Dự thảo Nghị định về xác định thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái gây ra đối với môi trường: Góp phần hoàn thiện pháp luật về bảo vệ môi trường

16/12/2008
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì xây dựng dự thảo Nghị định về xác định thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái gây ra đối với môi trường, áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi xả thải, xâm hại môi trường hoặc gây ra sự cố làm ô nhiễm, suy thoái môi trường trên lãnh thổ Việt Nam, dẫn đến hậu quả làm suy giảm chức năng và tính hữu ích của môi trường.

Hiện dự thảo đang được lấy ý kiến đóng góp của nhân dân, để phục vụ cho việc đóng góp ý kiến, trong bài viết này, tác giả giới thiệu đến bạn đọc về những nội dung cơ bản của dự thảo Nghị định.

Dự thảo Nghị định gồm 5 chương, 16 điều quy định về xác định thiệt hại khi chức năng và tính hữu ích của các thành phần môi trường bị suy giảm do ô nhiễm, suy thoái gây ra (sau đây gọi chung là thiệt hại đối với môi trường), bao gồm: Thu thập số liệu, chứng cứ về mức độ thiệt hại đối với môi trường; Tính toán thiệt hại đối với môi trường; Xác định đối tượng gây ô nhiễm, suy thoái dẫn đến suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường; Xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

1. Dữ liệu, chứng cứ phục vụ xác định thiệt hại đối với môi trường

- Dữ liệu, chứng cứ về đối tượng gây ô nhiễm, suy thoái cần thu thập để xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại

Các dữ liệu, chứng cứ về đối tượng gây ô nhiễm, suy thoái cần được thu thập để xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại bao gồm: Thời điểm phát sinh các hoạt động xả thải vào môi trường, các hoạt động gây sự cố môi trường, các hoạt động xâm hại môi trường; Dữ liệu, chứng cứ chính về các nguồn có khả năng gây ra ô nhiễm, suy thoái môi trường bao gồm các loại hình hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; sản lượng, nguyên liệu đầu vào, quy trình sản xuất; các điểm xả thải, tần suất xả thải, quy trình xả thải, các chât gây ô nhiễm chính có trong chất thải, hệ thống xử lý nước thải và các thông tin khác về nguồn thải của các đối tượng trực tiếp xả thải hoặc bị tình nghi có nguồn thải gây ô nhiễm, suy thoái môi trường; Các dữ liệu, chứng cứ cần thiết khác.

Dữ liệu, chứng cứ sử dụng để tính toán thiệt hại môi trường có thể dưới các hình thức khác nhau như: tranh ảnh, hình ảnh, băng từ, dữ liệu thu được từ quan trắc, đo đạc, phân tích, viễn thám, hệ thống thông tin địa lý ...

- Dữ liệu, chứng cứ về thiệt hại đối với môi trường cần thu thập để tính toán thiệt hại

          + Đối với môi trường đất, môi trường nước:

Các dữ liệu, chứng cứ về thiệt hại đối với môi trường đất, môi trường nước cần phải được xác định hoặc được ước tính để tính toán mức độ thiệt hại bao gồm: Diện tích, thể tích môi trường nước, môi trường đất bị ô nhiễm; Các chất gây ô nhiễm và hàm lượng trong môi trường đất, môi trường nước bị ô nhiễm được đo ở các vị trí và độ sâu khác nhau đại diện cho khu vực; Chi phí xử lý 1 mét khối đất hoặc nước bị ô nhiễm để đưa hàm lượng các chất gây ô nhiễm về mức đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường theo quy định của pháp luật; Quyết định, giấy phép, văn bản của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cho phép sử dụng hoặc phê duyệt quy hoạch sử dụng các thành phần môi trường tại nơi xảy ra ô nhiễm, suy thoái.

          + Đối với hệ sinh thái tự nhiên:

Các dữ liệu, chứng cứ về thiệt hại đối với hệ sinh thái tự nhiên cần phải được xác định hoặc được ước tính để tính toán mức độ thiệt hại bao gồm: Diện tích hệ sinh thái tự nhiên bị suy thoái; Mức độ bị suy thoái của hệ sinh thái; Chi phí phục hồi hoàn toàn chức năng và tính hữu ích của 1 hécta hệ sinh thái bị suy thoái về mức ban đầu; Quyết định, văn bản của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền quy định giá trị bảo tồn của hệ sinh thái tự nhiên.

          + Đối với các loài hoang dã:

Các dữ liệu, chứng cứ về thiệt hại đối với các loài hoang dã cần phải được xác định hoặc được ước tính để tính toán mức độ thiệt hại bao gồm: Số lượng cá thể loài hoang dã bị chết, bị thương; Chi phí cứu chữa, chăm sóc một cá thể loài hoang dã bị thương; Chi phí nuôi sinh trưởng một cá thể loài hoang dã bị chết; Quyết định, văn bản của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền quy định mức độ ưu tiên bảo vệ của loài hoang dã.

