Trong khuôn khổ Kế hoạch triển khai thực hiện Luật Lý lịch tư pháp (ban hành kèm theo Quyết định số 1532/QĐ-TTg ngày 23/9/2009 của Thủ tướng Chính phủ), Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan như Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ xây dựng dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Lý lịch tư pháp. Hiện nay, Bộ Tư pháp đang chuẩn bị các thủ tục để tổ chức thẩm định dự thảo Nghị định. Dự kiến, dự thảo Nghị định sẽ được trình Chính phủ trong tháng 3 năm 2010.
1.Về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Nghị định
Căn cứ vào các điều, khoản của Luật Lý lịch tư pháp (sau đây gọi chung là Luật) giao quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành và xuất phát từ yêu cầu quản lý nhà nước đối với công tác này, dự thảo Nghị định quy định về 04 vấn đề chủ yếu sau đây: (1) tổ chức của Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia và quản lý lý lịch tư pháp tại địa phương; (2) lưu trữ và bảo vệ cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp; (3) lập Lý lịch tư pháp, cập nhật, xử lý thông tin lý lịch tư pháp; (4) tra cứu, trao đổi, cung cấp thông tin có trước ngày 01 tháng 7 năm 2010 để phục vụ việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp và xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp.
Như vậy, dự thảo Nghị định chỉ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành những vấn đề thuộc phạm vi thẩm quyền quản lý của Chính phủ do Luật định. Tuy nhiên, đối với những vấn đề có liên quan đến thẩm quyền của Toà án và của Viện kiểm sát thì chỉ được đưa vào quy định trong Nghị định khi có sự thống nhất ý kiến của các cơ quan này.
2. Về vị trí, chức năng của Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia
Để quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Điều 11 của Luật, Dự thảo Nghị định đã xác định rõ vị trí, chức năng của Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia. Theo đó, Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia là đơn vị thuộc Bộ Tư pháp có chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp quản lý nhà nước về lý lịch tư pháp; thực hiện quản lý chuyên ngành về lý lịch tư pháp và xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp trong phạm vi cả nước theo quy định của pháp luật. Dự thảo Nghị định cũng quy định cụ thể về nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia.
Như vậy, theo quy định của dự thảo Nghị định, Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia là đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, tương đương với cấp Cục, có chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp quản lý nhà nước về lý lịch tư pháp và xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp trong phạm vi cả nước. Việc xác định vị trí, chức năng của Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia như quy định của dự thảo Nghị định là nhằm bảo đảm các yêu cầu của công tác quản lý trong lĩnh vực này, bảo đảm sự liên thông giữa quản lý nhà nước về lý lịch tư pháp và xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp. Đồng thời, địa vị pháp lý của Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia sẽ có tác động ảnh hưởng tới mối quan hệ phối hợp giữa cơ quan này với các cơ quan Toà án, Viện kiểm sát, Công an và các cơ quan có liên quan khác trong việc cung cấp, tiếp nhận, cập nhật thông tin lý lịch tư pháp. Hơn nữa, cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp là tài sản quốc gia, có ý nghĩa quan trọng, liên quan trực tiếp đến quyền nhân thân của công dân và hoạt động của các cơ quan tư pháp, nên tổ chức và hoạt động của cơ quan quản lý lý lịch tư pháp phải phù hợp với các quy định về quản lý chuyên ngành.
3. Tổ chức quản lý lý lịch tư pháp tại địa phương
Để hướng dẫnthống nhất quy định về tổ chức quản lý lý lịch tư pháp tại Sở Tư pháp, Dự thảo Nghị định quy định Sở Tư pháp giúp Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện quản lý nhà nước về lý lịch tư pháp và quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp tại địa phương. Đồng thời, Nghị định giao Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định việc thành lập tổ chức giúp Giám đốc Sở Tư pháp xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp.
4. Lưu trữ và bảo vệ cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp
- Về xây dựng, lưu trữ cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp: dự thảo Nghị định xác định cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp bao gồm cơ sở dữ liệu điện tử và hồ sơ, giấy tờ về lý lịch tư pháp. Cơ sở dữ liệu điện tử về lý lịch tư pháp được xây dựng tại Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia. Như vậy, trước mắt, việc tin học hóa cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp sẽ được thực hiện hoàn toàn tại Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia thuộc Bộ Tư pháp. Còn tại các Sở Tư pháp, căn cứ vào tình hình và khả năng thực tế, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định việc xây dựng cơ sở dữ liệu điện tử về lý lịch tư pháp.
