Tại kỳ họp thứ 09, ngày 29/3/2011, Quốc hội khóa XII đã thông qua Luật số 65/2011/QH12 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự. Một trong những sửa đổi, bổ sung quan trọng lần này là việc thay đổi thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự.
Cụ thể, trường hợp pháp luật không có quy định về thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện đối với những tranh chấp về quyền sở hữu tài sản; tranh chấp về đòi lại tài sản do người khác quản lý; chiếm hữu; tranh chấp về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai. Việc không áp dụng thời hiệu khởi kiện trong các tranh chấp nói trên nhằm khắc phục phần nào những bất cập của quy định trước đây đã gây khó khăn cho thực tiễn áp dụng và ảnh hưởng không ít đến quyền lợi của đương sự.
Các tranh chấp không thuộc các trường hợp nêu trên thì thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự là vẫn là 02 năm, kể từ ngày cá nhân, cơ quan, tổ chức biết được quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm như quy định trước đây.
Luật cũng sửa đổi một số quy định theo hướng mở rộng quyền giải quyết của Tòa án trong các vụ việc, vụ án về dân sự, theo đó, yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu và yêu cầu xác định quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản; phân chia tài sản chung để thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án.
Các tranh chấp về dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án được bổ sung 02 loại là: Tranh chấp liên quan đến yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu và Tranh chấp liên quan đến tài sản bị cưỡng chế để thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.
Đương sự trong các vụ việc dân sự có thêm quyền được trực tiếp đưa ra câu hỏi với người khác về vấn đề liên quan đến vụ án khi được phép của Tòa án hoặc đề xuất với Tòa án những vấn đề cần hỏi với người khác; được đối chất với nhau hoặc với người làm chứng (quy định trước đây chỉ cho phép đương sự đề xuất với Toà án những vấn đề cần hỏi người khác; được đối chất với nhau hoặc với nhân chứng).
Luật sửa đổi, bổ sung cũng ghi nhận việc các bên có quyền tự thỏa thuận về việc xác định giá tài sản, tổ chức thẩm định giá tài sản nhằm đảm bảo nguyên tắc tự thỏa thuận trong giao dịch dân sự. Tòa án chỉ ra quyết định định giá tài sản đang tranh chấp sau khi các bên không tự thỏa thuận được tổ chức định giá tài sản hoặc các bên đã thỏa thuận với nhau hoặc với tổ chức thẩm định giá theo mức giá thấp nhằm trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước.
Cũng trong Luật sửa đổi, bổ sung lần này có các quy định chi tiết về trình tự, thủ tục đề nghị xem xét bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm; bên cạnh đó còn quy định thêm thủ tục mới là “Thủ tục đặc biệt xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao”…
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2012./.
Thành Công