Sự cần thiết ban hành và những điểm mới của Quy chế tập sự hành nghề luật sư ban hành kèm theo Thông tư số 21/2010/TT-BTP

13/12/2010
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

I. Sự cần thiết ban hành Quy chế tập sự hành nghề luật sư (ban hành kèm theo Thông tư số 21/2010/TT-BTP)

1. Về cơ sở pháp lý

 Ngày 29/6/2006, Quốc hội đã thông qua Luật Luật sư thay thế Pháp lệnh luật sư năm 2001. Tuy nhiên, Luật Luật sư chỉ quy định các nguyên tắc cơ bản về việc tập sự hành nghề luật sư. Theo Nghị quyết số 65/2006/QH11 ngày 29/6/2006 của Quốc hội về việc thi hành Luật Luật sư thì trong thời gian tổ chức luật sư toàn quốc chưa được thành lập, việc tổ chức kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư thực hiện theo quy định của Quy chế kiểm tra hết tập sự hành nghề luật sư được ban hành kèm theo Quyết định số 667/2004/QĐ-BTP ngày 08/12/2004 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Tháng 5/2009, Liên đoàn luật sư Việt Nam đã được thành lập. Theo quy định của Luật Luật sư thì Bộ Tư pháp phối hợp với Liên đoàn luật sư Việt Nam ban hành Quy chế tập sự hành nghề luật sư và tổ chức kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư.

2. Về thực tiễn

Trong thời gian qua, việc tập sự hành nghề luật sư và kiểm tra hết tập sự hành nghề luật sư đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập như sau:

Thứ nhất, việc tập sự hành nghề luật sư chưa đảm bảo chất lượng và hiệu quả xuất phát từ một số nguyên nhân sau đây:

- Trên thực tế, nhiều trường hợp đăng ký tập sự chỉ mang tính hình thức. Trong thời gian tập sự, người tập sự hành nghề luật sư (sau đây gọi chung là người tập sự) không được trau dồi kỹ năng, kiến thức đã được học và có ít cơ hội được va chạm với vụ việc thực tiễn.

- Do chưa có một văn bản quy định cụ thể về các quyền và nghĩa vụ của người tập sự nên luật sư hướng dẫn, tổ chức hành nghề luật sư nhận tập sự, tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư gặp nhiều khó khăn trong việc xác định những công việc nào người tập sự được thực hiện và những công việc nào người tập sự không được thực hiện.

- Vẫn còn tình trạng một luật sư hướng dẫn nhận quá nhiều người tập sự. Các luật sư hướng dẫn chưa chú trọng đến việc hướng dẫn, tạo ý thức trách nhiệm cũng như đạo đức nghề nghiệp cho người tập sự.

- Việc giám sát tập sự hành nghề luật sư của các Đoàn luật sư, tổ chức hành nghề luật sư nhận tập sự chưa được quan tâm đúng mức và chưa được thực hiện có hiệu quả. Người tập sự chỉ đăng ký tập sự tại Đoàn luật sư, tuy nhiên, trong quá trình tập sự, nhiều người tập sự không báo cáo đầy đủ những thay đổi trong quá trình tập sự (thay đổi nơi tập sự, luật sư hướng dẫn...) cũng như kết quả tập sự.

Thứ hai, Quy chế kiểm tra hết tập sự hành nghề luật sư được ban hành kèm theo Quyết định số 667/2004/QĐ-BTP ngày 08/12/2004 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp là để thực hiện quy định của Pháp lệnh luật sư năm 2001, vì vậy, một số nội dung của Quy chế không còn phù hợp với yêu cầu mới của Luật Luật sư về việc nâng cao chất lượng đội ngũ luật sư để đáp ứng yêu cầu của cải cách tư pháp và hội nhập kinh tế quốc tế. Hơn nữa, theo quy định của Luật Luật sư, việc kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư được thực hiện theo Quy chế tập sự hành nghề luật sư do Bộ Tư pháp phối hợp với Liên đoàn luật sư Việt Nam ban hành.

Xuất phát từ các lý do nêu trên, việc xây dựng Quy chế tập sự hành nghề luật sư (sau đây gọi tắt là Quy chế) để điều chỉnh quá trình tập sự cũng như việc kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư là rất cần thiết.

