Đối thoại trực tuyến: Người dân được hưởng lợi gì từ việc triển khai Ngày Pháp luật ?

Từ ngày(19/10/2018 ) - Đến ngày (29/10/2018 )

Tròn 5 năm kể từ ngày triển khai Ngày Pháp luật tại bộ, ngành địa phương, chúng ta đã làm được gì? Người dân được hưởng lợi gì từ ngày này? Hướng phát triển và giải pháp triển khai trong thời gian tới ra sao? Mời quý vị theo dõi cuộc trò chuyện của Phóng viên Báo PLVN với bà Ngô Quỳnh Hoa - Phó Vụ trưởng Vụ PBGDPL, Bộ Tư pháp.

PV: Thưa bà, theo bà, hiệu quả lớn nhất của việc triển khai hưởng ứng Ngày Pháp luật tại Bộ, ngành, địa phương là gì?
Bà Ngô Quỳnh Hoa: Với việc thông qua Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, Quốc hội đã quyết định lựa chọn ngày 9/11 hằng năm là Ngày Pháp luật của nước CHXHCN Việt Nam. Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội. 

Với mục đích, ý nghĩa  như vậy, 05 năm qua, Ngày Pháp luật đã được các Bộ, ngành, địa phương hưởng ứng sâu, rộng, có sức lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, đưa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả, góp phần quan trọng cho sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt  Nam XHCN.

Do vậy, theo tôi, hiệu quả lớn nhất của việc triển khai hưởng ứng Ngày Pháp luật tại Bộ, ngành, địa phương là việc Ngày Pháp luật từ chỗ còn mới mẻ, chưa quen đã dần thẩm thấu vào đời sống xã hội, trở thành ngày hội để toàn dân tôn vinh Hiến pháp, pháp luật; trở thành sự kiện chính trị - pháp lý quan trọng góp phần không chỉ nhằm tôn vinh các giá trị, vai trò đặc biệt của Hiến pháp, pháp luật trong cuộc sống của mỗi con người mà việc thực hiện Ngày Pháp luật đã bắt đầu hướng tới mục tiêu thực chất hơn, đó là làm chuyển biến ý thức tự giác học tập, tìm hiểu pháp luật để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, phục vụ thiết thực cho công tác chuyên môn, đáp ứng yêu cầu triển khai các nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị, địa phương. 

Từ đó, góp phần nâng cao nhận thức cho người dân về vị trí, vai trò của Hiến pháp và pháp luật trong đời sống, đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân. 

Ở khía cạnh đối ngoại, hội nhập quốc tế, Ngày Pháp luật chắc chắn cũng sẽ là thông điệp gửi đến nhân dân thế giới, đồng bào ta ở nước ngoài, các nhà đầu tư nước ngoài, góp phần xây dựng hình ảnh một đất nước Việt Nam thượng tôn Hiến pháp, pháp luật.

PV: Người dân được hưởng lợi gì từ việc triển khai hưởng ứng Ngày Pháp luật này, thưa bà?
Bà Ngô Quỳnh Hoa: Qua tổng kết, đánh giá kết quả sau 05 triển khai hưởng ứng Ngày Pháp luật cho thấy tổ chức thực hiện Ngày Pháp luật qua các năm cho thấy Ngày PL đã góp phần vào sự phát triển chung của Đất nước, xây dựng nhà nước pháp quyền VN XHCN. Trong đó, NPL đã:

- Thứ nhất, tạo sự chuyển biến mới trong nhận thức của các cấp, các ngành, các tổ chức và nhân dân về vị trí, vai trò và ý nghĩa của Hiến pháp, pháp luật trong quản lý nhà nước, đời sống xã hội, đặc biệt trong việc xác lập trách nhiệm của Nhà nước và xã hội tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền cơ bản của công dân. 

- Thứ hai, Ngày pháp luật đã giáo dục cán bộ, công chức, viên chức và người dân ý thức tự học tập, tìm hiểu để nâng cao hiểu biết pháp luật, tôn trọng, chấp hành pháp luật và bảo vệ pháp luật vì đó chính là tôn trọng và bảo vệ chính mình, góp phần duy trì xã hội trong trật tự, bảo vệ lợi ích của Đất nước, của cộng đồng và của chính mỗi người dân.

