Trà Vinh: Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được chú trọng, ngày càng đi vào thực chất

12/10/2024
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Trà Vinh là tỉnh Duyên hải Đồng bằng sông Cửu Long, tiếp giáp với các tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long, Sóc Trăng; nằm giữa sông Tiền và sông Hậu. Tỉnh Trà Vinh có 01 thành phố, 01 thị xã và 07 huyện. Diện tích tự nhiên 2.391 km2, dân số trên 1,1 triệu người với 03 dân tộc chính là Kinh, Khmer, Hoa, trong đó dân tộc Khmer chiếm 30% dân số.

Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, năm 2024, công tác PBGDPL trên địa bàn tính được chú trọng, ngày càng đi vào thực chất; bám sát nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; gắn kết chặt chẽ hơn với công tác xây dựng, thực thi pháp luật dưới nhiều hình thức linh hoạt, phong phú, phù hợp với từng đối tượng ở các cấp, các ngành.
Đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật thường xuyên được củng cố, kiện toàn; định kỳ tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng PBGDPL. Hiện toàn tỉnh có 2.035 Báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật, trong đó 565 Báo cáo viên pháp luật (283 Báo cáo viên cấp tỉnh; 282 Báo cáo viên cấp huyện) và 1.470 tuyên truyền viên pháp luật cấp xã[1]. Từ đầu năm 2024 đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức 20.629 cuộc tuyên truyền cho 604.495  lượt người tham dự (tăng số lượng người được phổ biến pháp luật so với năm 2023)[2].
Sở Tư pháp - Cơ quan thường trực Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh đã tổ chức 53 Hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho hơn 8.983 đại biểu. Thông qua công tác PBGDPL trực tiếp đã góp phần tạo nên ý thức chủ động, tích cực tìm hiểu pháp luật và chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức và mọi tầng lớp Nhân dân trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, Sở cũng đã chủ trì, phối hợp các cơ quan có liên quan và cộng tác viên thường xuyên cập nhật, đăng tải nhiều tài liệu, tin, bài  trên Trang thông tin điện tử PBGDPL tỉnh để thông tin, phổ biến pháp luật, đã đăng tải hơn 745 tin, bài…; trình UBND tỉnh ban hành văn bản hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương nâng cấp Trang thông tin điện tử thành phần thuộc Cổng thông tin điện tử tỉnh, xây dựng Chuyên mục PBGDPL cập nhật, đăng tải thông tin, tài liệu PBGDPL đầy đủ, kịp thời cung cấp thông tin pháp luật cho người dân tiếp cận.
Triển khai các Chương trình phối hợp về công tác PBGDPL với các cơ quan, đơn vị trên địa bàn, Sở Tư pháp và Đài Phát thanh và Truyền hình đã ký Kế hoạch phối hợp số 84/KHPH-STP-ĐPT&TH ngày 19/3/2024 giữa Sở Tư pháp, Đài Phát thanh và Truyền hình về thông tin, truyền thông công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và một số hoạt động của ngành Tư pháp trên Chuyên mục “Pháp luật và cuộc sống” phát trên Đài Phát thanh và Truyền hình năm 2024 (phát sóng 03 kỳ /năm).
Việc ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL được quan tâm, chú trọng, được thực hiện thông qua mạng xã hội nhằm lan toả, hiệu ứng lớn (facebook, zalo về PBGDPL); xây dựng, cập nhật Trang thông tin điện tử PBGDPL; tổ chức thi trực tuyến tìm hiểu pháp luật[3]; đổi mới hình thức xây dựng tài liệu tuyên truyền qua các video clip, đồ họa thông tin pháp luật (infographic) có nội dung ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu, giúp cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận pháp luật nhanh chóng theo từng chủ đề.
Việc triển khai các Đề án về PBGDPL đạt được những kết quả tích cực. Công tác truyền thông dự thảo chính sách, nhất là chính sách nhạy cảm, có ý kiến khác nhau trong dự thảo Nghị quyết quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân tỉnh theo Quyết định số 407/QĐ-TTg ngày 30/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022-2027” (Đề án 407) được thực hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng, qua hội thảo, tọa đàm; tổ chức tập huấn kỹ năng truyền thông dự thảo chính sách...
