Học nghề, lập nghiệp là quyền lợi và nghĩa vụ của lao động nữ; giúp phụ nữ chủ động tham gia học nghề để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động…. Đó là một trong những nội dung quan trọng của Đề án “Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm giai đoạn 2010-2015” vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 295/QĐ-TTg ngày 26/02/2010.
Đối tượng của Đề án này là lao động nữ trong độ tuổi lao động, ưu tiên dạy nghề cho các đối tượng là người thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi, người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ có thu nhập tối đa bằng 150% thu nhập của hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, người tàn tật, người trong diện thu hồi đất canh tác, phụ nữ bị mất việc làm trong các doanh nghiệp.
Các đối tượng được ưu tiên nói trên (trừ hộ có thu nhập tối đa bằng 150% thu nhập của hộ nghèo) được hỗ trợ chi phí học nghề ngắn hạn với mức tối đa 03 triệu đồng/người/khóa học (mức hỗ trợ cụ thể theo từng nghề và thời gian học nghề thực tế); hỗ trợ tiền ăn với mức 15.000 đồng/ngày thực học/người; hỗ trợ tiền đi lại theo giá vé giao thông công cộng với mức tối đa không quá 200 ngàn đồng/người/khóa học đối với người học nghề xa nơi cư trú từ 15 km trở lên.
Lao động nữ (cả nông thôn và thành thị) thuộc diện hộ có thu nhập tối đa bằng 150% thu nhập của hộ nghèo được hỗ trợ chi phí học nghề ngắn hạn với mức tối đa 2,5 triệu đồng/người/khóa học. Lao động nữ khác được hỗ trợ chi phí học nghề ngắn hạn với mức tối đa 02 triệu đồng/người/khóa học. Lao động nữ học nghề được vay vốn để học theo quy định hiện hành về tín dụng đối với học sinh, sinh viên. Lao động nữ làm việc ổn định tại chỗ (nơi cư trú) sau khi học nghề được ngân sách hỗ trợ 100% lãi suất đối với khoản vay học nghề.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành./.
Minh Đức