Kết quả nổi bật trong hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang

01/12/2024
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Ngày 29/11/2024, Sở Tư pháp tỉnh Bắc Giang đã ban hành Báo cáo số 519/BC-STP về kết quả thực hiện các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp năm 2024, theo đó, Bắc Giang đã triển khai nhiều hoạt động để tăng cường công tác quản lý nhà nước, đồng thời tổ chức các hoạt động cụ thể để hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, điển hình phải kể đến công tác cung cấp thông tin pháp lý, bồi dưỡng kiến thức pháp luật và tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp đã được tỉnh triển khai tích cực với nhiều kết quả nổi bật như sau:

  1. Hoạt động cung cấp thông tin pháp lý
Sở Tư pháp tỉnh Bắc Giang đã thực hiện nghiêm túc việc tuyên truyền đến doanh nghiệp nhỏ và vừa để khai thác, sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật; Hệ thống thông tin pháp luật tỉnh Bắc Giang. Đã thực hiện cập nhật 100% văn bản quy phạm pháp luật (QPPL), gồm 13 nghị quyết và 36 Quyết định do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành trong năm 2024 lên Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật; cập nhật đầy đủ các văn bản QPPL thuộc lĩnh vực tư pháp lên Cổng thông tin điện tử của Sở; thực hiện biên soạn 12 tài liệu phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL); 08 tờ rơi, tờ gấp, infographic cấp phát cho các doanh nghiệp và cán bộ, công chức, người dân trên địa bàn tỉnh. Tính đến tháng 11/2024, Sở đã cập nhật 20.805 văn bản của trung ương, 1.027 văn bản của tỉnh, 2.181 câu hỏi - đáp pháp luật, 232 đề cương tuyên truyền pháp luật; 2.023 tin văn bản pháp luật mới trên Hệ thống Thông tin pháp luật tỉnh Bắc Giang, Cổng thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) tỉnh nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tra cứu, tìm hiểu các văn bản pháp luật có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp.
Sở Tư pháp đã phối hợp với Thanh tra tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ, Công an tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, Cục Thi hành án dân sự tỉnh tổ chức buổi đối thoại, tọa đàm với doanh nghiệp về PCI đối với chỉ số thành phần “Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự” trên địa bàn tỉnh Bắc Giang cho 100 doanh nghiệp thuộc Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh và trong khu công nghiệp của tỉnh.
Việc cung cấp thông tin pháp luật cho các doanh nghiệp cũng được một số cơ quan, tổ chức cấp tỉnh triển khai đạt nhiều kết quả, tiêu biểu như: (i) Ban Quản lý Khu công nghiệp đã cập nhật đầy đủ nội dung trên chuyên mục Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên Cổng thông tin điện tử; kịp thời đăng tải, cập nhật 15 văn bản QPPL mới, cung cấp 22 tin bài tuyên truyền; triển khai 26 văn bản thông báo trên nhóm Zalo khu công nghiệp về các quy định mới liên quan đến doanh nghiệp; (ii) Sở Tài nguyên và Môi trường đã tiếp nhận 20 kiến nghị phản ánh liên quan đến quản lý nhà nước thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường; hỗ trợ doanh nghiệp các thủ tục giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất của tổ chức; chuyển đổi doanh nghiệp Nhà nước sang công ty cổ phần; tham gia ý kiến chấp thuận đầu tư dự án; thẩm định cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho tổ chức; hỗ trợ cho doanh nghiệp nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư, hỗ trợ về quy hoạch, kế hoạch sử đất, xác định giá đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư; kiểm tra hồ sơ, xác nhận bản đồ địa chính, bản đồ địa hình cho 89 dự án phục vụ quy hoạch xây dựng; tổ chức kiểm tra chấp hành pháp luật về đo đạc và bản đồ đối với 15 doanh nghiệp...
2. Hoạt động bồi dưỡng kiến thức pháp luật
