Khoản 4 Điều 2 Luật Lý lịch tư pháp năm 2009 quy định: "Phiếu lý lịch tư pháp là phiếu do cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp cấp có giá trị chứng minh cá nhân có hay không có án tích; bị cấm hay không bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị Tòa án tuyên bố phá sản". Theo quy định tại khoản 5 Điều 2 Luật Lý lịch tư pháp, cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp bao gồm Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia và Sở Tư pháp. Điều 44 Luật Lý lịch tư pháp quy định thẩm quyền cấp Phiếu lý lịch tư pháp là Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia và Sở Tư pháp (tùy theo đối tượng đề nghị cấp Phiếu lý lịch tư pháp). Ngày 09/7/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 23/CT-TTg về việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính cấp Phiếu lý lịch tư pháp tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Theo đánh giá tại Chỉ thị số 23/CT-TTg, thời gian qua, thực hiện Luật Lý lịch tư pháp và các quy định của pháp luật chuyên ngành, công tác cấp Phiếu lý lịch tư pháp và khai thác thông tin lý lịch tư pháp đã đi vào nền nếp và có nhiều chuyển biến tích cực, cơ bản đáp ứng yêu cầu của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền cũng như người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hiện nay, công tác cấp Phiếu lý lịch tư pháp vẫn còn những tồn tại, hạn chế, cụ thể: (i) Vẫn còn nhiều thủ tục hành chính quy định phải có Phiếu lý lịch tư pháp. Theo rà soát sơ bộ, hiện có 154 thủ tục hành chính có yêu cầu về Phiếu lý lịch tư pháp; (ii) Một số tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân còn lạm dụng yêu cầu cung cấp Phiếu lý lịch tư pháp làm cơ sở tuyển dụng, quản lý, sử dụng lao động; (iii) Một số tỉnh, thành phố chưa chủ động giải quyết để kịp thời đáp ứng việc tiếp nhận hồ sơ cấp Phiếu lý lịch tư pháp tăng đột biến thời gian gần đây, dẫn tới tình trạng chậm trễ, ùn ứ gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế, tăng cường cải cách thủ tục hành chính trong việc tiếp nhận, giải quyết yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp nhằm tạo thuận lợi, giảm thời gian, chi phí xã hội cho người dân, Chỉ thị số 23/CT-TTg yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và đề nghị các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, các hiệp hội tổ chức triển khai các nhiệm vụ nhằm đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính cấp Phiếu lý lịch tư pháp tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, tại Công văn số 446/HĐPH ngày 24/01/2024, Hội đồng phối hợp PBGDPL trung ương yêu cầu các bộ, ngành, đoàn thể trung ương và địa phương tăng cường phổ biến Chỉ thị số 23/CT-TTg. Cụ thể sau:
Thứ nhất, đề nghị các bộ, ngành, đoàn thể trung ương và địa phương tổ chức quán triệt, chủ động ban hành văn bản hướng dẫn, chỉ đạo và tổ chức PBGDPL về các nhiệm vụ cụ thể của Chỉ thị số 23/CT-TTg phù hợp với tình hình, điều kiện thực tiễn và nhiệm vụ chính trị của bộ, ngành, địa phương. Đăng tải, cập nhật toàn văn nội dung Luật Lý lịch tư pháp, Chỉ thị số 23/CT-TTg và các văn bản hướng dẫn thi hành lên Cổng/Trang Thông tin điện tử của bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị và các hình thức thích hợp khác để cán bộ, công chức, viên chức, doanh nghiệp, người lao động, người sử dụng lao động và Nhân dân dễ dàng tiếp cận, khai thác và sử dụng khi có nhu cầu theo đúng quy định của pháp luật.
Thứ hai, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao và tình hình thực tiễn, quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn và chủ động tổ chức tuyên truyền quy định của Luật Lý lịch tư pháp và Chỉ thị 23/CT-TTg bằng hình thức phù hợp với nhu cầu xã hội và từng nhóm đối tượng, địa bàn, có trọng tâm, trọng điểm.
- Về nội dung: Tập trung phổ biến các quy định của pháp luật về lý lịch tư pháp, Phiếu lý lịch tư pháp, mục đích, giá trị pháp lý của Phiếu lý lịch tư pháp; quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức; các phương thức cấp Phiếu lý lịch tư pháp.
- Về hình thức: Tập trung biên soạn, cung cấp, đăng tải các loại hình tài liệu ngắn gọn, dễ hiểu (tờ rơi, tờ gấp, đồ họa thông tin pháp luật-infographic), hỏi đáp tình huống pháp luật cụ thể có liên quan; tiểu phẩm pháp luật..., ưu tiên việc đăng tải tài liệu phổ biến trên Cổng/Trang Thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị, địa phương; thực hiện phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng, các nền tảng mạng xã hội (facebook, zalo…), thông qua hệ thống loa truyền thanh cơ sở.
Đặc biệt, trong quá trình thực hiện, cần nắm bắt và phản ánh kịp thời với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền về ý kiến của Nhân dân, phản ánh của dư luận xã hội về sự cần thiết của Phiếu lý lịch tư pháp trong các thủ tục hành chính thuộc ngành, lĩnh vực quản lý để làm căn cứ tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền, hoặc đề xuất, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi các quy định, thủ tục hành chính liên quan đến Phiếu lý lịch tư pháp nhằm cắt giảm yêu cầu nộp Phiếu lý lịch tư pháp không hợp lý trong thực hiện thủ tục hành chính.
Bên cạnh đó, Hội đồng phối hợp PBGDPL trung ương cũng đề nghị một số Bộ, ngành liên quan gồm Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao tổ chức triển khai các nhiệm vụ nhằm tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp liên quan đến Phiếu lý lịch tư pháp.
Để tìm hiểu rõ hơn về các quy định của pháp luật về Phiếu lý lịch tư pháp, xin xem thêm các video sau đây:
1. Quy định của pháp luật về Phiếu lý lịch tư pháp – Những lưu ý cho người dân, cơ quan, tổ chức: https://www.youtube.com/watch?v=zvN3imU6uOQ
2. Tìm hiểu quy định pháp luật về cấp Phiếu lý lịch tư pháp:
https://www.youtube.com/watch?v=NZJOX4ed3t8&t=16s
3. Tìm hiểu quy định của pháp luật về xoá án tích:
https://www.youtube.com/watch?v=BRCYmnZjHyA