Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số - những bước tiến vượt bậc

17/07/2025
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Trong những năm gần đây, Việt Nam đã có những bứt phá mạnh mẽ trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Đây không chỉ là những thành tựu đơn lẻ mà là một cuộc cách mạng toàn diện, tạo động lực to lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân. Trong sáu tháng đầu năm 2025, Việt Nam đã đạt được những bước tiến “ngoạn mục” trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, đặc biệt sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia (Nghị quyết số 57-NQ/TW). Nghị quyết số 57-NQ/TW có ý nghĩa chiến lược, thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước trong việc thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững của đất nước trong giai đoạn mới. Nghị quyết đã nhanh chóng đi vào cuộc sống, tạo động lực mạnh mẽ, tháo gỡ nhiều "nút thắt" quan trọng về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Việc triển khai Nghị quyết trong thời gian qua nhận được sự thống nhất cao về nhận thức và hành động trong toàn hệ thống chính trị, tháo gỡ nhiều điểm nghẽn về thể chế, chính sách, hạ tầng, nguồn lực và cơ chế phối hợp giữa các cấp, các ngành. Trong 06 tháng triển khai thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW đã đạt được những kết quả nhất định, cụ thể:
Đột phá thể chế, kiến tạo hành lang pháp lý vững chắc
Thể chế, chính sách trong việc phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số được Đảng và Nhà nước quan tâm hoàn thiện. Quốc hội đã thông qua hai luật rất quan trọng có tính nền tảng, là Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo và Luật Công nghiệp Công nghệ số. Đây là những cơ sở pháp lý quan trọng, mở đường cho sự phát triển của các lĩnh vực công nghệ mũi nhọn như trí tuệ nhân tạo (AI), bán dẫn, và dữ liệu lớn (Big Data). Không dừng lại ở đó, hai Nghị quyết đặc biệt cũng đã được Quốc hội ban hành như: Nghị quyết số 193/2025/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Nghị quyết số 198/2025/QH15 về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân, trong đó quy định các nội dung hỗ trợ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia và đào tạo nhân lực
Cùng với đó, Chính phủ cũng không ngừng hoàn thiện môi trường pháp lý bằng việc ban hành tới 45 nghị định và 01 nghị quyết quan trọng, trong đó có các nghị định về cải cách thủ tục hành chính một cửa, một cửa liên thông và phân cấp, phân quyền phù hợp với mô hình tổ chức bộ máy chính quyền hai cấp.
Chỉ đạo, điều hành quyết liệt
Ngay sau khi Nghị quyết số 57-NQ/TW ban hành, Ban Chỉ đạo Trung ương đã kịp thời cụ thể hóa bằng việc ban hành Kế hoạch hành động chiến lược triển khai Nghị quyết 57-NQ/TW[1] với cách tiếp cận mới theo hướng tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, tránh phân tán nguồn lực và Kế hoạch thúc đẩy chuyển đổi số liên thông, đồng bộ, nhanh, hiệu quả đáp ứng yêu cầu sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị[2] là bước cụ thể hoá quan trọng nhằm tổ chức thực hiện đồng bộ, liên thông và hiệu quả Nghị quyết số 57-NQ/TW, đáp ứng yêu cầu sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị trong giai đoạn mới. Kế hoạch đã đưa ra mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp trọng tâm cụ thể hoá những quan điểm chỉ đạo rất quyết liệt, sát thực tiễn trong việc đẩy mạnh, đổi mới, đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
 Hạ tầng dữ liệu và chuyển đổi số - hiện đại hóa công tác quản lý
Hiện đã chính thức đưa vào vận hành hai hệ thống thông tin đột phá, góp phần hiện đại hóa công tác chỉ đạo, điều hành và nâng cao hiệu quả giám sát, gồm: Hệ thống thông tin giám sát, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW (nq57.vn) và Hệ thống thông tin tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị, sáng kiến, giải pháp phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số (pakn.nq57.vn). Hai hệ thống này góp phần hiện đại hoá công tác chỉ đạo, điều hành; nâng cao hiệu quả giám sát, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW và kịp thời tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị, sáng kiến, giải pháp từ phía tổ chức, cá nhân.
Đặc biệt, Ban Bí thư đã ban hành Kiến trúc Chuyển đổi số trong Đảng, phiên bản 3.0, cùng với việc Văn phòng Trung ương Đảng triển khai phần mềm quản lý văn bản, phòng họp không giấy, kết nối đến tận cấp xã, tạo ra bước phát triển mới trong hiện đại hoá hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng.
Phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo – tập trung mũi nhọn
Chính phủ đã ban hành Danh mục công nghệ chiến lược, xác định 11 nhóm công nghệ có vai trò then chốt trong quá trình phát triển nhanh, bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và tập trung vào các lĩnh vực công nghệ mũi nhọn như: bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), công nghệ vật liệu mới, công nghệ sinh học và dữ liệu lớn (Big Data).
Hệ sinh thái khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo tiếp tục phát triển mạnh mẽ, với 858 doanh nghiệp khoa học - công nghệ, 45 doanh nghiệp công nghệ cao và trên 73.000 doanh nghiệp công nghệ số đang hoạt động. Bộ Khoa học công nghệ đã thu hút, tập hợp 277 chuyên gia tham gia các chương trình trọng điểm về trí tuệ nhân tạo, góp phần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho các lĩnh vực chiến lược.
 Huy động nguồn lực xã hội - Lan tỏa sức mạnh cộng đồng
Một điểm nổi bật là sự đồng hành và tham gia mạnh mẽ của các doanh nghiệp công nghệ lớn trong nước. Việc huy động nguồn lực xã hội, đã chứng tỏ rằng phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số không chỉ là nhiệm vụ của Nhà nước mà đã thực sự lan tỏa ra xã hội, cộng đồng doanh nghiệp, trở thành một phong trào xã hội rộng lớn. Điều này tạo thêm nguồn lực và động lực to lớn để triển khai hiệu quả các nhiệm vụ trong thời gian tới.
Thách thức và hướng tới tương lai
Bên cạnh những kết quả, thành tựu nổi bật, việc triển khai Nghị quyết 57-NQ/TW vẫn đối mặt với một số tồn tại, hạn chế. Một số nhiệm vụ còn chậm tiến độ, thể chế, chính sách chưa hoàn toàn đồng bộ, hạ tầng số và dữ liệu quốc gia còn phân tán, việc kết nối và chia sẻ dữ liệu còn hạn chế và nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt trong các ngành công nghệ mũi nhọn, vẫn còn thiếu hụt.
Tuy nhiên, với những kết quả ấn tượng trong 6 tháng đầu năm 2025, đã tạo được nền móng vững chắc triển khai thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW trong thời gian tới. Để đạt được mục tiêu lớn đã đặt ra, cần tiếp tục triển khai với tinh thần kiên quyết, kiên trì, kiên định, quyết liệt hơn nữa trong chỉ đạo, điều hành, tháo gỡ điểm nghẽn và tập trung nguồn lực để tạo ra những kết quả thực chất, bền vững. Việt Nam đang ở một giai đoạn đầy hứa hẹn, nơi khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số sẽ là động lực chính cho sự phát triển vượt bậc trong những năm tiếp theo.
Lê Hà - Văn phòng Cục
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý
 

[1] Kế hoạch số 01-KH/BCĐTW, ngày 02/6/2025 của Ban Chỉ đạo Trung ương.
[2] Kế hoạch số 02-KH/BCĐTW, ngày 19/6/2025 của Ban Chỉ đạo Trung ương.

Xem thêm »