15/05/2025
Xem cỡ chữ
Đọc bài viết
In
Gửi email
Phổ biến pháp luật trong kỷ nguyên số: Xây dựng văn hoá tuân thủ pháp luật trong từng công dânTrong bối cảnh triển khai Nghị quyết 66-NQ/TW, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) đang đứng trước yêu cầu đổi mới toàn diện – không chỉ về công nghệ, mà quan trọng hơn là thay đổi tư duy tiếp cận của người dân với pháp luật. Trao đổi với Báo Pháp luật Việt Nam, ông Lê Vệ Quốc – Cục trưởng Cục PBGDPL và Trợ giúp pháp lý – khẳng định: Muốn công nghệ phát huy giá trị, trước hết phải xây dựng văn hóa tuân thủ pháp luật trong mỗi công dân, bắt đầu từ nhận thức, thói quen và lòng tin.
Nghiên cứu các mô hình AI, trợ lý ảo để hỗ trợ công tác PBGDPL
PV: Thưa ông Lê Vệ Quốc, Nghị quyết 66 yêu cầu chuyển đổi số đồng bộ trong công tác PBGDPL, TGPL và đăng ký biện pháp bảo đảm. Trong khi hạ tầng số và dữ liệu pháp luật còn phân tán, Cục PBGDPL & TGPL sẽ làm gì để xây dựng một hệ sinh thái pháp lý số thống nhất, phục vụ hiệu quả cho người dân và doanh nghiệp?
Tôi cho rằng, chủ trương của Đảng và Nhà nước về chuyển đổi số quốc gia – trong đó có chuyển đổi số trong hoạt động quản trị nhà nước và vận hành xã hội – là hết sức đúng đắn, phù hợp với xu thế thời đại. Đây không chỉ là lựa chọn, mà là yêu cầu tất yếu. Nếu chúng ta không triển khai kịp thời, chắc chắn sẽ bị tụt hậu.
Tuy nhiên, nhìn từ thực tiễn Việt Nam, có thể nhìn thấy nền tảng hạ tầng công nghệ thông tin, năng lực tổ chức thực hiện, trình độ, ý thức trách nhiệm và quyết tâm chính trị ở một số nơi vẫn còn hạn chế. Trong lĩnh vực PBGDPL, tình trạng này cũng tồn tại tương tự. Cần phải hiểu rằng PBGDPL không phải là nhiệm vụ riêng của ngành Tư pháp, mà là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị. Luật PBGDPL 2012 đã quy định rất rõ: cơ quan nào quản lý lĩnh vực, địa bàn hay đối tượng nào thì phải có trách nhiệm phổ biến pháp luật cho lĩnh vực, địa bàn, đối tượng đó.
Chính vì thế, mỗi bộ, ngành hiện nay đều đang xây dựng cơ sở dữ liệu pháp luật riêng để phục vụ công tác thông tin, truyền thông pháp luật của mình. Điều này dẫn đến tình trạng dữ liệu phân tán, thiếu liên thông. Theo tôi, để khắc phục được “điểm nghẽn” này, cần có sự đầu tư một cách bài bản, tổng thể – không chỉ về hạ tầng công nghệ mà còn về thể chế và cơ chế phối hợp – nhằm tiến tới xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu pháp luật tập trung, chia sẻ được cho toàn hệ thống.
Với vai trò là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ quản lý nhà nước về công tác PBGDPL, Bộ Tư pháp đã có những bước đi cụ thể để thúc đẩy chuyển đổi số. Trước đó, Bộ Tư pháp đã trình Thủ tướng ban hành Quyết định số 471/QĐ-TTg ngày 26/4/2019 phê duyệt Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL giai đoạn 2019 – 2021”. Tuy nhiên, đó mới chỉ là bước khởi đầu. Vừa qua, ngày 15/4/2025, Thủ tướng đã ký ban hành Quyết định số 766/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Chuyển đổi số trong công tác PBGDPL giai đoạn 2025 – 2030”.
