LUẬT SƯ CÔNG VÀ ĐỊNH HƯỚNG THIẾT LẬP CHẾ ĐỊNH LUẬT SƯ CÔNG Ở VIỆT NAM

16/05/2025
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

I. Khái niệm luật sư công
1.1.Khái niệm luật sư công: Theo Wikipedia thì “Luật sư công là một luật sư được chỉ định để đại diện, bào chữa cho những bị cáo không có tiền thuê luật sư. Một số nước như Vương quốc Anh, Bỉ, Hungary, Singapore và một số tiểu bang của Úc cung cấp luật sư công cho mọi người. Brasil là nước duy nhất mà Hiến pháp quy định một văn phòng luật sư công do chính phủ tài trợ với mục đích cụ thể là trợ giúp pháp lý (TGPL), đại diện miễn phí cho bị cáo nghèo. Tu chính án 6 của Hiến pháp Hoa Kỳ quy định chính phủ phải cung cấp luật sư cho bị cáo nghèo trong các vụ án hình sự. Luật sư công tại Hoa Kỳ là luật sư được chính quyền quận, tiểu bang hoặc liên bang tuyển dụng hoặc ký hợp đồng”.[1]  Như vậy, đa phần luật sư công ở các quốc gia có đối tượng đích là nhóm nghèo hoặc vì lợi ích công để thực hiện dịch vụ pháp lý, ví dụ, tại một số quốc gia Trung Á như Iran, Irac… luật sư công sẽ luôn đồng hành cùng nguyên thủ quốc gia để hỗ trợ pháp lý khi đàm phán, ký kết các hợp đồng kinh tế lớn. Ở Việt Nam, cần định hướng Luật sư công là một chức danh độc lập trong hệ thống các chức danh nghề nghiệp, thực hiện dịch vụ pháp lý một cách độc lập, chuyên nghiệp góp phần bảo vệ công lý, các quyền tự do, dân chủ của công dân, cá nhân; quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức; quyền và lợi ích công, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
Năm 2006 khi trình ban hành Luật Trợ giúp pháp lý (TGPL), Chính phủ đã xin ý kiến về việc quy định chế định luật sư công thay vì gọi là “trợ giúp viên pháp lý” để thực hiện dịch vụ pháp lý miễn phí cho các đối tượng là người nghèo, nhóm dễ bị tổn thương, nhóm hưởng chính sách ưu đãi xã hội.
Quan điểm bảo vệ chế định luật sư công năm 2006 dựa trên các yếu tố như: (i) Dịch vụ pháp lý là hoạt động nghề nghiệp của luật sư, theo thông lệ quốc tế do các luật sư chính phủ/luật sư công/luật sư TGPL thực hiện song song cùng hệ thống luật sư hành nghề tư nhân; (ii) Danh xưng luật sư công phù hợp với danh xưng chung của nhiều quốc gia trên thế giới, vì vậy, tránh được ý niệm phân biệt đối xử: người có tiền thì thuê luật sư, người nghèo thì chỉ có trợ giúp viên; (iii) Về trình độ, tiêu chuẩn và kỹ năng hành nghề thì luật sư công và luật sư tư đều có chung một mặt bằng là trình độ cử nhân luật trở lên, có chứng chỉ hành nghề, có thời gian tập sự, có thẻ hành nghề…; (iv) Về tổ chức nghề nghiệp, họ có thể thành lập hội nghề nghiệp chung giữa các hệ luật sư hoặc có hội nghề nghiệp riêng của mình trong nước và quốc tế nhưng quy tắc hành nghề là chung: chịu trách nhiệm cá nhân trước pháp luật như các nghề nghiệp khác và giữ bí mật cũng như đạo đức nghề nghiệp vì công lý, công bằng xã hội và tuân thủ pháp luật; (v) Có các quyền và nghĩa vụ cụ thể khi hành nghề và được hưởng chế độ, luật sư công hưởng lương từ ngân sách do nhân dân đóng thuế chung, luật sư tư nhận thu thù lao trực tiếp từ khác hàng theo vụ việc. Cũng có ý kiến trong thời điểm 2006 đề cập đến là nếu có luật sư công thì hệ luật sư này vừa thực hiện TGPL, vừa thực hiện tư vấn pháp luật và tham vấn chính sách cho cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nhà nước và thực hiện đại diện cho cán bộ nhà nước trong các vụ án hành chính, tham vấn khi thực hiện đầu tư với nước ngoài. Vì những luật sư công hưởng lương của nhà nước nên sẽ thực hiện các nhiệm vụ do nhà nước giao và cung cấp dịch vụ pháp lý cho nhóm đối tượng nhà nước chỉ định, còn luật sư tư nhận các vụ việc theo chuyên sâu nghề nghiệp mà họ chọn và không thuộc diện chịu sự chi phối và bị giao việc từ cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, do Luật này được dự thảo và ban hành trong 06 tháng nên chế định này trong dự thảo luật chưa có thời gian để nghiên cứu sâu và được sự nhất trí cao quy định ngay trong thời điểm 2006 nên lãnh đạo Quốc hội (Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An) đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu thêm. Như vậy, trong các văn bản pháp luật hiện hành, chế định luật sư công chưa được quy định, nhưng trong thực tế, đã có lực lượng viên chức là trợ giúp viên pháp lý thực hiện dịch vụ pháp lý miễn phí theo nhiệm vụ luật giao và về thực chất, họ đang thực hiện chức năng của luật sư công.
1.2. Các chủ thể thực hiện dịch vụ pháp lý theo pháp luật về TGPL: Thực tiễn thực hiện Luật TGPL cho thấy, Trợ giúp viên pháp lý là người thực hiện TGPL (Điều 17), (có 634 trợ giúp viên pháp lý/1.220 biên chế)[2], còn TGPL là cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí,… góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật (Điều 2). Tổ chức ký hợp đồng thực hiện TGPL bao gồm tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật ký kết hợp đồng thực hiện TGPL với Sở Tư pháp theo quy định của Luật (Điều 12), (có 533 luật sư tham gia TGPL trên tổng số 17.545 luật sư của toàn quốc. Số tổ chức hành nghề luật sư tham gia TGPL là 159 so với 2.386 số tổ chức hành nghề luật sư của toàn quốc. Số tổ chức tư vấn pháp luật tham gia TGPL là 39 trong số 188 tổ chức tư vấn pháp luật trên toàn quốc)[3]. Từ ngày 01/01/2018 đến ngày 30/6/2022, đã thực hiện được 146.148 vụ việc TGPL cho 146.148 người được TGPL, trong đó có 77.707 vụ việc tư vấn pháp luật, 67.107 vụ việc tham gia tố tụng, 1.334 vụ việc đại diện ngoài tố tụng[4] Như vậy, công việc mà trợ giúp viên pháp lý đang thực hiện cho nhóm đối tượng (người nghèo, đối tượng chính sách,…) mà nhà nước chỉ định, còn luật sư thì thực hiện dịch vụ pháp lý cho các nhóm khách hàng có trả thù lao mà họ có quyền tự tiếp nhận hoặc từ chối và luật sư cũng tham gia trợ giúp pháp lý (08 giờ/1 luật sư/1 năm theo Quy chế của Liên đoàn luật sư Việt Nam)[5].
Trợ giúp viên pháp lý được thực hiện trợ giúp pháp lý bằng hình thức tham gia tố tụng; tư vấn pháp luật; đại diện ngoài tố tụng. Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay cũng đã hình thành hai nhóm luật sư tương đối độc lập và chuyên sâu: luật sư bào chữa và luật sư tư vấn. Nhóm luật sư tư vấn đa phần làm việc trong các Chi nhánh luật sư nước ngoài, các Công ty Luật của Việt Nam, còn các luật sư bào chữa làm việc tại các Văn phòng luật sư và các Công ty Luật. Tính đến ngày 31/12/2024 thành viên của Liên đoàn Luật sư Việt Nam là 19.799 tăng hơn số lượng thành viên Liên đoàn Luật sư Việt Nam năm 2023 là 1.783 luật sư, các Luật sư hành nghề tại hơn 5.300 tổ chức hành nghề luật sư[6].