-Thứ ba, Ngày Pháp luật là dịp để mỗi cán bộ, công chức, viên chức tự soi lại mình, tự kiểm điểm trách nhiệm của mình trong thực thi công vụ và trong quan hệ với nhân dân. Từ đó, mỗi người tự mình chủ động tìm hiểu, học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nêu cao tinh thần gương mẫu trong chấp hành pháp luật, tự xem xét, nhắc nhở bản thân về những cái được và chưa được, những cái nên và không nên làm, tự điều chỉnh trong ý thức và hành xử cho xứng đáng là những “công bộc” của nhân dân, thực sự là người tuyên truyền, phổ biến pháp luật tích cực

-Thứ tư, Ngày Pháp luật góp phần xây dựng và củng cố các giá trị văn hóa pháp lý truyền thống phù hợp với xu hướng phát triển của thời đại và những chuẩn mực quốc tế trong cuộc sống xã hội, xây dựng và duy trì bền vững xã hội nhân văn có pháp chế nghiêm minh, có kỷ cương chặt chẽ;  là việc làm thiết thực góp phần nâng cao hiệu quả xây dựng, phổ biến, giáo dục pháp luật và thi hành pháp luật, đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. 

Như vậy, qua phân tích của tôi nêu trên có thể thấy người dân chính là đối tượng thụ hưởng trực tiếp nhất từ kết quả triển khai hưởng ứng Ngày Pháp luật hàng năm của các Bộ, ngành, địa phương. Hiểu biết pháp luật đã giúp mỗi người dân biết tự bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, xây dựng môi trường sống lành mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.

Cá nhân tôi tin tưởng rằng, nếu Nhà nước, xã hội và mỗi người dân cùng quyết tâm thực hiện thì Ngày Pháp luật sẽ luôn song hành cùng với chúng ta không chỉ có duy nhất ngày 09/11 mà các ngày trong năm, tinh thần thượng tôn pháp luật sẽ luôn hiện hữu qua hành vi của mỗi người, giúp xây dựng, củng cố vững chắc nền pháp quyền và những giá trị văn hóa pháp lý sẽ ăn sâu, bám rễ trong đời sống xã hội.

PV: Trong quá trình thực hiện, bà thấy có sự ‘bất cập nào với địa phương khi triển khai? Trong những chương trình giao lưu trước, có bạn đọc của chúng tôi cho rằng việc triển khai Ngày pháp luật ở địa phương đôi khi còn hình thức, và không đến được với đông đảo người dân. Bà có thấy đó là một phần sự thực? Nếu đúng như vậy, lỗi là ở đâu, theo bà cần phải làm gì?
Bà Ngô Quỳnh Hoa: Bên cạnh những kết quả tích cực thì chúng ta cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng việc triển khai, thực hiện Ngày Pháp luật vẫn còn những tồn tại, hạn chế, một số bộ, ngành, địa phương việc triển khai Ngày Pháp luật còn hình thức đúng như phản ánh của bạn đọc nêu trên. 

Một hạn chế rất dễ nhận thấy, tồn tại trong những năm qua đó là việc tổ chức triển khai Kế hoạch hưởng ứng Ngày Pháp luật tại một số Bộ, ngành, đoàn thể, địa phương còn chậm, chưa có sự chủ động trong chỉ đạo, hướng dẫn nhất là triển khai trong nội bộ cơ quan, tổ chức, địa phương mình. Cá biệt một số nơi tôi cho rằng chưa coi việc triển khai hưởng ứng Ngày Pháp luật là một nhiệm vụ chính trị - pháp lý cần quan tâm, đôn đốc, thực hiện thường xuyên. 

Các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật mới tập trung và ưu tiên ở các thành phố lớn, địa bàn đô thị, chưa có sự quan tâm đồng đều đến địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo những nơi rất cần được chúng ta quan tâm nhiều hơn, tạo điều kiện hỗ trợ hơn trong tiếp cận thông tin pháp luật, phổ biến giáo dục pháp luật. 

Một vấn đề nữa cũng cần phải tập trung khắc phục trong thời gian tới đó là việc triển khai hưởng ứng Ngày Pháp luật ở một số nơi vẫn còn hình thức, phong trào, chưa bám sát với mục đích, tinh thần, ý nghĩa của Ngày Pháp luật; hiệu ứng, sức lan tỏa từ các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật chưa cao, chưa tạo sự chuyển biến căn bản trong ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật và phong trào toàn dân tích cực, chủ động học tập, tìm hiểu pháp luật như mục tiêu như chúng ta hướng tới. Đó là một số hạn chế lớn mà tôi nghĩ trong thời gian tới cần tập trung tìm kiếm các giải pháp khắc phục. 