II. Những điểm mới của Quy chế tập sự hành nghề luật sư

1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

Quy chế quy định việc tập sự hành nghề luật sư, kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư, xử lý kỷ luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc tập sự hành nghề luật sư và kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư.

Đối tượng áp dụng của Quy chế bao gồm: người tập sự, luật sư hướng dẫn, tổ chức hành nghề luật sư nhận người tập sự, người tham dự kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư, tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư, cơ quan quản lý nhà nước về luật sư và hành nghề luật sư.

Như vậy, Quy chế đã mở rộng hơn phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng so với Quy chế kiểm tra hết tập sự hành nghề luật sư hiện hành. Nếu Quy chế hiện hành chỉ quy định về việc kiểm tra hết tập sự hành nghề luật sư thì Quy chế mới quy định cả quy trình tập sự, từ việc tập sự tại các tổ chức hành nghề luật sư đến việc kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư. Qua quá trình lấy ý kiến, tuyệt đại đa số ý kiến đều thống nhất với phạm vi điều chỉnh của Quy chế.

2. Về trách nhiệm giám sát việc tập sự hành nghề luật sư

Quy chế phân định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về luật sư và hành nghề luật sư với trách nhiệm của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư (Đoàn luật sư, Liên đoàn luật sư Việt Nam). Theo đó, cơ quan quản lý nhà nước về luật sư và hành nghề luật sư có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy chế; Đoàn luật sư có trách nhiệm giám sát người tập sự, luật sư hướng dẫn và tổ chức hành nghề luật sư nhận tập sự trong việc thực hiện Quy chế; căn cứ vào quy định của Quy chế tập sự hành nghề luật sư và Điều lệ của mình, Liên đoàn luật sư Việt Nam có trách nhiệm giám sát các Đoàn luật sư trong việc thực hiện Quy chế.

3. Về tập sự hành nghề luật sư

3.1. Về nhận tập sự hành nghề luật sư

Quy chế đưa ra nguyên tắc lựa chọn, thoả thuận việc tập sự hành nghề luật sư. Để mở rộng không gian thoả thuận và tôn trọng sự lựa chọn của người tập sự và tổ chức hành nghề luật sư nhận tập sự, Quy chế quy định hình thức thoả thuận là Giấy xác nhận về việc nhận tập sự hoặc hợp đồng theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp người tập sự không thoả thuận được với một tổ chức hành nghề luật sư về việc nhận người đó vào tập sự, Quy chế quy định rõ Ban Chủ nhiệm Đoàn luật sư có trách nhiệm giới thiệu, xem xét, phân công một tổ chức hành nghề luật sư nhận người tập sự. Đây là quy định mới của Quy chế so với Quy chế kiểm tra hết tập sự hành nghề luật sư, tạo điều kiện thuận lợi cho người tập sự thực hiện được quyền chính đáng của mình là được tập sự tại một tổ chức hành nghề luật sư.

Quy chế cũng quy định cụ thể về tổ chức hành nghề luật sư nhận tập sự bao gồm tổ chức hành nghề luật sư Việt Nam và tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam. Chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư Việt Nam, chi nhánh của công ty luật nước ngoài tại Việt Nam được nhận người tập sự khi được sự ủy quyền bằng văn bản của người đứng đầu tổ chức hành nghề luật sư hoặc Giám đốc công ty luật nước ngoài tại Việt Nam.

3.2. Về việc đăng ký tập sự hành nghề luật sư

Quy chế quy định cụ thể về người tập sự hành nghề luật sư, những trường hợp không được đăng ký tập sự hành nghề luật sư, hồ sơ, giấy tờ cũng như thủ tục đăng ký tập sự, vừa bảo đảm cho các Đoàn luật sư có căn cứ để giám sát hiệu quả việc tập sự hành nghề luật sư, vừa bảo đảm thuận tiện cho người tập sự.

