Quy định mới về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội

07/10/2022
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Vừa qua, chính phủ ban hành Nghị định số 62/2022/NĐ-CP quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, theo đó Nghị định nêu rõ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các lĩnh vực: lao động, tiền lương; việc làm; giáo dục nghề nghiệp; bảo hiểm xã hội; an toàn, vệ sinh lao động; người có công; bảo trợ xã hội; trẻ em; bình đẳng giới; phòng, chống tệ nạn xã hội (sau đây gọi chung là lĩnh vực lao động, người có công và xã hội) trong phạm vi cả nước; quản lý nhà nước các dịch vụ sự nghiệp công trong các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ.

Về cơ cấu tổ chức: (i) Có 17 đơn vị hành chính giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước, gồm: Vụ Bảo hiểm xã hội; Vụ Bình đẳng giới; Vụ Pháp chế; Vụ Hợp tác quốc tế; Vụ Tổ chức cán bộ; Vụ Kế hoạch - Tài chính; Văn phòng; Thanh tra; Cục Quan hệ lao động và Tiền lương; Cục Việc làm; Cục Quản lý lao động ngoài nước; Cục An toàn lao động; Cục Người có công; Cục Bảo trợ xã hội; Cục Trẻ em; Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội; Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp; (ii) Có 04 đơn vị sự nghiệp phục vụ chức năng quản lý nhà nước của bộ, gồm: Viện Khoa học Lao động và Xã hội; Trung tâm Công nghệ Thông tin; Báo Dân trí; Tạp chí Lao động và Xã hội.

Về nhiệm vụ, quyền hạn trong các lĩnh vực, được quy định cụ thể như sau:

1. Lĩnh vực lao động, tiền lương: Hướng dẫn và tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật: Về hợp đồng lao động, kỷ luật lao động; mức lương tối thiểu và chính sách tiền lương đối với người lao động trong doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động; đối với lao động nữ, lao động chưa thành niên, người lao động cao tuổi, lao động là người khuyết tật, lao động là người giúp việc gia đình và một số lao động khác; về tiền lương, tiền thưởng và thù lao đối với người lao động, người quản lý trong doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nhà nước.

 2. Lĩnh vực việc làm: Hướng dẫn và tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về việc làm và hoạt động dịch vụ việc làm, bảo hiểm thất nghiệp; tuyển dụng và quản lý người lao động Việt Nam; thống nhất quản lý người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam; hướng dẫn và tổ chức thu thập, lưu trữ, tổng hợp, phân tích, dự báo, công bố các thông tin thị trường lao động thuộc ngành, lĩnh vực phụ trách; ban hành quy chế quản lý, khai thác sử dụng và phổ biến thông tin thị trường lao động.

3. Lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng: Hướng dẫn và tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; mở rộng và phát triển thị trường lao động ngoài nước; thực hiện kế hoạch tạo nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài; quy định nội dung, chương trình và chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài; Quyết định việc cấp, cấp lại, điều chỉnh thông tin, thu hồi giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo quy định của pháp luật;

4. Lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp (trừ sư phạm): Hướng dẫn và tổ chức thực hiện quy định của pháp luật về giáo dục nghề nghiệp; Ban hành điều lệ trường cao đẳng, trường trung cấp và trung tâm giáo dục nghề nghiệp; tiêu chí xác định chương trình đào tạo chất lượng cao; tiêu chí cụ thể phân loại cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập theo quy định của pháp luật; quy định về quản lý văn bằng, chứng chỉ đào tạo trong giáo dục nghề nghiệp, văn bằng tương đương đối với những người tốt nghiệp các trình độ đào tạo nghề ở nước ngoài; xây dựng và ban hành danh mục ngành, nghề đào tạo cấp IV trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng; Quyết định thành lập, cho phép thành lập, chia, tách, sáp nhập, giải thể trường cao đẳng, thành lập văn phòng đại diện của tổ chức, cơ sở giáo dục nghề nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, công nhận hiệu trưởng trường cao đẳng tư thục theo thẩm quyền;

5. Lĩnh vực bảo hiểm xã hội: Xây dựng, ban hành và chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội; tổ chức thực hiện chế độ thông tin, báo cáo về bảo hiểm xã hội; giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội.

6. Lĩnh vực an toàn, vệ sinh lao động: Hướng dẫn và tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động; chế độ làm việc, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi; quy định việc bồi thường, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; ban hành danh mục công việc, các loại máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động; thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động và hoạt động kiểm định các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động; ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động thuộc thẩm quyền quản lý; điều tra tai nạn lao động; hướng dẫn, tổ chức triển khai Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động.

7. Lĩnh vực người có công: Hướng dẫn và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về ưu đãi đối với người có công với cách mạng; xây dựng chế độ, định mức, phương thức trang cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình, phương tiện, thiết bị phục hồi chức năng đối với người có công với cách mạng; quy định việc quản lý các công trình ghi công liệt sĩ; hướng dẫn, chỉ đạo công tác tiếp nhận hài cốt liệt sĩ, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin và thông tin về mộ liệt sĩ;

8. Lĩnh vực bảo trợ xã hội: Hướng dẫn và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về trợ giúp xã hội, giảm nghèo, công tác xã hội, người cao tuổi, người khuyết tật, đối tượng bảo trợ xã hội; hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật về mức chuẩn trợ giúp xã hội tại cộng đồng và tại các cơ sở trợ giúp xã hội; hướng dẫn việc đăng ký, quản lý và cấp phép việc thành lập và hoạt động của các cơ sở trợ giúp xã hội;

9. Lĩnh vực trẻ em: Hướng dẫn và tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về trẻ em trong phạm vi quyền hạn, trách nhiệm của bộ; xây dựng, thực hiện chiến lược, chính sách, mục tiêu quốc gia về trẻ em, việc phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em và việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt;

10. Lĩnh vực phòng, chống tệ nạn xã hội: Hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, ngừa tệ nạn mại dâm; cai nghiện, quản lý sau cai nghiện ma túy; hỗ trợ nạn nhân bị mua bán hòa nhập cộng đồng; quy định chương trình giáo dục phục hồi hành vi, nhân cách và tái hòa nhập cộng đồng đối với người nghiện ma túy; hướng dẫn việc thực hiện các biện pháp hỗ trợ nạn nhân bị mua bán thuộc thẩm quyền;

11. Lĩnh vực bình đẳng giới: Hướng dẫn và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới theo quy định của pháp luật; phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, tổ chức chính trị - xã hội và các cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới./.

Hoàng Hồng Sen, Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật

 

Xem thêm »