Tiếp theo phần 1 (Hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về giao dịch bảo đảm), trong phạm vi phần 2 của bài viết, chúng tôi tập trung phân tích, đánh giá khái quát quá trình hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về đăng ký giao dịch bảo đảm, từ đó đề xuất một số kiến nghị nhằm tiếp tục hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực này.
Phần 2: HOÀN THIỆN KHUÔN KHỔ PHÁP LUẬT VỀ ĐĂNG KÝ GIAO DỊCH BẢO ĐẢM
I. Quá trình hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về đăng ký giao dịch bảo đảm
1. Từng bước ban hành văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hoạt động đăng ký giao dịch bảo đảm và các giao dịch, tài sản khác (sau đây goi chung là giao dịch bảo đảm)
Trước năm 2000 (trước thời điểm Nghị định số 08/2000/NĐ-CP của Chính phủ về đăng ký giao dịch bảo đảm được ban hành), pháp luật Việt Nam không có bất kỳ một văn bản quy phạm pháp luật nào quy định cụ thể, chi tiết về đăng ký giao dịch bảo đảm. Đồng hành với thực tế đó, nhận thức của các tổ chức, cá nhân trong xã hội về đăng ký giao dịch bảo đảm là rất thấp. Tuy nhiên, chỉ sau 06 năm, khung pháp lý về đăng ký giao dịch bảo đảm ở Việt Nam đã tương đối đầy đủ, đáp ứng được những yêu cầu cơ bản, quan trọng của một hệ thống đăng ký giao dịch bảo đảm.
Hiện nay, hoạt động đăng ký giao dịch bảo đảm của Việt Nam được điều chỉnh bởi các văn bản quy phạm pháp luật như: Bộ luật dân sự 2005, Bộ luật hàng hải Việt Nam 2005, Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, Luật Đất đai 2003; Nghị định số 08/NĐ-CP ngày 10/3/2000 của Chính phủ về đăng ký giao dịch bảo đảm; Nghị định số 163/2000/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm và một số văn bản hướng dẫn khác.
Do vậy, khung pháp lý về đăng ký giao dịch bảo đảm của Việt Nam đã từng bước được xây dựng, hoàn thiện, đáp ứng được những mục tiêu chủ yếu sau đây: (i) Công khai hoá các giao dịch bảo đảm cho mọi cá nhân, tổ chức có nhu cầu tìm hiểu, giúp họ có các thông tin chính xác, tin cậy trước khi quyết định xác lập các giao dịch dân sự, kinh tế, thương mại, đặc biệt đối với hoạt động đầu tư vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh; (ii) Xác định thứ tự ưu tiên thanh toán giữa các bên cùng nhận cầm cố, thế chấp trong trường hợp dùng một tài sản để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ dân sự; (iii) Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các bên trong giao dịch bảo đảm, của cá nhân, tổ chức có liên quan và phòng ngừa những hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động tín dụng ngân hàng và (iv) Góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho thị trường tín dụng không những phát triển nhanh, mà còn phát triển trong thế ổn định và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xét xử của Toà án đối với các tranh chấp về giao dịch bảo đảm.
2. Từng bước mở rộng phạm vi đối tượng đăng ký
Để đảm bảo tính minh bạch về tình trạng pháp lý của tài sản, một trong những yêu cầu đặt ra là phải mở rộng phạm vi các giao dịch, tài sản được đăng ký. Do vậy, một trong những kết quả đạt được trong tiến trình hoàn thiện pháp luật về đăng ký giao dịch bảo đảm là đã mở rộng hơn phạm vi các giao dịch, tài sản được đăng ký vì nếu như trước đây, pháp luật Việt Nam chỉ quy định về đăng ký thế chấp, cầm cố, bảo lãnh, thì hiện nay các giao dịch, tài sản được đăng ký đã mở rộng hơn, bao gồm: thế chấp tài sản, cầm cố tài sản, đặt cọc, ký cược, ký quỹ; hợp đồng mua trả chậm, trả dần có bảo lưu quyền sở hữu của bên bán; hợp đồng thuê tài sản có thời hạn từ một năm trở lên; hợp đồng cho thuê tài chính; hợp đồng chuyển giao quyền đòi nợ.
Với việc mở rộng hơn phạm vi các giao dịch, tài sản là đối tượng đăng ký, pháp luật Việt Nam đang dần tiệm cận với pháp luật của các nước có hệ thống đăng ký giao dịch bảo đảm phát triển. Song, trong thời gian tới, chúng ta vẫn cần tiếp tục nghiên cứu để bổ sung những giao dịch, tài sản được đăng ký.