3.3. Về thời gian tập sự hành nghề luật sư

Căn cứ vào quy định của Luật Luật sư, Quy chế quy định cụ thể hơn về thời gian tập sự hành nghề luật sư. Quy chế cũng đưa ra quy định về cách tính thời gian tập sự trong trường hợp người tập sự thay đổi nơi tập sự hành nghề luật sư. Để tránh tình trạng người tập sự thường xuyên chuyển nơi tập sự, gây khó khăn cho công tác giám sát và quản lý của Đoàn luật sư, đồng thời để bảo đảm hiệu quả của việc tập sự, Quy chế quy định thời gian tập sự tại mỗi tổ chức hành nghề luật sư ít nhất là sáu tháng và phải có xác nhận bằng văn bản của tổ chức hành nghề luật sư nơi người đó đã tập sự, nhận xét bằng văn bản của luật sư hướng dẫn. Ngoài ra, Quy chế cũng quy định rõ trong các trường hợp đặc biệt do lý do khách quan mà người tập sự đã tập sự được từ đủ một tháng đến dưới sáu tháng tại một tổ chức hành nghề luật sư thì thời gian tập sự này sẽ được tính vào tổng thời gian đã tập sự. Đây là quy định mới so với các quy định trước đây.

3.4. Về việc thay đổi nơi tập sự hành nghề luật sư

Quy chế quy định cụ thể về thủ tục thay đổi nơi tập sự hành nghề luật sư trong một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc thay đổi nơi tập sự hành nghề luật sư từ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương này sang tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác. Đây là điểm mới của Quy chế so với Quy chế kiểm tra hết tập sự hành nghề luật sư hiện hành. Quy định này nhằm giúp cho người tập sự hoàn thành việc tập sự mà không bị gián đoạn.

3.5. Về việc tạm ngừng, chấm dứt việc tập sự hành nghề luật sư

Quy chế quy định rõ các trường hợp và thủ tục tạm ngừng, chấm dứt việc tập sự hành nghề luật sư. Tuy nhiên, thời gian tạm ngừng việc tập sự hành nghề luật sư không quá ba tháng, trừ trường hợp có lý do chính đáng. Đây là điểm mới của Quy chế so với các quy định trước đây.

3.6. Về việc gia hạn tập sự hành nghề luật sư

Quy chế quy định hai trường hợp được gia hạn tập sự là: không đạt yêu cầu tập sự theo đánh giá của luật sư hướng dẫn và tổ chức hành nghề luật sư nhận tập sự hoặc không đạt yêu cầu kỳ kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư. Ngoài ra, Quy chế còn quy định người tập sự được gia hạn tối đa không quá hai lần, mỗi lần từ sáu tháng đến mười hai tháng. Quy định về việc gia hạn tập sự hành nghề luật sư tạo điều kiện cho những người có mong muốn trở thành luật sư có thể hoàn thành việc tập sự để tham dự kỳ kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư và được cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư.

3.7. Về quyền, nghĩa vụ của người tập sự

Theo quy định của Luật Luật sư, người tập sự được giúp luật sư hướng dẫn trong hoạt động nghề nghiệp, không được nhận và thực hiện dịch vụ pháp lý cho khách hàng. Quy định này của Luật Luật sư là điểm mới so với quy định của Pháp lệnh luật sư năm 2001. Theo quy định của Pháp lệnh luật sư năm 2001 và các văn bản hướng dẫn thi hành thì luật sư tập sự được tham gia tố tụng trong các vụ án thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án nhân dân cấp huyện, Toà án quân sự khu vực theo sự phân công của luật sư hướng dẫn khi được khách hàng đồng ý, được thực hiện tư vấn pháp luật và các dịch vụ pháp lý khác cho khách hàng theo sự phân công của luật sư hướng dẫn khi được khách hàng đồng ý, nhưng không được ký văn bản tư vấn pháp luật.

Vì vậy, sau khi Luật Luật sư được ban hành, trên thực tế, người tập sự, luật sư hướng dẫn, tổ chức hành nghề luật sư và các Đoàn luật sư gặp khó khăn trong việc xác định các quyền và nghĩa vụ mà người tập sự thực hiện trong thời gian tập sự. Xuất phát từ thực tiễn đó, Quy chế đã đưa ra quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của người tập sự trong quá trình tập sự.

