Xem cỡ chữ
Đọc bài viết
In
Gửi email
Duy trì vững chắc mức sinh thay thế, khắc phục tình trạng chênh lệch đáng kể mức sinh giữa các vùng, đối tượngĐây là một trong các mục tiêu cơ bản trong dự thảo Pháp lệnh sửa đổi Điều 10 của Pháp lệnh Dân số số 06/2003/PL-UBTVQH11, đã được sửa đổi, bổ sung tại Pháp lệnh số 08/2008/PL-UBTVQH12 sửa đổi Điều 10 của Pháp lệnh Dân số năm 2003, mà hiện Bộ Y tế đang tham mưu Chính phủ xây dựng.Việc xây dựng dự thảo Pháp lệnh xuất phát từ những cơ sở chính trị, pháp lý cũng như thực tiễn nhất định. Cụ thể, tại Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới khẳng định quan điểm “Tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển”, đồng thời đề ra mục tiêu “Giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bố, chất lượng dân số... Duy trì vững chắc mức sinh thay thế;...” và một trong những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu “Hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về dân số: Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về dân số gắn với xây dựng gia đình hạnh phúc...”.
Bên cạnh đó, khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013 quy định cụ thể: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, sự vào cuộc, tích cực tham gia, phối hợp, nỗ lực triển khai công tác dân số của các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của các tầng lớp Nhân dân, các tổ chức quốc tế, công tác dân số nước ta trong thời gian qua đã đạt được những kết quả tích cực quan trọng. Nước ta đang ở thời kỳ dân số vàng, tạo ra những lợi thế to lớn cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội; chất lượng dân số, chỉ số phát triển con người (HDI) không ngừng tăng lên[1]; tuổi thọ bình quân Việt Nam ngày càng được nâng cao[2]. Qua đó, tạo tiền đề quan trọng để chuyển chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển.
Bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn những khó khăn, tồn tại, bất cập liên quan đến công tác dân số. Nhiều quy định có liên quan đến công tác dân số chưa đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành và không đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, như: quy định hạn chế về quyền quyết định số con không còn phù hợp khi chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển... Thực trạng dân số cũng đã phát sinh những vấn đề đáng lo ngại phải kịp thời giải quyết. Cụ thể, mức sinh trên toàn quốc đang có xu hướng giảm thấp dưới mức sinh thay thế, từ 2,11 con/phụ nữ (năm 2021) xuống 2,01 con/phụ nữ (năm 2022), 1,96 con/phụ nữ (năm 2023) và 1,91 con/phụ nữ (năm 2024) và được dự báo là sẽ tiếp tục xuống thấp trong các năm tiếp theo.
Theo dự báo, kịch bản mức sinh tiếp tục giảm, đến năm 2039, Việt Nam sẽ kết thúc thời kỳ dân số vàng, năm 2042 quy mô dân số trong độ tuổi lao động đạt đỉnh và sau năm 2054 dân số sẽ bắt đầu tăng trưởng âm. Lúc đó, hệ lụy của mức sinh thấp kéo dài sẽ dẫn đến thiếu hụt lực lượng lao động, suy giảm quy mô dân số, đẩy nhanh già hóa dân số, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội...
Bác sĩ thăm khám sức khỏe trẻ em trước tiêm phòng.
Cũng theo Bộ Y tế, có nhiều nguyên nhân dẫn đến những tồn tại, bất cập liên quan đến công tác dân số như: điều kiện sinh sống được cải thiện, học vấn nâng cao, khiến người trẻ, đặc biệt là phụ nữ tập trung phát triển sự nghiệp, tìm kiếm thu nhập cao hơn, kết hôn và sinh con muộn, sinh ít hoặc không sinh con; sức ép kinh tế đối với một gia đình trẻ như chi phí sinh hoạt, chi phí nuôi dưỡng và giáo dục con cái từ khi sinh ra đến khi trưởng thành ngày càng cao khiến nhiều cặp vợ chồng trẻ phải cân nhắc, chọn sinh con muộn, sinh ít con hoặc không sinh con[1]...
Việc xây dựng dự thảo Pháp lệnh nhằm tạo cơ sở pháp lý thể chế hóa các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng về công tác dân số, trong đó chú trọng về mức sinh; quy định quyền, nghĩa vụ của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân trong việc sinh con, bảo đảm quyền con người, quyền cơ bản của công dân, bình đẳng giới trong thực hiện công tác dân số. Theo đó, dự thảo Pháp lệnh quy định quyền và nghĩa vụ của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân trong việc thực hiện cuộc vận động dân số và kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản như sau: (1) Quyết định về thời gian sinh con, số con và khoảng cách giữa các lần sinh phù hợp với lứa tuổi, tình trạng sức khoẻ, điều kiện học tập, lao động, công tác, thu nhập và nuôi dạy con của cá nhân, cặp vợ chồng trên cơ sở bình đẳng. (2) Bảo vệ sức khỏe, thực hiện các biện pháp phòng ngừa bệnh nhiễm khuẩn đường sinh sản, bệnh lây truyền qua đường tình dục, HIV/AIDS và thực hiện các nghĩa vụ khác liên quan đến sức khỏe sinh sản.
Việc sửa đổi văn bản pháp luật quy định về số con là một trong những nội dung nhằm duy trì mức sinh thay thế, tránh mức sinh tiếp tục giảm thấp trong thời gian tới. Theo một số nghiên cứu hiện nay, mong muốn có hai con vẫn đang phổ biến trong xã hội nhưng không phải cặp vợ chồng nào cũng thực hiện dược mong muốn đó; các yếu tố khác trong cuộc sống chi phối rất nhiều đến quyết định sinh con của người dân; do vậy, sau khi sửa quy định này, có thể mức sinh sẽ tăng trong giai đoạn ngắn, tuy nhiên tăng không đáng kể./.
Nguyễn Giang
[1] Tờ trình số 320/TTr-BYT ngày 18/3/2025.
[1] Năm 2017 là 0,696; năm 2022 là 0,726; năm 2023 là 0,746. Từ năm 1990 đến năm 2023, chỉ số HDI của Việt Nam thay đổi từ 0,492 lên 0,746, tăng gần 50%... (UNDP, Báo cáo phát triển con người 2023/24).
[2] Từ 72,8 tuổi (năm 2009) lên 73,6 tuổi (năm 2019) và 74,7 tuổi (năm 2024).