Một số nội dung cơ bản của Quy chế mẫu về tổ chức và hoạt động của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước

06/03/2008
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Thi hành khoản 1 Điều 44 Nghị định số 07/2007/NĐ-CP ngày 12/01/2007 của Chính phủ, ngày 28/02/2008, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ký Quyết định số 02/2008/QĐ-BTP ban hành Quy chế mẫu về tổ chức và hoạt động của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước (sau đây gọi là Trung tâm). Quy chế mẫu được ban hành để thay thế Quy chế mẫu về tổ chức và hoạt động của Trung tâm trợ giúp pháp lý của nhà nước, ban hành kèm theo Quyết định số 224/ 1999/QĐ-BTP ngày 5/8/1999 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp (sau đây gọi chung là Quy chế).

 

1. Những hạn chế của Quy chế 1999

Sau chín năm thực hiện, Quy chế 1999 đã bộc lộ một số hạn chế sau đây:

Thứ nhất, Quy chế 1999 ban hành dựa trên cơ sở Quyết định số 734/TTg ngày 06/9/1997 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập tổ chức trợ giúp pháp lý cho người nghèo và đối tượng chính sách. Đến nay, một số quy định của Quy chế không còn phù hợp, mâu thuẫn, chồng chéo với quy định của Luật trợ giúp pháp lý và Nghị định số 07/2007/NĐ-CP đòi hỏi phải được sửa đổi, bổ sung, thay thế cho phù hợp.

Thứ hai, thực tiễn cho thấy các quy định của Quy chế 1999 về cơ bản phù hợp với yêu cầu của công tác trợ giúp pháp lý trong thời kỳ đầu mới thành lập, khi mà pháp luật về trợ giúp pháp lý còn tản mạn, thiếu tập trung, thậm chí chưa đầy đủ, chưa điều chỉnh toàn diện các quan hệ xã hội phát sinh trong hoạt động trợ giúp pháp lý. Tuy nhiên, trước yêu cầu của tình hình mới với yêu cầu của cải cách hành chính, bảo đảm tính độc lập, tự chủ trong việc triển khai thực hiện công việc, thực hiện phân cấp cho cơ sở và tăng cường tính chịu trách nhiệm cá nhân, xác định rõ phạm vi, trách nhiệm giải quyết công việc của từng chức trách thì Quy chế hiện hành không còn phù hợp với thực tiễn.

Thứ ba, mô hình tổ chức của Trung tâm theo Luật trợ giúp pháp lý và Nghị định số 07, đã được mở rộng hơn trước với nhiều mối quan hệ phức tạp (do có các bộ phận chuyên môn nghiệp vụ và các Chi nhánh đặt tại cấp huyện), bao gồm các quan hệ trong nội bộ Trung tâm, các quan hệ giữa Trung tâm với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, nhất là mối quan hệ với chính quyền cơ sở. Do đó cần phải sửa đổi Quy chế để thể chế hoá, điều chỉnh toàn diện các quan hệ có liên quan đến tổ chức và hoạt động của Trung tâm.

2. Những điểm mới của Quy chế năm 2008

2.1. Xác định rõ hơn về cơ cấu tổ chức của Trung tâm

Căn cứ vào khoản 3 Điều 14 và Điều 16 Luật trợ giúp pháp lý; Điều 9 Nghị định số 07/2007/NĐ-CP, Quy chế quy định: Trung tâm có Giám đốc, Phó Giám đốc, các Phòng chuyên môn và Chi nhánh trực thuộc. Để tránh tình trạng áp dụng không thống nhất quy định của Nghị định số 07/2007/NĐ-CP liên quan đến các bộ phận chuyên môn, nghiệp vụ của Trung tâm, tách bạch hoạt động mang tính chất quản lý hành chính với các hoạt động mang tính chất chuyên môn, nghiệp vụ, bảo đảm tính chuyên môn hoá, Quy chế quy định Trung tâm có Phòng Hành chính - Tổng hợp và các Phòng chuyên môn nghiệp vụ.

Các Phòng chuyên môn nghiệp vụ được thành lập dựa trên cơ sở lĩnh vực pháp luật được trợ giúp pháp lý và số lượng do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định. Trên cơ sở quy định khái quát về chức năng của các phòng chuyên môn, theo quy chế, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của các phòng trực thuộc Trung tâm được thực hiện theo quy định của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh (Điều 4).

Chi nhánh được thành lập căn cứ vào dự báo nhu cầu, tỷ lệ người được trợ giúp pháp lý và điều kiện thực tế về công tác pháp luật và hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng ở địa phương. Chi nhánh có nhiệm vụ thực hiện trợ giúp pháp lý trong phạm vi địa bàn hoạt động được thể hiện trong Quyết định thành lập Chi nhánh và một số nhiệm vụ khác được Giám đốc Trung tâm uỷ quyền.

