Những điểm nổi bật của Luật Cán bộ, công chức 2025 Nâng tầm công vụ, trọng dụng nhân tài

18/07/2025
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Ngày 24/6/2025, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Cán bộ, công chức năm 2025, có hiệu lực từ ngày 01/7/2025. Luật ban hành nhằm hiện thực hóa các nghị quyết của Đảng về công tác cán bộ, bảo đảm đồng bộ, liên thông và đáp ứng yêu cầu cấp thiết trong tình hình mới. Luật không chỉ đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, làm rõ trách nhiệm, kiểm soát chặt chẽ quyền lực, mà còn siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tạo môi trường khuyến khích đổi mới sáng tạo, thu hút và trọng dụng người có tài năng làm việc trong các cơ quan của hệ thống chính trị; khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Ảnh minh họa

Với mục tiêu nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, cải cách chế độ công vụ và tăng cường quản lý theo vị trí việc làm, Luật Cán bộ, công chức năm 2025 mang đến nhiều điểm mới đáng chú ý.
1. Luật hóa cơ chế trọng dụng người tài
Một trong những điểm nhấn nổi bật của Luật là việc luật hóa cơ chế thu hút và trọng dụng người tài trong khu vực công, tạo môi trường làm việc tốt để họ phát huy năng lực. Điều 4 của Luật Cán bộ, công chức năm 2025 quy định rõ Nhà nước có cơ chế đặc biệt để thu hút chuyên gia, nhà khoa học, luật gia, luật sư giỏi, doanh nhân tiêu biểu, sinh viên tốt nghiệp xuất sắc và các nguồn nhân lực chất lượng cao khác làm việc trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội. Đồng thời, Luật cũng quy định chính sách trọng dụng và đãi ngộ xứng đáng đối với người có tài năng, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Người có tài năng trong hoạt động công vụ cũng được làm rõ: đó là những cán bộ, công chức có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, khát vọng cống hiến, có năng lực chuyên môn, kỹ năng vượt trội, tư duy đổi mới, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và đạt được những thành tích nổi bật mang lại giá trị, hiệu quả cao. Đây là một quy định hoàn toàn mới so với luật cũ, thể hiện sự quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ chất lượng cao.
2. Tinh giản hình thức kỷ luật đối với công chức
Từ ngày 01/7/2025, Luật Cán bộ, công chức năm 2025 đã bỏ 2 hình thức kỷ luật đối với công chức là hạ bậc lương và giáng chức. Theo đó, chỉ còn 4 hình thức kỷ luật được áp dụng đối với công chức: khiển trách, cảnh cáo, cách chức (đối với công chức lãnh đạo, quản lý) và buộc thôi việc. Việc tinh giản này bảo đảm đồng bộ, thống nhất với quy định kỷ luật Đảng, đồng bộ với sử dụng kết quả đánh giá công chức theo quy định mới của Luật.
 
3. Quản lý công chức theo vị trí việc làm
Luật mới đánh dấu cách thức quản lý công chức theo vị trí việc làm lấy vị trí việc làm là trung tâm. Điều này gắn chặt với yêu cầu công việc và năng lực cá nhân. Khoản 2 Điều 23 của Luật phân loại vị trí việc làm thành 03 loại: Vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý; Vị trí việc làm chuyên môn, nghiệp vụ và Vị trí việc làm hỗ trợ, phục vụ.
Việc xác định vị trí việc làm sẽ dựa trên chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của cơ quan; mức độ phức tạp, tính chất, đặc điểm của từng ngành, lĩnh vực; cũng như mức độ hiện đại hóa công sở, ứng dụng khoa học, công nghệ và chuyển đổi số.
4. Bỏ quy định tập sự đối với công chức mới tuyển dụng từ ngày 01/7/2025
Trước đây, theo Điều 40 của Luật Cán bộ, công chức năm 2008 (đã hết hiệu lực từ ngày 01/7/2025), người được tuyển dụng vào công chức phải thực hiện chế độ tập sự theo quy định của Chính phủ. Tuy nhiên, Luật Cán bộ, công chức năm 2025 không quy định chế độ tập sự đối với công chức.
5. Quy định mới về hợp đồng thực hiện nhiệm vụ của công chức
Luật Cán bộ, công chức năm 2025 đã bổ sung quy định hoàn toàn mới về hợp đồng thực hiện nhiệm vụ của công chức (Điều 21). Theo đó, cơ quan quản lý công chức có thể ký hợp đồng với chuyên gia, nhà khoa học, luật gia, luật sư giỏi, doanh nhân tiêu biểu, xuất sắc để thực hiện nhiệm vụ của vị trí việc làm công chức lãnh đạo, quản lý; hoặc ký hợp đồng với nhân lực chất lượng cao để thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, nghiệp vụ. Ngoài ra, Luật quy định việc ký hợp đồng dịch vụ để thực hiện công việc khi chưa đáp ứng đủ nguồn nhân lực. Kinh phí cho các hợp đồng này sẽ được ngân sách nhà nước bảo đảm ngoài quỹ lương và kinh phí khoán chi hành chính.
6. Đánh giá công chức theo tiến độ, chất lượng của kết quả, sản phẩm theo từng vị trí việc làm
Từ ngày 01/01/2026, việc đánh giá công chức theo quy định của Luật mới được định lượng bằng các tiêu chí cụ thể gắn với tiến độ, chất lượng của kết quả, sản phẩm theo từng vị trí việc làm. Việc đánh giá sẽ tuân thủ nguyên tắc dân chủ, công khai, công bằng, minh bạch, khách quan, xuyên suốt, liên tục, đa chiều. Nội dung đánh giá sẽ được định lượng tối đa về tiến độ, chất lượng, hiệu quả, gắn với vị trí việc làm và ứng dụng khoa học, công nghệ, chuyển đổi số trong theo dõi, đánh giá, xếp loại chất lượng công chức.
7. Hoàn thành xếp ngạch theo vị trí việc làm cho công chức cũ trước 2027
Để đảm bảo sự chuyển đổi đồng bộ, Điều 45 của Luật quy định rằng, chậm nhất đến ngày 01/7/2027, các Bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương phải hoàn thành việc bố trí vào vị trí việc làm và xếp ngạch tương ứng với vị trí việc làm đối với công chức được tuyển dụng trước ngày Luật có hiệu lực thi hành (01/7/2025).
8. Chuyển đổi công chức cấp xã sang chế độ mới theo Luật nếu đủ điều kiện
Luật Cán bộ, công chức năm 2025 cũng mở ra cơ hội cho cán bộ, công chức cấp xã được bầu hoặc tuyển dung trước ngày Luật Cán bộ, công chức 2025 có hiệu lực được chuyển sang cán bộ, công chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức 2025 nếu đáp ứng đủ tiêu chuẩn về trình độ đào tạo. Những người này sẽ được chuyển thành cán bộ, công chức theo quy định của Luật mới và được bố trí công tác tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc hệ thống chính trị cấp xã sau sắp xếp, thuộc biên chế của địa phương và thực hiện tinh giản biên chế trong thời hạn 05 năm.
Luật Cán bộ, công chức năm 2025 thể hiện sự quyết tâm mạnh mẽ của Nhà nước trong việc xây dựng một nền công vụ chuyên nghiệp, hiện đại, năng động và hiệu quả. Những thay đổi này được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới.
Lê Hà - Văn phòng Cục
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý

Xem thêm »