Ngày 29/6/2025, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long đã ký ban hành Nghị định số 162/2025/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống mua bán người. Nghị định có hiệu lực từ ngày 01/7/2025. Nghị định quy định chi tiết các nội dung được Luật Phòng, chống mua bán người giao (cụ thể là khoản 6 Điều 27, khoản 3 Điều 28, khoản 5 Điều 29, khoản 3 Điều 30, khoản 7 Điều 31, khoản 6 Điều 35, khoản 5 Điều 37, khoản 7 Điều 46, khoản 4 Điều 47, khoản 3 Điều 56); và quy định biện pháp để tổ chức thực hiện và hướng dẫn thi hành khoản 3 Điều 22 Luật.

Trước đó, Luật Phòng, chống mua bán người năm 2024 đã bổ sung, bãi bỏ một số khoản của Điều 7 Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017, cụ thể:
- Bổ sung khoản 6a vào sau khoản 6 như sau: “6a. Nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân của hành vi mua bán người và người dưới 18 tuổi đi cùng theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người”
- Bãi bỏ điểm g, khoản 7.
Theo đó, quy định trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bị mua bán người đã có sự thay đổi từ ngày 01/7/2025, cụ thể: Trước 01/7/2025, nạn nhân của hành vi mua bán người theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người có khó khăn về tài chính có quyền được trợ giúp pháp lý miễn phí. Từ ngày 01/7/2025 trở đi, quy định trên bị bãi bỏ. Quy định mới về nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân của hành vi mua bán người và người dưới 18 tuổi đi cùng theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người được trợ giúp pháp lý miễn phí có hiệu lực thi hành. Như vậy, với quy định mới trên, diện người được trợ giúp pháp lý đã được mở rộng hơn, đáp ứng nhu cầu thực tiễn phát sinh trong thời gian qua.
Nạn nhân theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người năm 2024, là người bị xâm hại bởi các hành vi tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp, chuyển giao hoặc tiếp nhận người nhằm mục đích nhận tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác, bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể người hoặc nhằm mục đích vô nhân đạo khác bằng cách dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt hoặc thủ đoạn khác và được cơ quan có thẩm quyền xác nhận. Luật cũng quy định trách nhiệm của Bộ Tư pháp trong việc quản lý, hướng dẫn trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước và các tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý thực hiện trợ giúp pháp lý cho nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý.
Chính vì vậy, giấy tờ chứng minh thuộc diện người được trợ giúp pháp lý là nạn nhân của hành vi mua bán người có khó khăn về tài chính được hướng dẫn tại khoản 13 Điều 33 Thông tư 08/2017/TT-BTP ngày 15/11/2017 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chi tiết một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý và hướng dẫn giấy tờ trong hoạt động trợ giúp pháp lý đã được sửa đổi tại Thông tư số 11/2025/TT-BTP ngày 25/6/2025 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, theo đó đã quy định: Giấy tờ, tài liệu chứng minh là nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân của hành vi mua bán người và người dưới 18 tuổi đi cùng theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người là văn bản của cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật phòng, chống mua bán người xác định người đó thuộc một trong những diện người này.
Tại Nghị định số 162/2025/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống mua bán người đã quy định về thẩm quyền cấp giấy xác nhận nạn nhân bị mua bán/giấy xác nhận không phải nạn nhân mua bán mẫu hai loại giấy xác nhận này và mẫu hai loại giấy xác nhận này. Cụ thể: Mẫu giấy xác nhận nạn nhân bị mua bán được quy định tại mẫu số 05; Mẫu giấy xác nhận không phải nạn nhân bị mua bán người quy định tại mẫu số 06 Phụ lục kèm theo Nghị định.
Tại Nghị định này cũng đã quy định chi tiết về các biện pháp bảo vệ (bố trí nơi tạm lánh an toàn, thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn hành vi xâm hại,…) và đối tượng, chế độ, trình tự thực hiện hỗ trợ. Đối với trợ giúp pháp lý được quy định như sau:
Về đối tượng hỗ trợ bao gồm: (i) nạn nhân là công dân Việt Nam, người không quốc tịch thường trú ở Việt Nam và người dưới 18 tuổi đi cùng; (ii) người đang trong quá trình xác định là nạn nhân là công dân Việt Nam, người không quốc tịch thường trú ở Việt Nam và người dưới 18 tuổi đi cùng ở trong nước; (iii) nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân là người nước ngoài bị mua bán tại Việt Nam.
Về chế độ hỗ trợ cụ thể:
- Được trợ giúp pháp lý đối với nội dung có liên quan đến vụ việc, vụ án mua bán người thông qua các hình thức tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng và các hình thức trợ giúp pháp lý khác để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người được hỗ trợ theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý.
- Việc trợ giúp pháp lý cho nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân là người nước ngoài bị mua bán tại Việt Nam được thực hiện dựa trên nhu cầu, tình trạng thực tế của đối tượng và thời gian lưu trú tại Việt Nam.
Cơ quan thực hiện việc hỗ trợ là các Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước, tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý có trách nhiệm thực hiện trợ giúp pháp lý. Trình tự, thủ tục trợ giúp pháp lý cho các đối tượng trên được thực hiện theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý.
Ngoài ra, Nghị định còn quy định về Tổng đài quốc gia về phòng, chống mua bán người. Theo đó, Tổng đài điện thoại quốc gia về phòng, chống mua bán người sử dụng số điện thoại ngắn (111) của Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em để tiếp nhận tố giác, tin bài về hành vi mua bán người. Tổng đài hoạt động 24 giờ tất cả các ngày để tiếp nhận tin báo, tố giác về hành vi mua bán người, được Nhà nước bảo đảm nguồn lực hoạt động. Tổng đài thực hiện ghi âm tự động và miễn cước phí đói với tất cả các cuộc gọi đến, gọi đi. Chính vì vậy, cá nhân, cơ quan, tổ chức khi phát hiện hành vi mua bán người, phát hiện bản thân mình hoặc người khác có nguy cơ bị mua bán thì hãy gọi điện đến số 111 của Tổng đài điện thoại quốc gia về phòng chống mua bán người. |
Thanh Trịnh
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý