Luật Thi hành án dân sự đã được Quốc hội thông qua: Sẽ có nhiều đột phá trong lĩnh vực Thi hành án dân sự

16/11/2008
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Luật Thi hành án dân sự (THADS) và Nghị quyết về việc THADS đã được Quốc hội thông qua với sự nhất trí cao. Rất nhiều quy định mang tính “đột phá” nhằm góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động thi hành án, bảo vệ tốt hơn quyền của người được thi hành án, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức và Nhà nước theo bản án… đã được xác định tại hai văn bản quy phạm pháp luật này. Luật sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2009.

 

Quy định nguyên tắc hệ thống tổ chức THADS

Hệ thống tổ chức THADS là một vấn đề có ý nghĩa rất quan trọng, thể hiện địa vị pháp lý, chức năng, nhiệm vụ của cơ quan THADS trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ và trong quan hệ phối hợp với các cơ quan hữu quan. Vì vậy, tiếp thu ý kiến của Đại biểu Quốc hội, Luật THADS đã quy định mang tính nguyên tắc về hệ thống tổ chức THADS. Theo đó, Luật phân định rõ hệ thống tổ chức THADS gồm Cơ quan quản lý và Cơ quan THADS. Cơ quan quản lý THADS gồm Cơ quan quản lý THADS thuộc Bộ Tư pháp và  Cơ quan quản lý thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng. Cơ quan thi hành án dân sự lại có cấp tỉnh, cấp huyện và  cấp quân khu. Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý THADS, tên gọi, cơ cấu, tổ chức cụ thể của cơ quan THADS do Chính phủ quy định.

Chấp hành viên được sử dụng công cụ hỗ trợ

Trước khi Luật được thông qua, có một nội dung được tranh luận nhiều tại Quốc hội là chấp hành viên có được sử dụng công cụ hỗ trợ trong thi hành án hay không. Từ năm 1996 đến nay, theo quy định của Chính phủ, Chấp hành viên là một trong những đối tượng được sử dụng công cụ hỗ trợ trong khi thi hành nhiệm vụ. Thực tiễn thời gian qua cho thấy, việc Chấp hành viên được sử dụng công cụ hỗ trợ đã phát huy tác dụng tích cực, góp phần hạn chế việc tấn công bằng hung khí, chống đối quyết liệt của đương sự trong khi Chấp hành viên tiến hành xác minh, kê biên tài sản của người phải thi hành án. Quy định này cũng là sự kế thừa pháp luật hiện hành, tạo điều kiện để Chấp hành viên có công cụ tự vệ khi gặp sự chống đối, tấn công của đương sự. Do đó, Quốc hội thống nhất quy định chấp hành viên:“Được sử dụng công cụ hỗ trợ trong khi thi hành công vụ theo quy định của Chính phủ”.

Thời hiệu yêu cầu THADS là 5 năm

Theo quy định của Pháp lệnh THADS, thời hiệu yêu cầu THADS là 3 năm, Luật lần này quy định thời hiệu yêu cầu THADS là 5 năm nhằm đảm bảo tốt hơn quyền tự định đoạt của đương sự, tạo điều kiện cho đương sự lựa chọn thời điểm phù hợp để yêu cầu thi hành án, phù hợp với thực tiễn thi hành án hiện nay. Quốc hội nhất trí cao với quy định này.

Khi nhà ở duy nhất phải THA: được hỗ trợ tiền thuê nhà

Tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, khoản 5, Điều 115 về cưỡng chế giao nhà là nhà ở duy nhất của người phải THA đã được chỉnh lý trước khi Luật được Quốc hội thông qua. Như vậy, theo quy định của Luật,từ ngày 1/7/2009, đối với trường hợp cưỡng chế giao nhà là nhà ở duy nhất của người phải THA cho người mua được tài sản bán đấu giá, nếu xét thấy sau khi thanh toán các khoản nghĩa vụ thi hành án mà người phải THA không còn đủ tiền để thuê nhà hoặc tạo lập nơi ở mới thì trước khi làm thủ tục chi trả cho người đượcTHA, Chấp hành viên trích lại từ số tiền bán tài sản một khoản tiền để người phải THA thuê nhà phù hợp với giá thuê nhà trung bình tại địa phương trong thời hạn một năm. Nghĩa vụ THA còn lại được tiếp tục thực hiện theo quy định của Luật.

5 năm không trả nổi 500 nghìn đồng: được miễn THA

Đồng thời với việc thông qua Luật THADS, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc THADS với sự nhất trí cao. Nghị quyết quy định rõ: “Đối với việc thi hành các khoản thu cho ngân sách Nhà nước có giá trị không quá 500.000 đồng (năm trăm ngàn đồng), mà thời gian tổ chức thi hành án đã quá năm năm, tính đến thời điểm Luật n ày có hiệu lực thi hành  nhưng người phải thi hành án không có điều kiện thi hành án thì cơ quan THADS phối hợp với Viện kiểm sát cùng cấp lập danh sách đề nghị Toà án cấp huyện nơi cơ quan THADS  đang tổ chức việc thi hành án có trụ sở ra quyết định miễn thi hành đối với khoản nghĩa vụ đó”.  

Đáng chú ý, Nghị quyết quy định về xã hội hoá hoạt động THADS làm cơ sở cho Chính phủ triển khai thực hiện: “Để triển khai thực hiện chủ trương xã hội hoá một số công việc có liên quan đến thi hành án dân sự, giao Chính phủ quy định và tổ chức thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại (Thừa hành viên) tại một số địa phương. Việc thí điểm được thực hiện từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành đến ngày 01 tháng 7 năm 2012”. Từ kết quả thí điểm, Chính phủ tổng kết, đánh giá thực tiễn, báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.

Để phù hợp với điều kiện cụ thể về nguồn công chức làm công tác thi hành án tại các địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa trong giai đoạn hiện nay, Nghị quyết giao Chính phủ quy định những cơ quan THADS cụ thể ở các địa bàn nêu trên được tuyển chọn người có trình độ cử nhân luật làm Chấp hành viên không qua thi tuyển trong thời hạn năm năm, kể từ ngày Luật Thi hành án dân sự có hiệu lực thi hành.

La Thành

Để triển khai thực hiện chủ trương xã hội hoá một số công việc có liên quan đến thi hành án dân sự, giao Chính phủ quy định và tổ chức thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại (Thừa hành viên) tại một số địa phương. Việc thí điểm được thực hiện từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành đến ngày 01 tháng 7 năm 2012. Từ kết quả thí điểm, Chính phủ tổng kết, đánh giá thực tiễn, báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định” 

(Trích Nghị quyết về việc THADS)

Xem thêm »