Một số giải pháp cơ bản thực hiện Đề án “Bồi dưỡng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý giai đoạn 2008 - 2010, định hướng đến năm 2015”

03/02/2009
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Nhằm củng cố, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ trợ giúp pháp lý cho đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý; xây dựng đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý đủ về số lượng, tinh thông về nghiệp vụ, có kỹ năng tư vấn, đại diện và bào chữa (tương đương với Luật sư), có đạo đức và bản lĩnh nghề nghiệp; xây dựng đội ngũ cộng tác viên trợ giúp pháp lý đông đảo từ cấp tỉnh đến cấp huyện và cấp xã, có trình độ nghiệp vụ vững vàng, là lực lượng hỗ trợ đắc lực cho hoạt động trợ giúp pháp lý... ngày 10 tháng 12 năm 2008, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 10/2008/QĐ-BTP phê duyệt Đề án “Bồi dưỡng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý giai đoạn 2008 - 2010, định hướng đến năm 2015”.

Để Đề án “Bồi dưỡng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý giai đoạn 2008 - 2010, định hướng đến năm 2015” triển khai thực hiện có hiệu quả trên thực tế, Đề án đã đưa ra một số giải pháp cơ bản, cụ thể:

Với giai đoạn 2008 - 2010, thực hiện mục tiêu bồi dưỡng nghiệp vụ thường xuyên cho khoảng 1.000 - 1.200 Trợ giúp viên pháp lý; 10.000 cộng tác viên trợ giúp pháp lý; 4.000 - 5.000 thành viên Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý; 1.500 - 2.000 Luật sư, Tư vấn viên pháp luật của các tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý; 126 người (mỗi tỉnh, thành phố 2 người) là đại diện lãnh đạo Sở Tư pháp và lãnh đạo Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước và bồi dưỡng nghiệp vụ cho khoảng 1.000 - 1.200 người thuộc quy hoạch nguồn bổ nhiệm Trợ giúp viên pháp lý có đủ tiêu chuẩn, điều kiện tham dự bồi dưỡng nghiệp vụ để kiểm tra, cấp Chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý theo quy định, Đề án đã đưa ra 05 nhóm giải pháp cơ bản để thực hiện, đó là:

- Xây dựng và hoàn thiện thể chế pháp lý, chế độ, chính sách về hoạt động bồi dưỡng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý.

-Tiến hành rà soát, khảo sát, đánh giá lại đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý để phân tích, đánh giá thực trạng trình độ đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý và nhu cầu bồi dưỡng nghiệp vụ làm cơ sở để xây dựng nội dung, chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ phù hợp.

- Đa dạng hoá các loại hình bồi dưỡng, xây dựng các nội dung, chương trình phù hợp với từng nhóm đối tượng bồi dưỡng khác nhau. Ưu tiên bồi dưỡng người thuộc quy hoạch nguồn bổ nhiệm Trợ giúp viên pháp lý để kiểm tra, cấp Chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý theo quy định.

- Củng cố, tăng cường năng lực, cán bộ cho bộ phận bồi dưỡng nghiệp vụ thuộc Cục Trợ giúp pháp lý để nâng cấp thành Trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ thuộc Cục có đủ nguồn lực về con người và cơ sở vật chất, kinh phí để giúp Cục trưởng thực hiện quản lý, tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý trong toàn quốc.

- Xây dựng, hoàn thiện hệ thống tài liệu, quy trình biên soạn, phát hành tài liệu chính thống phục vụ việc nghiên cứu, giải dạy, học tập các khoá tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý.

Với giai đoạn 2011 - 2015, thực hiện mục tiêu bồi dưỡng nghiệp vụ thường xuyên cho khoảng 1.800 - 2.500 Trợ giúp viên pháp lý; 13.000 cộng tác viên trợ giúp pháp lý; 5.000 - 7.000 thành viên Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý; 2.000 - 3.000 Luật sư, Tư vấn viên pháp luật của các tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý; 126 người (mỗi tỉnh, thành phố 2 người) là đại diện lãnh đạo Sở Tư pháp và lãnh đạo Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước và bồi dưỡng nghiệp vụ cho khoảng 1.000 - 1.200 người thuộc quy hoạch nguồn bổ nhiệm Trợ giúp viên pháp lý có đủ tiêu chuẩn, điều kiện tham dự bồi dưỡng nghiệp vụ để kiểm tra, cấp Chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý theo quy định, Đề án đã đưa ra 04 nhóm giải pháp cơ bản để thực hiện, đó là:

- Xây dựng đội ngũ cộng tác viên là giảng viên chuyên ngành hoặc kiêm nhiệm. Xây dựng chính sách thu hút những cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ, công chức chuyên môn có năng lực và trình độ chuyên môn nghiệp vụ, có kinh nghiệm hoạt động thực tiễn của Bộ, ngành, địa phương, ưu tiên những người có kinh nghiệm giảng dạy, những người là Luật sư, Thẩm phán, Kiểm sát viên, Điều tra viên để hình thành đội ngũ giảng viên kiêm nhiệm.

- Kết hợp chặt chẽ giữa bồi dưỡng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý với quy hoạch và xây dựng chính sách, sử dụng cán bộ.

- Thực hiện phân công, phân cấp hợp lý trong công tác bồi dưỡng nghiệp vụ, bảo đảm tuân thủ Quy chế bồi dưỡng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý và phù hợp với thực tiễn công tác bồi dưỡng của từng cấp.

- Nghiên cứu và đề xuất phân bổ nguồn tài chính của ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương hợp lý cho hoạt động bồi dưỡng nghiệp vụ. Huy động nguồn tài trợ của các cá nhân, tổ chức trong nước và nước ngoại, kinh phí của Quỹ Trợ giúp pháp lý Việt Nam và các nguồn hợp pháp khác cho công tác bồi dưỡng nghiệp vụ, tăng cường năng lực cho đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý.

Bên cạnh các giải pháp cơ bản để thực hiện Đề án, Đề án còn quy định cụ thể trách nhiệm của Cục Trợ giúp pháp lý, trách nhiệm của Học viện Tư pháp, Vụ Kế hoạch tài chính, Vụ Tổ chức cán bộ, Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước và trách nhiệm của các tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tổ chức, triển khai thực hiện hiệu quả Đề án.

Tuấn Minh

Xem thêm »