3.8. Về báo cáo kết quả tập sự hành nghề luật sư

Quy chế quy định khi hoàn thành thời gian tập sự hành nghề luật sư theo quy định tại khoản 1 Điều 6 của Quy chế, người tập sự có trách nhiệm báo cáo bằng văn bản về kết quả tập sự hành nghề luật sư cho Đoàn luật sư nơi đăng ký tập sự. Quy chế cũng quy định cụ thể nội dung của báo cáo. Quy định mới này góp phần nâng cao trách nhiệm của người tập sự, đồng thời giúp cho các Đoàn luật sư giám sát tốt hơn việc tập sự hành nghề luật sư.

3.9. Về luật sư hướng dẫn

Luật sư hướng dẫn có vai trò rất quan trọng đối với việc nâng cao chất lượng tập sự hành nghề luật sư. Vì vậy, Quy chế quy định cụ thể về các vấn đề liên quan đến luật sư hướng dẫn như: điều kiện đối với luật sư hướng dẫn, trách nhiệm của luật sư hướng dẫn, từ chối hướng dẫn người tập sự, thay đổi luật sư hướng dẫn. Quy chế cũng mở ra quy định cho phép luật sư nước ngoài hành nghề tại Việt Nam được hướng dẫn người tập sự. Đây là một trong những điểm mới đáng lưu ý của Quy chế, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay.

Trong trường hợp người tập sự đề nghị thay đổi luật sư hướng dẫn mà tổ chức hành nghề luật sư không có luật sư khác đủ điều kiện theo quy định tại Điều 13 của Quy chế để hướng dẫn người tập sự thì tổ chức hành nghề luật sư phải thông báo cho Ban Chủ nhiệm Đoàn luật sư; Ban Chủ nhiệm Đoàn luật sư có trách nhiệm phân công tổ chức hành nghề luật sư khác cử luật sư hướng dẫn người tập sự đó.

Các quy định nêu trên vừa góp phần nâng cao trách nhiệm của luật sư hướng dẫn, hạn chế tình trạng một luật sư hướng dẫn nhận quá nhiều người tập sự tại cùng một thời điểm, không đảm bảo chất lượng hướng dẫn tập sự vừa bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tập sự.

3.10. Về trách nhiệm của tổ chức hành nghề luật sư nhận người tập sự và trách nhiệm của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư

Quy chế quy định cụ thể về quyền, nghĩa vụ của tổ chức hành nghề luật sư nhận tập sự, đưa ra các biện pháp mới nhằm tăng cường trách nhiệm của tổ chức hành nghề luật sư luật sư nhận tập sự, tạo điều kiện cho cơ quan quản lý nhà nước về luật sư và hành nghề luật sư và tổ chức xã hội -  nghề nghiệp của luật sư có thế  theo dõi, giám sát người tập sự và tổ chức hành nghề luật sư nhận tập sự như quy định về việc lập sổ theo dõi quá trình tập sự của người tập sự, phân định rõ trách nhiệm của Đoàn luật sư và Liên đoàn luật sư Việt Nam trong việc quản lý và giám sát tập sự hành nghề luật sư của người tập sự.

4. Về kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư

Về cơ bản, Quy chế kế thừa các quy định của Quy chế kiểm tra hết tập sự hành nghề luật sư hiện hành. Tuy nhiên, để phù hợp với các quy định của Luật Luật sư và các quy định khác của pháp luật có liên quan cũng như nâng cao hiệu quả, chất lượng kiểm tra, tăng cường tính minh bạch, khách quan trong việc kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư, Quy chế có một số điểm mới như sau:

Thứ nhất, Quy chế quy định rõ đối tượng được tham dự kỳ kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư. Đó là người tập sự hoàn thành thời gian tập sự theo quy định của Luật Luật sư và được Ban Chủ nhiệm Đoàn luật sư đề nghị cho tham dự kiểm tra.

Thứ hai, đối với hình thức kiểm tra viết, Quy chế quy định bài kiểm tra viết bao gồm hai bài kiểm tra.

Nội dung bài kiểm tra viết thứ nhất gồm hai phần: phần tự chọn và phần bắt buộc liên quan đến các kỹ năng tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng và thực hiện dịch vụ pháp lý khác. Thời gian cho bài kiểm tra viết thứ nhất là 180 phút.

