Ngày 17/6/2009, tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XII đã thông qua Luật Lý lịch tư pháp (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2010). Để hướng dẫn thi hành luật này, ngày 23/11/2010, Chính phủ đã ban hành
Nghị định số 111/2010/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Lý lịch tư pháp.
Nghị định tập trung hướng dẫn về 04 vấn đề chủ yếu thuộc phạm vi thẩm quyền quản lý của Chính phủ do Luật Lý lịch tư pháp quy định đó là: (1) Tổ chức của Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia và quản lý lý lịch tư pháp tại địa phương; (2) Lưu trữ và bảo vệ cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp; (3) Lập Lý lịch tư pháp, cập nhật, xử lý thông tin lý lịch tư pháp; (4) Tra cứu, trao đổi, cung cấp thông tin có trước ngày 01/7/2010 để phục vụ việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp và xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp.
Đáng chú ý là các quy định về việc lập Lý lịch tư pháp, trường hợp được miễn lệ phí cấp Phiếu lý lịch tư pháp, và các trường hợp được xóa án tích trong Phiếu lý lịch tư pháp. Có 2 trường hợp được miễn lệ phí cấp Phiếu lý lịch tư pháp là: người thuộc hộ nghèo và người cư trú tại các xã đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật sẽ được miễn lệ phí cấp Phiếu lý lịch tư pháp. Căn cứ vào kết quả xác minh theo quy định, Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia, Sở Tư pháp ghi vào Lý lịch tư pháp của người bị kết án là "đã được xóa án tích" nếu người đó thuộc một trong 2 trường hợp: Không phạm tội mới trong thời hạn đang có án tích theo quy định của Bộ luật Hình sự; có án tích về một tội mà lại bị kết án hoặc bị điều tra, truy tố, xét xử về hành vi phạm tội xảy ra trước hoặc sau thời hạn đang có án tích về tội đó theo quy định của Bộ luật Hình sự.
Ngoài ra, Nghị định cũng quy định trong các trường hợp cấp Phiếu lý lịch tư pháp: Sở Tư pháp (hoặc Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia) phải tiến hành gửi Phiếu xác minh lý lịch tư pháp đến cơ quan Công an cùng cấp trong thời hạn 1 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ yêu cầu; trong thời hạn 7 ngày làm việc (trường hợp đặc biệt, thời hạn tối đa là 9 ngày làm việc) kể từ ngày nhận được Phiếu xác minh lý lịch tư pháp cơ quan Công an thực hiện tra cứu thông tin về tình trạng án tích của đương sự và gửi cho Sở Tư pháp (hoặc Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia).
Sau khi tra cứu thông tin tại cơ quan Công an mà vẫn chưa đủ căn cứ để kết luận hoặc nội dung về tình trạng án tích của đương sự chưa rõ ràng, đầy đủ thì Sở Tư pháp (hoặc Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia) liên hệ với Tòa án đã xét xử sơ thẩm vụ án liên quan đến đương sự để tra cứu hồ sơ, thời hạn tra cứu không quá 5 ngày làm việc.
Trong trường hợp khẩn cấp theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, ngay sau khi nhận được yêu cầu, các cơ quan liên quan thực hiện tra cứu thông tin lý lịch tư pháp của đương sự và cấp Phiếu lý lịch tư pháp trong thời hạn 24h, kể từ thời điểm nhận yêu cầu…
Phiếu lý lịch tư pháp là phiếu do cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp cấp có giá trị chứng minh cá nhân có hay không có án tích; bị cấm hay không bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị Tòa án tuyên bố phá sản.
Cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp bao gồm Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia và Sở Tư pháp.
Theo quy định của Luật, cá nhân có yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp phải nộp lệ phí cấp Phiếu lý lịch tư pháp.
Mức lệ phí cấp Phiếu lý lịch tư pháp với công dân Việt Nam (áp dụng trực tiếp cho người có yêu cầu) là 100.000 đồng.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/01/2011./.
Thành Công