Phú Thọ ban hành kế hoạch tổng kết Chiến lược phát triển trợ giúp pháp lý ở Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và Đề án đổi mới công tác trợ giúp pháp lý giai đoạn 2015 – 2025

10/04/2025
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Thực hiện Quyết định số 1004/QĐ-BTP ngày 20 tháng 3 năm 2025 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc ban hành Kế hoạch Tổng kết Chiến lược phát triển trợ giúp pháp lý ở Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 ban hành kèm theo Quyết định số 678/QĐ-TTg ngày 10/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ và Đề án đổi mới công tác trợ giúp pháp lý giai đoạn 2015 – 2025 ban hành kèm theo Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 01/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ, Sở Tư pháp tỉnh Phú Thọ đã ban hành Kế hoạch thực hiện trên địa bàn tỉnh năm 2025, cụ thể:

Mục đích, yêu cầu và phạm vi tổng kết
Đánh giá khách quan, toàn diện tình hình triển khai Chiến lược phát triển trợ giúp pháp lý (TGPL) đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 ban hành kèm theo Quyết định số 678/QĐ-TTg ngày 10/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ (sau đây gọi là Chiến lược phát triển TGPL) và Đề án đổi mới công tác TGPL giai đoạn 2015 - 2025 ban hành kèm theo Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 01/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ (sau đây gọi là Đề án đổi mới); đánh giá những kết quả đạt được và nhận diện những vướng mắc, bất cập, hạn chế trong việc thực hiện; làm rõ tính phù hợp, khả thi của các nhiệm vụ, mục tiêu trong Chiến lược phát triển TGPL và Đề án đổi mới. Đưa ra các kiến nghị, giải pháp cụ thể để khắc phục bất cập, hạn chế nhằm nâng cao chất lượng công tác TGPL, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và bảo đảm phù hợp với các quy định hiện hành có liên quan.
Việc tổng kết cần tiến hành nghiêm túc; hình thức tổng kết phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương. Nội dung tổng kết phải bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp được giao trong Chiến lược phát triển TGPL và Đề án đổi mới; phản ánh đúng thực tế khách quan, có phân tích, đánh giá toàn diện kết quả đạt được và tồn tại, hạn chế và có những đề xuất, kiến nghị cụ thể.
Việc tổng kết được thực hiện trong phạm vi toàn tỉnh Phú Thọ theo từng nhiệm vụ, giải pháp trong Chiến lược phát triển TGPL và Đề án đổi mới. Thời gian đánh giá được chia thành 03 giai đoạn, cụ thể: Giai đoạn 1: từ ngày 01/6/2011 đến ngày 31/5/2015: triển khai Chiến lược phát triển TGPL, trước khi Đề án đổi mới có hiệu lực; Giai đoạn 2: từ ngày 01/6/2015 đến ngày 31/12/2017: triển khai Đề án đổi mới, trước khi Luật TGPL năm 2017 có hiệu lực; Giai đoạn 3: từ ngày 01/01/2018 đến ngày 31/12/2024: từ khi Luật TGPL năm 2017 có hiệu lực thi hành.
Kế hoạch nêu rõ 02 nội dung cụ thể cần báo cáo bao gốm: Báo cáo tổng kết Chiến lược phát triển trợ giúp pháp lý và báo cáo tổng kết Đề án đổi mới
- Báo cáo tổng kết Chiến lược phát triển trợ giúp pháp lý
Đánh giá tình hình triển khai Chiến lược phát triển TGPL của tỉnh; những kết quả đạt được theo từng mục tiêu, giải pháp của Chiến lược phát triển TGPL.
Việc chỉ đạo, xây dựng, tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển TGPL, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện; tham mưu xây dựng hoàn thiện pháp luật về TGPL. Kết quả nâng cao nhận thức về TGPL: công tác truyền thông, thông tin về tổ chức và hoạt động TGPL để người dân, nhất là người dân ở vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa và vùng đồng bào dân tộc thiểu số biết và sử dụng TGPL.  Về phát triển mạng lưới tổ chức thực hiện TGPL và mạng lưới hỗ trợ hoạt động TGPL tại cơ sở.  Về phát triển và nâng cao chất lượng nguồn lực cho công tác TGPL: kết quả huy động các tổ chức tham gia TGPL; công tác đào tạo nâng cao trình độ, chuyên môn cho người thực hiện TGPL. Về thực hiện TGPL: kết quả thực hiện vụ việc theo từng hình thức, lĩnh vực cụ thể, trong đó có phân tích nhu cầu của người dân theo các lĩnh vực pháp luật. Công tác quản lý nhà nước đối với TGPL: kết quả kiện toàn tổ chức, bộ máy của cơ quan quản lý nhà nước về TGPL, triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động TGPL. Bảo đảm kinh phí, cơ sở vật chất cho hoạt động TGPL.
Những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Chiến lược phát triển TGPL; đề xuất giải pháp.
Báo cáo tổng kết Đề án đổi mới
Đánh giá tình hình triển khai thực hiện Đề án đổi mới của tỉnh; những kết quả đạt được theo từng nhiệm vụ, giải pháp trong Đề án.
Việc chỉ đạo, xây dựng và tổ chức thực hiện Kế hoạch triển khai Đề án đổi mới, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện Đề án đổi mới; tham mưu xây dựng hoàn thiện thể chế; Về hoạt động TGPL: thực hiện các vụ việc trợ giúp pháp lý, đặc biệt là vụ việc tham gia tố tụng (về số lượng và chất lượng thực hiện vụ việc tham gia tố tụng so với giai đoạn trước khi thực hiện Đề án đổi mới và với giai đoạn Luật TGPL năm 2017 có hiệu lực); việc thực hiện chỉ tiêu vụ việc tham gia tố tụng của Trợ giúp viên pháp lý; Rà soát, đánh giá hiệu quả hoạt động của các Chi nhánh theo 03 giai đoạn; Câu lạc bộ TGPL theo giai đoạn 1 và giai đoạn 2; Công tác bộ máy, biên chế của Trung tâm (đánh giá số lượng và chất lượng của đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý theo giai đoạn 3); Thu hút các nguồn lực xã hội tham gia thực hiện TGPL, đánh giá về số lượng và kết quả thực hiện vụ việc TGPL của các tổ chức, cá nhân tham gia TGPL; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thực hiện TGPL; Công tác truyền thông về TGPL; Kinh phí thực hiện TGPL.
Đánh giá tác động của việc thực hiện Đề án đổi mới đối với công tác TGPL.
Những bất cập, hạn chế, vướng mắc phát sinh trong thực tế triển khai thực hiện Đề án đổi mới (tập trung phân tích những khó khăn, hạn chế tại thời điểm hiện nay).
Đề xuất, kiến nghị.           
Tổ chức tổng kết
Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tham mưu cách thức tiến hành tổng kết và giúp Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc tổng kết; xây dựng báo cáo, nội dung góp ý trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, ban hành. Thời gian thực hiện: trước ngày 25/4/2025.
Vũ Nhâm
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý

Xem thêm »