Một số mô hình hay, cách làm hiệu quả trong công tác PBGDPL đã được triển khai, như: Mô hình “03 giảm, 03 giữ” của ấp Trà Ốt, huyện Cầu Kè; mô hình PBGDPL đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ liên ấp Giồng Trôm - Phú Mỹ - Ô Dài, xã Mỹ Chánh, huyện Châu Thành; mô hình Phụ nữ quản lý, giáo dục người thân trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội tại xã Hiệp Mỹ Đông, huyện Cầu Ngang; Câu lạc bộ Phụ nữ Khmer với phòng chống bạo lực gia đình; Mô hình 7+1 nhằm tuyên truyền trong công tác phòng chống tội phạm; mua bán người; ma túy; mại dâm HIV/AIDS và phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc...
Trên cơ sở kết quả đạt được, công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung như:
Thứ nhất, tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm của Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp, các cơ quan thành viên Hội đồng trong triển khai thực hiện có kết quả Kế hoạch công tác năm của Hội đồng, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của Hội đồng trung ương, Bộ Tư pháp, các Chương trình, Đề án của bộ, ngành trung ương, kịp thời tham mưu UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo triển khai tại địa phương. Chủ động nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh, tăng cường phối hợp trong triển khai nhiệm vụ.
Thứ hai, triển khai toàn diện công tác PBGDPL, chú trọng các nội dung pháp luật thiết thực và hình thức, cách thức PBGDPL phù hợp với đối tượng, địa bàn, nhất là đối tượng đặc thù, trong đó có người dân tộc thiểu số Khơmer chiếm số lượng khá đông đảo trên địa bàn tỉnh. Có các giải pháp đẩy mạnh việc huy động nguồn lực xã hội, đội ngũ luật sư, luật gia tham gia, hỗ trợ công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong PBGDPL, cập nhật thông tin pháp luật, nội dung phục vụ quản lý nhà nước trên Trang Thông tin PBGDPL của tỉnh.
Thứ ba, thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, đề án về PBGDPL, Đề án 977, tổ chức truyền thông dự thảo chính sách pháp luật từ sớm, từ xa, ngay từ khi lấy ý kiến đối với đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền theo Đề án 407, góp phần nâng cao chất lượng xây dựng thể chế, chính sách, tăng cường công khai, minh bạch, tạo đồng thuận xã hội. Phát huy vai trò của lực lượng công an, quân đội tham gia PBGDPL tại cơ sở, coi đây là giải pháp quan trọng huy động nguồn lực cho công tác PBGDPL. Gắn thực hiện các Đề án với thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, đề án phát triển kinh tế - xã hội, địa bàn trọng yếu về quốc phòng, an ninh biên giới quốc gia…
Thứ tư, tiếp tục xây dựng, kiện toàn đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật, hòa giải viên; tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng PBGDPL, hòa giải ở cơ sở cho đội ngũ này.
Thứ năm, gắn kết chặt chẽ công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở với công tác dân vận, vận động quần chúng chấp hành pháp luật. Tổ chức các hoạt động PBGDPL bám sát nhu cầu thông tin pháp luật của người dân, doanh nghiệp, yêu cầu về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực cụ thể và các vấn đề dư luận quan tâm./.
Nguyễn Giang
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật

[1] Năm 2023, toàn tỉnh 2.059 báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, trong đó: 569 Báo cáo viên pháp luật (283 Báo cáo viên cấp tỉnh; 286 Báo cáo viên cấp huyện) và 1.490 tuyên truyền viên pháp luật cấp xã.
[2] Năm 2023, toàn tỉnh Trà Vinh đã tổ chức 3.691 đợt phổ biến, giáo dục pháp luật cho khoảng 107.375  lượt người nghe
[3] Tổ chức thành công Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật” nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, kết quả có 6.989 người dự thi; Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật về hụi và các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, cuộc thi diễn ra từ ngày 22/10/2024 đến ngày 05/11/2024, có 2.614 người dự thi.

Xem thêm »