Giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm tra, rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật

13/11/2008
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Ngày nay việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công việc đã trở thành một đòi hỏi tất yếu trong hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội. Với tốc độ phát triển nhanh và lợi ích mang lại rất lớn, nên việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, điều hành, thực hiện các công việc lập pháp, hành pháp, tư pháp cũng như phổ biến pháp luật không nằm ngoài bối cảnh chung đó.

          Trước đây hoạt động rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật chưa thực hiện được thường xuyên và chưa có một đầu mối quản lý đạt hiệu quả. Thực tế đó dẫn đến việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật còn nhiều hạn chế, hầu như chỉ mới dừng lại ở mức độ tạo lập các danh mục, bảng biểu các văn bản đã hết hiệu lực, được thay thế, bãi bỏ hoặc đề nghị bãi bỏ, danh mục các văn bản đề nghị giữ nguyên và danh mục các văn bản còn hiệu lực nhưng cần sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới...

          Hoạt động rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật hiện đang dần dần đi vào ổn định theo phương châm “thường xuyên rà soát, định kỳ hệ thống hoá”. Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật cũng được đẩy mạnh hơn. Việc sưu tầm, tập hợp các văn bản quy phạm pháp luật trước đây chủ yếu thông qua các nguồn như Công báo, Phụ lục Công báo của Nhà nước, các sổ công văn đi, đến...thì nay đã có thể tra cứu trên một số cơ sở dữ liệu văn bản quy phạm pháp luật điện tử do cơ quan, doanh nghiệp xây dựng và đưa lên sử dụng Internet. Đối với tỉnh Quảng Ngãi cũng đã có cơ sở dữ liệu pháp luật đưa lên Trang Web của tỉnh, trang thành phần của Sở Tư pháp mở được chuyên mục cơ sở dữ liệu pháp luật và rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, các cơ sở dữ liệu điện tử hiện nay vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu công việc của hoạt động rà soát, hệ thống hoá bởi số lượng văn bản quy phạm pháp luật chưa đầy đủ, cập nhật còn chậm hay nói cách khác việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động rà soát, hệ thống hoá vẫn còn nhiều hạn chế.

          Thực trạng ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động rà soát, hệ thống hoá còn gặp nhiều khó khăn là do một số nguyên nhân: Trang thiết bị công nghệ thông tin chưa được trang bị đầy đủ, chưa theo kịp tốc độ phát triển của công nghệ thông tin cũng như việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động. Chưa có cơ sở dữ liệu đầy đủ và cập nhật liên tục để có thể tra cứu, tập hợp văn bản, chưa có phần mềm hữu hiệu trợ giúp cho hoạt động nghiệp vụ trong công tác rà soát, hệ thống hoá các văn bản quy phạm pháp luật. Đội ngũ thực hiện công tác rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật chưa được đào tạo đầy đủ về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nghiệp vụ và nguyên nhân nữa đó là sự nhận thức của các cấp, các ngành chưa cao đối với tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ thông tin vào rà soát hệ thống hoá để từ đó đầu tư thích hợp cho công tác này.

          Để thực hiện có hiệu quả và đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm tra, rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật trên phạm vi cả nước nói chung và tỉnh Quảng Ngãi nói riêng, cần tiến hành các giải pháp cụ thể sau đây:

           Một là, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động kiểm tra, rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật cần phải xây dựng hệ thống đủ mạnh: Hệ thống các máy vi tính (máy để bàn, máy xách tay); các thiết bị ngoại vi hỗ trợ cho máy vi tính (model, USB, máy in, máy scan có thể nhận dạng kiểu chữ...); hệ thống kết nối Internet (cổng kết nối điện thoại đường dài, thiết bị chia cổng mạng đến các máy, dây cáp...); phần mềm hỗ trợ; người quản trị hệ thống và các thiết bị liên quan khác.

