Dự thảo thông tư liên tịch hướng dẫn cơ cấu tổ chức cơ quan tư pháp địa phương: Nên quy định biên chế tối thiểu của Phòng Tư pháp

06/02/2009
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Nghị định 93/CP ngày 22/8/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp được ban hành đã bổ sung và làm rõ hơn nhiệm vụ của Bộ Tư pháp. Trên cơ sở đó, cơ cấu, chức năng nhiệm vụ của cơ quan tư pháp địa phương cũng có nhiều thay đổi. Để kịp thời giúp các địa phương ổn định tổ chức theo Nghị định mới, Liên Bộ Tư pháp – nội vụ đang phối hợp xây dựng thông tư liên tịch hướng dẫn vấn đề nêu trên.

Cấp Sở: không quá 5 phòng nghiệp vụ

Nghị định 93/CP đã bổ sung chức năng quản lý nhà nước về thi hành pháp luật cho Bộ Tư pháp đồng thời quy định các nhiệm vụ mới trong công tác xây dựng pháp luật, hướng dãn nghiệp vụ công tác pháp chế Bộ, ngành, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, tương trợ tư pháp, đấu giá tài sản.. Căn cứ vào các quy định này, Dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp thuộc UBND cấp tỉnh, Phòng Tư pháp thuộc UBND cấp huyện và nhiệm vụ quyền hạn quản lý công tác tư pháp của UBND cấp xã (gọi chung là cơ quan tư pháp địa phương) quy định Sở Tư pháp giúp UBND cấp tỉnh thực hiện chức năng quản lý trên 16 lĩnh vực với 24 nhiệm vụ cụ thể. Về cơ cấu tổ chức và biên chế, Sở Tư pháp có Giám đốc và không quá 3 Phó Giám đốc (riêng Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh không quá 4 Phó Giám đốc). Các tổ chức được thành lập thống nhất tại các Sở Tư pháp là Văn phòng và Thanh tra (Phòng tổ chức có thể thành lập riêng biệt hoặc không do UBND cấp tỉnh quyết định).

Đối với Phòng nghiệp vụ, dự thảo Thông tư chỉ rõ: tên gọi và số lượng các phòng chuyên môn do địa phương quyết định nhưng phải bao quát hết phạm vi quản lý của Sở, nhưng số lượng các phòng nghiệp vụ không quá 5 đối với các tỉnh, không quá 7 đói với Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, Sở có các tổ chức sự nghiệp là Phòng công chứng, Trung tâm trợ giúp pháp lý và Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản. Biên chế của Sở Tư pháp do UBND tỉnh quyết định.

Cấp huyện: nên quy định biên chế tối thiểu

Năm 2008 được coi là năm tổ chức cán bộ của ngành tư pháp với nhiều chuyển biến tích cực. Cơ quan tư pháp địa phương về cơ bản được củng cố với sự gia tăng đáng kể về số lượng biên chế. 100% các huyện, thị, TP thuộc tỉnh đã thành lập Phòng Tư pháp với bình quân 3,9 người/ phòng. Tuy nhiên, số lượng biên chế dồi dào chỉ tập trung ở một số TP lớn (một số quận ở Hà Nôị có đến 8,9 người/phòng). Tại các địa bàn vùng sâu vùng xa, thậm chí là đồng bằng và những nơi có điều kiện kinh tế phát triển vẫn chỉ có 3 - 4 người/phòng. Với khối lượng công việc như hiện tại, phòng tư pháp vẫn đang rất thiếu người. Và để khắc phục tình trạng này, thời gian qua bằng các chỉ đạo của cấp uỷ chính quyền địa phương, nhiều nơi đã quy định biên chế tối thiểu cho các Phòng Tư pháp. Tuy nhiên, dự thảo Thông tư liên tịch về cơ cấu tổ chức cơ quan tư pháp địa phương thì vấn đề này do Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định. Theo nhiều lãnh đạo Sở Tư pháp thì nên quy định biên chế tối thiểu cho mỗi Phòng Tư pháp là 5 người mới đảm đương được nhiệm vụ như hiện nay.

Cấp xã: Sẽ có 2 công chức tư pháp.

Theo thống kê cho đến đầu năm 2009, cả nước đã có gần 11 ngàn cán bộ tư pháp hộ tịch cấp xã, bình quân 1,15 công chức/xã. Con số này so với 2007 đã được cai thiện  đáng kể. Tuy nhiên với sự phân cấp mạnh mẽ như hiện nay, cấp xã đang phải gánh một khối lượng công việc quá lớn, đặc biệt những công việc đó liên quan thiết thực đến đời sống của người dân (như chứng thực, đăng ký hộ tịch…). Với 1 công chức làm tư pháp như hiện nay thực sự là quá tải. Theo quy định hiện hành chỉ có những xã trên 10 vạn dân mới được bố trí 2 công chức tư pháp. Tuy nhiên thực tế thì do quỹ biên chế có hạn nên nhiều xã trên 10 vạn dân cũng chưa được bố trí 2 công chức tư pháp. Xuất phát từ thực tế này, dự thảo thông tư nói trên đưa ra hướng khắc phục: UBND cấp tỉnh quy định số lượng công chức phụ trách tư pháp hộ tịch đảm bảo cấp xã loại 1 và 2 có 2 công chức (1 công chức tư pháp và 1 công chức hộ tịch), cấp xã loại 3 là 1 công chức tư pháp – hộ tịch.

Thu Hằng

Bà Trương Thị Nga – Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội:

Nên quy định  mỗi Phòng tư pháp ít nhất phải có 5 biên chế mới đảm bảo được khối lượng công việc thực tế. ở Hà Tây (cũ) trước khi Nghị định 93/CP được ban hành, Tỉnh uỷ, UBND đã có chỉ thị về vấn đề này. Và chỉ qua hơn 1 năm, chúng tôi đã củng cố các phòng tư pháp cấp huyện với biên chế nhiều phòng đã đạt 5, 6 công chức/phòng

Ông Nguyễn Đức Hợp, Trưởng phòng tư pháp huyện Phú Xuyên: Hiện nay Phòng Tư pháp huyện mới chỉ có 3 cán bộ, trong đó có một Trưởng phòng. Với địa bàn gồm 24 xã, dù cố gắng mấy chúng tôi cũng không thể xuống cơ sở một cách thường xuyên bởi công việc tại chỗ đã quá nhiều. Tôi đề nghị UBND TP. cho biên chế mỗi phòng tư pháp tối thiểu từ 4-5 người.

Ông Nguyễn Văn Hùng, cán bộ tư pháp xã Bích Hoà, Thanh Oai, Hà Nội: Thực tế mỗi xã chỉ có một cán bộ tư pháp như chúng tôi là không thể kham nổi. Riêng việc trực hàng ngày để đăng ký hộ tịch cho dân đã tốn rất nhiều thời gian trong khi theo quy định nhiều việc cán bộ tư pháp phải giải quyết ngay cho dân, một số việc khác lại phải xuống tận địa bàn. Bên cạnh đó là hàng loạt công việc về phổ biến pháp luật, trợ giúp pháp lý, hoà giải, thi hành án, công tác văn bản…Cán bộ tư pháp tinh thông nghiệp vụ, có kinh nghiệm thì cũng phải làm việc ở mức tối đa, huống hồ nhiều nơi cán bộ tư pháp xã lại thường xuyên được cất nhắc, thay đổi, vừa làm vừa phải học. Tôi đề nghị mỗi xã cần bố trí 2 cán bộ tư pháp.

 

Xem thêm »