Đây là một Đề án có tính chất toàn diện, trong đó giao nhiều nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Tư pháp – như việc xây dựng, vận hành kho dữ liệu số PBGDPL dùng chung, đóng vai trò là một tài nguyên số thống nhất trên phạm vi cả nước.
Theo tôi, chuyển đổi số không thể tách rời việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Chúng tôi đang nghiên cứu các mô hình ứng dụng AI, trợ lý ảo để hỗ trợ cán bộ làm công tác PBGDPL trong việc khai thác, xử lý thông tin pháp luật, đồng thời giúp người dân tiếp cận thông tin pháp luật cơ bản một cách nhanh chóng, thuận tiện. Tất nhiên, đối với các tình huống pháp lý phức tạp, cần sự phân tích chiều sâu thì vai trò của con người – của đội ngũ chuyên gia pháp lý – vẫn là không thể thay thế.
Những yêu cầu nêu trong Nghị quyết 66 về việc chuyển đổi số đồng bộ trong công tác PBGDPL là rất kịp thời và cần thiết. Nhưng nếu không có sự đầu tư thực chất, đồng bộ, thì chuyển đổi số sẽ không phát huy được ý nghĩa và giá trị trong thực tiễn.
PV: Nghị quyết 66 không chỉ yêu cầu ứng dụng công nghệ số vào PBGDPL & TGPL, mà còn đòi hỏi phải lồng ghép vào các phong trào học tập số trong nhân dân. Theo ông, làm thế nào để việc phổ biến pháp luật trên nền tảng số không chỉ là chuyển đổi hình thức, mà thực sự thay đổi tư duy và cách tiếp cận của người dân đối với pháp luật?
Tôi cho rằng không thể chỉ mượn thuật ngữ “chuyển đổi số” để kỳ vọng vào một sự thay đổi tư duy trong nhận thức và hành vi pháp lý của người dân. Công nghệ số chỉ là công cụ hỗ trợ, chứ không thể thay thế được trách nhiệm, vai trò chủ động của các cơ quan nhà nước, của đội ngũ công chức trong việc giúp người dân hiểu đúng, hiểu đủ và thấy được giá trị thực tiễn của pháp luật trong cuộc sống.
Việc thay đổi tư duy tiếp cận pháp luật của người dân – theo tôi – phải bắt đầu từ chính cách hành xử hằng ngày của cán bộ, công chức trong quá trình thực thi công vụ. Khi pháp luật được vận dụng một cách công khai, minh bạch, chuẩn mực, hướng đến bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, thì tự khắc người dân sẽ nhìn pháp luật không phải như một rào cản, mà là một công cụ bảo vệ họ.
Trong bối cảnh đó, chuyển đổi số là điều kiện “cộng hưởng” – giúp các nhiệm vụ vốn đã phải làm nay được thực hiện hiệu quả hơn, nhanh hơn, thuận lợi hơn. Ví dụ, việc người dân chủ động tìm hiểu pháp luật là điều cần khuyến khích. Nhưng nếu các hệ thống tra cứu pháp luật còn phức tạp, thiếu thân thiện, thông tin không rõ ràng, không cập nhật kịp thời, thì người dân rất dễ bỏ cuộc, làm theo thói quen, theo kinh nghiệm hoặc thậm chí là bỏ qua quy định pháp luật. Đó là điều mà chúng ta không mong muốn.
Vì vậy, chuyển đổi số trong công tác PBGDPL không chỉ là việc “số hóa” tài liệu, mà phải hướng đến xây dựng hệ sinh thái pháp lý số toàn diện – trong đó thông tin pháp luật phải “đúng, đủ, sạch, sống”: đúng quy định, đủ nội dung, sạch về nguồn gốc và sống – tức là cập nhật liên tục, có khả năng tương tác, dễ truy cập, dễ hiểu. Chỉ khi người dân thấy pháp luật gần gũi, thiết thực và dễ tiếp cận, thì tư duy pháp lý, văn hóa pháp luật mới từng bước được hình thành một cách tự nhiên và bền vững.