          Hai là, yêu cầu đối với từng hệ thống thiết bị công nghệ thông tin phải đạt được: Đối với hệ thống máy vi tính để bàn phục vụ công việc tại chỗ, bảo đảm đủ về số lượng mỗi người một máy, các máy có tốc độ cao, dung lượng ổ đĩa lớn, được cài đặt đầy đủ các phần mềm hỗ trợ cho việc rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật, được kết nối Internet thông suốt, liên tục, được gắn những thiết bị ngoại vi cần thiết theo yêu cầu công việc và một số máy vi tính xách tay để phục vụ hội nghị và đi công tác. Đối với các thiết bị ngoại vi của máy vi tính không nhất thiết phải trang bị đầy đủ đồng bộ cho từng máy, nhưng căn cứ vào tính năng, hiệu quả sử dụng yêu cầu công việc và cũng để tiết kiệm chi phí ngân sách nhà nước, các thiết bị này sẽ được trang bị bổ sung vào từng thời điểm. Đối với Hệ thống kết nối Internet, tất cả các máy để bàn được kết nối Internet thông suốt liên tục, yêu cầu phải có ít nhất một đường điện thoại đường dài riêng, một hộp chia cổng Internet, hệ thống dây cáp đủ truyền đến tất cả các máy, hệ thống máy chủ (server) và các máy trạm. Người quản trị mạng phải là chuyên gia về công nghệ thông tin, có chuyên môn pháp luật về rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật và thực hiện được nhiệm vụ theo yêu cầu sau: Xử lý thành thạo các kỹ thuật về quản trị mạng, sự cố về công nghệ thông tin, hướng dẫn và lắp đặt các hệ thống mạng, xây dựng kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật, xây dựng phần mềm hỗ trợ rà soát, hệ thống hoá văn bản, hướng dẫn đào tạo kỹ năng, cách thức sử dụng phần mềm và các thiết bị vi tính, bảo trì, nâng cấp hệ thống thiết bị vi tính theo định kỳ, thực hiện các nhiệm vụ khác theo sự phân công.

          Ba là, cần thiết phải xây dựng về phần mềm hỗ trợ hoạt động kiểm tra, rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật, phần mềm này phải bảo đảm đầy đủ các yêu cầu chính như: Thể hiện được đầy đủ quy trình, thao tác nghiệp vụ công việc kiểm tra, rà soát, hệ thống hoá văn bản trên máy tính; tập hợp được toàn bộ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan nhà nước ở Trung ương ban hành từ năm 1945 và tỉnh Quảng Ngãi ban hành từ 1989 đến nay, văn bản là đối tượng rà soát, hệ thống hoá, các loại điều ước quốc tế; tự động sắp xếp các văn bản đó theo thứ bậc hiệu lực, theo lĩnh vực, theo năm ban hành...; hiệu lực của văn bản, ngày tháng năm văn bản có hiệu lực; tạo và tích hợp được nhiều kết quả rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật theo nhiều lĩnh vực khác nhau; có chức năng tìm kiếm dữ liệu theo nhiều tiêu chí khác nhau (theo cụm từ, theo năm ban hành, theo số, ký hiệu văn bản, lĩnh vực đã được mặc định, theo cơ quan ban hành, theo tên loại văn bản...; là nơi lưu dữ, cung cấp các thông tin về rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật.

          Bốn là, yêu cầu đối với đội ngũ chuyên trách làm công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật trong việc ứng dụng công nghệ thông tin là ngoài việc thực hiện tốt công việc chuyên môn về kiểm tra, rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật, còn phải biết sử dụng thành thạo máy vi tính, làm chủ được công nghệ thông tin theo đúng yêu cầu được giao như: Soạn thảo văn bản; truy cập và sử dụng hệ thống mạng Inte rnet; sử dụng các phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin; sử dụng các thiết bị ngoại vi của máy vi tính và xử lý những lỗi nhỏ trong quá trình vận hành, sử dụng thiết bị hệ thống công nghệ thông tin.

          Cuối cùng, giải pháp không thể thiếu đó là các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị cần nhận thức đúng tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kiểm tra, rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật để từ đó chỉ đạo, có biện pháp thực hiện và đầu tư kinh phí thích đáng cho hoạt động này mới đạt hiệu quả cao được./.

                                                                      Hữu Duy

 

Xem thêm »