- Hồ sơ về thiệt hại đối với môi trường

Dữ liệu, chứng cứ thu thập được phục vụ việc xác định mức độ thiệt hại và trách nhiệm bồi thường phải được lập thành hồ sơ về thiệt hại đối với môi trường và phải có chữ ký, đóng dấu xác nhận của cơ quan tổ chức thu thập, thẩm định, các đối tượng gây ô nhiễm, suy thoái môi trường hoặc đối tượng mà cơ quan tổ chức thu thập cho rằng có thể là đối tượng gây ô nhiễm, suy thoái môi trường và các bên làm chứng (nếu có).

Hồ sơ về thiệt hại đối với môi trường là căn cứ để tính toán mức thiệt hại môi trường, xác định trách nhiệm bồi thường và giải quyết việc bồi thường thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái gây ra đối với môi trường.

Hồ sơ gốc được lưu giữ tại cơ quan có trách nhiệm thu thập và thẩm định dữ liệu, chứng cứ, được sao và công chứng để gửi cho các bên theo quy định.

2. Nguyên tắc tính toán thiệt hại đối với môi trường

Việc tính toán thiệt hại môi trường căn cứ vào chi phí để xử lý các chất gây ô nhiễm trong môi trường nước và môi trường đất đáp ứng được các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường, chi phí để phục hồi hệ sinh thái tự nhiên và loài hoang dã về bằng hoặc tương đương với trạng thái ban đầu.

Việc tính toán thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái gây ra đối với môi trường dựa trên các dữ liệu, chứng cứ thu thập được trên thực tế hoặc/và được xác định, ước tính theo quy định.

Thiệt hại đối với môi trường của một khu vực địa lý bằng tổng thiệt hại đối với từng thành phần môi trường của khu vực địa lý đó.

3. Nguyên tắc xác định đối tượng gây ô nhiễm, suy thoái và trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với môi trường

Đối tượng gây ô nhiễm, suy thoái được xác định dựa trên các nguyên tắc chính sau đây: Ô nhiễm, suy thoái ở một khu vực địa lý tự nhiên do các nguồn thải phát sinh chất thải rắn, chất thải lỏng, chất thải khí tại khu vực đó hoặc không tại khu vực đó gây ra nhưng tác động xấu đến khu vực đó; Có cơ sở khoa học về tồn tại mối liên hệ nhân quả giữa các chất gây ô nhiễm có thể phát sinh từ nguồn thải với tình trạng suy giảm chức năng và tính hữu ích của môi trường; Việc xác định đối tượng gây ô nhiễm, suy thoái môi trường phải đảm bảo kịp thời, chính xác và công bằng.

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với môi trường được xác định dựa trên các nguyên tắc chính sau đây: Đối tượng gây ô nhiễm, suy thoái môi trường phải có trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại môi trường do mình gây ra; Trường hợp có từ hai đối tượng gây ô nhiễm, suy thoái môi trường trở lên, trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với môi trường được phân bổ cho tất cả các đối tượng tham gia gây ô nhiễm, suy thoái môi trường đó tương ứng với tỉ lệ đóng góp của từng đối tượng trong tổng thiệt hại môi trường.

4. Xác định đối tượng gây ô nhiễm, suy thoái và trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với môi trường

Cơ quan, tổ chức thu thập dữ liệu, chứng cứ ô nhiễm, suy thoái môi trường theo quy định có trách nhiệm tổ chức xác định đối tượng gây ô nhiễm, suy thoái và trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với môi trường.

Việc xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với môi trường trong trường hợp có từ hai nguồn thải trở lên được quy định như sau:

- Các đối tượng tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, có hệ thống xử lý chất thải đạt yêu cầu và chất thải sau xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất thải, được quan trắc định kỳ hàng tuần và lưu giữ đầy đủ số liệu quan trắc thì không phải chịu chi phí bồi thường;

- Các đối tượng gây ô nhiễm, suy thoái môi trường không chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường phải bồi thường toàn bộ thiệt hại đối với môi trường đã được xác định.

Tỉ lệ thiệt hại mà từng đối tượng phải bồi thường tương ứng với khối lượng các chất gây ô nhiễm mà từng đối tượng thải ra môi trường.

5. Giải quyết bồi thường thiệt hại đối với môi trường

Trên cơ sở dữ liệu, chứng cứ về đối tượng gây ô nhiễm, suy thoái, trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với môi trường; dữ liệu, chứng cứ và kết quả tính toán thiệt hại đối với môi trường, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị tòa án giải quyết việc bồi thường thiệt hại đối với môi trường trong từng trường hợp cụ thể theo quy định của pháp luật.

Đình Tuyên

Xem thêm »