Dự án Luật Đăng ký bất động sản: Chủ trương “một cửa, một giấy”

27/08/2008
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Ở nước ta hiện nay, có ba loại giấy chứng nhận liên quan đến đất và tài sản gắn liền với đất đang tồn tại. Dự thảo Luật đăng ký bất động sản đưa ra thảo luận tại Thường vụ Quốc hội chiều ngày 25/8 dự kiến quy định sẽ cấp một loại giấy là “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất” theo mẫu thống nhất trong cả nước.

Việc cấp giấy mới không gây xáo trộn, phiền hà

Ba lại giấy được đề cập ở trên bao gồm: “Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở” (sổ hồng); “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất” (sổ đỏ) và “Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở”. Tại Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, thực hiện chủ trương của Quốc hội về việc thống nhất cấp “một giấy”, dự thảo quy định một loại giấy mới có tên gọi là “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất”

Thảo luận về nội dung này, tuy tán thành với chủ trương “một cửa, một giấy” nhưng nhiều thành viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội băn khoăn đặt câu hỏi liệu việc cấp giấy mới có gây thêm phiền hà, phức tạp cho người dân và các cơ quan quản lý nhà nước hay không. Ông Nguyễn Văn Thuận, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội, đơn vị thẩm tra dự án Luật này cũng  tán thành chủ trương của Chính phủ về việc cấp một loại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất nhưng lại cho rằng: “do Luật đăng ký bất động sản là luật về thủ tục, trong khi quy định về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất là một trong những nội dung quan trọng của Luật đất đai nên cần được quy định trong Luật đất đai mới là hợp lý”.

Trả lời băn khoăn của các thành viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Hà Hùng Cường khẳng định: “Việc cấp giấy mới không gây xáo trộn, phiền hà cho người dân cũng như cơ quan quản lý và cơ quan đăng ký bất động sản” do giấy mới chỉ cấp trong trường hợp cá nhân, tổ chức chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu bất động sản của mình cho cá nhân, tổ chức khác  như mua bán, trao đổi, tặng cho, thừa kế, góp vốn vào pháp nhân (khoản 2 Điều 74). Trong trường hợp không chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu bất động sản, thì cá nhân, tổ chức vẫn giữ các giấy tờ được cơ quan có thẩm quyền cấp trước khi Luật Đăng ký bất động sản có hiệu lực thi hành và không phải đăng ký lại cũng như không phải cấp đổi sang giấy mới.  Bên cạnh đó: “Việc cấp giấy mới là cần thiết, vì có nhiều ưu điểm hơn so với các loại giấy hiện hành như thể hiện đầy đủ hiện trạng và các quyền về bất động sản, các biến động về bất động sản; không chia cắt thông tin về đất và tài sản gắn liền với đất, từ đó, tiến tới mục tiêu cả nước chỉ có một loại giấy chứng nhận duy nhất, một cơ sở dữ liệu tập trung, thống nhất về bất động sản trong tương lai” – Bộ trưởng Hà Hùng Cường khẳng định.

Văn phòng đăng ký bất động sản: nên hay không?

Về thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất (Điều 17), dự thảo Luật quy định việc cấp giấy chứng nhận nêu trên thuộc thẩm quyền của Văn phòng đăng ký bất động sản. Thẩm tra nội dung này, Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng: “việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là một trong những nội dung quan trọng trong quản lý nhà nước về đất đai, không thể và không nên giao cho Văn phòng đăng ký bất động sản là đơn vị sự nghiệp làm chức năng cung cấp dịch vụ công thực hiện”.

Lý giải về quy định này, Tờ trình của Chính phủ cho biết: “Dự thảo đã tách bạch thủ tục hành chính của UBND cấp tỉnh và cấp huyện trong việc giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất với hoạt động đăng ký bất động sản. Các quyết định này của UBND cũng như bản án, quyết định của Toà án và giao dịch là căn cứ xác lập quyền của cá nhân, tổ chức đối với bất động sản, không phụ thuộc vào việc đăng ký các quyền đó”. Tờ trình của Chính phủ cũng khẳng định: đăng ký bất động sản thực chất là việc cơ quan đăng ký ghi nhận các quyền đối với bất động sản vào Sổ đăng ký bất động sản, do đó, thông tin trong Sổ là quan trọng và Sổ đăng ký bất động sản là văn bản gốc, còn Giấy chứng nhận chỉ là bản ghi nhận các thông tin đã được trong Sổ đăng ký bất động sản. “Vì vậy, việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất do Văn phòng đăng ký bất động sản thực hiện là phù hợp và không nhất thiết phải thuộc thẩm quyền của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện như hiện nay”.

Do còn nhiều ý kiến khác nhau xung quanh các quy định này, buổi thảo luận chưa đưa ra được kết luận cuối cùng. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhận định, việc soạn thảo Luật Đăng ký bất động sản là cần thiết, do đó,  Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Cơ quan soạn thảo và Cơ quan thẩm tra dự án Luật này tiếp tục bàn bạc để có những giải trình thuyết phục hơn về các quy định tại dự án Luật và sớm trình Quốc hội cho ý kiến.

Hồng Thuý

Xem thêm »