Có thể so sánh tiêu chuẩn của Luật sư và Trợ giúp viên pháp lý hiện nay theo các tiêu chuẩn quy định tại các văn bản pháp lý về luật sư hiện hành:
  Về tiêu chuẩn chung:
- Có sức khỏe bảo đảm thực hiện nhiệm vụ.
- Có bẳng cử nhân luật trở lên;
- Đã được đào tạo nghề luật sư hoặc được miễn đào tạo nghề luật sư.
- Luật sư không thuộc các trường hợp bị cấm hành nghề luật sư theo quy định của pháp luật; Trợ giúp viên pháp lý không đang trong thời gian bị xử lý kỷ luật.
Về hình thức cung cấp dịch vụ pháp lý:
- Tư vấn pháp luật; tham gia tố tụng; đại diện ngoài tố tụng; tham gia hòa giải và thực hiện truyền thông, phổ biến giáo dục pháp luật.
Tiêu chí Luật sư Trợ giúp viên pháp lý
Vị trí Là thành viên Đoàn luật sư
Chế độ tự bảo đảm
Thi tuyển viên chức
Là viên chức nhà nước
Chế độ do Nhà nước bảo đảm
Tiêu chuẩn - Đạt yêu cầu kỳ kiểm tra kết quả tập sự do Liên đoàn Luật sư Việt Nam tổ chức.
- Bộ Tư pháp cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư nếu đạt kỳ kiểm tra.
 
- Đạt yêu cầu kỳ kiểm tra kết quả tập sự.
- Chủ tịch UBND tỉnh bổ nhiệm Trợ giúp viên pháp lý nếu đủ điều kiện theo Luật Trợ giúp pháp lý 2017.
 
 Phạm vi hoạt động theo địa bàn - Không giới hạn. Trong phạm vi địa giới hành chính của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. (Trừ vụ việc trợ giúp pháp lý do cơ quan có thẩm quyền về trợ giúp pháp lý ở Trung ương yêu cầu theo quy định điểm c khoản 1 điều 26 Luật TGPL)
Phạm vi theo lĩnh vực pháp luật Tất cả các lĩnh vực pháp luật - Các lĩnh vực pháp luật, trừ lĩnh vực kinh doanh, thương mại.
Phạm vi theo hình thức Ngoài 03 hình thức cơ bản, Luật sư được cung cấp Dịch vụ pháp lý khác (thực hiện công việc liên quan đến thủ tục hành chính; tham gia trong trường hợp giải quyết khiếu nại; dịch thuật, xác nhận giấy tờ, các giao dịch và giúp đỡ khách hàng thực hiện công việc khác theo quy định của pháp luật). Thực hiện 3 hình thức: Tham gia tố tụng; tư vấn pháp luật; đại diện ngoài tố tụng (quy định tại khoản 2 điều 27 Luật TGPL)
 
 
- Ngoài Trợ giúp viên pháp lý, luật sư, tham gia TGPL còn có các Tư vấn viên pháp luật hoạt động theo các quy định tại Nghị định số 77/2008/NĐ-CP ngày 16/7/2008 của Chính phủ về tư vấn pháp luật. Tư vấn viên pháp luật hoạt động trong các Trung tâm tư vấn pháp luật do các tổ chức chính trị- xã hội, tổ chức xã hội- nghề nghiệp,... thành lập. Tư vấn viên pháp luật thực hiện tư vấn pháp luật để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, thành viên của tổ chức chủ quản, góp phần bảo vệ pháp chế, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, trật tự, an toàn xã hội. Theo báo cáo của Cục Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp, tính đến tháng 12/2021, cả nước có khoảng 200 Trung tâm tư vấn pháp luật được thành lập với gần 40 chi nhánh của Trung tâm tư vấn pháp luật, đăng ký hoạt động tại 62/63 tỉnh, thành phố; khoảng 3.200 người thực hiện tư vấn pháp luật, trong đó có trên 620 người được cấp Thẻ tư vấn viên pháp luật, trên 100 luật sư hành nghề với tư cách cá nhân làm việc theo hợp đồng lao động cho Trung tâm, khoảng 2.500 người là cộng tác viên tư vấn pháp luật.[7] Theo Cục TGPL (nay là Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý), Bộ Tư pháp, đến cuối năm 2022 đã có 217 tổ chức đăng ký tham gia TGPL với 32 Sở Tư pháp (trong đó có: 177 tổ chức hành nghề luật sư, 40 tổ chức tư vấn pháp luật (báo cáo của 32 Sở Tư pháp).[8]
- Ngoài ra, theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và cụ thể hóa tại Nghị quyết số 03/NQ-HĐTP ngày 02/10/2004 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, bào chữa viên nhân dân là người được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức thành viên của Mặt trận cử ra bào chữa cho thành viên tổ chức mình. Tòa án sẽ căn cứ vào giấy giới thiệu của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoặc tổ chức thành viên từ cấp xã, phường trở lên để cấp giấy chứng nhận người bào chữa đó là bào chữa viên nhân dân.
