Bắt đầu tăng lương tối thiểu tại doanh nghiệp từ ngày 01/01/2011

04/11/2010
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Ngày 29/10/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 107/2010/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng đối với lao động Việt Nam làm việc cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế và cá nhân người nước ngoài tại Việt Nam và Nghị định số 108/2010/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở các công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức khác của Việt Nam có thuê mướn lao động.

Theo quy định tại hai văn bản nêu trên, năm 2011 sẽ tăng mức lương tối thiểu vùng đối với lao động làm việc tại doanh nghiệp; mức lương tối thiểu vùng sắp tới sẽ cao hơn mức lương hiện nay khoảng từ 100.000 - 370.000 đồng/tháng. Cụ thể, mức lương tối thiểu vùng để trả công người lao động làm công việc đơn giản nhất trong điều kiện lao động bình thường ở các doanh nghiệp trong nước tại vùng I là 1,35 triệu đồng/tháng, vùng II là 1,2 triệu đồng/tháng, vùng III là 1,05 triệu đồng/tháng và vùng IV là 830 nghìn đồng/tháng; đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại vùng I là 1,55 triệu đồng/tháng, vùng II là 1,35 triệu đồng/tháng, vùng III là 1,17 triệu đồng/tháng và vùng IV là 1,1 triệu đồng/tháng.

Chính phủ cũng đưa ra 2 mốc thời gian để thực hiện áp dụng mức lương tối thiểu vùng: Từ ngày 01/01/2011 đối với các địa bàn quy định tại Phụ lục I; từ ngày 01/7/2011 đối với các địa bàn quy định tại Phụ lục II. Cũng theo các Phụ lục, Vùng I bao gồm các quận thuộc thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Vùng II bao gồm một số huyện của Hà Nội; các quận và một số huyện của Hải Phòng; thành phố Hải Dương; thành phố Vĩnh Yên, thị xã Phúc Yên và huyện Bình Xuyên tỉnh Vĩnh Phúc; thành phố Hạ Long, Móng Cái tỉnh Quảng Ninh…

Mức lương tối thiểu vùng được dùng làm căn cứ tính các mức lương trong thang lương, bảng lương, các loại phụ cấp lương, tính các mức lương ghi trong hợp đồng lao động, thực hiện các chế độ khác do doanh nghiệp xây dựng và ban hành theo thẩm quyền. Đối với người lao động đã qua học nghề (kể cả lao động do doanh nghiệp tự dạy nghề), mức tiền lương thấp nhất phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng. Chính phủ khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện mức lương tối thiểu cao hơn mức lương tối thiểu vùng.

Nghị định 108 còn quy định riêng đối với các công ty mẹ - tập đoàn kinh tế nhà nước trong thời gian chưa xây dựng được hệ thống thang lương, bảng lương theo quy định tại Nghị định số 101/2009/NĐ-CP ngày 05/11/2009; công ty nhà nước chưa chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên; các tổ chức, đơn vị hiện đang áp dụng chế độ tiền lương như công ty nhà nước tiếp tục điều chỉnh hệ số lương tăng thêm so với mức tối thiểu chung để xác định đơn giá tiền lương, quỹ tiền lương cho Hội đồng quản trị (Hội đồng thành viên); Tổng Giám đốc (Giám đốc) quy định tại Nghị định 205/2004/NĐ-CP, Nghị định 206/2004/NĐ-CP, Nghị định 207/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004; Nghị định 141/2007/NĐ-CP ngày 05/9/2007 và Nghị định 28/2010/NĐ-CP ngày 25/3/2010 cho đến khi Chính phủ có quy định mới.

Nghị định số 107/2010/NĐ-CP và Nghị định số 108/2010/NĐ-CP có hiệu lực hành kể từ ngày 01/01/2011, và đồng thời bãi bỏ Nghị định số 97/2009/NĐ-CP và  Nghị định số 98/2009/NĐ-CP ngày 30/10/2009./.

Thành Công

Xem thêm »