Một số mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật hiệu quả trên địa bàn tỉnh Long An

04/12/2024
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Long An là một trong địa phương vùng Tây Nam Bộ được đánh giá triển khai công tác PBGDPL đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận với nhiều mô hình, cách làm đa dạng, phong phú, phù hợp với từng nhóm đối tượng, địa bàn, cơ bản đáp ứng được yêu cầu. Qua rà soát, đánh giá, có một số mô hình PBGDPL được Long An xác định là hiệu quả và đang được triển khai diện rộng, thường xuyên trên địa bàn, xin chia sẻ để các địa phương tham khảo, áp dụng sáng tạo, linh hoạt, phù hợp nhằm góp phần triển khai công tác PBGDPL có hiệu quả hơn. Nhờ việc triển khai nhiều mô hình sáng tạo, hiệu quả, công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh Long An đã góp phần đưa pháp luật đến gần cho người dân ở cơ sở.

Mô hình “Đảm bảo trật tự an toàn giao thông trước cổng trường học” trên địa bàn huyện Cần Giuộc
Công an huyện đã phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo, Huyện đoàn và Trường THPT Đông Thạnh xây dựng mô hình “Đảm bảo trật tự an toàn giao thông trước các cổng trường học” trên địa bàn huyện. Trong đó, chọn 3 đơn vị làm điểm, bao gồm Trường THPT Đông Thạnh, Trường Tiểu học Nguyễn Thái Bình, Trường THCS Trương Văn Bang.
Trên cơ sở đó, các đơn vị trường học được chọn làm điểm bố trí điểm đậu, đỗ xe ngay phía trước các cổng trường, kẽ vạch sơn, lắp đặt 24 băng rôn tuyên truyền, 08 bảng tuyên truyền các quy định về trật tự an toàn giao thông tại các điểm trường để tuyên truyền pháp luật về giao thông cho phụ huynh, học sinh. Đồng thời lắp 24 biển báo “Khu vực đậu, đỗ xe đưa rước học sinh” để phụ huynh nắm và phối hợp thực hiện có hiệu quả mô hình. Tổ chức 20 buổi tuyên truyền pháp luật về giao thông tại các điểm trường với gần 18.200 lượt học sinh và giáo viên tham dự; phối hợp các trường tổ chức tuyên truyền thực hiện mô hình, đề nghị phụ huynh phối hợp với nhà trường và lực lượng Công an trong chấp hành Luật Giao thông, đậu đỗ xe đúng hướng dẫn... trên zalo lớp học đến phụ huynh, học sinh nắm biết và thực hiện. Công an huyện đã tham mưu Ban Chỉ đạo huyện chỉ đạo UBND các xã, thị trấn tùy theo tình hình thực tế của địa phương tổ chức thực hiện mô hình tại các điểm trường trên địa bàn mình.
Hiện tại mô hình đã được đông đảo phụ huynh quan tâm thực hiện và được đánh giá cao. Bước đầu đã giúp ổn định tình hình trật tự an toàn giao thông trước các cổng trường, tạo vẽ mỹ quan, góp phần giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông trước cổng trường trước và sau giờ tan học, tình trạng tai nạn giao thông... Thông qua mô hình còn giúp xây dựng môi trường giao thông an toàn, thân thiện, góp phần đẩy lùi tình trạng vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông. Qua đó hình thành ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông cho học sinh ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường. Mô hình được xây dựng năm 2021 và được nhân rộng, duy trì cho đến nay.
Mô hình “Gặp gỡ, cảm hóa, giáo dục người vi phạm pháp luật theo Tiêu chí 1+5” trên địa bàn huyện Mộc Hóa
Mô hình này được xây dựng và triển khai đầu tiên tại xã Bình Hòa Tây thuộc huyện Mộc Hóa vào năm 2018 theo Kế hoạch của Ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ Tổ quốc. Trên cơ sở tổng kết, đánh giá tác động, hiệu quả, đến nay đã được UBND huyện hướng dẫn, chỉ đạo nhân rộng, triển khai trên địa bàn huyện.
Việc triển khai mô hình này nhằm mục đích vận động, giáo dục, cảm hóa các đối tượng vi phạm pháp luật hoặc có biểu hiện vi phạm pháp luật. Theo đó, một tuần có đại diện 05 đoàn thể cấp xã gặp gỡ, cảm hóa, giáo dục 01 người vi phạm pháp luật. Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn thành lập Ban chỉ đạo; Chủ tịch UBMTTQ xã làm Trưởng Ban chỉ đạo; Trưởng Công an xã làm Phó Trưởng Ban chỉ đạo; thành viên Ban chỉ đạo bao gồm đại diện các ngành đoàn thể xã. Ban chỉ đạo hoạt động và triển khai nhiệm vụ theo Quy chế, trong đó phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên.
Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì tổ chức hội nghị triển khai thực hiện mô hình tại các ấp, khu phố trên địa bàn các xã, thị trấn. Thành viên Ban chỉ đạo gặp gỡ trực tiếp người vi phạm pháp luật; các hộ gia đình có người vi phạm pháp luật, có biểu hiện vi phạm pháp luật để tuyên truyền, vận động và cảm hóa, giáo dục trong việc chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương, đặc biệt là chấp hành các quy định về đảm bảo an ninh trật tự tại cơ sở. Việc gặp gỡ người vi phạm pháp luật, các hộ gia đình có người vi phạm pháp luật, có biểu hiện vi phạm pháp luật được thực hiện hàng tuần trên cơ sở lịch tiếp xúc do các thành viên, có lập sổ theo dõi cho từng đối tượng. Tùy từng hộ gia đình và đối tượng mà chuẩn bị nội dung, biện pháp, thời gian tuyên truyền, giáo dục cho phù hợp; trong mỗi buổi tuyên truyền đều có ghi biên bản cụ thể, trong đó tập trung ghi nhận ý kiến tiếp thu của đối tượng và gia đình nhằm rút kinh nghiệm cho những buổi gặp gỡ tiếp theo.
Thực hiện mô hình từ năm 2018 đến nay, địa phương đã vận động, cảm hóa giáo dục pháp luật được 412 gia đình có con em có biểu hiện vi phạm pháp luật, nhắc nhở kịp thời. Đa số các gia đình và đối tượng được gặp gỡ, giáo dục đều có những chuyển biến tích cực, kịp thời sửa chữa những hành vi vi phạm trước đây. Việc triển khai mô hình có tác động tích cực đến tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn huyện. Qua tổng kết đã có 375/412 đối tượng tiến bộ, chấp hành tốt các chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước, đạt tỷ lệ 91% kế hoạch đề ra.
Mô hình “Gặp gỡ, cảm hóa, giáo dục người vi phạm pháp luật theo Tiêu chí 1+5” đã và đang được triển khai thực hiện ở các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện. Qua triển khai thực hiện mô hình đã phát huy được hiệu quả, góp phần tích cực vào công tác đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn huyện.
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh Long An còn một số mô hình cũng được địa phương đánh giá hiệu quả như Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh có mô hình ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL, mô hình Phiên tòa giả định; Sở Giáo dục và Đào tạo có mô hình thành lập tổ tuyên truyền, PBGDPL trong nhà trường; Công an tỉnh có mô hình công trình thanh niên “xung kích tuyên truyền phòng, chống tội phạm hình sự và tội phạm xâm hại trẻ em”; huyện Tân Thạnh có mô hình “Tiếng loa tuyên truyền lưu động về PBGDPL và phòng, chống tội phạm”./.
Thanh Trang
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật

Xem thêm »