Phải hình thành thói quen sử dụng pháp luật ngay từ khi còn nhỏ
PV: Thưa ông, với mục tiêu đến năm 2045 xây dựng hệ thống pháp luật hiện đại, tiệm cận chuẩn mực quốc tế, Cục PBGDPL & TGPL có chiến lược dài hạn nào để ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo trong việc phổ biến pháp luật, nhằm nâng cao nhận thức pháp lý của người dân và thúc đẩy văn hóa tuân thủ pháp luật?
Để đáp ứng mục tiêu đến năm 2045 xây dựng hệ thống pháp luật hiện đại, tiệm cận với chuẩn mực quốc tế, công tác PBGDPL cần được đổi mới một cách toàn diện, bài bản và mang tầm chiến lược lâu dài. Trong đó, yếu tố cốt lõi phải là xây dựng được một “văn hóa tuân thủ pháp luật” – tức là làm sao để người dân không chỉ biết đến pháp luật, mà còn tin, tôn trọng, tự giác tuân thủ và sẵn sàng đứng lên bảo vệ pháp luật như một phần của lẽ sống.
Công nghệ số và trí tuệ nhân tạo, trong tầm nhìn đó, chỉ là công cụ. Dù hiện đại đến đâu, nếu không xuất phát từ thay đổi trong nhận thức, trong cách ứng xử của người dân với pháp luật thì tất cả các nền tảng số cũng sẽ không mang lại giá trị thực chất. Ngược lại, nếu người dân hiểu, tin và chủ động sử dụng pháp luật, thì công nghệ sẽ giúp rút ngắn khoảng cách tiếp cận, tăng hiệu quả truyền tải, từ đó thúc đẩy văn hóa pháp luật phát triển một cách bền vững.
Muốn vậy, theo tôi, cần tập trung triển khai ba định hướng lớn:
Thứ nhất, phải phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu pháp luật số tập trung, thống nhất, thân thiện và có khả năng phục vụ nhu cầu thực tiễn của người dân, doanh nghiệp. Đó không chỉ là nơi cung cấp văn bản pháp luật, mà còn bao gồm cả tình huống pháp lý điển hình, quá trình xây dựng – hoàn thiện pháp luật, các điểm nghẽn pháp lý và cách thức xử lý... để người dân có thể thấy rõ “dòng chảy” của chính sách – pháp luật một cách minh bạch và sống động.
Thứ hai, phải đưa việc PBGDPL trở thành một phần thiết thực trong chương trình giáo dục chính khóa. Trên ghế nhà trường, các em học sinh cần được tiếp cận pháp luật không phải như những khái niệm khô cứng, mà như một công cụ sống còn để bảo vệ mình và xây dựng xã hội văn minh. Từ đó, hình thành thói quen sử dụng pháp luật, ý thức tôn trọng pháp luật và tình cảm gắn bó với pháp luật ngay từ nhỏ.
Thứ ba, phải đảm bảo công bằng trong chuyển đổi số – tức là không để ai bị bỏ lại phía sau. Hiện nay, chúng ta có 54 dân tộc với sự chênh lệch rõ rệt về điều kiện tiếp cận công nghệ, trình độ dân trí và môi trường sống. Vì vậy, chiến lược chuyển đổi số trong PBGDPL phải tính đến lộ trình phù hợp với từng nhóm đối tượng yếu thế, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, người dân vùng sâu, vùng xa. Nếu không, hệ thống hiện đại đến đâu cũng chỉ là hình thức, còn người dân – chủ thể thụ hưởng pháp luật – vẫn đứng ngoài cuộc.
Cuối cùng, tôi muốn nhấn mạnh vai trò của toàn bộ hệ thống chính trị, đặc biệt là các cơ quan báo chí, truyền thông, mạng xã hội trong việc lan tỏa thông tin pháp luật chính thống, đầy đủ, dễ tiếp cận. Pháp luật không nên chỉ nằm trên giấy, mà phải “sống” trong đời sống số – dưới dạng dữ liệu sạch, đúng, đủ và gần gũi. Chỉ khi đó, chúng ta mới thực sự xây dựng được một xã hội thượng tôn pháp luật, trong đó mỗi người dân là một chủ thể pháp lý có tri thức và trách nhiệm.
Trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn: Phương Mai (thực hiện)
Cổng TTĐT Bộ Tư pháp
Trong bối cảnh triển khai Nghị quyết 66-NQ/TW, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) đang đứng trước yêu cầu đổi mới toàn diện – không chỉ về công nghệ, mà quan trọng hơn là thay đổi tư duy tiếp cận của người dân với pháp luật. Trao đổi với Báo Pháp luật Việt Nam, ông Lê Vệ Quốc – Cục trưởng Cục PBGDPL và Trợ giúp pháp lý – khẳng định: Muốn công nghệ phát huy giá trị, trước hết phải xây dựng văn hóa tuân thủ pháp luật trong mỗi công dân, bắt đầu từ nhận thức, thói quen và lòng tin.

Nghiên cứu các mô hình AI, trợ lý ảo để hỗ trợ công tác PBGDPL
PV: Thưa ông Lê Vệ Quốc, Nghị quyết 66 yêu cầu chuyển đổi số đồng bộ trong công tác PBGDPL, TGPL và đăng ký biện pháp bảo đảm. Trong khi hạ tầng số và dữ liệu pháp luật còn phân tán, Cục PBGDPL & TGPL sẽ làm gì để xây dựng một hệ sinh thái pháp lý số thống nhất, phục vụ hiệu quả cho người dân và doanh nghiệp?
Tôi cho rằng, chủ trương của Đảng và Nhà nước về chuyển đổi số quốc gia – trong đó có chuyển đổi số trong hoạt động quản trị nhà nước và vận hành xã hội – là hết sức đúng đắn, phù hợp với xu thế thời đại. Đây không chỉ là lựa chọn, mà là yêu cầu tất yếu. Nếu chúng ta không triển khai kịp thời, chắc chắn sẽ bị tụt hậu.
Tuy nhiên, nhìn từ thực tiễn Việt Nam, có thể nhìn thấy nền tảng hạ tầng công nghệ thông tin, năng lực tổ chức thực hiện, trình độ, ý thức trách nhiệm và quyết tâm chính trị ở một số nơi vẫn còn hạn chế. Trong lĩnh vực PBGDPL, tình trạng này cũng tồn tại tương tự. Cần phải hiểu rằng PBGDPL không phải là nhiệm vụ riêng của ngành Tư pháp, mà là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị. Luật PBGDPL 2012 đã quy định rất rõ: cơ quan nào quản lý lĩnh vực, địa bàn hay đối tượng nào thì phải có trách nhiệm phổ biến pháp luật cho lĩnh vực, địa bàn, đối tượng đó.
Chính vì thế, mỗi bộ, ngành hiện nay đều đang xây dựng cơ sở dữ liệu pháp luật riêng để phục vụ công tác thông tin, truyền thông pháp luật của mình. Điều này dẫn đến tình trạng dữ liệu phân tán, thiếu liên thông. Theo tôi, để khắc phục được “điểm nghẽn” này, cần có sự đầu tư một cách bài bản, tổng thể – không chỉ về hạ tầng công nghệ mà còn về thể chế và cơ chế phối hợp – nhằm tiến tới xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu pháp luật tập trung, chia sẻ được cho toàn hệ thống.
Với vai trò là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ quản lý nhà nước về công tác PBGDPL, Bộ Tư pháp đã có những bước đi cụ thể để thúc đẩy chuyển đổi số. Trước đó, Bộ Tư pháp đã trình Thủ tướng ban hành Quyết định số 471/QĐ-TTg ngày 26/4/2019 phê duyệt Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL giai đoạn 2019 – 2021”. Tuy nhiên, đó mới chỉ là bước khởi đầu. Vừa qua, ngày 15/4/2025, Thủ tướng đã ký ban hành Quyết định số 766/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Chuyển đổi số trong công tác PBGDPL giai đoạn 2025 – 2030”.
Đây là một Đề án có tính chất toàn diện, trong đó giao nhiều nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Tư pháp – như việc xây dựng, vận hành kho dữ liệu số PBGDPL dùng chung, đóng vai trò là một tài nguyên số thống nhất trên phạm vi cả nước.
