Tổ chức thành công Hội nghị Những vấn đề mà doanh nghiệp cần phải tuân thủ và phòng ngừa rủi ro pháp lý trong quản lý, sử dụng người lao động tại doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Ninh Bình

06/12/2024
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Ngày 06/12/2024, tại Nhà khách An Bình, số 1 đường Trần Hưng Đạo, phường Đông Thành, thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình, Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp đã tổ chức thành công Hội nghị đối thoại với người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Ninh Bình với chủ đề: Những vấn đề mà doanh nghiệp cần phải tuân thủ và phòng ngừa rủi ro pháp lý trong quản lý, sử dụng người lao động tại doanh nghiệp.

Hội nghị được tổ chức với sự hỗ trợ của Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) trên cơ sở triển khai Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021 - 2025 ban hành kèm theo Quyết định 81/QĐ-TTg ngày 19/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
Chủ trì Hội nghị là PGS.TS Trần Thị Thuý Lâm, Trưởng Bộ môn Luật Lao động, Khoa Pháp luật Kinh tế, Đại học Luật Hà Nội. Hội nghị có sự góp mặt của gần 100 đại biểu là đại diện Lãnh đạo Sở, ngành liên quan được giao làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; Người Quản lý doanh nghiệp, cán bộ pháp chế doanh nghiệp; Các tổ chức đại diện của doanh nghiệp; Luật sư, Luật gia, những người được giao thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và một số người lao động trên địa bàn tỉnh.
Các nội dung được tập trung trao đổi, thảo luận tại Hội nghị bao gồm: Kỹ năng đàm phán, giao kết hợp đồng lao động đào tạo nghề và hoàn trả phí đào tạo nghề; Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 và vấn đề triển khai thực thi trong doanh nghiệp.
Tại mỗi nội dung, các đại biểu tới dự bày tỏ sự quan tâm đối với các nội dung:
- Đối với Kỹ năng đàm phán, giao kết Quy định của pháp luật về giao kết hợp đồng đào tạo nghề và hoàn trả chi phí đào tạo nghề: Kỹ năng đám phán giao kết HĐ đào tạo nghề; Quy định pháp luật về chấm dứt HĐ đào tạo nghề và hoàn trả phí đào tạo nghề; Kỹ năng trong việc chấm dứt HĐ đào tạo nghề và hoàn trả phí đào tạo nghề; Quy định pháp luật về giải quyết tranh chấp về hoàn trả phí đào tạo nghề; Kỹ năng trong việc tham gia giải quyết tranh chấp về  hoàn trả phí đào tạo nghề; Trao đổi, thảo luận về các tình huống liên quan từ thực tiễn xét xử hoặc từ vụ việc của doanh nghiệp.

- Đối với Luật Bảo hiểm xã hội: Quy định của Luật BHXH năm 2014 về đối tượng tham gia BHXH; Những điểm mới so với Luật BHXH năm 2014 và việc triển khai thực thi; Quy định của Luật BHXH về các chế độ bảo hiểm ốm đau, thai sản và việc triển khai thực thi; Quy định của Luật BHXH về các chế độ bảo hiểm hưu trí và việc triển khai thực thi; Những điểm mới so với Luật BHXH năm 2014; Quy định của Luật BHXH về BHXH tự nguyện.
Thông qua Hội nghị, những nội dung của các văn bản, chính sách pháp luật mới liên quan đến quản lý, sử dụng người lao động tại doanh nghiệp đã được phổ biến tới đông đảo các đại biểu, đặc biệt phải kể đến người lao động, người làm công tác pháp chế tại doanh nghiệp và người làm công tác quản lý doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các đối tượng tham gia thị trường lao động.
Hội nghị cũng ghi nhận nhiều đề xuất, kiến nghị, phản hồi từ doanh nghiệp,  và tháo gỡ, giải đáp những khó khăn, vướng mắc pháp lý trong thực tiễn triển khai các quy định pháp luật có liên quan đến doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Kết thúc Hội nghị, các đại biểu ghi nhận và đánh giá cao chất lượng công tác tổ chức, trình độ và kỹ năng chuyên môn của người chủ trì, đồng thời bày tỏ mong muốn thời gian tới, Câu lạc bộ Pháp chế phối hợp với Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật sẽ có thêm nhiều hội nghị, diễn đàn, toạ đàm nhằm đưa pháp luật đến với người dân trên địa bàn tỉnh Ninh Bình nói riêng và cả nước nói chung, triển khai hiệu quả Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, góp phần nâng cao kiến thức pháp luật cho người dân, doanh nghiệp, tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh.
Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa được triển khai dựa trên các quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017, Nghị định số 55/2019/NĐ-CP ngày 24/6/2019 của Chính phủ, Quyết định số 81/QĐ-TTg ngày 19/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành giai đoạn 2021 – 2025 (Chương trình 81), và Quyết định số 345/QĐ-TTg ngày 05/4/2023 phê duyệt Đề án "Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2021 – 2030" (Đề án 345).
Chương trình hướng tới mục tiêu triển khai đồng bộ, hiệu quả và thiết thực Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017 cùng Nghị định số 55/2019/NĐ-CP, đồng thời kế thừa và phát huy những thành quả đạt được từ Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành giai đoạn 2016 – 2020. Các nhóm mục tiêu chính bao gồm việc thực hiện hỗ trợ pháp lý một cách đồng bộ, hiệu quả, công khai và minh bạch, ứng dụng các thành tựu từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Chương trình còn chú trọng đáp ứng nhu cầu hỗ trợ pháp lý của doanh nghiệp, đảm bảo tính trọng tâm, trọng điểm, thiết thực và phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực; đồng thời định hướng cho hoạt động hỗ trợ pháp lý của các bộ, ngành và địa phương.
Ngoài ra, Chương trình đặt trọng tâm vào việc nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật và thói quen pháp lý của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhằm giảm thiểu rủi ro, vướng mắc pháp lý trong kinh doanh. Đồng thời, Chương trình thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp vào quá trình xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật, đảm bảo kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và hiệu quả thực thi pháp luật.
Nguyễn Thành Huy,
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật.
 

Xem thêm »