So với quy định của Quy chế năm 1999, các quy định liên quan đến tổ chức của Trung tâm có nhiều điểm mới, nhất là việc quy định cụ thể về tên gọi của “bộ phận chuyên môn nghiệp vụ” và xác định các Phòng. Quy định này là phù hợp với thực tiễn thời gian qua. Theo báo cáo 01 năm triển khai thực hiện Luật trợ giúp pháp lý và Đề án kiện toàn tổ chức, bộ máy, cán bộ của Trung tâm đã được phê duyệt cho thấy, dựa trên các quy định của Luật trợ giúp pháp lý và Nghị định số 07/2007/NĐ-CP, nhiều địa phương đã xác định, trong cơ cấu của Trung tâm có từ 02 đến 04 bộ phận chuyên môn nghiệp vụ (với nhiều các tên gọi khác nhau như Phòng, Ban, Tổ) nhưng đa số lấy tên gọi là Phòng để bảo đảm tính pháp lý và bảo đảm phù hợp với pháp luật hiện hành về tổ chức bộ máy, đồng thời là cơ sở cho việc xác định vị trí pháp lý, nhiệm vụ, quyền hạn. Ngoài ra, căn cứ vào Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/04/2006 của Chính phủ và tinh thần của Dự thảo Thông tư liên tịch giữa Bộ Tư pháp với Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện Nghị định này đối với các đơn vị sự nghiệp thuộc ngành tư pháp thì trong Trung tâm cũng thành lập các Phòng.

Để nâng cao trách nhiệm của Giám đốc Sở Tư pháp trong việc công nhận và cấp thẻ Cộng tác viên cũng như trong việc bố trí cán bộ đủ năng lực làm công tác trợ giúp pháp lý, hạn chế việc bồi thường do trợ giúp pháp lý sai gây thiệt hại cho người được trợ giúp pháp lý, Quy chế quy định "trường hợp phải bồi thường thiệt hại cho người được trợ giúp pháp lý do lỗi của người thực hiện trợ giúp pháp lý gây ra trong quá trình thực hiện trợ giúp pháp lý, Giám đốc Trung tâm được sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước cấp cho Trung tâm để thực hiện việc bồi thường và đề nghị Giám đốc Sở Tư pháp yêu cầu người thực hiện trợ giúp pháp lý đã gây ra thiệt hại và có lỗi phải bồi hoàn" (Điều 6).

2.2 Xác định rõ phạm vi trách nhiệm của từng chức trách

Quán triệt quan điểm cải cách hành chính, xác định rõ phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của từng chức tránh, nâng cao trách nhiệm hoạt động công vụ, phù hợp với các quy định của Luật trợ giúp pháp lý, Quy chế quy định mới hơn so với Quy chế 1999 về các vấn đề liên quan đến trách nhiệm của Giám đốc, Phó Giám đốc, Trưởng phòng, Trưởng Chi nhánh, Trợ giúp viên pháp lý, các viên chức và người lao động khác (từ Điều 7 đến Điều 12).

Giám đốc là người đứng đầu và là người đại diện của Trung tâm, chịu trách nhiệm trước Giám đốc Sở Tư pháp và trước pháp luật về nhiệm vụ, quyền hạn của Trung tâm. Giám đốc có trách nhiệm chỉ đạo, điều hành Trung tâm thực hiện chức năng, nhiệm vụ; tổ chức, chỉ đạo việc thực hiện trợ giúp pháp lý và phân công công việc; quy định, quản lý đội ngũ viên chức và người lao động, cộng tác viên; ban hành nội quy, quy chế làm việc nội bộ của Trung tâm; thực hiện một số nhiệm vụ được giao liên quan đến tổ chức bộ máy, công tác cán bộ theo quy định của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh và thực hiện nhiệm vụ của chủ tài khoản Trung tâm; tổ chức kiểm tra, đánh giá, tham gia thanh tra; giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo...(Điều 7).

Phó Giám đốc là người giúp việc Giám đốc, phụ trách một hoặc một số lĩnh vực công tác, có trách nhiệm chỉ đạo, theo dõi, kiểm tra hoạt động của một số Phòng chuyên môn hoặc Chi nhánh và chịu trách nhiệm trước Giám đốc về các hoạt động được uỷ quyền; tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của Trung tâm theo phân công của Giám đốc và chịu trách nhiệm trước Giám đốc, trước pháp luật về kết quả công tác được giao; trực tiếp thực hiện trợ giúp pháp lý với tư cách là Trợ giúp viên pháp lý trong trường hợp cần thiết (Điều 8).

