Quốc hội thảo luận về Dự án Luật Lý lịch Tư pháp: Nhiều người mất cơ hội làm ăn, học tập vì …chờ đợi

11/11/2008
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

“Với hệ thống thông tin không đầy đủ, không tập trung về lý lịch tư pháp như hiện nay, có những việc người dân phải chờ đợi 6 tháng mới được cấp phiếu lý lịch tư pháp. Không ít cơ hội đi làm ăn, cơ hội kinh doanh, cơ hội học tập… đã bị mất chỉ vì sự chờ đợi này. Do đó, rất cần thiết phải thành lập Trung tâm lý lịch tư pháp thống nhất để giảm phiền hà cho người dân” - Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết tại phiên Quốc hội thảo luận tại Hội trường ngày 10/11 về dự án Luật Lý lịch Tư pháp.

 “BAN HÀNH LUẬT LÀ ĐÚNG”

Mặc dù còn nhiều ý kiến khác nhau về các quy định cụ thể tại dự án Luật, nhưng đa số đại biểu Quốc hội cho rằng, việc ban hành Luật Lý lịch Tư pháp vào thời điểm hiện nay là cần thiết. Đại biểu Hoàng Văn Minh, tỉnh Nghệ An cho rằng, trong xã hội Nhà nước pháp quyền thì đòi hỏi Nhà nước pháp quyền phải quản lý đời sống xã hội bằng pháp luật và điều đó đồng nghĩa với việc tạo ra một hành lang pháp lý thuận lợi cho người dân hành xử trong đời sống.

Là người rất khắt khe với các dự án Luật nhưng đại biểu Nguyễn Văn Thuận, tỉnh Quảng Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng đồng tình: “Trước hết, cũng phải khẳng định nguyên tắc lý lịch tư pháp liên quan đến quyền và nghĩa vụ của công dân, vì thế ban hành luật là đúng. Theo quy định của Luật ban hành văn bản qui phạm pháp luật thì những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của công dân cần được Quốc hội ban hành dưới hình thức đạo luật. Thứ hai, cũng cần khẳng định nhu cầu quản lý xã hội, quản lý đất nước về lý lịch tư pháp là có”. Vấn đề mà đại biểu Thuận băn khoăn nằm ở chỗ dự thảo Luật xử lý nhu cầu này như thế nào. 

Cung cấp thêm thông tin về nhu cầu của xã hội đối với Phiếu lý lịch tư pháp, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, càng ngày, nhu cầu về cấp phiếu lý lịch tư pháp của người dân càng tăng. Nếu như năm 1999 mới chỉ có 6.500 trường hợp xin cấp lý lịch tư pháp thì đến năm 2007 đã có gần 150 ngàn trường hợp, tức là tăng gấp hơn 20 lần, năm 2008 dự kiến tăng 20% tức là khoảng 170 ngàn yêu cầu của người dân về cấp Phiếu lý lịch tư pháp. Trong khi yêu cầu của nhân dân tăng đáng kể như vậy thì đến ngày hôm nay,Việt Nam vẫn chưa có một cơ sở dữ liệu đúng nghĩa về lý lịch tư pháp. “Nội dung quản lý lý lịch tư pháp là bản án hình sự, quá trình thực thi bản án đó như thế nào và xử lý, cập nhật thông tin để cuối cùng kết luận rằng một con người cụ thể có án tích hay không có án tích. Chúng ta chưa có một cơ sở dữ liệu như vậy, mà mới chỉ có một số thông tin đang nằm chung trong tàng thư căn cước của Bộ Công an và của ngành Công an” – Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết.

