luật hiện hành

19/08/2008
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Dự thảo Luật Đăng ký giao dịch bảo đảm (sau đây gọi là Dự thảo Luật) quy định rõ đối tượng đăng ký, phân biệt các trường hợp đăng ký bắt buộc (khoản 1 Điều 4) và các trường hợp đăng ký tự nguyện (khoản 2 Điều 4) trên cơ sở kế thừa các quy định của Bộ luật dân sự năm 2005, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Bộ luật Hàng hải, Luật Hàng không dân dụng, Nghị định số 08/2000/NĐ-CP ngày 10/3/2000 của Chính phủ về đăng ký giao dịch bảo đảm, Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/11/2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm và các Thông tư hướng dẫn thi hành.

Tuy nhiên, Dự thảo Luật không quy định đăng ký đối với tất cả các giao dịch bảo đảm theo quy định của Bộ luật dân sự, mà chỉ giới hạn trong phạm vi các biện pháp bảo đảm bằng tài sản. Bên cạnh đó, Dự thảo Luật mở rộng phạm vi đối tượng đăng ký bao gồm các giao dịch khác như: cho thuê động sản có thời hạn thuê từ một năm trở lên; mua trả chậm, trả dần đối với tài sản là động sản có bảo lưu quyền sở hữu; bán có thỏa thuận chuộc lại hoặc bán hàng thông qua đại lý đối với tài sản là động sản; chuyển nhượng quyền đòi nợ... Đây là một điểm mới cơ bản của Dự thảo Luật phù hợp với thông lệ quốc tế và đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đời sống kinh tế, xã hội.
1.     Về giá trị pháp lý của việc đăng ký
Nhằm phân biệt giữa giá trị pháp lý của việc đăng ký giao dịch bảo đảm với giá trị pháp lý của hợp đồng được các bên giao kết, trên cơ sở tôn trọng quyền tự định đoạt của cá nhân, tổ chức trong giao dịch dân sự, kinh doanh, thương mại, Dự thảo Luật quy định giá trị pháp lý của việc đăng ký trên cơ sở cụ thể hóa khoản 3 Điều 323, Điều 325 Bộ luật dân sự, theo đó việc đăng ký giao dịch bảo đảm có giá trị pháp lý đối với người thứ ba và là căn cứ để xác định thứ tự ưu tiên thanh toán. Ngoài ra, dự thảo Luật không quy định đăng ký là điều kiện để giao dịch bảo đảm có hiệu lực. Quy định như Dự thảo Luật là phù hợp, vì giao dịch bảo đảm là một loại giao dịch dân sự, trong khi mục tiêu cơ bản của đăng ký giao dịch bảo đảm là để công khai, minh bạch các giao dịch đó. Vì vậy, pháp luật cần tôn trọng quyền tự do cam kết, thỏa thuận của các bên theo hướng công nhận giao dịch bảo đảm có hiệu lực kể từ thời điểm giao kết hợp pháp, không phụ thuộc vào việc giao dịch đó có được đăng ký hay không. Việc đăng ký không làm phát sinh thêm quyền của các bên tham gia giao dịch bảo đảm, mà chỉ có giá trị pháp lý đối với người thứ ba. Ngoài ra, nếu quy định thời điểm có hiệu lực của giao dịch bảo đảm phụ thuộc vào thời điểm đăng ký, thì có thể làm cho giao dịch đó không ổn định trong một số trường hợp, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các bên (ví dụ: giao dịch bảo đảm bằng quyền sử dụng đất bị vô hiệu do không đăng ký).
2.     Về thời điểm đăng ký giao dịch bảo đảm
“Thời điểm đăng ký giao dịch bảo đảm là thời điểm nội dung của đơn yêu cầu đăng ký được ghi vào Sổ đăng ký giao dịch bảo đảm hoặc cơ sở dữ liệu về giao dịch bảo đảm” (khoản 1 Điều 10 Dự thảo Luật). So với pháp luật hiện hành về đăng ký giao dịch bảo đảm thì thời điểm đăng ký trong Dự thảo Luật phù hợp với một trong những mục tiêu cơ bản của hoạt động đăng ký giao dịch bảo đảm là nhằm công khai hóa thông tin về giao dịch, loại bỏ được “khoảng trống” thông tin về giao dịch bảo đảm từ khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký đến khi thông tin có thể cung cấp được cho cá nhân, tổ chức có nhu cầu tìm hiểu, hạn chế được rủi ro có thể phát sinh cho người thứ ba khi tham gia giao dịch.
3.     Về thủ tục đăng ký trực tuyến giao dịch bảo đảm
Quy định này là cơ sở pháp lý để các cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm ứng dụng khoa học công nghệ thông tin vào hoạt động đăng ký, nhằm tinh giản bộ máy cơ quan đăng ký và tạo thuận tiện cho người yêu cầu đăng ký và tìm hiểu thông tin. Với thủ tục đăng ký qua hệ thống trực tuyến giao dịch bảo đảm, người yêu cầu đăng ký, tìm hiểu thông tin không phải trực tiếp đến cơ quan đăng ký để nộp đơn mà có thể thực hiện việc đăng ký, tìm hiểu thông tin thông qua hệ thống đăng ký trực tuyến (Internet). Thủ tục đăng ký trực tuyến không chỉ giảm bớt chi phí cho người dân, mà còn giúp cho hoạt động đăng ký diễn ra nhanh chóng, loại bỏ được sự can thiệp mang tính chủ quan của cán bộ đăng ký, góp phần bảo vệ có hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.  
Trên đây là những điểm mới cơ bản của Dự thảo Luật Đăng ký giao dịch bảo đảm, hi vọng qua đó sẽ giúp cho quý vị có được những thông tin cần thiết, phục vụ tốt cho việc nghiên cứu, đóng góp ý kiến.
 
Phan Thị Vân - Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm

Xem thêm »