Sở Tư pháp tỉnh Bắc Giang đã chủ trì, phối hợp với Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh tổ chức 02 Hội nghị tập huấn kiến thức pháp luật về đất đai; thỏa thuận, ký kết, thực hiện hợp đồng, một số vấn đề pháp lý nhìn từ thực tiễn giải quyết tranh chấp cho trên 300 chủ doanh nghiệp; người làm pháp chế, tham mưu tư vấn hợp đồng cho doanh nghiệp; phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng tổ chức 03 Hội nghị trực tuyến cho 03 cấp trong toàn tỉnh các quy định pháp luật về đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản cho cán bộ, công chức và các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực này.
Hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp luôn được một số cơ quan, đơn vị, địa phương tích cực tổ chức nhiều hoạt động và đạt được nhiều kết quả tiêu biểu như: (i) Ban Quản lý khu công nghiệp tổ chức hội nghị bồi dưỡng, tập huấn kiến thức pháp luật dành cho doanh nghiệp, người làm công tác pháp chế doanh nghiệp; phối hợp với Sở Ngoại vụ tổ chức tuyên truyền, đối thoại pháp luật về người lao động nước ngoài, xuất cảnh, nhập cảnh và cư trú cho hơn 200 doanh nghiệp; phối hợp với Công an tỉnh tổ chức các hội nghị chuyên đề về an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy, phòng, chống tội phạm; xây dựng mô hình doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn “An toàn về an ninh trật tự” với hơn 150 doanh nghiệp khu công nghiệp tham dự; (ii) Sở Lao động thương binh và xã hội tập huấn trực tuyến cho gần 200 doanh nghiệp; triển khai xúc tiến, thu hút lao động tại 08 tỉnh phía bắc và 03 trường đại học, thu hút, hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn tuyển dụng được gần 40.000 lao động vào làm việc tại doanh nghiệp; tổ chức 83 phiên giao dịch việc làm thu hút 600 đơn vị, doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh; tư vấn, giới thiệu việc làm cho trên 20.000 lao động có trên 3.000 lao động được giới thiệu việc làm trực tiếp cho doanh nghiệp. Qua việc triển khai các hoạt động trên cho thấy, việc tổ chức các lớp tập huấn, hội nghị, hội thảo, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp, người làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đã được các cơ quan, đơn vị tổ chức bằng hình thức phù hợp gắn với yêu cầu của doanh nghiệp và tình hình thực tế.
3. Hoạt động tư vấn pháp luật
Tiếp tục được thực hiện dưới nhiều hình thức như: Tư vấn, hướng dẫn của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, giải đáp trực tiếp của bộ phận chuyên môn; tiếp nhận và giải đáp hoặc chuyển kiến nghị cơ quan có thẩm quyền để giải đáp pháp luật trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, địa phương hoặc giới thiệu đơn vị, tổ chức tư vấn pháp luật trên cơ sở nhu cầu của doanh nghiệp nhỏ và vừa; xây dựng các chuyên mục trên Cổng thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị, địa phương; giải đáp bằng văn bản và đăng tải trên cổng thông tin điện tử, tư vấn qua hệ thống email...
Bên cạnh đó, một số cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã tổ chức các buổi tọa đàm, đối thoại với doanh nghiệp. Qua đó, kịp thời giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, tạo điều kiện cho hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nhằm góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
Để nâng cao chất lượng tư vấn pháp luật, các cơ quan, đơn vị, địa phương thường xuyên phối hợp với Đoàn Luật sư tỉnh trong hoạt động tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp. Thông qua hoạt động tư vấn pháp luật, các doanh nghiệp được hướng dẫn, trao đổi, giải đáp những vấn đề vướng mắc liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp và những vấn đề quản lý nhà nước của cơ quan có thẩm quyền ở địa phương, từ đó tạo cơ sở hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, góp phần thiết thực vào sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh./.
Công Thành
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật

Xem thêm »