KHÔNG LẪN LỘN LÝ LỊCH TƯ PHÁP VỚI TÀNG THƯ CĂN CƯỚC

Nếu thành lập Trung tâm lý lịch tư pháp thì Trung tâm này nên thuộc Bộ Tư pháp, hay Bộ Công an, hay ngành Tòa án? Nhiều đại biểu băn khoăn đặt câu hỏi. Giải đáp câu hỏi này, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết: “ Ban soạn thảo đã cân nhắc và thấy nếu đặt Trung tâm Lý lịch Tư pháp ở Tòa án là phù hợp nhất vì cái gốc của vấn đề là tất cả các bản án, nhưng theo Hiến pháp, Tòa án lại là cơ quan xét xử, không phải cơ quan hành chính tư pháp, cho nên nhiều việc Quốc hội đã trao lại cho Chính phủ, trong đó có việc thi hành án dân sự”. Ban Soạn thảo dự án Luật cũng đã cân nhắc việc giao Trung tâm này cho cơ quan Công an vì kế thừa được nghiệp vụ, nhưng thực tế nghiệp vụ tàng thư căn cước hiện nay chỉ giúp được một phần, còn việc cập nhập thông tin, xóa án tích hay không lại là vấn đề mới hoàn toàn. Vì vậy, khi trình Chính phủ dự án Luật này, Ban soạn thảo đưa ra hai phương án. Phương án 1 giao cho Bộ Công an, phương án 2 mới giao cho Bộ Tư pháp và ngành Tư pháp vì ngành Tư pháp đã thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lý lịch tư pháp từ năm 1993 đến nay. “Chính phủ đã thảo luận và quyết định theo đa số tuyệt đối là vấn đề lý lịch tư pháp có nguyên tắc của nó, có nội dung độc lập của nó và không được lẫn lộn với tàng thư căn cước. Do đó, cần phải tách ra, còn mục đích của nó chủ yếu phục vụ cho người dân, nhưng cũng có mục đích phục vụ cho quản lý kinh tế -  xã hội, mục đích phục vụ cho các cơ quan tố tụng” – Bộ trưởng Hà Hùng Cường thông tin.

Ngoài những nội dung trên, nhiều đại biểu cũng tập trung thảo luận về phạm vi quản lý Lý lịch tư pháp, mô hình tổ chức Trung tâm lý lịch tư pháp và vấn đề xóa án tích. Dự thảo Luật xác định phạm vi quản lý lý lịch tư pháp là về án tích (không bao gồm tiền sự, quyết định xử phạt vi phạm hành chính). Ngoài ra, dự thảo Luật cũng mở rộng phạm vi quản lý lý lịch tư pháp đối với quyết định của Toà án về cấm cá nhân đảm nhiệm chức vụ; không được thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị Toà án tuyên bố phá sản. Nhiều đại biểu cho rằng phạm vi quản lý lý lịch tư pháp chỉ nên dừng lại ở các bản án hình sự và quá trình thi hành bản án đó.

Về vấn đề xóa án tích đương nhiên, Dự thảo Luật giao thêm cho Trung tâm lý lịch tư pháp chủ động thực hiện xoá án tích đương nhiên và ghi không có án tích trong Phiếu lý lịch tư pháp cấp cho đương sự. Có ý cho rằng, theo quy định của Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành thì Toà án cấp Giấy chứng nhận đương nhiên xoá án tích, vì vậy không nên giao thêm cho Trung tâm lý lịch tư pháp thực hiện việc này. Bộ trưởng Hà Hùng Cường giải thích, Chính phủ trình một phương án và đề nghị Quốc hội cho phép sửa Điều 270 của Bộ luật Tố tụng hình sự, giao Trung tâm lý lịch tư pháp thực hiện việc này vì điều này không những phù hợp với thông lệ quốc tế, tại tất cả các nước, việc xóa án tích đương nhiên không cần phải qua Tòa án, mà còn giảm bớt phiền hà cho người dân.

Về mô hình tổ chức Trung tâm Lý lịch Tư pháp, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết, Chính phủ đưa ra phương án thành lập Trung tâm Lý lịch tư pháp tại Trung ương và địa phương vì ban đầu cũng tính tới mô hình một cấp là trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia và 5 chi nhánh đặt tại một số vùng, miền, trong đó có Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Bắc Trung Bộ, Duyên Hải miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long, nhưng sau xét thấy khó khăn cho người dân vì phải đi lại xa xôi và chưa phù hợp với thực tế hiện nay.

Do đây mới là lần đầu tiên dự án Luật Lý lịch Tư pháp được trình ra Quốc hội xin ý kiến nên các quy định tại dự thảo Luật sẽ tiếp tục được chỉnh lý, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội.

La Thành

Nếu được Quốc hội chấp nhận thông qua Luật này thì từ khi Luật có hiệu lực, tất cả các bản án hình sự đều phải được đưa vào cơ sở dữ liệu để ghi nhận các thông tin mà tòa án đã tuyên. Năm 2008, hệ thống tòa án xét xử 220.000 vụ án hình sự, trung bình mỗi vụ án 2 bị cáo, như vậy gần nửa triệu người cần phải được ghi nhận trong dữ liệu thông tin là có án tích.

Xem thêm »