Vi phạm quy định về hàng hóa cấm kinh doanh có thể bị phạt tiền đến 35.000.000 đồng

10/12/2010
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Chính phủ vừa mới ban hành Nghị định số 112/2010/NĐ-CP ngày 01/12/2010 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2008/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại. Cụ thể:

Vi phạm quy định về Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp có thể bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng. Mức tiền phạt trên cũng có thể được áp dụng xử phạt đối với hành vi vi phạm về Giấy phép đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư và Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động Chi nhánh, Văn phòng đại diện của doanh nghiệp tại các tỉnh, thành phố.

Vi phạm quy định về Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 1.000.000 đồng. Phạt tiền gấp hai lần mức trên trong trường hợp kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh, kinh doanh có điều kiện hoặc hàng hóa đã bị cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền áp dụng biện pháp khẩn cấp buộc phải thu hồi, tạm ngừng lưu thông, lưu thông có điều kiện hoặc phải có giấy phép.

Vi phạm quy định về hàng hóa cấm kinh doanh có thể bị phạt tiền từ 500.000 đồng 35.000.000 đồng. Phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt trên đối với một trong những trường hợp: hành vi vi phạm là của cá nhân, tổ chức sản xuất, gia công, chế biến, chế tác, tái chế, phân loại, lắp ráp, sang chiết, nạp, đóng gói, nhập khẩu hàng hóa cấm kinh doanh; hàng hóa cấm kinh doanh là hóa chất độc hại, các loại thuốc phòng bệnh, chữa bệnh cho người, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, thực phẩm chiếu xạ, thực phẩm biến đổi gen và các loại trang thiết bị y tế chưa được phép sử dụng tại Việt Nam.

Vi phạm quy định về nhãn hàng hóa có thể bị phạt tiền từ 50.000 đồng đến 10.000.000 đồng. Đối với hành vi kinh doanh hàng hóa có nhãn (kể cả nhãn phụ) hoặc tài liệu kèm theo không ghi đủ hoặc ghi không đúng các nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa hoặc nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn theo tính chất hàng hóa theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa; kinh doanh hàng hóa nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam theo quy định thì bị xử phạt từ 100.000 đồng đến 15.000.000 đồng.

Hành vi kinh doanh hàng giả có thể bị phạt tiền từ 300.000 đồng đến đến 30.000.000 đồng. Phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt trên đối với một trong các trường hợp: hành vi vi phạm là của cá nhân, tổ chức sản xuất, chế biến, pha trộn, gia công, lắp ráp, tái chế, chế tác, phân loại, sang chiết, nạp, đóng gói, nhập khẩu hàng giả; hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh, thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi nếu không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 02 năm 2011./.

Lê Văn Nhật

Xem thêm »