Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý sau hợp nhất: Khẳng định vai trò nòng cốt trong thực thi chính sách pháp luật

07/05/2025
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Sau hai tháng kể từ khi chính thức hợp nhất, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý (Cục PB&TG) đã bước đầu kiện toàn tổ chức, triển khai đồng bộ các nhiệm vụ trọng tâm trên nhiều lĩnh vực, từng bước khẳng định vai trò trung tâm trong tham mưu, thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), trợ giúp pháp lý (TGPL), hòa giải ở cơ sở (HGCS), đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật (TCPL) và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

Ổn định tổ chức bộ máy, thích ứng với nhiệm vụ mới
Theo Quyết định số 672/QĐ-BTP ngày 26/02/2025 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Cục PB&TG được giao chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng quản lý nhà nước và tổ chức thi hành pháp luật về PBGDPL, TGPL, HGCS, TCPL, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
Song song với việc kiện toàn tổ chức, Cục đã hoàn tất các quy chế nội bộ, phân công công việc rõ ràng, kiện toàn lãnh đạo các đơn vị thuộc Cục và trình Bộ xem xét, phê duyệt kế toán trưởng, tiếp nhận cán bộ từ các đơn vị khác chuyển sang. Đặc biệt, Đảng bộ cơ sở Cục PB&TG đã được thành lập trên cơ sở hợp nhất hai chi bộ cũ, tạo nền tảng chính trị ổn định cho toàn đơn vị.
Gấp rút hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật trọng điểm
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Cục trong quý I/2025 là tham mưu, nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật quan trọng. Cụ thể, Cục đã rà soát, đề xuất sửa đổi Luật PBGDPL năm 2012, đồng thời nghiên cứu việc hợp nhất Hội đồng phối hợp PBGDPL và Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng.
Đặc biệt, Cục đã kịp thời ban hành kế hoạch triển khai các đề án, chương trình trọng điểm; hướng dẫn địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy, phân định thẩm quyền và triển khai công tác pháp luật tại cơ sở.

Nhiều chuyển biến rõ nét trên các lĩnh vực chuyên môn

Đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật

Cục đã chủ trì tổ chức sơ kết 5 năm thực hiện Kết luận số 80-KL/TW và Quyết định số 1521/QĐ-TTg, tổ chức tọa đàm đánh giá Luật PBGDPL năm 2012 và đề xuất sửa đổi. Đáng chú ý, Cục đã nghiên cứu và đề xuất thể chế hóa khái niệm “văn hóa tuân thủ pháp luật” theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, góp phần xây dựng môi trường pháp lý ổn định, kỷ cương trong xã hội.
Cục cũng chủ trì truyền thông chính sách và dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi), đôn đốc các đơn vị thực hiện nghiêm túc công tác truyền thông chính sách theo quy định của Luật và Nghị định 78/2025/NĐ-CP, tổ chức triển khai Đề án “Chuyển đổi số trong công tác PBGDPL giai đoạn 2025-2030”, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong truyền thông pháp luật.

Đối với công tác trợ giúp pháp lý

Cục đã tổng kết Chiến lược phát triển TGPL đến năm 2020, định hướng đến 2030 và đề án đổi mới TGPL giai đoạn 2015-2025. Đồng thời, triển khai hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, phối hợp với các bộ ngành để tích hợp hoạt động TGPL vào 5 chương trình mục tiêu giai đoạn 2026-2030.
Tính đến giữa tháng 4/2025, cả nước đã thụ lý hơn 7.200 vụ việc TGPL, trong đó hơn 6.300 vụ đã kết thúc, với tỷ lệ chất lượng đạt mức khá trở lên. Đặc biệt, hơn 1.200 vụ tham gia tố tụng thành công, cho thấy hiệu quả thiết thực của hoạt động TGPL. Trang thông tin điện tử TGPL Việt Nam tiếp tục được vận hành hiệu quả, Hệ thống quản lý tổ chức và hoạt động TGPL được khai thác tối đa. Việc tiếp nhận ý kiến phản ánh qua đường dây nóng giúp nâng cao chất lượng phục vụ người dân.

Đối với công tác hòa giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật

Cục đã ban hành kế hoạch triển khai Đề án nâng cao chất lượng HGCS, hướng dẫn nghiệp vụ đánh giá, công nhận TCPL cho các địa phương. Đồng thời, xây dựng báo cáo đánh giá thực tiễn và đề xuất sửa đổi quy định tại Quyết định số 4077/QĐ-BTP về bồi dưỡng hòa giải viên.

*Đối với công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Cục đã ban hành kế hoạch hướng dẫn triển khai hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong bối cảnh mới, đồng thời tổ chức hội nghị, hội thảo lấy ý kiến về Diễn đàn Kinh doanh pháp luật 2025. Tuy nhiên, công tác này vẫn gặp nhiều khó khăn: nhận thức chưa đồng đều, thể chế chưa hoàn thiện, tỷ lệ doanh nghiệp thụ hưởng thấp, thủ tục hỗ trợ phức tạp.

Định hướng chiến lược trong thời gian tới

Với phương châm “hướng mạnh về cơ sở, lấy người dân làm trung tâm”, Cục xác định các định hướng trọng tâm trong thời gian tới:
  • Rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách trong tất cả các lĩnh vực công tác.
  • Triển khai quyết liệt Đề án chuyển đổi số, thí điểm ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong PBGDPL và TGPL.
  • Đẩy mạnh truyền thông chính sách VBQPPL, tổ chức tập huấn, xây dựng mô hình điểm tại một số địa phương.
  • Xây dựng cơ chế xã hội hóa hiệu quả, thu hút các nguồn lực bên ngoài tham gia công tác pháp luật.
  • Tổ chức tổng kết, xây dựng chính sách mới trong hỗ trợ doanh nghiệp, công nhận chuẩn TCPL, HGCS.
Thời gian qua, Cục PB&TG ghi dấu một chặng đường phát triển quan trọng. Trong bối cảnh vừa tiếp tục hoàn thiện bộ máy sau hợp nhất, vừa phải triển khai đồng bộ nhiều nhiệm vụ trọng tâm, Cục đã thể hiện tinh thần quyết liệt, chủ động, sáng tạo, góp phần lan tỏa mạnh mẽ tinh thần chủ động trong công việc đáp ứng yêu cầu trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Thu Hiền
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý

Xem thêm »