Giải pháp nâng cao ý thức pháp luật cho nhân dân

10/02/2009
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Thực tế cho thấy, một trong những nguyên nhân dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật là trình độ hiểu biết pháp luật, ý thức pháp luật, sự tôn trọng pháp luật của một bộ phận nhân dân còn hết sức hạn chế. Trong thời gian qua, việc tuyên truyền pháp luật thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và các phương tiện khác đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, so với yêu cầu nâng cao trình độ, ý thức pháp luật cho nhân dân thì những kết quả đó vẫn chưa tương xứng. Chính vì vậy, việc nâng cao trình độ pháp luật cho nhân dân theo yêu cầu quản lý nhà nước bằng pháp luật hiện nay là vấn đề cấp thiết.

Để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân trong thời gian tới, với vai trò là cơ quan tham mưu của thường trực Hội đồng phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh, Phòng Văn bản - Tuyên truyền đề ra một số giải pháp sau đây:

* Nâng cao năng lực hoạt động của Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp:

- Tăng cường sự lãnh đạo, quản lý của cấp ủy Đảng, chính quyền đối với hoạt động của Hội đồng, đặc biệt là giao nhiệm vụ, mục tiêu cụ thể trong từng năm và cung cấp kinh phí đầy đủ, đảm bảo cho Hội đồng triển khai và hoàn thành nhiệm vụ của mình.

- Số lượng các văn bản do trung ương và địa phương ban hành quá nhiều, do vậy Hội đồng các cấp cần phải căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương tổ chức hoạt động thường xuyên để chuyển tải kịp thời các văn bản đến với nhân dân. Việc xây dựng tổ chuyên viên có đầy đủ năng lực về pháp luật để tham mưu cho Hội đồng và trực tiếp triển khai các nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến đặt ra là hết sức cần thiết.

* Tổ chức điều tra, khảo sát để biết được tình hình trong thực tế về trình độ hiểu biết pháp luật của nhân dân:

Sự hiểu biết pháp luật của mỗi cá nhân khác nhau, sự hiểu biết đó phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: nghề nghiệp, khu vực sống, trình độ văn hóa, giới tính... Vì vậy, khảo sát, điều tra thực trạng trình độ hiểu biết pháp luật căn cứ vào các yếu tố như vậy mới có thể xác định được nhu cầu cụ thể của từng nhóm đối tượng, từ đó đề ra mức độ tuyên truyền như thế nào là phù hợp và nâng dần trình độ hiểu biết pháp luật của họ.

Kết quả điều tra, khảo sát là cơ sở thực tế để Hội đồng phối hợp công tác phổ biến pháp luật các cấp lập kế hoạch tuyên truyền, phổ biến pháp luật phù hợp và đảm bảo đạt được kết quả cao.

* Nội dung tuyên truyền pháp luật cần thiết thực, đơn giản, dễ hiểu:

Nội dung tuyên truyền, phổ biến pháp luật hiện nay rất rộng: thông tin về pháp luật, thông tin về thực hiện pháp luật, về tình hình phạm pháp... Đối tượng tuyên truyền, phổ biến pháp luật là toàn dân, trình độ hiểu biết pháp luật chưa cao và mục tiêu của tuyên truyền, phổ biến pháp luật là làm cho các công dân hiểu mình là ai, mình làm gì và làm như thế nào, công dân hiểu và nắm được các quy định của pháp luật để giải quyết công việc, để bảo vệ quyền lợi của mình trước các cơ quan nhà nước. Do vậy nội dung tuyên truyền cần được giải thích bằng ngôn ngữ đơn giản, càng dễ hiểu bao nhiêu càng tốt để tiếp cận được mọi đối tượng một cách hiệu quả, đặc biệt là các nội dung liên quan đến kiến thức pháp luật cơ bản, các khái niệm, các quy phạm pháp luật...

* Triển khai đồng bộ các hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật:

Hiện nay hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh Hậu Giang rất đa dạng: tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền thông qua các hội nghị, tuyên truyền thông qua công tác hoà giải ở cơ sở, qua công tác xét xử của Tòa án, qua tủ sách pháp luật, qua sinh hoạt Câu lạc bộ pháp luật, qua các hội thi... Bên cạnh việc phát huy ngày càng hiệu quả các hình thức này, đối với các vùng nông thôn, vùng sâu cần lựa chọn những hình thức thích hợp như: phát sách hướng dẫn thực hiện pháp luật; tổ chức nói chuyện thường xuyên về pháp luật ở các tụ điểm dân cư; tăng cường các hình thức phát sóng đa dạng, liên tục, hấp dẫn trên hệ thống đài truyền thanh huyện và xã.... Để thực hiện tốt điều đó, Hội đồng phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh Hậu Giang trong năm 2008 đã biên soạn và in ấn sách Pháp luật cho mọi nhà với số lượng 2.000 quyển, 220.000 tờ gấp các loại... nhằm cung cấp cho người dân ở những vùng nông thôn, những nơi mà phương tiện giao thông đi lại khó khăn. Trong đó, tập trung vào các quy định của pháp luật liên quan thiết thực đến quyền và lợi ích của người dân như: Một số quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật đất đai; Luật khiếu nại, tố cao; Luật Bình đẳng giới....

Phòng Văn bản - Tuyên truyền, Sở Tư pháp tỉnh Hậu Giang

Xem thêm »