Tờ gấp tìm hiểu một số quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực

05/12/2013
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

 

I. Vi phạm quy định về sử dụng điện

(Điều 12 Nghị định số 134/2013/NĐ-CP)

- Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với hành vi tự ý lắp đặt, đóng, cắt, sửa chữa, di chuyển, thay thế các thiết bị điện và công trình điện của bên bán điện[1];

- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với hành vi gây hư hại, tự ý di chuyển hệ thống đo đếm điện (kể cả tủ bảo vệ công tơ, các niêm phong và sơ đồ đấu dây);[2]

- Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với người cho thuê nhà thu tiền điện của người thuê nhà cao hơn giá quy định trong trường hợp mua điện theo giá bán lẻ điện để phục vụ mục đích sinh hoạt.

- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với người cho thuê nhà thu tiền điện của người thuê nhà cao hơn giá quy định trong trường hợp mua điện theo giá bán lẻ điện để phục vụ mục đích sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

- Phạt tiền đối với hành vi trộm cắp điện[3] dưới mọi hình thức như sau:

+ Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi trộm cắp điện vi số lượng dưới 1.000kWh;

+ Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi trộm cắp điện với số lượng từ 1.000kWh đến dưới 2.000kWh;

+ Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi trộm cp điện với số lượng từ 2.000kWh đến dưới 4.500kWh;

+ Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi trộm cắp điện với số lượng từ 4.500kWh đến dưới 6.000kWh;

+ Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với hành vi trộm cắp điện với số lượng từ 6.000kWh đến dưới 8.500kWh;

+ Phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi trộm cắp điện với số lượng từ 8.500kWh đến dưới 11.000kWh;

+ Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng đối với hành vi trộm cắp điện với số lượng từ 11.000kWh đến dưới 13.500kWh;

+ Phạt tiền từ 35.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi trộm cắp điện với số lượng từ 13.500kWh đến dưới 16.000kWh;

+ Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 45.000.000 đồng đối với hành vi trộm cắp điện với số lượng từ 16.000kWh đến dưới 18.000kWh;

+ Phạt tiền từ 45.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi trộm cắp điện với số lượng từ 18.000kWh đến dưới 20.000kWh.

Đối với trường hợp trộm cắp điện từ 20.000 kWh trở lên được chuyển hồ sơ để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định nhưng sau đó có quyết định không khởi tố vụ án hình sự, quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án của cơ quan có thẩm quyền hoặc trả lại hồ sơ thì áp dụng thời hạn xử phạt quy định tại Điều 63 Luật xử lý vi phạm hành chính, mức phạt tiền từ 45.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng và biện pháp khắc phục hậu quả buộc bồi thường toàn bộ số tiền bị thiệt hại.

II. Vi phạm quy định về an toàn điện

(Điều 15 Nghị định số 134/2013/NĐ-CP)

- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi:

+ Vào trạm điện hoặc trèo lên cột điện khi không có nhiệm vụ;

+ Trồng cây hoặc để cây vi phạm khoảng cách an toàn đối với đường dây dẫn điện trên không, trạm điện; Lắp đặt ăng ten ti vi, dây phơi, giàn giáo, biển, hộp đèn quảng cáo tại vị trí khi bị đổ, rơi có thể va chạm vào lưới điện;[4]

+ Thả diều hoặc bất kỳ vật gì gây sự cố lưới điện.

- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi [5]:

+ Đổ, đắp, sắp xếp nguyên vật liệu, phế thải, vật tư, thiết bị dưới dây dẫn điện của đường dây dẫn điện trên không và để khoảng cách từ dây dẫn điện đến nguyên vật liệu, phế thải, vật tư, thiết bị nhỏ hơn khoảng cách an toàn phóng điện theo cấp điện áp;

+ Xây dựng hoặc cải tạo nhà ở, công trình trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không khi chưa có thỏa thuận hoặc không thực hiện đúng các thỏa thuận để bảo đảm an toàn trong quá trình xây dựng, cải tạo nhà ở, công trình với đơn vị quản lý vận hành đường dây;

- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi:

+ Thi công các công trình trong đất hoặc nạo vét lòng sông, hồ, ao trong phạm vi hành lang bảo vệ an toàn đường cáp điện ngầm mà không thông báo trước cho đơn vị quản lý vận hành đường cáp theo quy định;[6]

+ Không đặt biển báo, tín hiệu an toàn về điện cho lưới điện, nhà máy điện theo quy định;

+ Chặt và để cây đổ vào lưới điện; Xây nhà, công trình lên hành lang bảo vệ an toàn đường cáp điện ngầm;[7]

- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi:

+ Đào hố, đóng cọc vào trong hành lang bảo vệ an toàn đường cáp điện ngầm; Tung, ném, bắn, quăng bất cứ vật gì gây hư hỏng các bộ phận của lưới điện, nhà máy điện hoặc gây sự cố lưới điện, nhà máy điện;[8]

+ Không ban hành đầy đủ quy trình, nội quy về an toàn điện theo quy định;

- Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi:

+ Thiết kế, lắp đặt và đưa vào vận hành lưới điện, nhà máy điện không đáp ứng được các quy định về kỹ thuật, an toàn điện;[9]

+ Không kiểm tra, thí nghiệm hệ thống chống sét, nối đất của nhà máy điện, trạm điện;

+ Xếp, chứa các chất cháy, nổ, ăn mòn trong hành lang bảo vệ an toàn lưới điện.

- Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi:

+ Đào đất làm lún, nghiêng, đổ cột của đường dây dẫn điện hoặc thiết bị của trạm điện, nhà máy điện;

+ Sử dụng phương tiện thi công gây chấn động làm hư hỏng, sự cố lưới điện, nhà máy điện.