3. Đơn giản và minh bạch hoá hồ sơ, thủ tục đăng ký
Việt Nam đã không ngừng đổi mới về hồ sơ, thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm nhằm đáp ứng yêu cầu, mục tiêu cải cách hành chính, cải cách tư pháp. Với những nỗ lực trong việc hoàn thiện thể chế, pháp luật về đăng ký giao dịch bảo đảm, Việt Nam đã đạt được những kết quả chủ yếu sau:
3.1. Rút ngăn thời hạn đăng ký giao dịch, tài sản tại các cơ quan có thẩm quyền đăng ký giao dịch bảo đảm;
3.2. Đơn giản hoá hồ sơ đăng ký, cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm, ví dụ như trong một số trường hợp thì đơn yêu cầu đăng ký chỉ cần có chữ ký, con dấu (nếu có) của một trong các bên tham gia giao dịch bảo đảm;
3.3. Minh bạch hoá về thủ tục, trong đó quy định rõ những giấy tờ, tài liệu khi thực hiện đăng ký, xác định rõ trách nhiệm của cán bộ đăng ký, cũng như các trường hợp từ chối đăng ký;
3.4. Thống nhất quy trình, thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm với đăng ký các hợp đồng, tài sản là động sản không phải là tàu bay, tàu biển tại các Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản.
Những cải cách trên của pháp luật về đăng ký giao dịch bảo đảm đã tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân khi tiếp cận với hệ thống đăng ký giao dịch bảo đảm, đáp ứng tốt yêu cầu, số lượng các giao dịch trong đời sống dân sự, kinh doanh.
4. Hoàn thiện quy định về tổ chức, hoạt động của hệ thống cơ quan có thẩm quyền đăng ký giao dịch bảo đảm
Hiện nay, hệ thống cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm của Việt Nam được tổ chức như sau:
- Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản của Cục đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm thuộc Bộ Tư pháp thực hiện đăng ký giao dịch bảo đảm và các giao dịch, tài sản là động sản (trừ tàu bay, tàu biển);
- Cơ quan đăng ký tàu biển khu vực thực hiện đăng ký giao dịch bảo đảm bằng tàu biển;
- Cục Hàng không Việt Nam thực hiện đăng ký giao dịch bảo đảm bằng tàu bay;
- Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc thuộc Phòng Tài nguyên và Môi trường quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh thực hiện đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất.
Trong thời gian qua, Việt Nam đã không ngừng xây dựng hệ thống cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm theo hướng giảm bớt đầu mối các cơ quan đăng ký, từng bước hướng tới mô hình cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm, nhất là đăng ký giao dịch bảo đảm bằng động sản đáp ứng được các tiêu chí, yêu cầu của hệ thống đăng ký hiện đại là an toàn (đảm bảo xác định chính xác thứ tự ưu tiên thanh toán), gần gũi với người sử dụng (tổ chức, cá nhân dễ dàng tiếp cận với dịch vụ đăng ký), tiết kiệm (giảm thiểu chi phí khi khách hàng tiến hành đăng ký, tìm hiểu thông tin về các giao dịch bảo đảm) và hiệu quả (với sự trợ giúp của các trang thiết bị trong quá trình đăng ký, giúp cho việc đăng ký được thực hiện nhanh nhất, với chi phí khiêm tốn nhất).
Song, trong thời gian tới, Việt Nam cần tiếp tục đổi mới tổ chức, hoạt động của hệ thống cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm, tiến tới mô hình đăng ký tập trung các giao dịch bảo đảm. Đây là một trong những vấn đề mấu chốt nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả của hệ thống cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm. Song, mức độ tập trung và cách thức tiến hành cần được xem xét, nghiên cứu kỹ lưỡng nhằm thiết lập hệ thống đăng ký giao dịch bảo đảm hiện đại và duy trì được sự ổn định trong hoạt động đăng ký, tránh những tác động tiêu cực đối với các giao dịch trong nền kinh tế.
