Sau 10 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở, tỷ lệ hòa giải thành tăng dần hàng năm, hiện nay là 84,47%

26/12/2023
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Đây là số liệu thống kê của Bộ Tư pháp tại Hội thảo đánh giá kết quả 10 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở ngày 25/12/2023. Hội thảo do đồng chí Nguyễn Thanh Tịnh, Thứ trưởng Bộ Tư pháp chủ trì. Tham dự Hội thảo có đồng chí Trần Thị Thanh Lam, Ủy viên thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội, đồng chí Đào Ngọc Chuyền, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam và các lãnh đạo Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật, 43 giám đốc, 08 phó giám đốc, lãnh đạo phòng phổ biến, giáo dục pháp luật Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố; đại diện một số cơ quan Bộ, ngành ở trung ương.

Báo cáo kết quả 10 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở, bà Ngô Quỳnh Hoa, Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật cho biết, xã hội đã ghi nhận Hòa giải ở cơ sở là một thiết chế giải quyết tranh chấp tại cơ sở mang đậm nét văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam nhằm xây dựng khối đoàn kết dân tộc trên tinh thần hòa hiếu “tương thân tương ái”, góp phần bảo đảm an ninh trật tự xã hội.
 
Đồng chí Ngô Quỳnh Hoa, Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp báo cáo tóm tóm tắt tổng kết 10 năm thi hành Luật Hoà giải ở cơ sở. 

Nhận thức rõ vị trí, vai trò và ý nghĩa to lớn của công tác hòa giải ở cơ sở, Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đến công tác này. Luật Hòa giải ở cơ sở được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 20/6/2013, có hiệu lực từ ngày 01/01/2014. Qua 10 năm thi hành Luật đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận; trong đó,  (i) Nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và người dân về vai trò, vị trí của công tác hòa giải ở cơ sở đã được nâng lên. (ii) Mạng lưới tổ hòa giải và hòa giải viên ở cơ sở đã được củng cố, kiện toàn, thu hút được nhiều thành phần, lực lượng tham gia. Hiện nay, cả nước có 86.201 tổ hòa giải được thành lập tại thôn, tổ dân phố với 543.090 hòa giải viên. Từ tháng 01/2014 đến tháng 6/2023, cả nước tiếp nhận 1.307.918 vụ việc hòa giải (trung bình 127.093 vụ, việc/năm), trong đó, hòa giải thành 1.040.000 vụ, việc (trung bình 101.519 vụ, việc/năm), đạt tỷ lệ 81%. Tỷ lệ hòa giải thành tăng dần hàng năm: Giai đoạn 2014-2018, tỷ lệ hòa giải thành trung bình đạt 80,39%; năm 2019, tỷ lệ hòa giải thành đạt 82,68%; năm 2020, đạt 80,52%; năm 2021, đạt 80,62%; năm 2022 đạt 84,47%, năm 2023 đạt 84,7%. (iii) Năng lực của hòa giải viên ngày càng được nâng cao; (iv) công tác quản lý nhà nước, hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, tháo gỡ khó khăn vướng mắc và đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác này luôn được chú trọng thực hiện; (v) các điều kiện đảm bảo cho công tác này như tập huấn, bồi dưỡng  kiến thức pháp luật, phương pháp, kỹ năng hòa giải, biên soạn cung cấp tài liệu, kinh phí đã được tăng cường hơn cho công tác này…  Thông qua hòa giải ở cơ sở, Hòa giải viên còn vận động nhân dân thực hiện đúng chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước, phát huy tinh thần đoàn kết, nâng cao niềm tin đối với Đảng, Nhà nước, góp phần giữ gìn kỷ cương xã hội.
Để đánh giá toàn diện việc thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở của các bộ, cơ quan có liên quan ở trung ương và địa phương, tại Hội thảo này, các đại biểu cũng nghe ý kiến phát biểu tham luận của đại diện Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đại diện Bộ đội biên phòng, Bộ Quốc phòng, đại diện Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an; nghe các ý kiến phát biểu của lãnh đạo Sở Tư pháp tỉnh Đồng Tháp, Đắk Nông, Thanh Hóa, Tuyên Quang, Hà Tĩnh... Các ý kiến phát biểu đã tập trung nêu những thuận lợi, cách làm của cơ quan, đơn vị, địa phương trong triển khai công tác hòa giải ở cơ sở để phù hợp với điều kiện thực tế; những khó khăn, vướng mắc đã tháo gỡ và đề xuất, kiến nghị những giải pháp để tháo gỡ tồn tại, hạn chế từ thể chế, cơ chế.
 