- Các Trung tâm TGPL và các Trung tâm tư vấn pháp luật còn có một đội ngũ đông đảo là cộng tác viên, được hoạt động theo quy định của pháp luật và thực hiện các vụ việc theo sự phân công của các Trung tâm này. Tuy nhiên, số cộng tác viên TGPL đã giảm mạnh sau năm 2017, hiện nay mỗi Trung tâm TGPL chỉ có trên 100 cộng tác viên, bằng 1/10 số cộng tác viên của các năm trước. Chính sách xã hội hóa TGPL bị ách tắc vì Quỹ TGPL Việt Nam – thực hiện chức năng huy động và phân bổ các nguồn lực xã hội cho công tác này đã chấm dứt hoạt động theo Luật TGPL sửa đổi năm 2017, nhà nước không có cơ chế hỗ trợ cho các tổ chức xã hội trong thực hiện TGPL.
- Đội ngũ cán bộ làm công tác pháp chế tại các bộ, ngành và 63 tỉnh, thành có nhiệm vụ thực hiện tư vấn, tham mưu về mặt pháp lý, các chủ trương, chính sách, đề án, văn bản theo Nghị định số 56/2024/NĐ-CP ngày 18/5/2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP 04/7/2011 của Chính phủ quy định, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế.
Theo báo cáo của Bộ Tư pháp đến hết năm 2023, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có 4.681 người làm công tác pháp chế, trong đó có 1.201 cán bộ pháp chế chuyên trách. Các địa phương có 2.916 người làm công tác pháp chế, trong đó có 515 người được bố trí làm công tác pháp chế chuyên trách. Tại các doanh nghiệp nhà nước ở Trung ương có 215 người làm công tác pháp chế, trong đó có 187 người làm công tác pháp chế chuyên trách[9].
II. Định hướng hình thành chế định luật sư công trong điều kiện hiện nay
2.1 Đường lối và các căn cứ pháp lý
Nghị quyết số 623/NQ-UBTVQH15 ngày 07/10/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Trong đó, UBTVQH giao cho Chính phủ chỉ đạo Bộ Tư pháp trực tiếp nghiên cứu hình thành những chế định “luật sư công” nhằm hướng đến vai trò đại diện cho chính quyền tại địa phương khi tham gia tố tụng.
Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022, Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới đặt ra yêu cầu xây dựng mạng lưới, nâng cao năng lực của hệ thống dịch vụ pháp lý, TGPL và hỗ trợ pháp lý để người dân và doanh nghiệp dễ tiếp cận pháp luật; hoàn thiện thể chế về luật sư và hành nghề luật sư, bảo đảm để luật sư thực hiện tốt quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm theo quy định của pháp luật; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và trách nhiệm tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp đối với luật sư, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động hành nghề luật sư; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng và phát triển đội ngũ luật sư có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, am hiểu pháp luật, giỏi về kỹ năng hành nghề và ngoại ngữ, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế.
