Dự thảo Nghị định về tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư: Cần đề cao vai trò tự quản của tổ chức luật sư

25/09/2008
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Luật Luật sư, được Quốc hội khoá XI thông qua, mới chỉ quy định những vấn đề chung mang tính nguyên tắc về tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư. Trong khi đó, thời gian tới, với đội ngũ luật sư ngày càng đông đảo đòi hỏi vừa phải tăng cường quản lý nhà nước vừa phát huy được tính chất tự quản của Đoàn luật sư, Liên đoàn luật sư Việt Nam. Vì vậy, dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Luật sư về tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư do Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo sẽ rất cần chú trọng nguyên tắc cơ bản trên.

“Tô đậm” nội dung quản lý nhà nước…

Thực tiễn quản lý nhà nước về luật sư và hành nghề luật sư vừa qua cho thấy, cơ sở pháp lý chưa đầy đủ, rõ ràng là một trong những nguyên nhân gây ra khó khăn, vướng mắc cho tổ chức, hoạt động của các ĐLS cũng như làm giảm hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý. Cho nên, một yêu cầu đối với việc xây dựng Nghị định là phải làm rõ các nội dung quản lý nhà nước. Theo đó, dự thảo quy định cụ thể việc thành lập, giải thể ĐLS, LĐLSVN, tạo cơ sở pháp lý để các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước. Về thủ tục thành lập ĐLS, địa phương nào cứ có từ 3 người có Chứng chỉ hành nghề luật sư trở lên thì được thành lập Ban Chủ nhiệm lâm thời chuẩn bị tổ chức Đại hội thành lập ĐLS. Danh sách BCN lâm thời ĐLS phải được UBND cấp tỉnh công nhận. Các trường hợp giải thể ĐLS bao gồm không còn đủ 3 luật sư thành viên, quá thời hạn 12 tháng kể từ ngày hết nhiệm kỳ mà không tổ chức Đại hội, hoạt động của ĐLS vi phạm nghiêm trọng pháp luật, Điều lệ ĐLS. UBND cấp tỉnh là cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định cho phép thành lập, giải thể ĐLS. Sở Tư pháp là cơ quan chuyên môn có trách nhiệm giúp UBND cấp tỉnh thực hiện nhiệm vụ này. Còn việc thành lập, giải thể LĐLSVN sẽ do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Cụ thể hoá Điều 63 và Điều 83 của Luật Luật sư về phê chuẩn Điều lệ của ĐLS và LĐLSVN, dự thảo Nghị định quy định trình tự, thủ tục, hồ sơ đề nghị phê chuẩn Điều lệ. Nếu Điều lệ có nội dung trái với quy định của pháp luật thì cơ quan có thẩm quyền phê chuẩn Điều lệ (UBND cấp tỉnh, Bộ trưởng Bộ Tư pháp) có quyền từ chối việc phê chuẩn và yêu cầu sửa đổi nội dung đó. Ngoài ra, nhằm khắc phục tình trạng không thống nhất trong việc tổ chức Đại hội của các ĐLS; đẩy mạnh theo dõi, giám sát, kiểm tra, thanh tra với tổ chức luật sư và thắt chặt mối quan hệ giữa tổ chức luật sư với các cơ quan nhà nước, dự thảo cũng xác định trách nhiệm của BCN ĐLS báo cáo về việc tổ chức Đại hội, kết quả Đại hội với UBND cấp tỉnh, trách nhiệm báo cáo về tổ chức, hoạt động, gửi các nghị quyết, quyết định, quy định của tổ chức luật sư cho cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương và TƯ.

Nhưng không điều chỉnh quan hệ nội bộ của tổ chức luật sư

Thứ trưởng thường trực Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên nhấn mạnh, nhà nước chỉ can thiệp khi tổ chức luật sư hoạt động trái pháp luật, xa rời tôn chỉ, mục đích. Bởi thế, dự thảo Nghị định được xây dựng theo hướng không điều chỉnh quan hệ nội bộ của tổ chức luật sư. Các quan hệ nội bộ của tổ chức luật sư sẽ do Điều lệ của tổ chức quy định phù hợp với Luật Luật sư, Nghị định này khi ban hành và pháp luật về hội. Chẳng hạn, dự thảo Nghị định quy định Hội đồng luật sư toàn quốc bao gồm Chủ nhiệm các ĐLS và các uỷ viên khác. Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký, các uỷ viên của Ban Thường vụ LĐLSVN đều được bầu ra trong số uỷ viên Hội đồng luật sư toàn quốc. Tuy nhiên, dự thảo Nghị định chỉ quy định về mặt nguyên tắc, còn cơ cấu, số lượng cụ thể do Điều lệ LĐLSVN quy định. Hay về việc miễn nhiệm các chức danh của LĐLSVN, dự thảo Nghị định chỉ đề cập tới các trường hợp miễn nhiệm và thẩm quyền xem xét, quyết định việc miễn nhiệm các chức danh của LĐLSVN nhằm phát huy vai trò tự quản của tổ chức luật sư, còn thủ tục miễn nhiệm sẽ do Điều lệ LĐLSVN quy định.

Bên cạnh đó, tạo điều kiện thuận lợi cho ĐLS trong khuôn khổ hoạt động của pháp luật, dự thảo Nghị định đã quy định nội dung Đại hội thành lập ĐLS, Đại hội nhiệm kỳ; trường hợp tổ chức Đại hội bất thường; hình thức biểu quyết tại Đại hội; nội dung của Đại hội đại biểu luật sư toàn quốc. Dự thảo Nghị định cũng cụ thể hoá các quy định của Luật Luật sư về cơ quan của ĐLS (BCN ĐLS, Chủ nhiệm ĐLS), đồng thời hướng dẫn về các trường hợp, trình tự, thủ tục bãi miễn BCN ĐLS, Chủ nhiệm ĐLS. Các quy định trên góp phần giải quyết khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn hoạt động của ĐLS thời gian qua và nâng cao năng lực tự quản của BCN, Chủ nhiệm ĐLS.

Hoàng Thư

Xem thêm »