Giới thiệu một số mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật hiệu quả tại tỉnh Tây Ninh

19/12/2024
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Ngày 23/5/2024, Bộ Tư pháp ban hành Công văn số 2643/BTP-PBGDPL về rà soát, báo cáo mô hình điểm phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) tại cơ sở, theo đó các bộ, ngành, địa phương tiến hành rà soát, đánh giá và đề xuất các mô hình PBGDPL hiệu quả theo các tiêu chí: (i) Mô hình có tác động tích cực, làm thay đổi nhận thức pháp luật của đối tượng tác động; (ii) Việc triển khai mô hình ảnh hưởng tích cực đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn; (iii) Mô hình có tính khả thi, đã, đang được triển khai tại địa phương, cơ sở, hướng tới các đối tượng cụ thể trong thực tiễn; (iv) Mô hình có tính bền vững, có khả năng duy trì, phát triển ổn định, lâu dài; (v) Mô hình có thể được nhân rộng ở các địa bàn, lĩnh vực, nhóm đối tượng cụ thể. Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Tư pháp và tình hình triển khai công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh, tỉnh Tây Ninh đã rà soát, lựa chọn, đề xuất 02 mô hình PBGDPL hiệu quả tại địa phương như sau:

1. Mô hình Tiết học pháp luật” tại Trường THCS Khưu Văn Chông
    Đây là mô hình do Công an xã An Thạnh, huyện Bến Cầu phối hợp Trường THCS Khưu Văn Chông thực hiện và đưa vào hoạt động từ năm học 2022-2023 cho đến nay. Theo đó, tại các lớp học có “Tiết học pháp luật”, các em học sinh được các chiến sĩ công an xã An Thạnh tuyên truyền về cách nhận biết và phòng, chống ma tuý; phòng, chống bạo lực học đường, bạo lực trẻ em và cách xử lý khi gặp các tình huống nguy hiểm. Các lớp học giúp các em trau dồi kỹ năng tự vệ, kỳ năng nhận biết và xử lý khi gặp tình huống nguy hiểm. Từ đó, trang bị thêm nhiều kiến thức và kỹ năng sống làm hành trang cho các em học sinh bước vào đời.
Tiết học pháp luật được tổ chức lồng ghép vào các tiết học ngoại khoá, giờ vắng tiết của các lớp để tuyên truyền, giáo dục các nội dung về bạo lực học đường, phòng chống ma tuý, xâm hại trẻ em,... thông qua mô hình đã góp phần phòng ngừa bạo lực học đường trong nhà trường, không để xảy ra đánh nhau trong học sinh, hạn chế và phòng ngừa việc học sinh sử dụng thuốc lá điện tử, ma tuý, tham gia tệ nạn xã hội,... đồng thời tạo mối liên kết giữa Công an và nhà trường, học sinh để kịp thời xử lý các vụ việc phát sinh trong học sinh.
Từ khi hoạt động, Công an xã An Thạnh, huyện Bến cầu đã thực hiện 40 tiết với 1.628 lượt học sinh tham gia học. Kết quả, trong năm học 2023-2024 không xảy ra bạo lực học đường, không xảy ra vụ việc học sinh đánh nhau, các vụ việc phức tạp trong, ngoài nhà trường. Kéo giảm 03 vụ các đối tượng tụ tập, đe doạ học sinh so với năm học 2022-2023.
2. Mô hình “Tăng, Ni, Phật tử Chùa Phước Hưng tham gia Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” tại thị trấn Tân Biên
    Công an huyện Tân Biên phối hợp với Ủy ban nhân dân thị trấn Tân Biên thành lập Ban điều hành mô hình từ năm 2022, gồm có 62 thành viên, trong đó: Trường Ban điều hành mô hình là đồng chí Phó Chủ tịch ủy ban nhân dân thị trấn; các Phó trưởng ban là Trưởng Công an thị trấn, Chủ tịch ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thị trấn, trụ trì chùa Phước Hưng; thành viên Ban điều hành mô hình là Trưởng khu phố, Cảnh sát khu vực và 56 thành viên nòng cốt Ban điều hành (Ban Hộ tự, tăng, ni, phật tử chùa Phước Hưng).