Kết luận số 69-KL/TW ngày 24/02/2020 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 33-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của luật sư chỉ đạo tiếp tục xây dựng, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện pháp luật về luật sư bảo đảm đồng bộ, thống nhất, vừa tăng cường quản lý của các cơ quan chức năng, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của luật sư, trong đó chú trọng nâng cao tiêu chuẩn chính trị, đạo đức nghề nghiệp, chuyên môn nghiệp vụ của luật sư; Hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút luật sư tham gia hoạt động tư vấn pháp luật, nhất là hoạt động tư vấn giải quyết tranh chấp quốc tế, phục vụ hội nhập quốc tế; tư vấn các chính sách thu hút đầu tư, dự án kinh tế - xã hội ở Trung ương và địa phương; TGPL cho người nghèo, người dân ở vùng sâu vùng xa, người dân tộc thiểu số, đối tượng chính sách và các công tác xã hội khác. Đặc biệt, các Nghị quyết của Bộ Chính trị trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc gần đây đã có những chỉ đạo cụ thể về việc nghiên cứu, hình thành chế định luật sư công để đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới, đó là: Nghị quyết 59-NQ/TW ngày 24/01/2025 của Bộ Chính trị về "hội nhập quốc tế trong tình hình mới"; Nghị quyết số 66-NQ/TW ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị về “Đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới” quy định: Nghiên cứu hình thành chế định luật sư công và cơ chế có điều kiện cho phép viên chức được hành nghề luật sư; bảo đảm việc công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài phù hợp với các chuẩn mực và thông lệ quốc tế; Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 04/5/2025 của Bộ Chính trị về “phát triển kinh tế tư nhân”... 
Các chỉ đạo thiết thực này đang được Quốc hội và các cơ quan chức năng khẩn trương nghiên cứu để hoàn thiện pháp luật về luật sư công trong các văn bản pháp luật như: Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật TGPL, Luật Luật sư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, ...
2.2 Đối tượng phục vụ và vị trí pháp lý của luật sư công
Vấn đề đang đặt ra cho giới lập pháp và nghiên cứu là giải quyết được chủ thể là các cá nhân, tổ chức nào? Vị trí pháp lý và nhiệm vụ cụ thể của luật sư công? Trong điều kiện hiện nay, vừa đáp ứng nhu cầu dịch vụ pháp lý trong kỷ nguyên mới, vừa hội nhập với khu vực và thế giới, bảo đảm vai trò bảo đảm công lý, công bằng pháp luật và thiết thực phục vụ các nhiệm vụ mới của đất nước.
(i) Đối tượng phục vụ của luật sư công theo thực tiễn cuộc sống đang đặt ra cũng là một vấn đề cần được nghiên cứu cho phù hợp:
- Nhóm hộ nghèo, cận nghèo và nhóm được hưởng chế độ ưu đãi của nhà nước, để họ có cơ hội và điều kiện ngang bằng trong tiếp cận công lý, dịch vụ pháp lý như các tầng lớp dân cư khác;
- Nhóm lãnh đạo nhà nước, Chính phủ, đại biểu Quốc hội, cơ quan nhà nước;
- Nhóm doanh nghiệp (trong tham gia với thị trường kinh tế thế giới và trong các vụ kiện, các vụ án hình sự của pháp nhân, các vụ kiện liên quốc gia, doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo...).
- Tham gia trong các hoạt động tham vấn, phản biện chính sách, hỗ trợ các chính sách công và dịch vụ một cửa quốc gia;
- Tham gia trong các vụ án hành chính.
- Tham vấn và tư vấn, hỗ trợ pháp lý cho các đại biểu Quốc hội, các lãnh đạo nhà nước, các cơ quan nhà nước khi quyết định các chính sách pháp luật mới hoặc sửa đổi, bổ sung những văn bản pháp luật quan trong; hoặc khi quyết định các vấn đề liên quan đến lợi ích công.