Ngoài ra, các nguồn lực xã hội là rất lớn nhưng chúng ta vẫn chưa khai thông, thu hút và huy động được để Ngày Pháp luật Việt Nam thực sự là ngày hội của toàn dân nhằm tôn vinh Hiến pháp và pháp luật. Điều đáng chú ý là mặc dù nhận thức pháp luật trong xã hội được nâng lên, nhưng tình hình vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội và các hiện tượng lệch chuẩn xã hội khác vẫn diễn biến phức tạp. Do vậy, cần khắc phục những tồn tại, hạn chế này trong thời gian tới.

Để Ngày Pháp luật thật sự hiệu quả, có ý nghĩa thiết thực, không trở thành hình thức, để lại dấu ấn tích cực và được nhân dân ghi nhận, hành động theo tinh thần thượng tôn pháp luật không chỉ trong ngày 09/11 mà là trong cả 365 ngày trong năm đều là ngày pháp luật thì Ngày pháp luật tổ chức triển khai cho phù hợp, sát với nhu cầu và điều kiện tham gia của nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động...

Trong đó: 
- Đối với nhân dân, nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật cần gắn với việc cung cấp đầy đủ, tiện lợi các dịch vụ pháp lý hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình để người dân cảm nhận được ý nghĩa, lợi ích, tác dụng thiết thực của Ngày pháp luật, từ đó hăng hái tham gia. 

- Đối với các Bộ, Ngành, việc triển khai Ngày Pháp luật phải gắn kết chặt chẽ với các nhiệm vụ trọng tâm về xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thi hành pháp luật, tăng cường kiểm tra, giám sát để pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh, thống nhất; góp phần cải thiện các chỉ số về tính minh bạch, công khai, dễ tiếp cận, dễ thực hiện trong xây dựng pháp luật, phổ biến giáo dục pháp luật; tính hiệu quả, tiết kiệm, thuận lợi trong cải cách thủ tục hành chính, giải quyết đơn thư của cá nhân, tổ chức...

- Đối với các địa phương, việc tổ chức Ngày Pháp luật cần gắn với việc thực hiện nhiệm vụ quản lý, điều hành phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh bằng pháp luật, với công tác tổ chức thực thi pháp luật, đưa pháp luật vào cuộc sống, kịp thời phát hiện, nhân rộng những mô hình hay; phát hiện những vướng mắc, bất cập từ thực tiễn thực thi pháp luật để kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh của địa phương, chỉ số hiệu quả cải cách hành chính... 

- Đối với mỗi cán bộ, công chức, viên chức phải xác định rõ Ngày Pháp luật là đợt sinh hoạt chính trị, chuyên môn rộng lớn để mỗi người tự tìm hiểu, nắm bắt, cập nhật những kiến thức pháp luật mới, bồi dưỡng và nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tăng cường trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu thực thi công vụ trong nền hành chính phục vụ nhân dân.

Như vậy, Ngày Pháp luật chỉ thành công khi  thu hút, huy động sự vào cuộc một cách thực chất của cả hệ thống chính trị, của từng cơ quan, tổ chức và mỗi người dân, từ đó, tạo lập một phong trào xã hội rộng lớn, biến Ngày pháp luật thực sự trở thành ngày hội của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. 

