Trình tự, thủ tục “phạt nguội” trong lĩnh vực giao thông đường bộ sẽ có một số thay đổi khi Thông tư 15/2022/TT-BCA sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 65/2020/TT-BCA ngày 19/6/2020 của Bộ trưởng Bộ Công an có hiệu lực thi hành từ ngày 21/5 tới đây.
Theo đó, Thông tư 15/2022/TT-BCA của Bộ Công an (TT 15) về sửa đổi, bổ sung Thông tư 65/2020/TT-BCA (TT 65) quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính (VPHC) về giao thông đường bộ có 5 điểm mới liên quan đến “phạt nguội” như sau:
Thứ nhất, theo quy định hiện nay tại TT 65, thời hạn xử lý phạt nguội là trong 05 ngày làm việc. Tuy nhiên, tại khoản 2 Điều 4 TT 15 (bổ sung Điều 19a TT 65) quy định: trong trường hợp vi phạm nhưng không dừng được phương tiện giao thông người có thẩm quyền xử phạt thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, tiến hành xử phạt trong thời hạn 10 ngày làm việc (tăng 5 ngày so với quy định cũ).
Thứ hai, theo khoản 2 Điều 4 TT 15, khi xác định có hành vi vi phạm giao thông nhưng không thể dừng phương tiện để xử lý ngay tại thời điểm vi phạm, người có thẩm quyền xử phạt của cơ quan Công an nơi phát hiện vi phạm xác định thông tin về phương tiện giao thông, chủ phương tiện, tổ chức, cá nhân có liên quan đến VPHC thông qua cơ quan đăng ký xe và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư;
Trường hợp chủ phương tiện, tổ chức, cá nhân có liên quan đến VPHC không cư trú, đóng trụ sở tại địa bàn cấp huyện nơi cơ quan Công an đã phát hiện VPHC có thể chuyển kết quả thu thập được bằng phương tiện, kỹ thuật nghiệp vụ về nơi cư trú của người vi phạm để xử lý, cụ thể:
Trường hợp chuyển về Công an cấp xã nơi cư trú: Nếu xác định VPHC đó thuộc thẩm quyền xử phạt của Trưởng Công an cấp xã thì chuyển kết quả thu thập được Công an cấp xã nơi chủ phương tiện, tổ chức, cá nhân có liên quan đến VPHC cư trú, đóng trụ sở để giải quyết, xử lý vụ việc vi phạm (khi được trang bị hệ thống mạng kết nối gửi bằng phương thức điện tử);
Trường hợp chuyển về Công an cấp huyện nơi cư trú: kết quả “phạt nguội” gửi về cho Công an cấp huyện nơi chủ phương tiện, tổ chức, cá nhân có liên quan đến VPHC cư trú, đóng trụ sở xử lý nếu thuộc 01 trong 02 trường hợp: Thứ nhất, nếu hành VPHC không thuộc thẩm quyền xử phạt của Trưởng Công an cấp xã; Thứ hai, thuộc thẩm quyền xử phạt của Trưởng Công an cấp xã nhưng Công an cấp xã chưa được trang bị hệ thống mạng kết nối.
Thứ ba, khoản 2 Điều 4 TT 15 cũng quy định, nếu việc đi lại gặp khó khăn và không có điều kiện trực tiếp đến trụ sở cơ quan Công an nơi phát hiện vi phạm thì cơ quan Công an nơi phát hiện vi phạm sẽ gửi thông báo yêu cầu người vi phạm đến trụ sở Công an cấp xã, Công an cấp huyện nơi cư trú, đóng trụ sở để giải quyết vụ việc. Khi người vi phạm đến làm việc thì Trưởng Công an cấp xã, Trưởng Công an cấp huyện tiến hành lập biên bản và ra quyết định xử phạt vi phạm giao thông theo quy định.
Hiện nay, người vi phạm sẽ nhận được thông báo mời đến trụ sở Công an nơi phát hiện vi phạm để giải quyết vụ việc vi phạm. Tuy nhiên, khi TT 15 có hiệu lực thi hành thì người vi phạm có thể đến trụ sở công an cấp xã hoặc công an cấp huyện để giải quyết chứ không cần quay lại nơi vi phạm nữa.
Thứ tư, về thời hạn gửi thông báo cảnh báo đăng kiểm: theo khoản 2 Điều 4 TT 15, quá thời hạn 20 ngày kể từ ngày gửi thông báo vi phạm, chủ phương tiện không đến trụ sở cơ quan Công an nơi phát hiện vi phạm để giải quyết vụ việc hoặc cơ quan Công an nơi phát hiện vi phạm chưa nhận được thông báo kết quả giải quyết, xử lý vụ việc của Công an cấp xã, Công an cấp huyện thì người có thẩm quyền xử phạt của cơ quan Công an nơi phát hiện vi phạm thực hiện:
Cập nhật thông tin của phương tiện giao thông vi phạm lên Trang thông tin điện tử của Cục Cảnh sát giao thông để chủ phương tiện, tổ chức, cá nhân có liên quan đến VPHC biết, liên hệ giải quyết theo quy định; Gửi thông báo cảnh báo phương tiện giao thông vi phạm cho cơ quan đăng kiểm (đối với phương tiện giao thông vi phạm là xe ô tô, rơ moóc, sơ mi rơ moóc, xe máy chuyên dùng); đồng thời, cập nhật trạng thái đã gửi thông báo cảnh báo cho cơ quan đăng kiểm trên hệ thống quản lý, xử lý VPHC.
Thứ năm, khoản 4 Điều 4 TT 15 (bổ sung khoản 4 Điều 20 TT 65) cho phép người vi phạm giao thông nộp “phạt nguội” thông qua Cổng Dịch vụ công của Bộ Công an.
Theo đó, người có thẩm quyền xử phạt gửi thông tin xử phạt lên Cổng dịch vụ công; cổng dịch vụ công tự động thông báo cho người vi phạm tra cứu thông tin Quyết định xử phạt VPHC thông qua số điện thoại người vi phạm đã đăng ký với cơ quan Công an tại thời điểm lập biên bản VPHC; Người vi phạm truy cập vào cổng dịch vụ công thông qua số quyết định xử phạt VPHC đã được thông báo hoặc số biên bản VPHC để tra cứu thông tin Quyết định xử phạt VPHC; nộp tiền xử phạt VPHC, đăng ký nhận lại giấy tờ bị tạm giữ qua dịch vụ bưu chính công ích;
Người có thẩm quyền xử phạt tra cứu Biên lai điện tử thu tiền xử phạt VPHC được hệ thống cổng dịch vụ công gửi về để in, lưu hồ sơ xử phạt VPHC và làm căn cứ trả lại giấy tờ bị tạm giữ; Người có thẩm quyền xử phạt VPHC trả lại giấy tờ bị tạm giữ, hết thời hạn tước cho người vi phạm qua dịch vụ bưu chính công ích.
Nguồn: Báo điện tử Pháp luật Việt Nam