5. Pháp luật khẳng định nguyên tắc công khai hóa thông tin về tình trạng pháp lý của tài sản bảo đảm
Cung cấp thông tin là một mục tiêu quan trọng của tất cả các hệ thống đăng ký giao dịch bảo đảm trên thế giới. Do vậy, trong thời gian qua, một trong những kết quả quan trọng mà Việt Nam đạt được là thông tin về tình trạng pháp lý của tài sản bảo đảm đã đăng ký tại các cơ quan có thẩm quyền đều được lưu giữ và cung cấp công khai cho các tổ chức, cá nhân có yêu cầu. Pháp luật Việt Nam khẳng định quyền được tiếp cận thông tin về tài sản bảo đảm của các tổ chức, cá nhân khi xác lập, thực hiện các giao dịch liên quan đến tài sản bảo đảm. Đồng thời, đây là cũng là trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền đăng ký giao dịch bảo đảm. Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, hoạt động cho vay có bảo đảm để phát triển sản xuất, kinh doanh ngày một mở rộng hơn cả về hình thức và mức độ. Đồng thời, nhu cầu bảo đảm an toàn pháp lý cho các bên khi tham gia giao dịch ngày càng tăng. Trong bối cảnh đó, việc công khai, minh bạch hoá thông tin về tình trạng pháp lý của tài sản càng đặc biệt có ý nghĩa, góp phần lành mạnh thị trường tài chính - tiền tệ, ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tín dụng, ngăn ngừa những tác động tiêu cực đối với sự ổn định và phát triển môi trường đầu tư ở nước ta.
Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận rằng, ý thức tìm hiểu thông tin về tình trạng pháp lý của tài sản tại các cơ quan có thẩm quyền đăng ký của các tổ chức, cá nhân trong xã hội vẫn còn hạn chế. Chúng tôi xem đây là một thách thức đối với hệ thống đăng ký giao dịch bảo đảm của Việt Nam.
II. Một số kiến nghị nhằm tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về đăng ký giao dịch bảo đảm
Trên cơ sở những kết quả đạt được trong thời gian qua, để tiếp tục hoàn thiện pháp luật về đăng ký giao dịch bảo đảm, chúng ta cần nghiên cứu, thực hiện một số giải pháp chủ yếu sau đây:
1. Chuẩn hoá hệ thống đăng ký giao dịch bảo đảm
Hiện nay, giao dịch bảo đảm được đăng ký tại nhiều cơ quan trên cơ sở phân biệt theo loại tài sản, cụ thể: đăng ký giao dịch bảo đảm bằng tài sản là động sản (trừ tàu bay, tàu biển) được thực hiện tại các Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản thuộc Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm - Bộ Tư pháp, giao dịch bảo đảm bằng tàu bay thực hiện tại Cục Hàng không Việt Nam, giao dịch bảo đảm bằng tàu biển thực hiện tại Cơ quan đăng ký tàu biển khu vực, giao dịch bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất thực hiện tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Sở và Phòng Tài nguyên và Môi trường. Mỗi hệ thống đăng ký giao dịch bảo đảm có một quy trình, cách thức và thủ tục khác nhau, chưa được chuẩn hoá. Thực tế đó, dẫn đến những khó khăn như: các quy định thiếu thống nhất, đồng bộ, khó khăn trong quá trình chuẩn hoá hệ thống đăng ký.
2. Luật hoá các quy định về đăng ký giao dịch bảo đảm
Sau một thời gian áp dụng, pháp luật Việt Nam về đăng ký giao dịch bảo đảm đã bộc lộ những điểm bất hợp lý như: thiếu tính thống nhất, đồng bộ; hiệu lực áp dụng chưa cao; nhiều vấn đề phát sinh chưa được điều chỉnh... Do vậy, Việt Nam cần sớm ban hành Luật đăng ký giao dịch bảo đảm, trên cơ sở pháp điển hoá các quy định hiện hành, tiếp thu những kinh nghiệm của pháp luật của các nước có hệ thống đăng ký giao dịch bảo đảm phát triển, hoàn thiện, phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam. Dự án Luật Đăng ký giao dịch bảo đảm phải thể hiện được mục tiêu chủ yếu sau đây:
a) Bãi bỏ các quy định không còn phù hợp với thực tiễn, bổ sung các quy định mới, phù hợp và có tính dự liệu cao đối với thực tiễn đăng ký giao dịch bảo đảm;
b) Xây dựng, ban hành các quy định về Đăng ký viên nhằm chuẩn hóa yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ đối với các cán bộ làm công tác đăng ký tại các cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm; nâng cao trách nhiệm và bảo đảm quyền lợi cho những cán bộ này;
c) Đảm bảo sự tương thích của pháp luật về đăng ký giao dịch bảo đảm của Việt Nam và quốc tế, tạo môi trường pháp lý thuận lợi nhằm thúc đẩy sự phát triển của các giao dịch dân sự, kinh tế có yếu tố nước ngoài, đáp ứng các đòi hỏi của việc gia nhập Tổ chức Thương mại Quốc tế (WTO) nói riêng và yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế nói chung;
d) Phục vụ tốt mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế thông qua cơ chế đăng ký đơn giản, thuận lợi cho các chủ nợ, các nhà đầu tư trong việc nhanh chóng xác định được quyền, lợi ích của mình đối với tài sản bảo đảm, các khoản đầu tư; từ đó góp phần thúc đẩy các hoạt động đầu tư trực tiếp và gián tiếp, tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho việc tiến hành các giao dịch kinh tế, thương mại; tạo cơ sở pháp lý giúp các thành phần kinh tế có thể vừa thu hút vốn đầu tư (trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua thị trường tài chính), vừa tiếp tục sử dụng các nguồn lực kinh tế hiện có để phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh.