PV: Trong các bộ, ngành, địa phương đã triển khai Ngày pháp luật, có mô hình nào, bộ, ngành địa phương nào thực hiện tốt, khiến bà rất ấn tượng?
Bà Ngô Quỳnh Hoa: Một điểm sáng trong những kết quả triển khai hưởng ứng Ngày Pháp luật trong 05 vừa qua là sự xuất hiện các mô hình triển khai Ngày Pháp luật thiết thực tại nhiều Bộ, ngành, địa phương. Có thể kể đến một số mô hình như: Mô hình tổ chức các cuộc thi, hội thi pháp luật, tiêu biểu ở cấp độ quốc gia do Bộ Tư pháp chủ trì tổ chức như cuộc thi viết “Tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam” tổ chức năm 2015 với hơn 5 triệu bài tham gia dự thi, cuộc thi hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ III năm 2016; cuộc thi tìm hiểu pháp trực tuyến trong nhà trường; cuộc thi trực tuyến tìm hiểu pháp luật trên trang thông tin điện tử Bộ Tư pháp (5 cuộc thi trong năm 2017 đến nay thu hút 77.033 lượt người tham gia dự thi); cấp quy mô toàn ngành, như ngành kiểm sát có cuộc thi “Chúng tôi là kiểm sát viên hoặc các cuộc thi quy mô cấp tỉnh, thành phố được tổ chức thu hút được đông đảo mọi đối tượng trong xã hội tham gia như cuộc thi tìm hiểu Bộ luật hình sự của Thành phố Hà nội năm 2018, đã thu hút 924.000 bài dự thi, khoảng 1/10 dân số của Thủ đô tham gia cuộc thi này. 

Bên cạnh đó, có các mô hình tổ chức Ngày hội pháp luật ở một số tỉnh, thành phố (như Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Vĩnh Phúc); mô hình tổ chức đối thoại chính sách, pháp luật giữa cơ quan nhà nước với người dân được thực hiện tại Tổng cục thuế, Bộ Tài chính; tư vấn, giải đáp pháp luật về tiền lương, về lao động, về bảo hiểm xã hội tại Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; mô hình Tiết học pháp luật; sinh hoạt tuần lễ công dân; Tổ tuyên vận; hỗ trợ pháp lý, tổ chức đối thoại giải đáp chính sách, tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp; rà soát, đề xuất đơn giản hóa thủ tục hành chính; thông tin tuyên truyền lưu động, tổ chức tọa đàm, hội thảo quán triệt văn bản luật mới… và nhiều mô hình được triển khai tại bộ, ngành, địa phương khác. 

Nhìn từ góc độ đánh giá tác động hiệu quả của các mô hình hưởng ứng Ngày Pháp luật, chúng tôi thấy rằng nhiều mô hình hưởng ứng Ngày Pháp luật có sức lan tỏa rõ nét, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Các mô hình đáp ứng được tính thiết thực, gần gũi, giải quyết trúng, đúng những nhu cầu, vướng mắc của người dân, doanh nghiệp, có sự lồng ghép sáng tạo về mặt nội dung, hình thức thể hiện. 

Đặc biệt, tôi đánh giá cao việc nhiều Bộ, ngành, địa phương đã mạnh dạn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác hiệu ứng của truyền thông, mạng xã hội để mang đến những luồng gió mới cho Ngày Pháp luật nói riêng, phổ biến giáo dục pháp luật nói chung. Có thể nói, các mô hình hưởng ứng giống như những nhịp cầu nối giữa người dân và pháp luật, giúp cho pháp luật từ một công cụ mang tính quyền lực của nhà nước trở nên gắn bó, gần gũi với mỗi người dân, đi vào từng gia đình, từng địa bàn dân cư và xã hội một cách tự nhiên, giúp cho mỗi người dân không chỉ được bổ sung các kiến thức pháp luật cần thiết mà còn điều chỉnh được từng hành vi cụ thể và hình thành nên kỹ năng xử lý các vấn đề pháp lý. 

Những mô hình hay, cách làm sáng tạo cũng là những bông hoa đẹp trong đợt thi đua hưởng ứng Ngày Pháp luật được Bộ Tư pháp phát động nhân dịp 05 năm triển khai hưởng ứng Ngày Pháp luật trên toàn quốc. Tại Lễ hưởng ứng Ngày Pháp luật nước CHXHCN Việt Nam tới đây, Bộ Tư pháp sẽ tổ chức tôn vinh biểu dương những tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong tổ chức hưởng ứng Ngày Pháp luật, có những mô hình đổi mới, sáng tạo để từ đó khuyến khích, động viên và tiếp tục ươm mầm cho những ý tưởng sáng tạo, cách làm đột phá trong tổ chức Ngày Pháp luật thời gian tới đây. 

PV: Chúng ta đã nhìn lại 05 năm, vậy thời gian tới, bà có nghĩ sẽ có những giải pháp tốt hơn để việc triển khai hưởng ứng Ngày Pháp luật ngày càng hiệu quả?
Bà Ngô Quỳnh Hoa: Để Ngày Pháp luật trong thời gian tới thực sự thiết thực, hiệu quả, với tư cách là cơ quan giúp Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp rất mong muốn sự tham gia, hưởng ứng tích cực của các Bộ, Ngành, địa phương với tinh thần trách nhiệm cao nhất; phối hợp chặt chẽ với Ngành Tư pháp để cùng giúp Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức thực hiện tốt Ngày Pháp luật trong những năm tiếp theo, bảo đảm tính thường xuyên, liên tục, sáng tạo, có trọng tâm, trọng điểm, thiết thực và hiệu quả, cần tập trung triển khai với các định hướng sau:

1. Cần tiếp tục nâng cao nhận thức, tư tưởng nhận thức, trách nhiệm của các Bộ, ngành, đoàn thể, địa phương, cơ quan, tổ chức nhất là người đứng đầu trong triển khai Ngày Pháp luật, phải coi đây là một nhiệm vụ chính trị, pháp lý quan trọng của cả hệ thống chính trị, phải được thực hiện thường xuyên liên tục, lâu dài, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt không chỉ riêng một Bộ, ngành, đoàn thể, địa phương nào. 

2. Tổ chức Ngày Pháp luật hàng năm phù hợp, sát thực với việc tổ chức triển khai các nhiệm vụ chính trị, kinh tế xã hội lớn, các sự kiện chính trị - pháp lý trọng đại của đất nước. Các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật cần đảm bảothiết thực, phục vụ đắc lực sự phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ nhu cầu pháp lý của tổ chức, cá nhân. Từng ngành, từng cấp cần xuất phát từ yêu cầu quản lý của mình trong từng lĩnh vực, địa bàn mà đề ra nhiệm vụ tổ chức Ngày Pháp luật cho phù hợp. Việc triển khai Ngày Pháp luật phải được thực hiện đồng bộ, gắn kết chặt chẽ với các nhiệm vụ trọng tâm về xây dựng và thi hành pháp luật của các Bộ, ngành, địa phương, đảm bảo thiết thực, tiết kiệm, hiệu quả, tránh hình thức, thực chất và đi vào chiều sâu. 

3. Đổi mới và đa dạng nội dung, hình thức tổ chức thực hiện Ngày Pháp luật, tránh tính phô trương, hình thức. Để làm được việc đó, cần xác định rõ nội dung, hình thức tổ chức thực hiện phải phù hợp với từng đối tượng, địa bàn, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn cụ thể; 

Chú trọng nhân rộng và phát huy hiệu quả các mô hình điểm trên thực tế; chủ động, sáng tạo, linh hoạt áp dụng các mô hình, biện pháp tổ chức thực hiện mới, phù hợp. Đặc biệt cần quan tâm, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai các mô hình, hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật trong bối cảnh, xu thế tất yếu của cách mạng công nghiệp 4.0.

4. Ngày Pháp luật phải được tiến hành thường xuyên, lâu dài, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm. Ngày 09 tháng 11 là Ngày Pháp luật, ngày cao điểm tôn vinh Hiến pháp và pháp luật, nhưng không nên hiểu rằng, trong năm chỉ đến ngày đó mới tổ chức thực hiện các hoạt động hưởng ứng. Ngày Pháp luật 9 tháng 11 chỉ là thời điểm cao trào trong năm, là dịp để nhìn nhận, đánh giá các việc đã làm trong năm, đề ra các nhiệm vụ cho năm tiếp theo; khen thưởng, tôn vinh những tấm gương sáng, điển hình trong xây dựng pháp luật, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, thi hành pháp luật. Ngày Pháp luật 9 tháng 11 cần được xác định là một sự kiện chính trị, pháp lý có ý nghĩa quan trọng đối với việc xây dựng Nhà nước pháp quyền của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân, có sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng dân cư, giáo dục ý thức tôn trọng pháp luật, để tất cả 365 ngày trong năm đều là ngày chấp hành pháp luật.

5. Cần đẩy mạnh việc thực hiện xã hội hóa, huy động và tổ chức sự tham gia rộng rãi của nhân dân, của toàn xã hội vào các hoạt động tổ chức triển khai Ngày Pháp luật với sự hỗ trợ của Nhà nước và các nguồn lực xã hội khác.

Trân trọng cám ơn bà !