Nghệ An tăng cường truyền thông, đưa pháp luật đến gần người dân tại cơ sở

20/12/2024
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Thực hiện yêu cầu của Bộ Tư pháp tại Công văn số 2643/BTP-PBGDPL về việc rà soát báo cáo mô hình điểm phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) tại cơ sở, sau khi rà soát các tiêu chí trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp tỉnh Nghệ An đã đề xuất 02 mô hình PBGDPL hiệu quả trên địa bàn tỉnh.

Mô hình thứ nhất:  “Đội tuyên truyền lưu động” tại xã Hưng Tân, huyện Hưng Nguyên
Mô hình “Đội truyền thông lưu động” do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (UBMTTQVN) xã thành lập, chủ trì, đến nay đã có gần 50 thành viên, bao gồm các đồng chí trong Ban Thường trực UBMTTQVN xã; các đồng chí là cán bộ, công chức thuộc Ủy ban nhân dân xã; các đoàn thể chính trị xã hội và các đoàn viên, hội viên nòng cốt của Hội người cao tuổi. Các thành viên hoạt động tự nguyện dưới sự chỉ đạo của đồng chí Chủ tịch UBMTTQVN xã.
Đội truyền thông lưu động đã xây dựng chương trình, kế hoạch tuyên truyền hàng tháng với các nội dung thiết thực, phù hợp theo thời điểm và địa bàn. Mỗi quý, Ban Thường vụ Đảng uỷ làm việc với UBMTTQVN và các đoàn thể cho ý kiến về công tác tuyên truyền của Đội truyền thông lưu động. Trước khi tổ chức truyền thông, Đội tổ chức họp, xây dựng tình huống, phân công người soạn nội dung và trực tiếp trao đổi với Nhân dân. Đan xen công tác truyền thông là các câu hỏi mở để hướng người dân vào các nội dung quan tâm và cuối các buổi truyền thông có sự trao đổi, tương tác giữa cán bộ truyền thông và người dân. Tại các buổi truyền thông ở khu dân cư có sự tham dự của lãnh đạo cấp uỷ, chính quyền địa phương tham gia, trên cơ sở đó kiến nghị, đề xuất, tâm tư nguyện vọng của người dân được các đồng chí lãnh đạo tiếp thu, trả lời, giúp giải toả những vấn đề vướng mắc trong Nhân dân. Cùng với công tác truyền thông tại các khu dân cư, Đội truyền thông lưu động còn tham dự và chuẩn bị chuyên đề trong sinh hoạt của các tổ chức chính trị xã hội.
Điểm nổi bật trong hoạt động của mô hình là nội dung, hình thức tuyên truyền, vận động từ khó tiếp cận sang hình thức gần dân, dễ nghe, dễ nhớ, dễ hiểu. Đặc biệt lồng ghép nhiều kỹ năng như: Kỹ năng thuyết trình, sân khấu hóa, tương tác… nên thu hút được sự quan tâm của người dân, rút ngắn khoảng cách giữa cán bộ với Nhân dân. Để duy trì hoạt động của mô hình, hàng năm Ủy ban nhân dân xã hỗ trợ mua trang thiết bị và cấp kinh phí từ 10-15 triệu đồng cho công tác tuyên truyền.
Về hiệu quả của mô hình: Được người dân và chính quyền đánh giá cao, có tính bền vững, có khả năng duy trì, phát triển ổn định, lâu dài và có thể được nhân rộng tại các địa bàn, đơn vị khác; thông qua hoạt động truyền thông đã trực tiếp tác động, làm thay đổi nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật trong quần chúng Nhân dân được nâng lên, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn, giảm tình trạng đơn thư, tạo sự đoàn kết đồng thuận cao và không xảy ra các vụ vi phạm về bạo lực gia đình, bạo hành trẻ em.
Mô hình thứ hai: Mô hình “Ngày thứ Bảy vì dân”
Với mục đích đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, nâng cao hiểu biết của người dân trên địa bàn huyện về pháp luật đất đai, thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai; pháp luật về thừa kế, chứng thực hợp đồng giao dịch liên quan đến bất động sản; tư vấn, hướng dẫn hồ sơ, thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai; hồ sơ chứng thực văn bản phân chia di sản thừa kế, từ chối nhận di sản thừa kế, hợp đồng ủy quyền, tặng cho, chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất và pháp luật khác có liên quan; đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong giải quyết các thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, chứng thực hợp đồng, giao dịch liên quan đến đất đai, nâng cao chỉ số phục vụ hành chính của cơ quan nhà nước trên địa bàn huyện đối với tổ chức, cá nhân góp phần phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật phát sinh trong việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến đất đai, nhất là các đối tượng lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân về thủ tục hành chính liên quan đến đất đai để trục lợi, lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Phòng Tư pháp huyện Diễn Châu chủ trì phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Diễn Châu tham mưu UBND huyện thành lập mô hình “Ngày thứ Bảy vì dân” để triển khai trên địa bàn toàn huyện. Mô hình được bắt đầu triển khai thực hiện từ tháng 5/2023, tổ chức vào các ngày thứ Bảy hàng tuần. Ngay từ đầu năm, UBND huyện ban hành Kế hoạch thực hiện mô hình.
Công chức, viên chức được phân công, cử tham gia làm nhiệm vụ tuyên truyền, tư vấn, hướng dẫn trong “Ngày Thứ Bảy vì dân” được lựa chọn là người có thâm niên, có tinh thần, trách nhiệm cao với công việc để thực hiện việc tư vấn, hướng dẫn hồ sơ, thủ tục cho người dân phải tuân thủ đúng quy định của pháp luật, công khai, minh bạch. Theo đó, Phòng Tư pháp - Cơ quan Thường trực Hội đồng phối hợp PBGDPL huyện chủ trì phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai UBND huyện Diễn Châu, UBND các xã, thị trấn bố trí tổ chức “Ngày Thứ Bảy vì dân” và thông báo cho các cơ quan, đơn vị có liên quan biết thực hiện.
Tại buổi tuyên truyền có các hoạt động: (i) Hội nghị tuyên truyền do Báo cáo viên pháp luật cấp huyện của phòng Tư pháp, phòng Tài nguyên và Môi trường; Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Diễn Châu thực hiện; (ii) Tư vấn, hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ thủ tục đất đai, chứng thực hợp đồng, giao dịch, văn bản phân chia di sản thừa kế, từ chối nhân di sản…do công chức, viên chức của Phòng Tư pháp, Tài nguyên và Môi trường; Văn phòng đăng ký đất đai huyện Diễn Châu; công chức Địa chính, Tư pháp - Hộ tịch của UBND các xã, thị trấn thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ. Hiện nay, mô hình “Ngày thứ Bảy vì dân” đã thực hiện được tại 37/37 xã, thị trấn. Sau khi kết thúc đợt 1 sẽ triển khai đợt 2 tại những địa bàn có nhu cầu, đăng ký. Để duy trì mô hình UBND huyện bố trí kinh phí từ ngân sách huyện.
Với những kết quả ấn tượng và hình thức truyền thông đổi mới do cơ quan quản lý nhà nước trực tiếp truyền tải, hướng dẫn người dân, vì vậy mô hình đã thu hút đông đảo người dân trên địa bàn các xã, thị trấn tham gia trực tiếp và được người dân, chính quyền, cấp ủy đánh giá cao về tính hiệu quả, đảm bảo rất thiết thực với người dân, do đó cần thiết duy trì mô hình này để người dân được thụ hưởng.
Văn Nhâm
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật

Xem thêm »