Pháp lệnh pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật sẽ được Quốc hội xem xét trong năm 2009

19/11/2008
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Quốc hội đã nhất trí bổ sung dự án Pháp lệnh hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật và Pháp lệnh pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XII (2007-2011).

Theo Nghị quyết về Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2009 và bổ sung Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khoá XII (2007 – 2011) vừa được Quốc hội thông qua, năm 2009 sẽ có 24 dự án luật, 6 dự án Pháp lệnh được thông qua, 20 dự án Luật được cho ý kiến tại Chương trình chính thức. Chương trình chuẩn bị gồm 22 dự án luật và 1 dự án pháp lệnh. Trong số các  dự án Luật, pháp lệnh nêu trên, có nhiều dự án Luật, pháp lệnh do Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo như: Luật lý lịch tư pháp, Luật bồi thường nhà nước, Luật nuôi con nuôi, Pháp lệnh hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật, Pháp lệnh pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho biết, các dự án thuộc Chương trình chính thức hầu hết là các dự án đã được xác định trong Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020; các dự án về tài chính, ngân hàng, quyền tự do dân chủ của công dân, phục vụ yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa...; đồng thời, có tính đến khả năng thực hiện của cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra và tiến độ chuẩn bị dự án luật. Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ khoá XII gồm 128 dự án luật, pháp lệnh, trong đó có 93 dự án thuộc Chương trình chính thức (gồm 83 dự án luật, 10 dự án pháp lệnh) và 35 dự án luật thuộc Chương trình chuẩn bị. Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã bổ sung 6 dự án luật, 6 dự án pháp lệnh vào Chương trình chính thức. Như vậy, có 89 dự án luật, 16 dự án pháp lệnh thuộc Chương trình chính thức. Trong khi đó, nếu tính cả 8 dự án luật được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 4 thì mới thông qua được 27/89 dự án luật thuộc Chương trình chính thức. Quỹ thời gian từ nay đến cuối nhiệm kỳ (tháng 5/2011) chỉ còn 5 kỳ họp Quốc hội, trong đó kỳ họp cuối nhiệm kỳ phải dành thời gian thoả đáng cho công tác tổng kết nhiệm kỳ. Như vậy, để hoàn thành được Chương trình nhiệm kỳ khoá XII thì trung bình mỗi kỳ họp Quốc hội phải xem xét, thông qua ít nhất 12 dự án. Năm 2009 được coi là “năm bản lề” của công tác xây dựng pháp luật nhiệm kỳ khoá XII, nên Quốc hội bố trí thông qua 24 dự án luật.

HồngThuý

Xem thêm »