Theo tôi, chuyển đổi số không thể tách rời việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Chúng tôi đang nghiên cứu các mô hình ứng dụng AI, trợ lý ảo để hỗ trợ cán bộ làm công tác PBGDPL trong việc khai thác, xử lý thông tin pháp luật, đồng thời giúp người dân tiếp cận thông tin pháp luật cơ bản một cách nhanh chóng, thuận tiện. Tất nhiên, đối với các tình huống pháp lý phức tạp, cần sự phân tích chiều sâu thì vai trò của con người – của đội ngũ chuyên gia pháp lý – vẫn là không thể thay thế.
Những yêu cầu nêu trong Nghị quyết 66 về việc chuyển đổi số đồng bộ trong công tác PBGDPL là rất kịp thời và cần thiết. Nhưng nếu không có sự đầu tư thực chất, đồng bộ, thì chuyển đổi số sẽ không phát huy được ý nghĩa và giá trị trong thực tiễn.
PV: Nghị quyết 66 không chỉ yêu cầu ứng dụng công nghệ số vào PBGDPL & TGPL, mà còn đòi hỏi phải lồng ghép vào các phong trào học tập số trong nhân dân. Theo ông, làm thế nào để việc phổ biến pháp luật trên nền tảng số không chỉ là chuyển đổi hình thức, mà thực sự thay đổi tư duy và cách tiếp cận của người dân đối với pháp luật?
Tôi cho rằng không thể chỉ mượn thuật ngữ “chuyển đổi số” để kỳ vọng vào một sự thay đổi tư duy trong nhận thức và hành vi pháp lý của người dân. Công nghệ số chỉ là công cụ hỗ trợ, chứ không thể thay thế được trách nhiệm, vai trò chủ động của các cơ quan nhà nước, của đội ngũ công chức trong việc giúp người dân hiểu đúng, hiểu đủ và thấy được giá trị thực tiễn của pháp luật trong cuộc sống.
Việc thay đổi tư duy tiếp cận pháp luật của người dân – theo tôi – phải bắt đầu từ chính cách hành xử hằng ngày của cán bộ, công chức trong quá trình thực thi công vụ. Khi pháp luật được vận dụng một cách công khai, minh bạch, chuẩn mực, hướng đến bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, thì tự khắc người dân sẽ nhìn pháp luật không phải như một rào cản, mà là một công cụ bảo vệ họ.
Trong bối cảnh đó, chuyển đổi số là điều kiện “cộng hưởng” – giúp các nhiệm vụ vốn đã phải làm nay được thực hiện hiệu quả hơn, nhanh hơn, thuận lợi hơn. Ví dụ, việc người dân chủ động tìm hiểu pháp luật là điều cần khuyến khích. Nhưng nếu các hệ thống tra cứu pháp luật còn phức tạp, thiếu thân thiện, thông tin không rõ ràng, không cập nhật kịp thời, thì người dân rất dễ bỏ cuộc, làm theo thói quen, theo kinh nghiệm hoặc thậm chí là bỏ qua quy định pháp luật. Đó là điều mà chúng ta không mong muốn.
Vì vậy, chuyển đổi số trong công tác PBGDPL không chỉ là việc “số hóa” tài liệu, mà phải hướng đến xây dựng hệ sinh thái pháp lý số toàn diện – trong đó thông tin pháp luật phải “đúng, đủ, sạch, sống”: đúng quy định, đủ nội dung, sạch về nguồn gốc và sống – tức là cập nhật liên tục, có khả năng tương tác, dễ truy cập, dễ hiểu. Chỉ khi người dân thấy pháp luật gần gũi, thiết thực và dễ tiếp cận, thì tư duy pháp lý, văn hóa pháp luật mới từng bước được hình thành một cách tự nhiên và bền vững.
Phải hình thành thói quen sử dụng pháp luật ngay từ khi còn nhỏ
PV: Thưa ông, với mục tiêu đến năm 2045 xây dựng hệ thống pháp luật hiện đại, tiệm cận chuẩn mực quốc tế, Cục PBGDPL & TGPL có chiến lược dài hạn nào để ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo trong việc phổ biến pháp luật, nhằm nâng cao nhận thức pháp lý của người dân và thúc đẩy văn hóa tuân thủ pháp luật?