Nội dung bài kiểm tra viết thứ hai tập trung vào pháp luật về luật sư và hành nghề luật sư, Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư. Thời gian cho bài kiểm tra viết thứ hai là 90 phút.

Việc bổ sung bài kiểm tra viết thứ hai nhằm kiểm tra kiến thức của người tập sự về pháp luật về luật sư và hành nghề luật sư, nâng cao đạo đức nghề nghiệp của luật sư, phù hợp với yêu cầu thực tiễn và tinh thần Chỉ thị số 33/CT-TW của Ban Bí thư.

Thứ ba, hồ sơ tham dự kiểm tra được sửa đổi cho phù hợp với quy định của Luật Luật sư và theo hướng đơn giản hoá thủ tục, tạo thuận lợi cho người tập sự, đồng thời vẫn phản ánh được chất lượng tập sự của người tập sự.

Hồ sơ tham dự kiểm tra gồm có:

a) Quyết định về việc đăng ký tập sự hành nghề luật sư;

b) Các báo cáo kết quả tập sự hành nghề luật sư của người tập sự theo quy định tại Điều 12 của Quy chế;

c) Hai hồ sơ về một vụ việc do thí sinh lựa chọn. Hồ sơ phải ghi rõ họ, tên thí sinh; Đoàn luật sư nơi đăng ký tập sự; tên, địa chỉ trụ sở của tổ chức hành nghề luật sư nơi thí sinh tập sự; họ, tên luật sư hướng dẫn; nội dung vụ việc mà thí sinh lựa chọn.

 Thứ tư, căn cứ vào quy định tại khoản 2 Điều 15 của Luật Luật sư, Quy chế quy định về thành phần Hội đồng kiểm tra có sự thay đổi so với quy định của Pháp lệnh luật sư năm 2001. Theo đó, thành phần của Hội đồng kiểm tra gồm đại diện Lãnh đạo Bộ Tư pháp làm Chủ tịch, đại diện Lãnh đạo Liên đoàn luật sư Việt Nam và một số luật sư có kinh nghiệm và uy tín là thành viên. Thành phần Hội đồng kiểm tra bao gồm từ năm đến bảy thành viên do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định.

Thứ năm, Quy chế chỉ quy định mang tính nguyên tắc về các vấn đề liên quan đến việc kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư và dẫn chiếu sang một số quy định có liên quan của Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy ban hành kèm theo Thông tư số 03/2010/TT-BGDĐT ngày 11/02/2010 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đồng thời Quy chế giao cho Chủ tịch Hội đồng kiểm tra quy định cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn của các Ban giúp việc cho Hội đồng kiểm tra bao gồm Ban Thư ký, Ban Coi thi, Ban Chấm thi viết, Ban Chấm thi thực hành và Ban Phúc tra.

Thứ sáu, Quy chế bổ sung quy định về việc thành lập mới Ban Giám sát để giúp Lãnh đạo Bộ giám sát toàn bộ quá trình kiểm tra, bảo đảm tính khách quan, công khai, minh bạch, ngăn ngừa tiêu cực trong hoạt động kiểm tra.

 Bên cạnh đó, Quy chế cũng quy định rõ về việc xử lý vi phạm đối với thí sinh tham dự kiểm tra; xử lý vi phạm đối với thành viên Hội đồng kiểm tra, Ban Thư ký, Ban Coi thi, Ban Chấm thi viết, Ban Chấm thi thực hành, Ban Phúc tra và Ban Giám sát và các vấn đề liên quan đến khiếu nại, tố cáo về việc kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư.

5. Về xử lý kỷ luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo

Quy chế quy định mang tính chất nguyên tắc về các hình thức xử lý kỷ luật người tập sự có hành vi vi phạm quy định của Quy chế và giao cho Liên đoàn luật sư Việt Nam quy định cụ thể về trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật.

Đối với luật sư hướng dẫn có hành vi vi phạm quy định của Quy chế thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật theo quy định tại Điều 85 của Luật Luật sư.

Quy chế cũng quy định cụ thể về việc khiếu nại đối với quyết định, hành vi của Ban Chủ nhiệm Đoàn luật sư và việc tố cáo các hành vi vi phạm quy định của Quy chế, phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành có liên quan.

Kiều Oanh

Xem thêm »