- Về bảo vệ cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp: Để quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Điều 14 của Luật, dự thảo Nghị định quy định cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp phải được bảo đảm an toàn và an ninh dữ liệu, đáp ứng các yêu cầu về nghiệp vụ quản lý lý lịch tư pháp trong truy cập, cập nhật và khai thác thông tin. Đồng thời, dự thảo Nghị định giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành quy chế quản lý, sử dụng và khai thác cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp.
5. Lập Lý lịch tư pháp, cập nhật, xử lý thông tin lý lịch tư pháp
- Về cập nhật, xử lý thông tin lý lịch tư pháp về án tích: Dự thảo Nghị định xác định rõ trách nhiệm của Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia, Sở Tư pháp trong việc lập Lý lịch tư pháp; hướng dẫn thi hành một số điều của Luật về cập nhật thông tin lý lịch tư pháp (cập nhật thông tin trong trường hợp giám đốc thẩm hoặc tái thẩm, cập nhật trong trường hợp người bị kết án được dẫn độ để thi hành án tại Việt Nam...).
- Quy định trách nhiệm xác minh thêm về điều kiện đương nhiên được xóa án tích: Để bảo đảm chặt chẽ, chính xác trong việc cập nhật, xử lý thông tin về người đương nhiên được xóa án tích, dự thảo Nghị định quy định cơ quan quản lý lý lịch tư pháp có trách nhiệm xác minh thêm về việc người đó có phạm tội mới hay không trong thời hạn quy định của Bộ luật hình sự về đương nhiên được xoá án tích đối với tội phạm và hình phạt đó. Quy định này nhằm phát huy vai trò chủ động của cơ quan quản lý lý lịch tư pháp trong việc cập nhật thông tin lý lịch tư pháp, bảo đảm quyền của của người đương nhiên được xóa án tích, tạo thuận lợi cho người đó khi có yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp. Việc xác minh được thực hiện tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn hoặc Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh nơi người bị kết án thường trú hoặc tạm trú. Đồng thời, dự thảo Nghị định cũng hướng dẫn cụ thể các trường hợp xử lý kết quả xác minh điều kiện đương nhiên được xoá án tích trong Lý lịch tư pháp của người bị kết án.
- Về cập nhật, xử lý thông tin lý lịch tư pháp về cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã: Dự thảo Nghị định hướng dẫn cụ thể về lập Lý lịch tư pháp, cập nhật, xử lý thông tin lý lịch tư pháp về cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã khi hết thời hạn...
6. Tra cứu, trao đổi, cung cấp thông tin để phục vụ việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp và xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp
- Về tra cứu, trao đổi, cung cấp thông tin có trước ngày Luật có hiệu lực để cấp Phiếu lý lịch tư pháp: Để quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Khoản 1 Điều 56 Luật Lý lịch tư pháp, dự thảo Nghị định xác định rõ nơi tra cứu thông tin lý lịch tư pháp về án tích; trường hợp cần tra cứu thông tin tại cơ quan Công an; trường hợp cần tra cứu thông tin tại Tòa án; trường hợp cần tra cứu thông tin tại cơ quan thi hành án dân sự; tra cứu thông tin về cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã;
- Về thủ tục và thời hạn tra cứu thông tin để cấp Phiếu lý lịch tư pháp: Để bảo đảm quyền của cá nhân, cơ quan, tổ chức có yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp, dự thảo Nghị định quy định rõ thủ tục và thời hạn tra cứu thông tin để cấp Phiếu lý lịch tư pháp.
- Về trao đổi, cung cấp thông tin để xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp: Để quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Khoản 2 Điều 56 của Luật, dự thảo Nghị định quy định việc trao đổi, cung cấp thông tin lý lịch tư pháp có trước ngày Luật có hiệu lực như việc cung cấp trích lục bản án và các thông tin về quá trình thi hành án có trước ngày 01 tháng 7 năm 2010 để xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp; trách nhiệm của cơ quan quản lý lý lịch tư pháp trong việc cập nhật thông tin lý lịch tư pháp do các cơ quan có liên quan cung cấp vào cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp.
- Về trao đổi, cung cấp thông tin lý lịch tư pháp của những người bị Toà án quân sự kết án: Do tính chất đặc thù của thông tin lý lịch tư pháp đối với những trường hợp này, Dự thảo Nghị định dự kiến quy định theo hướng giao cho Bộ trưởng Bộ Tư pháp phối hợp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hướng dẫn việc tổ chức thực hiện trao đổi, cung cấp thông tin lý lịch tư pháp của những người bị Toà án quân sự kết án.
Đỗ Thuý Lan - Vụ Hành chính tư pháp