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh phát biểu kết luận Hội thảo.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh đã ghi nhận và đánh giá cao vai trò, ý nghĩa của công tác hòa giải ở cơ sở, đồng thời khẳng định những tác động tích cực của công tác này đối với xã hội và việc cần thiết thực thi hiệu quả Luật Hòa giải ở cơ sở hiện nay. Đồng chí nhấn mạnh: Luật Hoà giải ở cơ sở ra đời đã tạo khung pháp lý vững chắc, toàn diện cho việc tổ chức và hoạt động của tổ hoà giải và hòa giải viên ở cơ sở; đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn khi mà các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật trong đời sống của cộng đồng dân cư ngày càng tăng về số lượng và đa dạng, phức tạp về tính chất, mức độ... Trong những năm qua, công tác hòa giải ở cơ sở đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt, khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và tăng cường. Việc hòa giải dựa trên phương châm “thấu tình đạt lý”, điều này giúp xóa bỏ và triệt tiêu bất ổn xã hội, không để hình thành “điểm nóng”. Thông qua hòa giải ở cơ sở, Hòa giải viên còn vận động nhân dân thực hiện đúng chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước, phát huy tinh thần đoàn kết, nâng cao niềm tin đối với Đảng, Nhà nước, góp phần giữ gìn kỷ cương xã hội.
Để tiếp tục phát huy hơn nữa hiệu quả của công tác hòa giải ở cơ sở, Thứ trưởng đề nghị trong thời gian tới các bộ, ngành, địa phương cần quan tâm thực hiện những nhiệm vụ sau:
1. Quan tâm tổ chức thực chất, hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở, trên cơ sở tổng kết 10 năm thi hành Luật, Sở Tư pháp tiến hành phân loại các địa bàn đã làm tốt, địa bàn chưa làm tốt công tác hòa giải ở cơ sở. Đối với địa bàn chưa làm tốt, đề nghị cơ quan tư pháp phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp để xây dựng kế hoạch triển khai, tạo sự chuyển biến trên thực tế. Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp cần nghiên cứu đặt ra mục tiêu, chỉ tiêu trong triển khai.
2. Kinh nghiệm cho thấy, để Hòa giải ở cơ sở phát huy hiệu quả, thì công tác vận động quần chúng, thu hút sự tham gia phối hợp thực hiện của các đoàn thể tại cơ sở có ý nghĩa quan trọng, do vậy, đề nghị Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp tham mưu cho cấp ủy địa phương có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo sự thống nhất, đồng thuận và sự vào cuộc của hệ thống chính trị tham gia thực hiện tốt công tác hòa giải ở cơ sở; trong đó quan tâm đến công tác lựa chọn, bố trí hòa giải viên và thành lập, liên tục rà soát, kiện toàn Tổ hòa giải trên địa bàn; tuyên truyền, vận động nhân dân sử dụng cơ chế hòa giải ở cơ sở để giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật (Mô hình CLB Hòa giải ở cơ sở của Đồng Tháp là ví dụ).
3. Về chuyên môn, nghiệp vụ của Hòa giải viên, đề nghị cơ quan tư pháp thường xuyên theo dõi, đánh giá; phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho Hòa giải viên như mô hình phối hợp, phát huy vị trí, vai trò của công an xã, bộ đội biên phòng là cách làm hiệu quả. Đề nghị Cục PBGDPL tổ chức xây dựng, biên tập tư liệu hình ảnh được số hóa về các tình huống pháp luật tiêu biểu để cung cấp cho các hòa giải viên và nhân dân tiếp cận để nâng cao nhận thức về ý nghĩa, vai trò, tác dụng của công tác hòa giải ở cơ sở.
4. Về chế độ, chính sách cho hoạt động hòa giải ở cơ sở, đề nghị Sở Tư pháp có đề xuất cụ thể với UBND cấp tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo bố trí đáp ứng yêu cầu về kinh phí tối thiểu bố trí cho công tác hòa giải ở cơ sở. Qua theo dõi, phối hợp triển khai nhiệm vụ của Hội đồng phối hợp PBGDPL trung ương nhận thấy, các đồng chí Lãnh đạo địa phương, HĐPBGDPL cấp tỉnh rất quan tâm hỗ trợ, bố trí kinh phí và điều kiện đảm bảo theo đề xuất của cơ quan tư pháp.
5. Đề án “Nâng cao năng lực cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2024-2030” là giải pháp Bộ Tư pháp đề xuất với Thủ tướng Chính phủ tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai hiệu quả công tác này. Năm 2024, ngay khi Đề án được thông qua, đề nghị Sở Tư pháp các địa phương kịp thời phối hợp với Cục PBGDPL tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai hiệu quả Đề án.
Nhân dịp này, để ghi nhận và biểu dương những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong 10 năm thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã quyết định trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng cho 30 tập thể, 21 cá nhân (trong đó có 04 hòa giải viên ở cơ sở)./.

Đinh Quỳnh Mây
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật

Xem thêm »