III. Thẩm quyền xử phạt trong lĩnh vực điện lực

(Điều 33, 34, 35, 36 Nghị định số 134/2013/NĐ-CP)

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực xảy ra tại địa phương thuộc phạm vi quản lý, cụ thể như sau:

a. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có quyền:

- Phạt cảnh cáo;

- Phạt tiền đến 5.000.000 đồng đối với cá nhân, 10.000.000 đồng đối với tổ chức;

b. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có quyền:

- Phạt cảnh cáo;

- Phạt tiền đến 25.000.000 đồng đối với cá nhân, đến 50.000.000 đồng đối với tổ chức;

c. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có quyền:

- Phạt cảnh cáo;

- Phạt tiền đến 50.000.000 đồng đối với cá nhân, đến 100.000.000 đồng đối với tổ chức;

2. Thẩm quyền xử phạt của Thanh tra

Thanh tra chuyên ngành về lĩnh vực điện lực thuộc Bộ Công Thương có thẩm quyền xử phạt đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực điện lực trong phạm vi cả nước. Thanh tra chuyên ngành về lĩnh vực điện lực thuộc Sở Công Thương tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thẩm quyền xử phạt vi phạm đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực điện lực xảy ra trong địa phương thuộc phạm vi quản lý.

- Thanh tra viên, công chức thanh tra chuyên ngành về lĩnh vực điện lực đang thi hành công vụ có quyền:

+ Phạt cảnh cáo;

+ Phạt tiền đến 500.000 đồng đối với cá nhân, đến 1.000.000 đồng đối với tổ chức.

- Chánh Thanh tra Sở Công Thương, Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành cấp sở có quyền xử phạt:

+ Phạt cảnh cáo;

+ Phạt tiền đến 25.000.000 đồng đối với cá nhân, đến 50.000.000 đồng đối với tổ chức;

- Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành của cơ quan quản lý nhà nước được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành có quyền xử phạt:

+ Phạt cảnh cáo;

+ Phạt tiền đến 25.000.000 đồng đối với cá nhân, đến 50.000.000 đồng đối với tổ chức;

- Chánh Thanh tra Bộ Công Thương có quyền:

+ Phạt cảnh cáo;

+ Phạt tiền đến 50.000.000 đồng đối với cá nhân, đến 100.000.000 đồng đối với tổ chức;

- Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành cấp bộ có quyền:

+ Phạt cảnh cáo;

+ Phạt tiền đến 35.000.000 đồng đối với cá nhân, đến 70.000.000 đồng đối với tổ chức;

- Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp có thẩm quyền phạt tiền đến mức tối đa, đối với cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm trong lĩnh vực điện lực theo quy định tại Điều 15 Nghị định này trên phạm vi cả nước.

Ngoài ra, tùy từng hành vi vi phạm cụ thể trong lĩnh vực điện lực còn có thêm thẩm quyền xử phạt của Thủ trưởng Cơ quan Điều tiết điện lực (Điều 35)thẩm quyền xử phạt của các lực lượng khác như đội trưởng chiến sỹ công an nhân dân, trưởng công an cấp huyện…(Điều 36)

Lưu ý: Các cơ quan có thẩm quyền xử phạt trong lĩnh vực điện lực nêu trên, ngoài hình thức xử phạt chính còn có thể áp dụng hình thức xử phạt bổ sung và các biện pháp khắc phục hậu quả được quy định. Việc tịch thu tang vật, phương tiện dùng để vi phạm có giá trị không vượt quá mức phạt tiền đối với những hành vi vi phạm thuộc thẩm quyền xử phạt.



[1] Ngoài ra còn có thể áp dụng một hoặc hai biện pháp khắc phục hậu quả: buộc phải khôi phục lại tình trạng ban đầu; buộc bồi thường toàn bộ số tiền bị thiệt hại.

[2] Ngoài ra còn có thể áp dụng hình thức xử phạt bổ sung: tịch thu tang vật, phương tiện dùng để vi phạm và biện pháp khắc phục hậu quả: buộc phải khôi phục lại tình trạng ban đầu.

[3] Ngoài ra còn có thể áp dụng hình thức xử phạt bổ sung: tịch thu tang vật, phương tiện dùng để vi phạm và biện pháp khắc phục hậu quả: buộc bồi thường toàn bộ số tiền bị thiệt hại.

 

[4] Ngoài ra còn có thể áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: buộc khôi phục tình trạng ban đầu.

[5] Ngoài ra còn có thể áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tịch thu tang vật, phương tiện dùng để thực hiện hành vi vi phạm và biện pháp khắc phục hậu quả: buộc khôi phục tình trạng ban đầu.

[6] Ngoài ra còn có thể áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tịch thu tang vật, phương tiện dùng để thực hiện hành vi vi phạm và biện pháp khắc phục hậu quả: buộc phải di chuyển phương tiện, thiết bị thi công ra khỏi hành lang an toàn lưới điện cao áp.

[7] Ngoài ra còn có thể bị buộc phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả: buộc khôi phục tình trạng ban đầu.

[8] Ngoải ra còn có thể áp dụng hình thức xử phạt bổ sung: tịch thu tang vật, phương tiện dùng để thực hiện hành vi vi phạm và biện pháp khắc phục hậu quả: buộc khôi phục tình trạng ban đầu.

[9] Ngoài ra còn có thể bị buộc phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả: buộc phải tách đường dây dẫn điện, thiết bị điện không đáp ứng được các tiêu chuẩn về kỹ thuật, an toàn.

File đính kèm:

Xem thêm »