(ii) Vị trí pháp lý của luật sư công:
- Là nhân viên nhà nước/viên chức nghiệp vụ pháp lý/hưởng lương theo ngạch bậc; Có chức danh luật sư công và thẻ hành nghề;
- Được phân công thực hiện dịch vụ pháp lý cho một trong các nhóm đối tượng đích của nhà nước;
- Hành nghề luật độc lập, tuân thủ pháp luật và đạo đức nghề nghiệp;-
- Hoạt động trong đơn vị do nhà nước thiết lập;
- Có các quyền và nghĩa vụ theo quy định của luật và chịu trách nhiệm cá nhân trước pháp luật về các vụ việc được giao;
- Được tham gia các tổ chức nghề nghiệp trong và ngoài nước.
 2.3 Chế định luật sư công phải tiếp tục kế thừa, phát huy và đóng vai trò nòng cốt trong cung cấp dịch vụ pháp lý, đáp ứng vị trí, vai trò và ý nghĩa chính trị - xã hội – nhân văn sâu sắc
(i) Trong xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN: luật sư công phải đi sát với cơ sở, bám sát các nhóm đối tượng đích, giúp người dân nắm được nội dung pháp luật, cách thức áp dụng để giải quyết các vấn đề cụ thể trong cuộc sống từ đó hiểu và vận dụng, sử dụng pháp luật chính xác, tích cực để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi tham gia các quan hệ xã hội.
(ii) Trong bảo đảm quyền con người, quyền công dân, quyền bình đẳng trong tranh tụng theo Hiến pháp nước Cộng hoà XHCN Việt Nam: thực hiện dịch vụ pháp lý nhằm  thượng tôn pháp luật, bảo vệ lợi ích công, lợi ích cộng đồng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người nghèo, người yếu thế trong xã hội, những người không có đủ khả năng để sử dụng dịch vụ pháp lý thu phí, nhóm công dân được hưởng chính sách ưu đãi, tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng được TGPL. Nhóm đối tượng được pháp luật bảo vệ khi có vướng mắc, tranh chấp pháp luật, khi tham gia tranh tụng, xét xử; là một chính sách của Nhà nước để bảo đảm quyền tự do, dân chủ trên thực tế của nhóm người này. Trực tiếp tham gia tranh tụng góp phần thực thi công lý, giúp Toà án có những phán quyết đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, giảm thiểu oan sai. Đồng thời, góp phần hướng dẫn giải quyết nhiều vụ việc phức tạp, khiếu kiện vượt cấp, kéo dài do nhiều nguyên nhân dẫn đến giảm lòng tin của người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số,… đối với việc thi hành pháp luật của Nhà nước, từ đó góp phần tăng cường pháp chế XHCN, phù hợp với mục tiêu cải cách tư pháp, giúp người dân ngày càng tin tưởng vào Nhà nước, pháp luật.
(iii) Trong công tác xoá đói giảm nghèo và an sinh xã hội: luật sư công tích cực tham gia trong triển khai chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và an sinh xã hội thông qua các hoạt động giúp người dân giảm nghèo về mặt pháp luật, là cầu nối để người dân nhận thức, thực hiện chính sách ưu đãi mà Nhà nước dành cho họ từ đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội toàn diện. Với mục tiêu lấy con người làm trung tâm (người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, người có công với cách mạng,…), lực lượng luật sư công là một bộ phận cấu thành trong hệ thống cán bộ tư pháp, thiết thực thực hiện tổng thể chính sách xoá đói, giảm nghèo, an sinh xã hội gắn phát triển kinh tế với bảo đảm công lý, công bằng xã hội.
(iv) Trong thị trường dịch vụ pháp lý gắn với phát triển kinh tế: luật sư công ra đời và phát triển sẽ tạo địa chỉ thiết thực cho người lao động trong xã hội được tiếp cận và sử dụng dịch vụ pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, củng cố lòng tin của nhân nhân vào pháp luật nhằm xây dựng công bằng xã hội và đất nước giàu mạnh, văn minh.