Mô hình được thành lập nhằm tuyên truyền, vận động các tăng, ni, phật tử chùa Phước Hưng chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đảm bảo các hoạt động tôn giáo lành mạnh, sống tốt đời, đẹp đạo; tự phòng, tự quản; nâng cao nhận thức và ý thức cảnh giác trong phát hiện, tố giác tội phạm, tệ nạn xã hội, góp phần xây dựng môi trường xã hội an toàn, văn minh. Để mô hình hoạt động theo nguyên tắc chung và thống nhất, Ban điều hành mô hình đã đề ra quy chế hoạt động, ban hành nội quy và phân công nhiệm vụ cụ thể của từng thành viên; định kỳ hằng quý họp 01 lần hoặc đột xuất. Ban điều hành mô hình đã thành lập nhóm “Zalo tuyên truyền phòng, chống tội phạm” với 28 thành viên để kịp thời trao đổi, chia sẻ thông tin phản ánh về tình hình an ninh trật tự. Nội dung tuyên truyền về một số hình thức lừa đảo qua mạng xã hội; những nguyên tắc cần ghi nhớ khi bị lừa đảo qua mạng; phòng tránh trộm cắp tài sản; phòng tránh cướp giật tài sản, cướp tài sản; phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm liên quan đến hoạt động tín dụng đen; ma túy và tác hại của ma túy; thông tin tình hình an ninh trật tự trên địa bàn; quán triệt nguyên tắc không sử dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện.
Ngoài ra, vào ngày rằm và ngày cuối tháng (Âm lịch), những phật tử và người tín ngưỡng đến chùa sinh hoạt, hành lễ, thông qua đó, trụ trì chùa đã tuyên truyền các quy định của pháp luật về tình hình an ninh, trật tự, phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm và phát động tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Theo đó, Ban hộ tự, thành viên mô hình đã kịp thời trao đổi, cung cấp cho lực lượng Công an các tin báo có liên quan đến tình hình an ninh, trật tự giúp lực lượng Công an thị trấn xử lý, giải tán các tệ nạn xã hội trên địa bàn.
Từ khi thành lập cho đến nay, Ban điều hành mô hình luôn được sự quan tâm của Cấp ủy, Ủy ban nhân dân thị trấn, nhất là lực lượng Công an trong công tác phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thị trấn và các tổ chức thành viên giúp hoạt động của mô hình đúng theo quy chế đã đề ra. Mô hình đã giúp tuyên truyền, vận động các tăng, ni, phật tử chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, nâng cao cảnh giác, tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm và tham gia tích cực trong các phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Thông qua mô hình đã kịp thời thông báo tình hình an ninh, trật tự nổi lên trên địa bàn để cho các tín đồ nâng cao ý thức cảnh giác, phòng ngừa, tố giác tội phạm. Mô hình đã phát huy hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho Phật tử, giúp lan tỏa hình ảnh đẹp của người chiến sĩ Công an huyện Tân Biên trong lòng Nhân dân; kịp thời giúp người dân tiếp cận chính sách pháp luật, đồng thời nâng cao hiệu quả phòng ngừa, tố giác tội phạm.
Thông qua mô hình, Công an thị trấn Tân Biên đã xử lý, giải tán 03 điểm đánh bạc nhỏ, lẻ; ra quyết định xử phạt hành chính đối với 08 vụ đánh nhau, chạy xe lạng lách; bắt, xử lý 05 đốỉ tượng mua bán trái phép chất ma túy; 02 vụ gây mất an ninh, trật tự; 02 vụ trộm, cắp tài sản và 04 vụ tai nạn giao thông.
Với những kết quả ấn tượng đạt được nêu trên, mô hình “Tăng, ni, phật tử chùa Phước Hưng tham gia Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” được lãnh đạo chính quyền địa phương đánh giá cao, nhiệt tình ủng hộ và đã được nhân rộng tại 03 địa điểm: (i) Ban trị sự Giáo hội phật giáo thị xã Trảng Bàng, thị xã Trảng Bàng; (ii) Chùa An Phước, xã An Thạnh, huyện Bến Cầu; (iii) Chùa Thiền Lâm-Gò Kén thuộc phường Long Thành Trung, thị xã Hòa Thành.
 
Lưu Công Thành,
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật

Xem thêm »