Để đáp ứng mục tiêu đến năm 2045 xây dựng hệ thống pháp luật hiện đại, tiệm cận với chuẩn mực quốc tế, công tác PBGDPL cần được đổi mới một cách toàn diện, bài bản và mang tầm chiến lược lâu dài. Trong đó, yếu tố cốt lõi phải là xây dựng được một “văn hóa tuân thủ pháp luật” – tức là làm sao để người dân không chỉ biết đến pháp luật, mà còn tin, tôn trọng, tự giác tuân thủ và sẵn sàng đứng lên bảo vệ pháp luật như một phần của lẽ sống.
Công nghệ số và trí tuệ nhân tạo, trong tầm nhìn đó, chỉ là công cụ. Dù hiện đại đến đâu, nếu không xuất phát từ thay đổi trong nhận thức, trong cách ứng xử của người dân với pháp luật thì tất cả các nền tảng số cũng sẽ không mang lại giá trị thực chất. Ngược lại, nếu người dân hiểu, tin và chủ động sử dụng pháp luật, thì công nghệ sẽ giúp rút ngắn khoảng cách tiếp cận, tăng hiệu quả truyền tải, từ đó thúc đẩy văn hóa pháp luật phát triển một cách bền vững.
Muốn vậy, theo tôi, cần tập trung triển khai ba định hướng lớn:
Thứ nhất, phải phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu pháp luật số tập trung, thống nhất, thân thiện và có khả năng phục vụ nhu cầu thực tiễn của người dân, doanh nghiệp. Đó không chỉ là nơi cung cấp văn bản pháp luật, mà còn bao gồm cả tình huống pháp lý điển hình, quá trình xây dựng – hoàn thiện pháp luật, các điểm nghẽn pháp lý và cách thức xử lý... để người dân có thể thấy rõ “dòng chảy” của chính sách – pháp luật một cách minh bạch và sống động.
Thứ hai, phải đưa việc PBGDPL trở thành một phần thiết thực trong chương trình giáo dục chính khóa. Trên ghế nhà trường, các em học sinh cần được tiếp cận pháp luật không phải như những khái niệm khô cứng, mà như một công cụ sống còn để bảo vệ mình và xây dựng xã hội văn minh. Từ đó, hình thành thói quen sử dụng pháp luật, ý thức tôn trọng pháp luật và tình cảm gắn bó với pháp luật ngay từ nhỏ.
Thứ ba, phải đảm bảo công bằng trong chuyển đổi số – tức là không để ai bị bỏ lại phía sau. Hiện nay, chúng ta có 54 dân tộc với sự chênh lệch rõ rệt về điều kiện tiếp cận công nghệ, trình độ dân trí và môi trường sống. Vì vậy, chiến lược chuyển đổi số trong PBGDPL phải tính đến lộ trình phù hợp với từng nhóm đối tượng yếu thế, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, người dân vùng sâu, vùng xa. Nếu không, hệ thống hiện đại đến đâu cũng chỉ là hình thức, còn người dân – chủ thể thụ hưởng pháp luật – vẫn đứng ngoài cuộc.
Cuối cùng, tôi muốn nhấn mạnh vai trò của toàn bộ hệ thống chính trị, đặc biệt là các cơ quan báo chí, truyền thông, mạng xã hội trong việc lan tỏa thông tin pháp luật chính thống, đầy đủ, dễ tiếp cận. Pháp luật không nên chỉ nằm trên giấy, mà phải “sống” trong đời sống số – dưới dạng dữ liệu sạch, đúng, đủ và gần gũi. Chỉ khi đó, chúng ta mới thực sự xây dựng được một xã hội thượng tôn pháp luật, trong đó mỗi người dân là một chủ thể pháp lý có tri thức và trách nhiệm.
Trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn: Phương Mai (thực hiện)
Cổng TTĐT Bộ Tư pháp