Quy định cụ thể về tổ chức và quản lý hệ thống rừng đặc dụng

31/12/2010
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Ngày 24/12/2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 117/2010/NĐ-CP quy định về tổ chức và quản lý hệ thống rừng đặc dụng thuộc lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Theo đó:

Hệ thống rừng đặc dụng bao gồm các loại: vườn quốc gia; khu bảo tồn thiên nhiên gồm khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn loài - sinh cảnh; khu bảo vệ cảnh quan gồm khu rừng di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh; khu rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học.

 Khu dự trữ thiên nhiên phải đảm bảo các tiêu chí: có ít nhất 01 hệ sinh thái rừng tự nhiên quan trọng đối với quốc gia, quốc tế chưa hoặc ít bị biến đổi có giá trị đặc biệt về khoa học, giáo dục hoặc du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Trong trường hợp đặc biệt nếu là rừng trồng thì khu rừng đó phải đảm bảo diễn thế phát triển ổn định tiếp cận và từng bước tái tạo hệ sinh thái tự nhiên; là sinh cảnh tự nhiên của ít nhất 05 loài sinh vật là các loài động, thực vật nguy cấp, quý, hiếm ưu tiên bảo vệ theo quy định của pháp luật; diện tích liền vùng tối thiểu trên 5.000 ha, trong đó ít nhất 90% diện tích là các hệ sinh thái tự nhiên (hoặc nếu là rừng trồng thì khu rừng đó phải đảm bảo diễn thế phát triển ổn định tiếp cận và từng bước tái tạo hệ sinh thái tự nhiên).

Khu bảo tồn loài - sinh cảnh phải đảm bảo các tiêu chí: có ít nhất 01 loài sinh vật đặc hữu hoặc loài nguy cấp, quý, hiếm theo quy định của pháp luật; phải đảm bảo các điều kiện sinh sống, thức ăn, sinh sản… để bảo tồn bền vững các loài sinh vật đặc hữu, nguy cấp, quý, hiếm; có diện tích liền vùng đáp ứng yêu cầu bảo tồn bền vững của các loài sinh vật đặc hữu, nguy cấp, quý, hiếm.

 Khu rừng bảo vệ cảnh quan phải đảm bảo các tiêu chí: khu rừng có giá trị cao về lịch sử, văn hóa, trong đó có di tích lịch sử, văn hóa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận; khu rừng có giá trị cao về cảnh quan môi trường, trong đó có danh lam thắng cảnh cần được bảo vệ và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận; khu rừng do cộng đồng dân cư quản lý, bảo vệ theo phong tục tập quán, hoặc theo truyền thống và tín ngưỡng có giá trị về văn hóa, tín ngưỡng, giáo dục, du lịch sinh thái đặc sắc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận.

Khu rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học phải đảm bảo các tiêu chí: có các hệ sinh thái đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, thực nghiệm khoa học của các tổ chức khoa học, đào tạo có chức năng, nhiệm vụ nghiên cứu, thực nghiệm khoa học lâm nghiệm theo quy định của pháp luật; có quy mô diện tích phù hợp với mục tiêu, yêu cầu nghiên cứu, thực nghiệm khoa học, phát triển công nghệ, đào tạo lâm nghiệp lâu dài.

Vườn quốc gia đáp ứng ít nhất một trong các tiêu chí: có ít nhất 01 mẫu chuẩn hệ sinh thái đặc trưng của một vùng sinh thái hoặc của quốc gia, quốc tế; có diện tích liền vùng tối thiểu trên 10.000 ha, trong đó ít nhất 70% diện tích là các hệ sinh thái tự nhiên; diện tích đất nông nghiệp và đất thổ cư phải nhỏ hơn 5%; có ít nhất 01 loài sinh vật đặc hữu của Việt Nam hoặc có thể bảo tồn sinh cảnh trên 05 loài sinh vật nguy cấp, quý, hiếm theo quy định của pháp luật; có diện tích liền vùng tối thiểu trên 7.000 ha, trong đó ít nhất 70% diện tích là các hệ sinh thái tự nhiên; diện tích đất nông nghiệp và đất thổ cư phải nhỏ hơn 5%; có giá trị đặc biệt quan trọng về bảo vệ cảnh quan, nghiên cứu thực nghiệm khoa học của quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Lê Văn Nhật

Xem thêm »