Ngày 19/02/2025, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 193/2025/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Theo đó, Nghị quyết số 193/2025/QH15 được ban hành với 04 chương, 17 điều. Ngoài 05 điều khoản chung, tên mỗi điều trong Nghị quyết đều được thể hiện với những ngôn từ đơn giản nhưng mang tính thông điệp sâu sắc, mạnh mẽ.
Nghị quyết đã xác định một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá, bao gồm:
(1) Tổ chức khoa học và công nghệ công lập, cơ sở giáo dục đại học công lập được thành lập, tham gia thành lập doanh nghiệp, tham gia góp vốn vào doanh nghiệp để thương mại hoá kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ do tổ chức đó sở hữu hoặc được giao quản lý, sử dụng.
(2) Chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Có thể nói đây là một trong những điểm nghẽn kéo dài. Trên thực tế, công việc nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ có bản chất rủi ro, là một loại đầu tư có tính mạo hiểm. Theo đó, Nghị quyết đã có điều khoản miễn trách nhiệm dân sự cho tổ chức khoa học và công nghệ, cá nhân nhà khoa học khi gây ra thiệt hại cho Nhà nước trong quá trình thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước khi đã thực hiện đầy đủ các quy trình, quy định liên quan trong quá trình triển khai thực hiện hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.
(3) Việc cấp kinh phí nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ theo cơ chế quỹ sẽ mang lại nhiều lợi ích quan trọng cho cả các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khoa học và công nghệ và cơ quan quản lý nhà nước, cụ thể như: tăng tính chủ động và linh hoạt, không bị ràng buộc chặt chẽ bởi quy trình ngân sách nhà nước; có cơ chế huy động và đa dạng hóa nguồn vốn; tăng cường hiệu quả quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước; thúc đẩy việc triển khai các chương trình, nhiệm vụ khoa học và công nghệ có tính dài hạn.
(4) Cơ chế khoán chi trong thực hiện nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được áp dụng đối với hầu hết các nội dung chi trong một nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước. Nhà nước sẽ quản lý việc thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ thông qua đánh giá các giai đoạn trong quá trình nghiên cứu, trên cơ sở đó tiếp tục cấp kinh phí.
(5) Nghị quyết cho phép giao quyền sở hữu, quản lý, sử dụng tài sản hình thành từ việc triển khai nhiệm vụ khoa học và công nghệ một cách tự động, không phải thực hiện thủ tục hành chính ngoại trừ một số trường hợp cụ thể. Các tổ chức khoa học và công nghệ được phép sở hữu, quản lý, sử dụng tài sản hình thành theo quy định của pháp luật tương ứng với loại hình tổ chức tương ứng.
(6) Về vấn đề thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, đây cũng là điểm nghẽn lớn kéo dài. Trên nguyên tắc, kết quả nghiên cứu phải được thương mại hoá thì mới góp phần cho phát triển kinh tế-xã hội. Theo đó, Nghị quyết cho phép thí điểm việc cho phép tổ chức khoa học và công nghệ được sở hữu và có quyền tự quyết đối với kết quả nghiên cứu do mình tạo ra, với tài sản hình thành từ thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ, để chủ động trong việc thương mại hoá ngay sau khi kết thúc nhiệm vụ. Có thể xem rằng đây là chính sách rất mạnh mẽ để thương mại hoá kết quả hình thành từ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, kể cả các kết quả có được trong những năm trước, qua đó tạo ra ích nước lợi nhà. Một khi kết quả nghiên cứu được thương mại hoá, thì Nhà nước sẽ thu được thông qua thuế, tạo ra công ăn việc làm, đất nước có trình độ khoa học và công nghệ cao hơn. Đây là cách thu hồi gián tiếp của Nhà nước với các khoản chi khoa học và công nghệ.
(7) Nghị quyết cũng thí điểm việc cho phép các khoản tài trợ của doanh nghiệp cho nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo, khoản chi dành cho nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp được tính vào các khoản chi được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp. Các khoản thu nhập từ tiền lương, tiền công từ thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước là các khoản thu nhập không chịu thuế thu nhập cá nhân. Do đó, chính sách khấu trừ thuế cho các khoản chi khoa học và công nghệ được xem như việc Nhà nước chung tay với doanh nghiệp để đầu tư cho khoa học và công nghệ, để khuyến khích doanh nghiệp chi cho khoa học và công nghệ.
(8) Về hoạt động chuyển đổi số quốc gia, cần nhất là một chữ “nhanh”, nhất là cho 02 năm 2025-2026 để tạo nhanh các nền tảng và động lực cho chuyển đổi số quốc gia trong những năm sau. Theo đó, Nghị quyết cho phép sử dụng ngân sách trung ương triển khai các nền tảng số dùng chung và chỉ định thầu các dự án chuyển đổi số.
(9) Về hạ tầng viễn thông thì lúc này cũng cần nhất là chữ “nhanh”, là đầu tư trước, do đó Nghị quyết cho phép mức hỗ trợ một trạm phát sóng 5G là 15% chi phí thiết bị bình quân cho một trạm phát sóng 5G được mua trong năm 2025 của các doanh nghiệp viễn thông được hỗ trợ. Doanh nghiệp viễn thông triển khai nhanh hạ tầng mạng 5G phải đạt tối thiểu 20.000 trạm phát sóng 5G được nghiệm thu đưa vào sử dụng từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2025. Tổng số tiền hỗ trợ doanh nghiệp viễn thông quy định tại khoản 1 Điều 11 Nghị quyết này không vượt quá tổng số tiền trúng đấu giá của các cuộc đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện thực hiện trong năm 2024.
(10) Về dịch vụ viễn thông vệ tinh tầm thấp, đây là công nghệ mới, phủ sóng băng rộng cho vùng sâu, vùng đồi núi rất hiệu quả, để thu hút đầu tư nước ngoài, Nghị quyết cho phép thí điểm có kiểm soát đầu tư kinh doanh dịch vụ viễn thông có hạ tầng mạng, loại hình mạng viễn thông vệ tinh sử dụng công nghệ vệ tinh quỹ đạo tầm thấp tại Việt Nam trên nguyên tắc bảo đảm quốc phòng, an ninh, trong đó không giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần, phần vốn góp hoặc tỷ lệ đóng góp của nhà đầu tư nước ngoài.
(11) Về công nghiệp bán dẫn, đây là ngành công nghiệp chiến lược. Việt Nam đặt mục tiêu phát triển đầy đủ tất cả các công đoạn của ngành công nghiệp này, trong đó thì khó nhất là nhà máy sản xuất. Nhất là nhà máy sản xuất vi mạch đầu tiên, rất quan trọng cho nghiên cứu, chế tạo thử các vi mạch được thiết kế ở Việt Nam, rất quan trọng cho việc sản xuất các vi mạch chuyên dùng của Việt Nam, cho đào tạo nhân lực, nhất là cho lĩnh vực quốc phòng - an ninh.
Để thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư và vận hành, Nghị quyết cho phép cơ chế hỗ trợ 30% tổng mức đầu tư dự án trực tiếp từ ngân sách trung ương trong trường hợp nhà máy nghiệm thu đưa vào sản xuất trước ngày 31 tháng 12 năm 2030. Tổng mức hỗ trợ không vượt quá 10.000 tỷ đồng./.
Thùy Nhung
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý