Đẩy mạnh truyền thông về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

08/05/2025
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV xem xét, thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Để định hướng truyền thông, ngày 06/5/2025, Thường trực Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật trung ương đã ban hành Công văn số 2459/HĐPH-PB&TG gửi các bộ, cơ quan, tổ chức ở trung ương và Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về đẩy mạnh truyền thông dự thảo Nghị quyết này.

Việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 nhằm tạo cơ sở hiến định triển khai đồng bộ, thống nhất chủ trương của Đảng về tinh gọn bộ máy từ trung ương đến cơ sở, bảo đảm hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp, góp phần đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển giàu mạnh. Hiến pháp là đạo luật cơ bản, có hiệu lực pháp lý cao nhất, quy định những nguyên tắc nền tảng về tổ chức bộ máy nhà nước, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Mọi sự thay đổi, điều chỉnh trong Hiến pháp đều tác động trực tiếp đến đời sống chính trị, pháp lý và xã hội. Vì vậy, các bộ, cơ quan, tổ chức ở trung ương, địa phương cần đẩy mạnh truyền thông kịp thời, rộng rãi tới các tầng lớp Nhân dân về việc sửa đổi Hiến pháp năm 2013, phát huy tối đa vai trò, trách nhiệm của các cơ quan thông tin, báo chí, phương tiện thông tin đại chúng để Nhân dân hiểu rõ, hiểu đúng, hiểu đầy đủ về mục đích, ý nghĩa và những nội dung sửa đổi Hiến pháp, từ đó chủ động, tự giác tuân thủ, thực hiện sau khi Hiến pháp được thông qua.
Trên cơ sở đó, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật trung ương đề nghị các bộ, cơ quan, địa phương khẩn trương chỉ đạo, định hướng, triển khai truyền thông về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 cần bám sát các nội dung truyền thông: (i) Mục đích, ý nghĩa, sự cần thiết sửa đổi Hiến pháp năm 2013; (ii) Những nội dung cơ bản của dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, tập trung vào nội dung mới, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013; (iii) Nội dung khác phù hợp với yêu cầu của cơ quan, đơn vị, người dân, doanh nghiệp trên địa bàn.
Việc truyền thông được thực hiện từ ngày Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 công bố dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 đến khi Nghị quyết được Quốc hội thông qua. Sáng ngày 07/5/2025, Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 đã trình bày trước Quốc hội dự thảo Tờ trình dự thảo Nghị quyết.
 Các cơ quan, tổ chức, địa phương căn cứ điều kiện thực tế có thể tổ chức đợt cao điểm truyền thông, tạo điều kiện cho Nhân dân tham gia ý kiến, hiểu rõ, đầy đủ về mục đích, ý nghĩa và các nội dung được sửa đổi của Hiến pháp năm 2013, chủ động lựa chọn hình thức truyền thông phù hợp, chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, kết hợp linh hoạt giữa truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng và truyền thông trực tiếp nhằm tạo hiệu ứng sâu rộng, lan tỏa trong cộng đồng, bám sát yêu cầu, tiến độ và quá trình lấy ý kiến dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.
Hoàng Việt Hà
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý

File đính kèm:

Xem thêm »