(v) Trong điều kiện mở rộng áp dụng công nghệ tiến bộ, cung cấp dịch vụ một cửa quốc gia trực tuyến và cải cách hành chính, cải cách tư pháp, hoàn thiện hệ thống pháp luật, luật sư công là đội ngũ sẽ sát cánh cùng các dịch vụ công của nhà nước, với các cơ quan chức năng, đại biểu Quốc hội, thực hiện tham vấn chính sách, tư vấn, tham mưu pháp lý để hỗ trợ đại biểu Quốc hội, lãnh đạo nhà nước, người dân, doanh nghiệp, các đơn vị đáp ứng yêu cầu hoàn thiện hệ thống pháp luật, thúc đẩy nền pháp lý công khai, thân thiện và mở cửa, vừa bảo đảm cho tiến trình đổi mới, cải cách được nhanh và chính xác vừa đáp ứng hỗ trợ cụ thể và thường xuyên về mặt pháp lý, giảm bớt được tranh chấp và kiện cáo.
(vi) Trong việc triển khai các công ước quốc tế, điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên: việc Việt Nam là thành viên của nhiều Công ước quốc tế về quyền con người, đặt ra yêu cầu Nhà nước cần có trách nhiệm bảo đảm thực thi trên thực tế các quyền đó, hạn chế giàu nghèo, kiểm soát được các tiêu cực mới phát sinh. Việc Nhà nước có trách nhiệm cung ứng các dịch vụ cơ bản, thiết yếu cho nhóm người này góp phần bảo đảm công bằng, bình đẳng với các đối tượng khác trong xã hội.
Từ những vai trò trên, có thể thấy rằng thiết chế luật sư công được thành lập có vai trò quan trọng trong việc đưa chính sách của Đảng và Nhà nước đi vào cuộc sống, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, giúp người biết sử dụng pháp luật khi có vướng mắc, tranh chấp pháp luật, góp phần bảo đảm an toàn xã hội, hạn chế các vụ việc khiếu kiện kéo dài, từ đó, người dân càng ngày càng tin vào Đảng và Nhà nước. Qua đó, có thể khẳng định tính ưu việt của nhà nước pháp quyền và pháp luật là một trong những công cụ hiệu quả để bảo vệ lợi ích công (uy tín của Đảng và Nhà nước, các quan hệ xã hội công cộng,…)./.
Ths. Nguyễn Đức Tưởng
                                       Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý

 

[1] https://vi.wikipedia.org/wiki/Luạt su cong
[2] Số:  141/BC – BTP của Bộ Tư pháp ngày 14 tháng 7 năm 2021, Báo cáo:Sơ kết 05 năm triển khai thực hiện Đề án đổi mới công tác trợ giúp pháp lý giai đoạn 2015 2025”.
[3] Như trên
[4] Số: 654/BC-CTGPL ngày 16 tháng 12 năm 2022 báo cáo sơ kết 05 năm triển khai thực hiện Luật TGPL
[5] Quyết định số 112/QĐ-BTV ngày 18/10/2018 của Ban thường vụ Liên đoàn luật sư Việt Nam
[6] Ngày 20/01/2024, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã tổ chức Hội nghị Tổng kết năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024. Đã tham gia vào 14.811 vụ án hình sự, trong đó có 8155 vụ án hình sự chỉ định và 6296 vụ án hình sự được khách hàng mời; Tham gia vào 11.120 vụ việc dân sự, 3923 vụ việc tư vấn trong lĩnh vực kinh tế kinh doanh thương mại, 523 vụ án hành chính, 32 vụ án lao động; Tham gia tư vấn pháp luật 41.029 vụ việc; Tham gia đại diện ngoài tố tụng 5.966 vụ việc; Tham gia vào các dịch vụ pháp lý khác 23.034 vụ việc; Tham gia trợ giúp pháp lý miễn phí 11.826 vụ việc.
[7] https://baophapluat.vn/de-xuat-lap-van-phong-tu-van-phap-luat-cong-dong-post449950.html
[8] Số:  141/BC – BTP của Bộ Tư pháp ngày 14 tháng 7 năm 2021 Báo cáo: “Sơ kết 05 năm triển khai thực hiện Đề án đổi mới công tác trợ giúp pháp lý giai đoạn 2015 2025”.
 
 

Xem thêm »