Trưởng phòng giúp Giám đốc thực hiện công việc thuộc phạm vi trách nhiệm của Phòng có trách nhiệm tham mưu, đề xuất lãnh cử người thực hiện trợ giúp pháp lý, thực hiện kiến nghị về việc thi hành pháp luật, kiểm tra, đánh giá chất lượng trợ giúp pháp lý, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và trực tiếp thực hiện trợ giúp pháp lý với tư cách là Trợ giúp viên pháp lý trong các lĩnh vực thuộc phạm vi được phân công (Điều 9).

Trưởng Chi nhánh là người đứng đầu Chi nhánh, có trách nhiệm giúp Giám đốc Trung tâm thực hiện các công việc thuộc phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của Chi nhánh, chịu trách nhiệm trước Giám đốc Trung tâm và trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ được giao (Điều 10).

Trợ giúp viên pháp lý là viên chức chuyên môn nghiệp vụ, có trách nhiệm chủ động nghiên cứu, tham mưu đề xuất, báo cáo Giám đốc, Trưởng phòng hoặc Trưởng Chi nhánh về việc thực hiện trợ giúp pháp lý trong phạm vi lĩnh vực chuyên môn; thực hiện trợ giúp pháp lý và thực hiện các công việc khác được lãnh đạo Trung tâm, Trưởng phòng hoặc Trưởng Chi nhánh giao (Điều 11).

2.3. Làm rõ chế độ làm việc trong Trung tâm

Kế thừa các quy định của Quy chế 1999, Quy chế mẫu quy định cụ thể về chế độ làm việc của Trung tâm, bao gồm xây dựng kế hoạch, chế độ hội họp, thông tin, quản lý, lưu trữ công văn, tài liệu, hồ sơ vụ việc; quản lý lao động (từ Điều 14 đến Điều 19); đồng thời bổ sung thêm quy định về nguyên tắc làm việc (Điều 13) cho phù hợp với yêu cầu của tình hình mới.

Đáng lưu ý là các quy định mới liên quan đến nguyên tắc làm việc, theo đó Trung tâm làm việc theo chế độ của đơn vị sự nghiệp, bảo đảm nguyên tắc tập trung, dân chủ, phát huy tính chủ động, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của viên chức. Người thực hiện trợ giúp pháp lý chịu trách nhiệm cá nhân trước pháp luật và trước Giám đốc, Trưởng phòng hoặc Trưởng Chi nhánh về toàn bộ nội dung vụ việc trợ giúp pháp lý do mình thực hiện. Giám đốc, Trưởng phòng, Trưởng Chi nhánh không được can thiệp hoặc gây áp lực vì mục đích cá nhân, tư lợi đến việc thực hiện trợ giúp pháp lý (Điều 13). Nguyên tắc này rất quan trọng, không chỉ xác định phạm vi thẩm quyền, trách nhiệm của từng vị trí công tác, mà còn bảo đảm tính độc lập tương đối giữa các hoạt động mang tính quản lý hành chính với hoạt động chuyên môn nghiệp vụ nhằm bảo đảm cho việc thực hiện trợ giúp pháp lý được khách quan, vô tư và đúnga pháp luật, phù hợp với nguyên tắc trách nhiệm cá nhân về nội dung vụ việc trợ giúp pháp lý.

2.4. Làm rõ mối quan hệ công tác giữa Trung tâm với Chi nhánh

Quy chế làm rõ mối quan hệ giữa Trung tâm với các cơ quan, tổ chức có liên quan như Cục Trợ giúp pháp lý, Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp, Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý, các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, các cơ quan, tổ chức khác ở địa phương và mối quan hệ trong Trung tâm. Trong đó điểm mới là lần đầu tiên, Quy chế xác định mối quan hệ giữa Trung tâm với Phòng Tư pháp, với Chi nhánh, Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý và với các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý khác. Theo đó, Trung tâm phối hợp với Phòng Tư pháp thực hiện thông tin về tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý, phát triển mạng lưới cộng tác viên, khảo sát nhu cầu, triển khai hoạt động trợ giúp pháp lý ở địa phương, bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kỹ năng trợ giúp pháp lý cho công chức tư pháp hộ tịch (Điều 22). Trung tâm quản lý toàn diện về tổ chức, hoạt động của Chi nhánh và chịu trách nhiệm về toàn bộ hoạt động của Chi nhánh; thực hiện việc hướng dẫn, quản lý về chuyên môn, nghiệp vụ đối với Chi nhánh; có trách nhiệm bảo đảm kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị hoạt động của Chi nhánh (Điều 23). Trung tâm trực tiếp hoặc thông qua Chi nhánh hướng dẫn sinh hoạt Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý; cử Trợ giúp viên pháp lý, cộng tác viên tham gia sinh hoạt hoặc định hướng sinh hoạt Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý (Điều 24).

Phòng Quản lý Nghiệp vụ, Cục Trợ giúp pháp lý

Xem thêm »