3. Tiếp tục mở rộng phạm vi đối tượng đăng ký giao dịch bảo đảm
Đăng ký các giao dịch, quyền đối với tài sản, tuy không phải là giao dịch bảo đảm nhưng được coi là giao dịch bảo đảm. Các giao dịch, quyền đối với tài sản này có thể được xác lập theo hợp đồng (Thuê mua tài chính; thuê tài sản, bán, chuyển nhượng quyền yêu cầu thanh toán, bán hợp đồng mua bán có bảo đảm, bán hàng thông qua đại lý v.v…), có thể được xác lập theo quy định của pháp luật (quyền ưu tiên thanh toán, quyền cầm giữ) hoặc được xác lập theo bản án, quyết định của Toà án, quyết định của tổ chức, cá nhân có thẩm quyền (quyền được ưu tiên thanh toán từ tài sản kê biên để thi hành án; từ khối tài sản của con nợ, bên có nghĩa vụ bị phong toả, cấm chuyển dịch theo quyết định của Toà án v.v…)
Tham khảo kinh nghiệm của nhiều quốc gia, chúng tôi nhận thấy, những giao dịch, quyền đối với tài sản nêu trên, tuy không có tính chất như các giao dịch bảo đảm, nhưng cần thiết được đăng ký, vì lý do muốn tạo cơ hội tối đa để các chủ nợ (hiện tại và trong tương lai) biết được liệu đã có quyền, lợi ích nào của bên thứ ba được thiết lập trên vật được dùng làm tài sản bảo đảm chưa. Pháp luật hiện hành vẫn chưa có quy định để điều chỉnh đầy đủ các giao dịch, quyền đối với tài sản. Do đó, nếu một người tìm hiểu thông tin tại cơ quan đăng ký, thì chỉ có thể tìm được thông tin liên quan đến việc cầm cố, thế chấp, bảo lãnh và cho thuê tài chính. Tuy nhiên, có những giao dịch không phải giao dịch bảo đảm, nhưng nó có liên quan tới một số chủ nợ, và dưới con mắt của các chủ nợ, thì các giao dịch này được coi như giao dịch bảo đảm.
4. Bổ sung, hoàn thiện cơ sở pháp lý để vận hành Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về giao dịch bảo đảm
Để xây dựng thành công Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về giao dịch bảo đảm đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả giữa các Bộ, ngành có liên quan, các cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm chuyên ngành. Thực tế cho thấy, một trong những tiêu chí để đánh giá năng lực, hiệu quả của hệ thống đăng ký giao dịch bảo đảm tại một quốc gia là khả năng cung cấp thông tin về tình trạng pháp lý của tài sản được thực hiện nhanh nhất, chính xác nhất với chi phí hợp lý nhất. Do vậy, xây dựng Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về giao dịch bảo đảm là mục tiêu của các quốc gia đang hướng tới mổ hệ thống đăng ký giao dịch bảo đảm khoa học, hiệu quả và chính xác.
Có thể khẳng định, cùng với các thiết chế khác (ví dụ như: hợp đồng, công chứng, luật sư), thiết chế về đăng ký giao dịch bảo đảm góp phần giúp các giao dịch bảo đảm được xác lập, thực hiện minh bạch, công khai trong môi trường pháp lý thông thoáng, an toàn, phù hợp với tính chất của các giao dịch dân sự, kinh doanh, thương mại.
Hồ Quang Huy (Bộ Tư pháp)